Những mặt hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm của Nho giáo về gia đình và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 50 - 54)

Chương 1 QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH

2.1. Ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo đối với gia đình truyền

2.1.2. Những mặt hạn chế

Có nhà nghiên cứu nhận định rằng, giai cấp phong kiến rất quan tâm đến vấn đề gia đình và xây dựng gia đình, song nó xuất phát từ “lễ” của đạo đức Nho giáo nên việc xác định các mối quan hệ trong gia đình của giai cấp phong kiến dựa trên ba nguyên tắc chỉ đạo: Tôn ti trật tự là nguyên tắc đầu tiên mà giai cấp phong kiến dùng để phân định các mối quan hệ trong gia đình; nguyên tắc thứ hai là trọng nam khinh nữ; nguyên tắc thứ ba là bảo đảm quyền tối cao của người gia trưởng.

Có thể nói rằng trong xã hội phong kiến Việt Nam với nền sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, mỗi gia đình là một đơn vị sản xuất khép kín… nên trách nhiệm của gia đình đối với việc tái tạo sức lao động, truyền thụ kinh nghiệm, giáo dục, sinh hoạt văn hóa là rất lớn. Nguyên tắc tôn ti trật tự được giai cấp phong kiến sử dụng triệt để trong việc phân định các mối quan hệ trong gia

đình. Điều này được thể hiện trước hết trong mối quan hệ cha - con. Ở vị trí người con (đặc biệt là con gái) phải luôn nghe theo sự dạy bảo, ý kiến, hay những quyết định của cha mẹ. Xã hội phong kiến nhìn nhận mối quan hệ này theo hướng một chiều, thụ động: cha mẹ bảo sao con nghe vậy, dù đúng, dù sai. Nếu thấy cha mẹ sai mà cãi lại hoặc làm trái lời là bất hiếu. Trong hiện thực cuộc sống, có nhiều người cha không giữ đúng đạo làm cha, sa vào các tệ nạn xã hội, hủy hoại bản thân, đạo đức kém cỏi, bất tài,… nhưng với phận là con thì người con không có quyền tham gia hay góp ý, khuyên bảo. Đặc biệt là trong hôn nhân, con cái không có quyền tự do tìm hạnh phúc của mình. Hôn nhân được thực hiện theo nguyên tắc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, chính điều này đã dẫn đến nhiều cuộc hôn nhân ngang trái trong xã hội như nạn tảo hôn, ép duyên làm cay đắng, ngậm ngùi bao kiếp người:

Thân em mười sáu tuổi đầu Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người

Nói ra sợ chị em cười

Năm ba chuyện thảm, chín, mười chuyện cay

Hay cảnh làm lẽ mọn gắn liền với áp bức giai cấp

Lấy chồng làm lẽ khổ thay Đi cấy, đi cày chị chẳng kể công!

Đến tối chị giữ lấy chồng

Chị cho manh chiếu nằm không nhà ngoài Đến sáng chị gọi: “Bớ Hai”!

Trở dậy nấu cám, thái khoai, đâm bèo Bởi chưng bác mẹ tôi nghèo Cho nên tôi phải đâm bèo, thái khoai

Như vậy, trong gia đình, quyền lực tối cao thuộc về người cha, nó hình thành cách tư duy, lối sống, tính cách gia trưởng của người đàn ông trong gia

đình. Ngược lại, điều đó dẫn đến thái độ cam chịu của người phụ nữ. Trong quan hệ vợ chồng cũng vậy, người chồng có quyền lớn hơn người vợ trong mọi lĩnh vực. Người chồng dù có tốt đẹp hay xấu xa thì người vợ vẫn phải tuân theo và phục tùng vô điều kiện, họ trở thành kẻ cam chịu, buông xuôi với số phận của mình. Họ không có quyền và không dám khẳng định mình trong hôn nhân và phải phó thác cuộc đời mình cho sự may rủi. Ai may mắn thì được người chồng tốt. Ai rủi ro thì lấy phải người chồng không xứng đáng:

Thân em như hạt mưa sa

Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng (ca dao)

Hay:

Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

(ca dao)

Có thể nói rằng, người vợ trong gia đình giống như một thứ công cụ để sai bảo, một kiểu nô lệ, họ không có cuộc sống cho mình, phải hy sinh bản thân cho người khác. Luật nhà Trần còn quy định: Người đàn bà ngoại tình xử cho về ở với chồng làm đầy tớ và chồng được tự ý đem cầm, đợ hoặc gả bán (An nam chí lược). Chồng phạm tội trộm cắp lấy một đền mười, không trả được thì bắt vợ làm nô tì. Vào năm 1920, có trận đói lớn, nhiều người chồng đã bán vợ với giá một người một quan tiền. Kết quả của quan niệm trọng nam khinh nữ nêu trên là rất nhiều gia đình bất hạnh mà người chịu mất mát, thiệt thòi nhiều nhất là người phụ nữ. Nhưng, trong xã hội gia trưởng, có lẽ sự mất mát lớn nhất đối với cuộc đời của người phụ nữ là sự ra đi vĩnh viễn của người chồng. Khi chồng chết, cả luật và lệ đều khuyến khích người phụ nữ không đi bước nữa, phải ở vậy nuôi con. Theo luật nhà Lê: người mẹ đã tái

giá thì mất luôn cả quyền làm mẹ đối với con chồng trước. Ruộng nương, tài sản phải trả cho con người chồng trước.

Trong thực tế, nhiều người phụ nữ đã được triều đình phong kiến tặng những tấm bảng vàng trinh tiết khi suốt đời ở vậy thờ chồng nuôi con. Dư luận xã hội đối với họ là kính trọng, ngưỡng mộ và điều này đã hình thành nên thói quen tâm lý rất lớn đối với người dân Việt Nam. Nhưng có ai hiểu trong lòng họ là cả một sự hy sinh to lớn những khát vọng hạnh phúc cá nhân, những cay đắng, ngậm ngùi,… Họ chính là biểu tượng rõ nhất của sự cam chịu, là nạn nhân của bất công, của bất bình đẳng trong gia đình và xã hội cũ.

Trong mối quan hệ giữa những người con với nhau thì con trai có quyền, có lợi hơn người con gái: “Con gái là con người ta, con dâu mới thực mẹ cha mua về” hay “con gái cái bòn”. Những người nam giới có quyền lớn hơn không phải do họ có tài năng, đức độ cao hơn mà cái quyền đó là do địa vị làm chồng, làm cha, làm người đàn ông đem lại. Điều này phục vụ đắc lực cho mục đích của giai cấp lãnh đạo xã hội phong kiến: đảm bảo tôn ti trật tự thuận theo một chiều từ trên xuống, từ trong gia đình ra ngoài xã hội

Gia đình Nho giáo là kiểu gia trưởng phụ quyền, đề cao gia trưởng quyền và nam quyền. Nho giáo coi thường phụ nữ, thậm chí coi phụ nữ là thấp hèn nhất. Trong gia đình người phụ nữ chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng; ngoài cộng đồng họ tộc, người phụ nữ hầu như không có vị thế gì; với đất nước, họ không được phép là “thần dân” của hoàng đế. Trong bảng giá trị xã hội, giới tính được coi là một giá trị thể hiện rõ nhất sự phân biệt nam, nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Đối với gia đình và họ tộc, người phụ nữ không có con trai là một tội lỗi. Đây chính là một hạn chế xã hội nặng nề nhất của quan niệm Nho giáo đối với xã hội nói chung và gia đình nói riêng.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến gia đình truyền thống Việt Nam: từ chỗ khinh rẻ phụ nữ đến chỗ áp bức họ, trói buộc họ vào công việc lao động nặng nhọc trong gia đình. Người phụ

nữ không có vị trí xã hội, là công dân hạng hai. Mệnh đề “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (trong ba điều bất hiếu, không có người nối dõi tông đường là lớn nhất) đẩy nhiều người phụ nữ vào số phận tối tăm tuyệt vọng. Quan niệm này đã tạo ra hành vi ứng xử tàn bạo đối với phụ nữ ở một số người mà ngày nay đây đó còn tồn tại.

Lịch sử cho chúng ta thấy, nhiều khi tồn tại xã hội đã mất đi nhưng ý thức xã hội do nó sinh ra vẫn tồn tại dai dẳng. Điều này được thể hiện rõ nét trong những quan niệm truyền thống, tập quán, tâm lý… Lênin cho rằng sức mạnh của tập quán được tạo ra qua nhiều thế kỷ có một sức mạnh ghê gớm. Việt Nam đã đánh đổ chế độ phong kiến, đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1986 thực hiện đổi mới cho đến nay, xã hội có nhiều biến động lớn lao tạo ra những bước phát triển tiến bộ vượt bậc trên mọi lĩnh vực xã hội, trong đó có lĩnh vực gia đình và giới. Tuy nhiên, nhiều ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo đối với xã hội nói chung và với gia đình nói riêng vẫn là điều khiến chúng ta trăn trở.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm của Nho giáo về gia đình và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)