Ảnh hưởng tích cực

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm của Nho giáo về gia đình và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 43 - 50)

Chương 1 QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH

2.1. Ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo đối với gia đình truyền

2.1.1. Ảnh hưởng tích cực

Nho giáo có ảnh hưởng tới Việt Nam vào khoảng gần 2000 năm nay. Khi Nho giáo vào Việt Nam nó đã làm phân hoá gia đình Việt Nam thành 2 loại: Gia đình nông dân và gia đình Nho giáo, song cả hai loại gia đình này đều đan xen những yếu tố bản địa, truyền thống và yếu tố Nho giáo. Cố Giáo sư Trần Đình Hượu đã viết: “Nho giáo ảnh hưởng sâu đến loại gia đình nhà Nho nhưng cũng thấm vào toàn bộ xã hội, tức là ảnh hưởng đến cả gia đình nông dân ở một số mặt. Cả hai loại gia đình đó cho ta thấy hình ảnh chung của gia đình truyền thống Việt Nam” [32, tr.37].

Trước hết cần thấy rằng trong lịch sử dân tộc, khi chiếm được địa vị quan trọng trong hệ tư tưởng dân tộc, Nho giáo đã thể hiện rõ vai trò can thiệp vào cơ cấu xã hội phong kiến từ Trung ương đến địa phương. Thời kì Lý - Trần (thế kỷ XI-XIV) Nho giáo đã có ảnh hưởng đến nhiều mặt trong đời sống xã hội, đặc biệt là đến giáo dục và cơ cấu chính quyền. Đến thời kỳ Lê - Nguyễn (thế kỷ XV-XX) Nho giáo đã chiếm địa vị độc tôn, lấn át địa vị của Phật giáo và Đạo giáo (thời kỳ Lý - Trần, Phật giáo là quốc giáo). Khi Nho giáo chiếm địa vị độc tôn thì gia đình được coi là cơ sở quan trọng để tạo lập kỷ cương, tạo sự ổn định xã hội (tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ), gia đình là cái gốc của nước (Quốc chi bản tại gia).

Nho giáo vào Việt Nam đề cao chữ Hiếu, đề cao lễ nghĩa, tiết hạnh, bảo vệ gia đình, gia tộc, tông tộc. Trong thập ác (10 tội ác) thì tội bất hiếu là nặng nhất. Trong Huấn điều Hồng Đức của Lê Thánh Tông gồm 24 điều thì có 12 điều đề cập đến gia đình. Những bản Huấn điều từ thời Lê đến thời Nguyễn đều nhấn mạnh luân thường đạo lý, nhấn mạnh đạo làm người là Ngũ luân (Vua tôi, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu). Quốc triều hình luật thời Lê (hay còn được gọi là Bộ luật Hồng Đức) - bộ luật chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo - đã bảo vệ những giá trị đạo đức Nho giáo, đặc biệt là đạo đức trong gia đình. Triều Lê đặc biệt chú trọng đến vấn đề gia đình, coi gia đình là cơ sở quan trọng bậc nhất để tạo lập kỷ cương và ổn định xã hội. Cũng giống như vấn đề chủ quyền quốc gia, luật pháp thời kỳ nào cũng điều chỉnh vấn đề hôn nhân và gia đình, nhưng mục đích của việc điều chỉnh vấn đề hôn nhân gia đình trong Quốc Triều Hình Luật là nhằm bảo vệ chế độ tông pháp của Nho giáo. Những chuẩn mực đạo đức ấy được tập trung vào các mối quan hệ cơ bản (Tam cương) với năm đức chủ yếu (Ngũ thường). Quốc Triều Hình Luật điều chỉnh những quan hệ cơ bản về kết hôn, ly hôn, quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái nhằm bảo vệ chế độ tông pháp và cũng là bảo vệ thuần phong mĩ tục của dân tộc. Pháp luật hình sự thời kỳ nhà Lê cho phép người trong gia đình được che chở lẫn nhau, nghiêm cấm sự tố cáo ông bà, cha mẹ - đó là đạo hiếu theo Nho giáo được thể chế hoá vào trong luật của người Việt. Trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam, ngay từ thủa lọt lòng đã được giáo dục và ứng xử theo nguyên tắc hiếu - kính, con cái trong gia đình phải kính trọng, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, biết “kính trên nhường dưới”. Người Việt quan niệm theo Nho giáo rằng “hiếu là nhân cách con người, là gốc của nhân luân, là một giá trị xã hội cao quí” [12, tr.151]. Điều 504 Bộ luật Hồng Đức còn qui định: “Con cháu tố cáo ông bà, cha mẹ, nô tỳ tố cáo chủ có tội lỗi gì đều xử tội lưu đi châu xa, vợ tố cáo chồng cũng bị tội trên. Tố cáo ông bà ngoại, cha mẹ và ông bà cha mẹ về

bậc tôn trưởng và hàng cơ thân của chồng, cùng là nô tỳ tố cáo người bậc cơ thân của chủ, dẫu việc có thật cũng phải tội biếm hay tội đồ”; Điều 485: “Ông bà cha mẹ bị người ta đánh, con cháu đánh lại mà không bị què gẫy, bị thương thì không phải tội”. Đây là đặc điểm rất đáng chú ý của Quốc Triều Hình Luật, thể hiện rõ ưu thế của đạo đức so với luật pháp. Ngay cả trong trường hợp có sự xung đột giữa pháp luật và đạo đức thì đạo đức vẫn được coi là cái gốc để điều chỉnh hành vi của con người. Quốc Triều Hình Luật qui định về thất xuất (quy định rõ bảy trường hợp người chồng được phép bỏ vợ). Đây là những căn cứ dựa trên đạo đức và luật sinh học để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Cũng trong bộ luật này nhà làm luật cũng qui định 3 trường hợp đặc biệt (tam bất khứ) buộc người chồng không được phép bỏ vợ như: đã để tang nhà chồng được 3 năm; trước khi lấy chồng thì nghèo, sau đó trở nên giàu có; trước khi lập gia đình có họ hàng thân thích sau đó không còn bà con để trở về. Về mặt kĩ thuật lập pháp, hai điều luật này tưởng chừng như ở rất xa nhau, nhưng chỉ với một điều luật qui định “tam bất khứ” nhà làm luật đã hoàn thành xuất sắc việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, bảo vệ sự ổn định của gia đình, bảo vệ chế độ tông pháp, hạn chế việc phá vỡ trật tự gia đình của Nho giáo vì thế mà lưu giữ được những giá trị đạo đức trong gia đình, cũng là những giá trị đạo đức của Nho giáo.

Trong hôn nhân, bộ luật đề cao tình nghĩa vợ chồng, không cho phép bội ước sau khi kết hôn, bảo vệ quyền lợi vật chất cũng như tinh thần của người phụ nữ. Điều 308 ghi: “phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con, thì cho hạn một năm… Nếu đã bỏ vợ mà lại ngăn cản người khác lấy vợ cũ thì phải biếm”. Điều luật này đã giúp cho người phụ nữ tự giải phóng mình khi bị người chồng bỏ rơi. Ngoài ra, tiếp thu quan điểm Lễ của Nho giáo, các nhà làm luật triều Lê đã đưa ra những qui định và hình phạt chặt chẽ nhằm bảo vệ lễ giáo phong kiến. Trong gia đình, những hành vi vi phạm đạo

lý của Nho giáo cũng bị qui định phải chịu hình phạt theo hệ thống hình phạt ngũ hình ở Điều 1, đó là hình phạt từ nhẹ đến nặng như: Suy, trượng, đồ, lưu, tử. Để cho giáo lý của đạo Nho được mọi người tuân theo một cách triệt để, nhà làm luật đã dùng đến những hình phạt rất nặng để trừng trị những hành vi trái với đạo lý Nho giáo. Việc qui định chặt chẽ những lễ nghi trong gia đình, ngoài xã hội và trừng phạt nghiêm khắc những người xâm hại lễ nghi thì Quốc Triều Hình Luật đã thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa Lễ và Hình. Qua đó, Bộ luật đã bảo vệ giá trị đạo đức gia đình như lòng hiếu thảo, sự tôn kính ông bà, cha mẹ của con cháu; sự hòa thuận chung thuỷ giữa vợ chồng; sự kính nhường hoà thuận giữa anh chị em. Đồng thời các qui định nghiêm khắc áp dụng trong mỗi vi phạm lễ nghi gia đình của Quốc Triều Hình Luật có tác động rất lớn đến sự tự điều chỉnh hành vi trong gia đình khiến họ sớm có ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân và làm tròn bổn phận ở từng vị trí cụ thể với gia đình mình. Như vậy, bộ luật đã hỗ trợ đắc lực cho sự giáo dục đạo đức trong gia đình, trong xã hội, đã dùng pháp luật để xây dựng, củng cố những chuẩn mực và giá trị đạo đức truyền thống.

Triều Nguyễn còn đặt ra các danh hiệu cao quý như “Tiết hạnh khả phong” để ban tặng cho những phụ nữ có đức hạnh và có lòng chung thủy với chồng đã chết, để làm gương tốt cho dân chúng noi theo và “Hiếu hạnh khả phong” để biểu dương những người con hiếu hạnh. Nho giáo đã có công rất lớn trong việc củng cố những mối liên kết giữa các cá nhân và giữa các gia đình theo tiêu chí đạo đức Nho giáo. Trật tự của Nho giáo là tôn ti, gồm 9 hệ (cửu tộc). Gia đình lại có mối quan hệ với gia tộc, gia tộc lại củng cố gia đình bằng tín ngưỡng, gia lễ, gia huấn, gia phong, tộc ước, tộc lệ, bằng gia phả, bằng nhà thờ họ. Nhà nước phong kiến lại củng cố thêm sự ràng buộc giữa các gia tộc, dòng họ bằng những yếu tố tâm linh, huyền thoại huyết thống, đề cao dòng máu Con Rồng cháu Tiên, con Lạc cháu Hồng.

Trong xã hội tiểu nông tự túc tự cấp truyền thống thời Lê - Nguyễn được phân chia là sỹ, nông, công, thương với hai giai cấp chủ yếu là nông dân và địa chủ mà nông dân là tuyệt đại bộ phận trong nhân dân. Trên địa bàn nông thôn thì sự tiếp nhận những ảnh hưởng của Nho giáo dưới những lý thuyết triết lý phức tạp thật không dễ dàng. Người nông dân không hiểu nhiều những khái niệm “thiên mệnh”, “tính lý”, nhưng họ tiếp nhận ảnh hưởng Nho giáo qua những quan niệm “hiếu”, “trung”, “lễ”, “nghĩa”, ý thức về củng cố gia đình, họ tộc và cộng đồng qua những hoạt động có tính tôn giáo. Vào thế kỷ XIX, nhiều làng quê người Việt Nam ở Bắc Bộ đã có Văn chỉ thờ Khổng Tử, người được coi là Thánh, các tiên hiền và các bậc khoa bảng địa phương. Lời nói của Khổng, Mạnh là của thánh nhân, là tín điều phải tuân thủ nghiêm khắc không cần luận bàn, Những tín điều Khổng, Mạnh, Trình, Chu dạy bảo trước hết là rèn luyện nhân cách theo trung và hiếu, biết củng cố gia đình, họ tộc và ứng xử với nhau theo lễ, nghĩa trong cộng đồng, xã hội. Con người Nho giáo là con người cộng đồng, con người nghĩa vụ; chuẩn giá trị của Nho giáo không phải là ở sự giàu có cá nhân mà là sống có nghĩa vì người khác, vì các mối quan hệ trong gia đình, vì quân vương, vì cộng đồng.

Nho giáo coi trọng nguồn gốc, dòng giống, coi gia đình gắn chặt với họ hàng, coi tuyệt tự, mất dòng giống là tội lỗi với tổ tiên, là sự bất hạnh lớn nhất. Xây dựng gia đình êm ấm không chỉ là để cho bản thân và các thành viên khác có hạnh phúc mà còn là việc quan trọng để xây dựng xã hội. Nhà nho thường nghĩ rằng nếu mình không giúp được gì cho dân, cho nước thì ít nhất cũng giữ được gia đình mình có nề nếp, không “tề gia” được, để cho gia đình lộn xộn, lục đục là một sự nhục nhã. Chính vì vậy, để làm cho gia đình hòa mục, Nho giáo chủ trương dùng lễ nghi để thể chế hóa gia đình, làm cho mỗi thành viên theo đó mà cư xử, tự kiềm chế không để xảy ra xích mích phải cần đến người gia trưởng phân xử. Lễ nghĩa cũng nhằm đưa lại cái hòa, cái đẹp trong các gia đình truyền thống.

Trong tổ chức của gia đình Nho giáo, vai trò của người chủ gia đình rất được đề cao. Ngoài ra, gia đình Nho giáo còn đặc biệt chú ý đến ba quan hệ có ý nghĩa đạo lý: Cha - con; vợ - chồng; anh - em. Trong mỗi cặp có bề trên và bề dưới, người dưới phải phục tùng người trên tức là con nghe cha, anh nghe em, vợ nghe chồng. Người cha bao giờ cũng là người chủ gia đình, là người chịu trách nhiệm về mọi người trong nhà với làng nước về cả vật chất và tinh thần. Khi người cha chết thì trách nhiệm đó thuộc về người con trai trưởng. Việc đối ngoại như khách khứa, thăm viếng, đặc biệt là việc nước, việc làng, việc họ là việc của đàn ông. Việc trong nhà thì thường người đàn ông là người chỉ dẫn, lãnh đạo, còn việc thực thi nội trợ và cả việc sắp xếp làm ăn đều thuộc về người đàn bà. Tuy nhiên, với một số việc đối ngoại, người đàn bà vẫn thực hiện với danh nghĩa là giúp chồng. Việc của người đàn bà là ở buồng bếp. Những người phụ nữ thuộc nhà gia giáo thường tránh đứng ngồi ở nhà thờ, nhà khách. Tuy thế, trong những gia đình này, tay hòm chìa khóa lại ở người đàn bà. Người đàn bà được coi là nội tướng, là chủ phụ, tuy về danh nghĩa là làm theo lời chồng, giúp chồng nhưng thực tế thì là người chủ trì việc nhà. Không ít gia đình người chồng hèn kém thậm chí vô trách nhiệm bỏ mặc mọi việc cho vợ, nhưng nếu người vợ tỏ ra quyền hành trong tay mình, lấn át chồng thì bị chê cười là không có nề nếp. Đó là tư tưởng nam tôn nữ ty, nam nữ không bình đẳng.

Thực tế, quan hệ giữa nam và nữ được các nhà nho hình dung và xử lý theo quan hệ âm dương, một bên sinh, một bên dưỡng, một bên bắt đầu, khởi xướng, một bên hoàn thành hỗ trợ cho nhau. Cho nên trong nhà đàn ông là chủ, đàn bà phải thuận tùng nhưng đàn ông phải thương yêu và kính nể vợ. Việc quy định trên dưới rõ ràng và đặt ra nghĩa vụ người dưới phải nghe theo người trên làm cho gia đình có trật tự và thành tổ chức chặt chẽ.

Tuy nhiên quan hệ trên dưới đó lại là một quan hệ theo tình, nảy sinh từ công ơn sinh thành dưỡng dục. Đó là tình cha con, tình anh em - thứ tình cảm

tự nhiên, con người sinh ra đã có. Mạnh Tử nói sinh ra ai chẳng yêu cha mẹ, ai chẳng kính anh, theo anh và đó là mầm mống của cái Thiện trong mọi người. Giữa cha con, anh em yêu thương nhau không toan tính, không phải mưu cầu một việc lợi. Ở đây là tình chứ không phải lý. Đối với cha mẹ, người con phải hiếu tức là hết lòng kính yêu chiều chuộng, vì lòng biết ơn sinh thành mà săn sóc tỉ mỉ chu đáo. Còn đối với con cái, cha mẹ phải “từ”, tức là yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ. Từ và hiếu cũng là mẫu mực cho tình cảm trên dưới giữa anh và em, giữa chồng và vợ. Người trong nhà có điều sai thì “đóng cửa bảo nhau” chứ không đem ra nói với người ngoài. Trong gia đình cư xử với nhau theo tình chứ không theo lý thành một thứ nguyên tắc. Từ “tình” mà thành “nghĩa”, là ý thức về nhiệm vụ đối với nhau tương xứng với tình. Nghĩa được quy định thành “lễ”, là cách đối xử cụ thể chi tiết trong từng trường hợp: thăm viếng, đứng ngồi, xưng hô, thưa gửi và nhất là tang lễ, cúng tế, v.v… Trong gia đình truyền thống mỗi thành viên đều biết nhiệm vụ, lễ tiết và nghi thức đối với từng người trong từng trường hợp và tự giác làm, tạo thành nề nếp của gia đình. Mỗi người trong gia đình đều coi trách nhiệm với gia đình cao hơn hạnh phúc cá nhân, coi lễ nghĩa cao hơn tình cảm riêng. Chính điều này đã làm nên nề nếp gia đình trong đó mọi người làm lụng, học hành, tổ chức được cuộc sống ổn định và các thành viên hòa thuận, giữ đúng lễ nghĩa. Gia đình nề nếp là loại gia đình trước đây coi là mẫu mực, tốt đẹp chung cho mọi loại gia đình quan lại hay dân dã. Trong thực tế, đó là mẫu hình gia đình nhà nho và xây dựng theo tư tưởng Nho giáo.

Có thể nói Nho giáo đề cao gia đình hơn bất cứ một học thuyết nào khác. Quan hệ gia đình theo Nho giáo là quan hệ đặc biệt chặt chẽ, phải được tái sinh, tái lập, và mở rộng, theo trách nhiệm nghĩa vụ, và đồng thời giữ gìn trật tự kỷ cương, Ngũ luân là “quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, huynh đệ hữu cung, bằng hữu hữu tín”. Đó là nguyên tắc, nguyên lý bất dịch; cũng như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là ngũ thường không thay đổi.

Mở rộng quan hệ gia đình với các nhân tố có tính tông pháp (gia tộc, tông tộc) càng có ý nghĩa củng cố gia đình. Và có thể nói rằng ý nghĩa hiện thực nhất của Nho giáo là tính trách nhiệm với nhau giữa các thành viên trong gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm của Nho giáo về gia đình và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 43 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)