Gia đạo và các chuẩn mực đạo đức

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm của Nho giáo về gia đình và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 27 - 42)

Chương 1 QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH

1.2. Những nội dung cơ bản của Nho giáo về gia đình

1.2.2. Gia đạo và các chuẩn mực đạo đức

Đạo cha - con

Đây là mối quan hệ cụ thể gần gũi nhất của bất kỳ gia đình nào trong xã hội. Với mối quan hệ này, Khổng Tử, Mạnh Tử và các nhà nho đưa ra yêu cầu rất cụ thể “cha từ con hiếu”, “cha nghiêm mẹ từ”: Cha mẹ phải đối xử nhân từ với các con, yêu thương chúng, phải là tấm gương mẫu mực về mọi mặt để con cái noi theo, làm theo, để làng xóm nhìn vào; còn con cái phải hiếu thuận với cha mẹ. Bởi theo Nho giáo, “mình mà hiếu thảo với cha mẹ, thì con mình cũng sẽ hiếu thảo với mình. Mình mà bất hiếu, lẽ nào con mình lại có hiếu? Mình hiếu thuận, thì lại sinh ra con hiếu thuận. Mình ngỗ nghịch thì lại sinh ra con ngỗ nghịch” [38, tr.64].

Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, cho đi học và dựng vợ gả chồng cho chúng như Kinh Lễ dạy: “Khi một cậu con trai trưởng thành (20 tuổi) thì theo lễ đội mũ, người cha dạy cho con những phận sự của kẻ trượng phu. Khi một cô gái đến tuổi xuất giá, người mẹ dạy cho con những phận sự của kẻ làm vợ. Khi đưa con về nhà chồng, người mẹ dặn con gái về đạo làm vợ” [13, tr.185].

Ở đây, phận sự của kẻ trượng phu chính là bổn phận, là nghĩa vụ và trách nhiệm của người đàn ông đối với gia đình và xã hội, cụ thể là phải noi theo tiêu chí của các đức nhân, đức lễ và đức nghĩa mà hành động, để khi “đắc chí” (làm quan) thì chung sức với dân mà thi hành những đức đó; khi “không đắc chí” thì lui về ẩn dật mà vẫn tu thân hành đạo. Suốt đời phải phấn

đấu tu dưỡng, rèn luyện theo tinh thần “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” [13, tr.185]. Còn người mẹ dạy con gái phận sự của đạo làm vợ là: “Về nhà chồng phải hòa thuận với người nhà chồng, kính nhường, giữ mình cho khéo, không trái ý chồng, giữ nết thuận tòng và phát huy tứ đức” [13, tr.185].

Các gia đình truyền thống trong xã hội Trung Quốc xưa thường rất chú ý đến việc tổ chức quan lễ (lễ trưởng thành) cho con trai và kê lễ cho con gái vì những nghi thức này rất quan trọng, nó đánh giá thành quả giáo dục của gia đình, của cha mẹ đối với con cái, sự trưởng thành của con cái trước gia đình và xã hội. Những nghi thức này đòi hỏi mỗi người khi trưởng thành phải tuân theo những yêu cầu thiết thực của một người chân chính, phải có trách nhiệm với gia đình và xã hội như: Làm con phải hiếu với cha mẹ, làm anh phải khoan dung độ lượng, làm em phải kính nhường, làm thần dân phải trung. Khi đã đủ tư cách của một người trưởng thành thì mới có đủ tư cách phục vụ xã hội và quản lý người khác, lúc đó cha mẹ mới yên tâm và tự hào về con cái.

Cha mẹ tuy nhân từ với con cái, thương yêu chúng nhưng phải nghiêm khắc bắt con cái phải chịu khó học tập, rèn luyện như Khổng Tử đã nhận xét “thương con há không bắt nó chịu khó học tập sao”. Ông rất nghiêm khắc nhắc nhở con mình chịu khó học tập Kinh thi, Kinh lễ,… và nêu tác dụng của việc đọc, học các kinh trên. Các nhà nho đã tổng kết: “Cha nghiêm thì con trai thảo, mẹ nghiêm thì con gái khéo. Thương con thì cho vọt, ghét con thì cho ăn” [38, tr.65]. Vì “nuôi con trai mà chẳng dạy bảo là sai lầm, con còn nhỏ không dạy bảo là người đần độn” [38, tr.68].

Trong các câu chuyện cha mẹ dạy con cái, các nhà nho rất ca ngợi và truyền tụng cho nhau chuyện dạy con của mẹ Mạnh Tử, bà đã phải ba lần dời chỗ ở để con được sống trong một môi trường tốt nhất, cũng như nhiều lần nghiêm khắc dạy con nêu cao ý chí học tập tu dưỡng thì sau này mới có thể đền đáp được sự chăm sóc, nuôi dưỡng của bà. Bà đã thể hiện được tình cảm

yêu thương con tha thiết, có trách nhiệm cao đối với việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái của một người mẹ. Bà nghiêm khắc nhưng lại thể hiện tình cảm rất nhân hậu với con cái.

Đối với con cái, các nhà nho đặt ra yêu cầu về thái độ cư xử của con cái đối với cha mẹ. Họ rèn cặp, giáo dục các con theo khuôn phép đạo đức nho giáo, theo nền nếp gia phong của từng nhà và theo những yêu cầu chung của xã hội một cách ân cần nhưng nghiêm khắc.

Như vậy, trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, nho giáo cho rằng cha mẹ phải đối xử nhân từ với con, phải có trách nhiệm nuôi dạy con cái nên người, lo học hành và cả chăm lo vun đắp hạnh phúc cho chúng sau này. Ngoài ra, cha mẹ còn phải trở thành tấm gương đạo đức mẫu mực cho con cái noi theo. Việc đề cao giáo dục đạo đức gia đình, các đức hiếu, đễ, theo nền nếp gia phong của từng gia đình, cũng như việc giáo dục lý tưởng của bậc trượng phu, của đạo làm vợ, đạo làm con cho con cái đã chỉ rõ trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của các bậc cha mẹ đối với thế hệ trẻ. Còn con cái là niềm hy vọng và tự hào của cha mẹ khi chúng nên người, là những người nối tiếp nghiệp của cha mẹ, phải đền đáp cho công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.

Ngoài ra, trong gia đình, mặc dù Nho giáo cho rằng cha mẹ phải nghiêm khắc dạy bảo con cái thành người, nhưng Nho giáo cũng phân biệt ranh giới khác biệt giữa quan hệ gia đình và quan hệ xã hội, giữa chuẩn mực đạo đức gia đình và chuẩn mực đạo đức xã hội. Điều đó là do sự khác biệt về huyết thống quy định. Khổng Tử cho rằng nếu nhà có khách thì dù cha hay con cũng không nên nói điều xấu của nhau: “Khách dù thân hay sơ, hễ đến thì mình phải tiếp đón tử tế; cha không nên nói điều xấu của con, con chẳng nên nói điều lỗi của cha” [38, tr.64-65] và cha con phải che lỗi cho nhau.

Ông Diệp Công nói với Đức Khổng: “Xóm tôi có những người giữ phép ngay thẳng rất mực; như cha ăn trộm dê, thì con đứng ra làm chứng khai thật”. Đức Khổng nói: “Ở xóm ta, người ngay thẳng cư xử có khác: cha che

lỗi cho con, con che lỗi cho cha, tính ngay thẳng ngụ trong đó vậy?” [38, tr.65]. Ở đây, chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa đạo đức gia đình và đạo đức xã hội trong quan niệm của Khổng Tử.

Quan hệ giữa cha mẹ và con cái thời Khổng Mạnh đã thể hiện đạo lý làm người, nó không chỉ của riêng Nho giáo mà còn mang ý nghĩa phổ biến của loài người, trở thành tập tục, truyền thống văn hóa đạo đức của nhiều dân tộc chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Tuy nhiên, các nhà nho sau này vì mục đích chính trị, vì lợi ích giai cấp phong kiến thống trị đã tuyệt đối hóa một chiều quan hệ cha con. Họ buộc người con phải nghe theo lời cha một cách máy móc, mù quáng, bất kể phải trái, đúng sai. Đó là điều cần phê phán và loại bỏ bởi nó xâm phạm đến quyền con người, trái với nhân tính và tình cảm của con người.

Đạo hiếu, vấn đề nhớ ơn tổ tiên

Bàn về đạo hiếu, Khổng Tử nói nhiều, và tuy nội dung còn giản dị, mộc mạc, nhưng ý nghĩa rất sâu sắc. Đến Mạnh Tử và chính Tăng Tử mới là người phát triển nội dung đạo hiếu một cách cụ thể và cặn kẽ.

Hiếu là đạo ứng xử của con cái đối với cha mẹ, đồng thời là đạo ứng xử đối với các thế hệ bề trên trong gia đình. Theo các nhà nho: Hiếu là “đạo thường của trời, là lẽ phải của đất”, là bản tính tự nhiên vốn có của con người, là gốc của đạo làm người, là nết đầu trong trăm nết của con người, là cơ sở để con người trở thành người quân tử, thành kẻ đại trượng phu, thậm chí có thể trở thành thánh nhân.

Nội dung của đức hiếu được Tăng Tử quy về ba điều (tức ba bậc): “bậc đại hiếu là lòng tôn trọng cha mẹ, bậc thứ là không làm nhục đến cha mẹ, bậc cuối cùng là có thể nuôi được cha mẹ” (Hiếu hữu tam: đại hiếu tôn thân, kỳ thứ nhất nhục, kỳ hạ năng dưỡng) [38, tr.54]. Cụ thể hơn nữa là: Con cái phải noi theo chí hướng và sự nghiệp của cha mẹ, phải làm theo ý muốn của cha mẹ, không được trái nghịch, vui vẻ hòa nhã giúp đỡ cha mẹ, không được đi

xa, đi thưa về gửi, phải biết tuổi của cha mẹ, thành kính phụng dưỡng cha mẹ khi họ về già, phải nghe theo cha mẹ trong việc xây dựng gia đình. Khi cha mẹ qua đời phải giữ đạo cha, không thay đổi, lo chôn cất và thờ phụng cho có lễ,… Làm được như thế mới là người con có hiếu.

Hiếu là “nết đầu trong trăm nết”. Hành vi của người ta không gì lớn bằng chữ “Hiếu”, người con có hiếu có ý thức đầy đủ về tình cảm và bổn phận của mình đối với cha mẹ, đó là sự biết ơn, cù lao chín chữ “cha sinh ra ta, mẹ nuôi ta, thương thay cha mẹ” (ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao) (Kinh thi). Đó là ý nguyện thường xuyên làm sao để cha mẹ được vui sướng, dù mình có phải ăn gạo xấu, uống nước lã cũng thỏa lòng (lễ ký). Việc tôn trọng, phụng sự cha mẹ của người con có hiếu theo Nho giáo còn phải giữ gìn bản thân mình, chớ để cha mẹ lo lắng - tức là, việc thờ cha mẹ phải gắn với việc giữ bản thân, người con biết giữ gìn thân thể lành mạnh, trọn vẹn để cha mẹ yên tâm thì cũng đã là việc báo hiếu rồi bởi “bậc cha mẹ chỉ lo sợ con cái mang bệnh tật mà thôi” [38, tr.59]. Trong các việc phải phụng sự thì việc phụng sự cha mẹ là lớn, còn trong những cái phải giữ gìn thì giữ gìn thân thể mình là căn bản. Chính vì thế, người con làm việc gì cũng phải thận trọng như “đi trên lớp băng mỏng”, không được phép làm càn mà hủy hoại thân thể khiến cha mẹ đau lòng.

Nho giáo còn đặt ra yêu cầu, đòi hỏi trong đạo làm con, rằng người con có hiếu phải nhớ được tuổi của cha mẹ mình. Đức Khổng Tử nói rằng: “Làm con phải biết tuổi của cha mẹ mình. Nhớ biết như vậy, một là để vui mừng vì cha mẹ được sống lâu, hai là để lo sợ cho cha mẹ già yếu” (phụ mẫu chi niên, bất khả bất tri dã. Nhất tắc dị hỷ. Nhất tắc dĩ cụ). (Thế thường, người ta hay nhớ tuổi của con mình, mà hay quên tuổi của cha mẹ. Như vậy, sao đáng gọi là hiếu? Người có hiếu lúc nào cũng nên nhớ tuổi của cha mẹ, trước để mừng cha mẹ được trường thọ, sau để dự phòng những sự đau yếu, chẳng may có thể xảy đến cho song thân) [12, tr.61]. Ngoài ra, là người con có hiếu còn cần nêu cao

thanh danh để làm vinh hiển cho cha mẹ “lập thân hành đạo, nêu cao thanh danh đến đời sau để làm vinh hiển cho cha mẹ” [38, tr.51]; đem cả thiên hạ mà phụng sự cha mẹ, Mạnh Tử nói: “Chỗ chí hiếu của người con, không gì lớn bằng làm cho cha mẹ được tôn trọng; chỗ làm cho cha mẹ được tôn trọng chí cực, không gì bằng đem cả thiên hạ mà phụng dưỡng cha mẹ” [38, tr.51-52].

Khổng Tử cho rằng lập thân phải lấy hiếu làm gốc: “Lập thân mà có nghĩa thì hiếu làm gốc; việc tang mà có lễ thì buồn thương là gốc, chiến trận có hàng ngũ thì dũng là gốc; trị chính có lý thì nghề nông là gốc, cư xử việc nước có đạo thì việc lập tự (có con nối dõi) là gốc; làm ra tiền của có thời cơ thì lấy tận lực làm gốc” [38, tr.41].

Tăng Tử nhấn mạnh: Người con có hiếu là phải làm những điều mà Khổng Tử đã dạy. Ông ca ngợi tác dụng của đức hiếu đến mức cảm hóa được cả trời, đất và vạn vật, phản ánh tâm trạng, mong muốn của lớp người cao tuổi với con cháu. Coi hiếu là gốc của đạo làm người, cho nên mọi hành động ứng xử của con người với con người đều quy về một tiêu chuẩn áp đặt mang tính chủ quan của nhà nho nhưng lại thiết thực đối với con người, bởi nó vốn là tình cảm chân thật, thành kính và thiêng liêng của con cái đối với cha mẹ mà người con có trách nhiệm phải bảo tồn thân thể mình, làm mọi việc chỉ để nhằm vào mục đích cuối cùng là báo hiếu cha mẹ. Mạnh Tử thì giải thích và chứng minh rằng, hiếu đễ là bản tính tự nhiên sẵn có của con người, là biểu hiện của lòng nhân và đức nghĩa, nó mang tính khách quan và phổ biến.

Theo Khổng Tử, đạo hiếu của con đối với cha mẹ dù rất nhiều mặt nhưng cốt lõi phải ở “tâm thành kính”. Một hôm, Tử Du hỏi về đạo “hiếu”, Khổng Tử nói rằng, người có hiếu trước hết phải nuôi cha mẹ. Nuôi thì phải kính, chứ không kính không phải là hiếu “Đời nay hễ thấy ai nuôi được cha mẹ thì người ta khen là có hiếu. Nhưng loài thú vật như chó, ngựa người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nuôi cha mẹ mà chẳng kính trọng thì có khác gì nuôi thú vật đâu” [38, tr.59].

Theo các nhà nho, để đền ơn, báo hiếu, trước hết con cái phải là người nối chí cha, nối nghiệp cha, thực hiện nguyện vọng của cha mẹ. Đức Khổng nói: “Khi cha mình còn sống, mình nên xem xét chí hướng. Khi cha thác, mình nên quan sát những việc làm của người. Cha mất trong 3 năm mà mình chẳng đổi đạo nghệ của cha, đó mới gọi là hiếu” [38, tr.52]. Ông còn yêu cầu: “Người có hiếu thì giữ được địa vị của ông cha, làm theo lễ của ông cha, tấu nhạc như ông cha, kính những người mà ông cha trọng, mến những người mà ông cha yêu, thờ người thác như người sống, trọng người đã qua như người đang tồn tại” [38, tr.52-53]. Về điều này, Khổng Tử ca ngợi vua Võ Vương và ông Chu Công là hai vị có nết hiếu cao rộng, có hiếu vì khéo tiếp tục chí nguyện của ông cha, khéo noi theo sự nghiệp của ông cha.

Có người cho rằng hiếu đễ của Khổng Tử là ngu hiếu, là sợi dây ràng buộc con người với gia đình, với cha mẹ. Thật ra, Khổng Tử không chủ trương ngu hiếu như vậy. Ông có yêu cầu con nên ở bên cha mẹ, nhưng vì nhiệm vụ hay sự thăng tiến của con thì có thể đi xa, nhưng phải cho biết nơi ở để cha mẹ khỏi lo, để thông tin cho nhau. Cho nên ông cũng đã chê trách “Người đi học mà chỉ nhằm ở yên thân một chỗ, thì không đủ để xứng đáng một người có học đâu?” (sĩ nhi hoài cư, bất túc dĩ vi sĩ hĩ) [12, tr.280]. Khổng Tử khuyên con nên biết vâng lời cha mẹ, nhưng ông cũng nhận thức rằng, “hậu sinh khả úy” [12, tr.163], nhận thức của con cũng có thể hơn cha mẹ là lẽ tất nhiên, là đúng quy luật phát triển, nên con cũng có thể không tán thành những ý kiến của cha mẹ không đúng, không hợp thời. Song không vì thế mà cãi lại cha mẹ, “xúc phạm” đến cha mẹ, trái lại phải phân tích, giải thích cho cha mẹ hay, cha mẹ rõ cái đúng, cái sai để cho cha mẹ vui lòng. Khổng Tử cũng không yêu cầu con phải giữ đạo cha suốt đời, mà chỉ yêu cầu trong 3 năm thôi.

Khổng Tử còn khẳng định: “Hiếu là để thờ cha mẹ, thuận là để vâng mệnh người trên, đem những điều ấy mà thi thố ra thiên hạ thì không có điều

gì là không làm được” [38, tr.38]. Tuy nhiên, không nên quá máy móc bởi Khổng Tử cũng đã dặn: “Con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Chỉ có biết xét cái đáng theo mới gọi là hiếu là trung vậy” [38, tr.55]. Như vậy, hiếu, trung đều được xem xét và đánh giá theo sự việc và hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Nho giáo cũng rất coi trọng và đề cao việc thực hành đạo hiếu, đặc biệt

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm của Nho giáo về gia đình và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 27 - 42)