Chương 1 QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH
2.2. Phát huy các giá trị của Nho giáo về gia đình trong gia đình Việt
2.2.1. Thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay
2.2.1.1. Một số yếu tố tác động đến gia đình Việt Nam hiện nay
Nước ta đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, đây là một thời kỳ diễn ra lâu dài với tính chất vô cùng phức tạp. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta đã xác định: “Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen” [24, tr.70]. Gia đình là một thiết chế xã hội cơ sở nên cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cụ thể hơn có thể nói gia đình Việt Nam đang
trong thời kỳ quá độ: ở đó sự đan xen giữa truyền thống và hịên đại, giữa cái cũ và cái mới đang diễn ra mạnh mẽ. Để nhận diện gia đình một cách đúng đắn và khách quan, cần nghiên cứu trên quan điển phát triển. Sự phát triển của gia đình bao giờ cũng gắn liền với sự phát triển của đất nước và xã hội. Trong lịch sử, xã hội Việt Nam đã trải qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau. Theo đó, gia đình Việt Nam cũng biến đổi trong quá trình phát triển phức tạp ấy. Nó là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố từ truyền thống cho đến hiện đại. Ở đây, tác giả chỉ đi vào nghiên cứu một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình Việt Nam hiện nay.
Ngoài những đặc điểm của gia đình truyền thống Việt Nam dưới ảnh hưởng của Nho giáo như đã trình bày ở trên, gia đình Việt Nam hiện nay còn chịu ảnh hưởng của một số yếu tố sau:
Thứ nhất: Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước về mặt kinh tế đã tạo
ra những điều kiện mới, ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình Việt Nam hiện nay. Trong ba thập niên trở lại đây, nhất là từ năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã được tiến hành và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đánh gía 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, Văn kiện Đại hội XI chỉ rõ: Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa [24, tr.20-21].
Trước hết, trong lĩnh vực kinh tế, Đảng ta đã chủ trương chuyển từ cơ chế quản lý tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mọi tiềm lực kinh tế được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ, đưa đất
nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Nền kinh tế từ tình trạng hàng hóa khan hiếm nghiêm trọng nay sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân, tăng xuất khẩu và có dự trữ, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng đến sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Nếu trước đổi mới chỉ có hai thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể thì sau đổi mới kinh tế hộ gia đình đã được khôi phục lại. Đại hội VI của Đảng khẳng định: “Kinh tế hộ gia đình có vị trí quan trọng và khả năng dồi dào, cần được khuyến khích và giúp đỡ phát triển trong mối quan hệ hỗ trợ và gắn bó với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể” [21, tr.59]. Nối tiếp tinh thần đó qua các kỳ Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII, IX, X đều được cụ thể hơn. Vừa qua, trong Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng ta vẫn khẳng định: “phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản thuộc các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế,... Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trang trại, hộ sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong nông nghiệp và khu vực nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế” [24, tr.206-209].
Với tình hình phát triển kinh tế chung của đất nước, kinh tế hộ gia đình đang được nhà nước quan tâm giúp đỡ và khuyến khích phát triển. Trước điều kiện đó, mỗi gia đình đang ngày càng phát huy được nội lực của mình, chủ động sáng tạo để phát triển kinh tế. Ở nông thôn, Nhà nước đã thực hiện chính sách khoán hộ, giao quyền sử dụng đất lâu dài cho các gia đình, tạo điều kiện cho các gia đình chủ động trồng trọt, thâm canh để đạt năng suất cao. Cụ thể là năm 2000 nếu tổng sản phẩm trong nước đạt 444.140 tỷ đồng thì doanh nghiệp tư nhân và cá thể đạt 119.337 tỷ đồng, chiếm 26,87% (trong đó doanh nghiệp tư nhân là 7,14% và hộ cá thể là 19,72% [58, tr.64]. Tiếp theo đà phát
triển đó, qua hơn hai mươi năm đổi mới, kinh tế cả nước phát triển mạnh mẽ (tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2006 - 2010 đạt 7% , quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 tính theo giá thực tế đạt 101,6 tỉ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000; GDP bình quân đầu người đạt 1.168 USD) [24, tr.151] trong đó có sự đóng góp tích cực của kinh tế hộ gia đình. Thực tế đã chứng minh trong những năm gần đây các gia đình ở cả nông thôn và thành thị có cuộc sống ấm no hơn, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đó là tiền đề rất quan trọng để các gia đình phát triển tiến bộ hơn, thực hiện được phần nào mục tiêu của Nhà nước đề ra trong việc xây dựng gia đình: “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Song song với sự đổi mới về kinh tế, các lĩnh vực khác như chính trị, văn hóa, xã hội cũng được Đảng và Nhà nước đánh giá một cách khách quan và đúng đắn hơn. Trong lĩnh vực chính trị, việc thực hiện dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội đã tác động tích cực đến các gia đình, đặc biệt là quy chế dân chủ ở cơ sở được ban hành đã tạo điều kiện cho các gia đình nắm bắt nhanh chóng các quy định của pháp luật cũng như những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó là cơ sở để gia đình góp phần thực hiện các chức năng của mình theo định hướng phát triển của đất nước.
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, Đảng ta đã xác định: “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao” [24, tr.75-76]. Nghĩa là theo quan điểm của Đảng mọi hoạt động
văn hóa đều hướng mục tiêu vào con người. Con người có phát triển toàn diện mới trở thành nguồn nhân lực dồi dào cho đất nước. Sự nghiệp đổi mới của đất nước có thành công hay không đều do nhân tố con người quyết định. Hiểu được sâu sắc điều đó, trong quá trình xây dựng các chính sách xã hội cũng như những chính sách phát triển y tế, giáo dục, văn hóa,… Đảng ta luôn lấy con người là trung tâm. Và trong quá trình thực hiện đó thì gia đình cũng đóng một vai trò không nhỏ. Văn kiện Đại hội XI chỉ rõ: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền của con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi; sống có văn hoá, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Đơn vị sản suất, công tác, học tập, chiến đấu, phải là môi trường rèn luyện phong cách làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả cao, bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người có nền văn hoá Việt Nam [24, tr.76-77].
Hai là, tình hình quốc tế trong những năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ
đến sự phát triển của gia đình Việt Nam. Trước tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ và sự bùng nổ thông tin trên toàn cầu như hiện nay đã làm cho con người xích lại gần nhau hơn. Điều này tất yếu dẫn đến sự ảnh hưởng, tương tác lẫn nhau, gây nên những biến động mạnh mẽ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới nhất là trên lĩnh vực văn hóa xã hội. Hiện nay ở nước ta, lối sống Âu - Mỹ đang xâm nhập vào đời sống, ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ và nếp sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mang lại cho chúng ta
những giá trị tích cực và cả những mặt hạn chế của nó. Điều này được thể hiện ở sự tự do trong hôn nhân, bình đẳng trong các mối quan hệ gia đình, các điều kiện sinh hoạt gia đình ngày càng được hiện đại hóa, gia đình hạt nhân ngày càng phát triển,… Tuy nhiên, đứng trước tình trạng khủng hoảng sâu sắc của gia đình phương Tây như hiện nay, gia đình Việt Nam đang bị tấn công bởi những luồng gió độc. Tiến sỹ xã hội học Nguyễn Đức Truyến (nguyên cán bộ Viện Xã hội học) cho rằng, gia đình Việt Nam đang bị ảnh hưởng quá nhiều của phong cách phương Tây. Gia đình ở thành thị ngày nay hầu như chỉ còn giữ được lớp vỏ hình thức truyền thống, phần tinh chất từ lâu đã biến dạng. Gia đình ở nông thôn ít biến động hơn nhưng cũng không còn nguyên vẹn. Gia đình Việt Nam cũng đang đối mặt trước nhiều nguy cơ và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hoá. Đó là tình trạng ly hôn, sống chung không kết hôn, tình trạng trẻ em nghiện hút, tệ nạn mại dâm, tình dục đồng giới, ngoại tình có xu hướng tăng cao và xu hướng đề cao tiền bạc trong quan hệ giữa người với người,…[73].
Thực tế là trong những năm gần đây, xu hướng không coi trọng giá trị của hôn nhân và gia đình trong một bộ phận nam nữ thanh niên ngày càng tăng. Tư tưởng “sống gấp”, “sống thử” trước hôn nhân đã được nhiều đôi bạn trẻ áp dụng. Đặc biệt, tư tưởng tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, dân chủ “quá trớn” trong quan hệ gia đình đã đánh mất đi phần nào những giá trị tích cực của gia đình truyển thống. Thật đau lòng khi trên báo chí xuất hiện ngày càng nhiều những chuyện như: anh chị em trong gia đình xô xát, kiện tụng nhau chỉ vì chút tài sản thừa kế; vợ chồng, con cái giết hại nhau vì những mâu thuẫn rất nhỏ phát sinh trong cuộc sống, con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ...
Như vậy, trong quá trình mở cửa và giao lưu quốc tế, bên cạnh những kết quả to lớn đạt được về mặt kinh tế, những tư tưởng phương Tây đã xâm nhập vào nước ta mang theo trong mình nó những giá trị và hạn chế, tác động mạnh mẽ đến các mặt của đời sống xã hội. Theo đó, gia đình Việt Nam cũng
đang đứng trước những nguy cơ và thách thức lớn. Nếu chúng ta biết tiếp thu có chọn lọc sẽ phát huy được vai trò của gia đình trong xã hội. Điều quan trọng hơn là xây dựng được nền tảng vững chắc để trên đó xã hội phát triển bền vững. Nếu không gia đình Việt Nam rất có thể sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng như các nước phương Tây. Chính các nhà lãnh đạo phương Tây cũng đã nhận thấy xã hội của họ “có không ít vấn đề rắc rối, trong đó có tình trạng gia đình lỏng lẻo là một nguyên nhân của những tệ nạn xã hội: tỉ lệ trẻ em không cha rất cao, những nhiễu loạn gia đình, sự suy thoái về đạo đức” [28, tr.14].
2.2.1.2. Một số đặc điểm của gia đình ở Việt Nam hiện nay
Cùng với sự biến đổi của xã hội, gia đình Việt Nam cũng đang trải qua những biến động lớn. Trên cơ sở khái quát những đặc điểm của gia đình Việt Nam hiện nay sẽ có phương hướng kế thừa và phát huy những yếu tố tích cực của gia đình truyền thống cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới.
* Đặc điểm 1: Hôn nhân vẫn luôn được coi trọng
Trước tiên, để đánh giá đúng đắn hơn các đặc điểm của gia đình hiện nay về số lượng, cơ cấu, quy mô của gia đình, chúng ta cần tìm hiểu những đặc điểm của quan hệ hôn nhân. Về cơ bản, hiện nay hôn nhân vẫn được coi là một lĩnh vực quan trọng của đời sống con người. Trước hết, hôn nhân được tiến hành trên cơ sở công nhận về mặt pháp lý, tiến đến là sự chấp nhận của gia đình, họ hàng với các nghi lễ mang tính dân tộc hoặc tôn giáo. Mặc dù trong điều kiện lối sống phương Tây đang du nhập vào Việt Nam một cách mạnh mẽ nhưng những nam nữ thanh niên hiện nay vẫn coi hôn nhân là việc có ý nghĩa trọng đại của cuộc đời mình.
Việc thực hiện dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội đã tác động tích cực đến lĩnh vực hôn nhân. Nếu trước đây, hôn nhân đa phần là do cha mẹ sắp đặt thì ngày nay, hôn nhân ở cả thành thị và nông thôn đều do đôi nam nữ tự quyết định, có tham khảo ý kiến của mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn tồn tại tình trạng cha mẹ hoàn toàn quyết định
việc hôn nhân của con cái nhưng con số này rất khiêm tốn (qua nghiên cứu một số phường ở Hà Nội cho thấy: 89% số người được hỏi cho rằng con cái được quyền tự chọn trong hôn nhân; chỉ có 2% bố mẹ hoàn toàn quyết định) [6, tr.1].
Về độ tuổi kết hôn hiện nay cũng được nâng lên. Ở thành thị, nam từ 24 - 29 tuổi chiếm 58%; nữ từ 20 - 26 tuổi chiếm 57%. Ở nông thôn con số này là 19 - 20 tuổi với nam và 17 - 18 tuổi với nữ. Xu hướng muốn kết hôn muộn cũng đã xuất hiện và tỉ lệ ngày càng tăng (18% thanh niên cho rằng nên lấy vợ ở tuổi 27 - 29; 36% muốn xây dựng gia đình muộn hơn nữa). Với nữ, đa số muốn lấy chồng ở tuổi 21 - 23 (chiếm 50%) và 24 - 26 (chiếm 45%) [6, tr.2].