Chương 1 QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH
2.2. Phát huy các giá trị của Nho giáo về gia đình trong gia đình Việt
2.2.2. Phát huy mặt tích cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đố
với việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay
Ngày nay, chúng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng cho sự nghiệp xây dựng đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nho học không còn giữ vị trí chi phối nhưng ảnh hưởng của nó trong tư tưởng của quần chúng, trong những phong tục tập quán, trong nếp nghĩ, cách làm của người dân Việt vẫn tồn tại. Chúng ta không thể dễ dàng mà khẳng định bản chất của Nho giáo nói chung và quan niệm của Nho giáo về gia đình nói riêng là hoàn toàn phản động bảo thủ và lạc hậu, đối lập với nhân dân, rằng gia đình theo quan niệm Nho giáo không có phần nào là tích cực đối với gia đình hiện đại. Đó là cách tiếp cận phi lịch sử, phi biện chứng. Hàng ngàn năm qua, cha ông ta vừa chống lại Nho giáo, vừa tiếp thu và cải tạo Nho giáo. Đó là hiện thực khách quan, phản ánh đúng logic biện chứng của sự phát triển văn hóa. Vấn đề đặt ra là chúng ta kế thừa quan niệm của Nho giáo về gia đình như thế nào? Ở đây chúng ta khẳng định không thể nghiên cứu Nho giáo từ bản thân
nó mà phải luôn nhìn nhận nó trong sự vận động biến đổi của đời sống hiện thực. Không có thứ Nho giáo thích ứng với mọi hoàn cảnh. Vì vậy chúng ta cần kế thừa một cách có phê phán, có chọn lọc và tiếp thu những yếu tố tích cực của Nho giáo về gia đình để xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại.
Chúng ta đều biết rằng, trí tuệ loài người là sự tiếp nối các hiểu biết của các thế hệ, nó được tạo ra trên cơ sở những tài liệu lý luận của các thời đại trước. Phủ định biện chứng trong quá trình tiến lên là quy luật của bản thân sự vận động phát triển của thế giới khách quan và như vậy nó cũng là quy luật tất yếu của quá trình nhận thức thế giới. Phương pháp không tiếp thu toàn bộ hệ thống, chỉ lựa chọn những giá trị phù hợp đối với học thuyết Nho giáo càng có tính nguyên tắc cao hơn. Phương pháp phê phán hệ thống, tiếp thu yếu tố và ngay với từng yếu tố cũng không kế thừa nguyên xi như nó vốn có giúp chúng ta vừa được tiếp nhận, vừa được cải tạo và nâng cao, vừa được sắp xếp lại thang bậc giá trị phù hợp với sự vận động của lịch sử
Chủ nghĩa Mác-Lênin không bao giờ gạt bỏ cái cũ một cách mù quáng mà nó tiếp thu toàn bộ những thành tựu của nền văn minh nhân loại để xây dựng một hình thái kinh tế - xã hội tiến bộ nhất trong lịch sử. Tiếp thu tinh thần đó để nghiên cứu ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo đối với gia đình Việt Nam ngày nay chúng ta sẽ có cái nhìn tổng thể, thái độ khách quan để đánh giá về giá trị cũng như hạn chế của Nho giáo. Từ đó có phương pháp kế thừa một cách có chọn lọc và hiện đại hóa những tinh hoa của nho giáo. Kế thừa, hoàn toàn không phải là quay trở lại với xã hội Nho giáo ngày xưa. Xã hội phong kiến Nho giáo đã qua không bao giờ trở lại, nhưng tinh hoa của Nho giáo vẫn là công cụ hữu ích của quá trình phát triển xã hội ngày nay.
Với tính cách là tế bào của xã hội, vườn ươm các nhân tài của đất nước, nơi nuôi dưỡng những công dân mới cho tương lai, gia đình có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành công nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự tốt xấu của mỗi gia đình đều có ảnh hưởng tới sự ổn định
của xã hội. Tất nhiên, gia đình mới mà chúng ta xây dựng là một gia đình hòa thuận dựa trên cơ sở dân chủ: vợ chồng, cha con anh em tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau bàn bạc và quyết định những vấn đề lớn của gia đình. Gia đình mới mà chúng ta xây dựng cũng đòi hỏi vợ chồng phải có lòng chung thuỷ, làm cha, mẹ phải có đức nhân từ, làm con phải có đức hiếu kính, làm anh em phải có sự thương yêu nhường nhịn. Hạt nhân của mỗi gia đình ấy chính là vợ và chồng.
Thứ nhất, quan hệ vợ chồng
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, mối quan hệ này luôn được nhân dân đề cao, ca ngợi tình nghĩa thủy chung, thuận hòa, hết tình hết nghĩa vì nhau của cả hai vợ chồng, đó là tiền đề quan trọng để đảm bảo hạnh phúc gia đình, bảo đảm duy trì các mối quan hệ xã hội khác đúng mức và giúp cho xã hội ổn định. Tuy nhiên, nếu trong xã hội truyền thống tư tưởng “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” chi phối thì ngày này, mối quan hệ này phải đươc xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính, sự tự do bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, phải theo luật hôn nhân và gia đình, đáp ứng được yêu cầu giải phóng phụ nữ, đưa người phụ nữ lên làm người chủ thực sự của gia đình. Yêu cầu chung thủy giữa vợ và chồng trong đạo đức truyền thống vẫn cần được chúng ta giữ gìn và phát huy, vẫn coi đây là yêu cầu quan trọng nhất nhằm đảm bảo hạnh phúc gia đình và ổn định xã hội. Trong gia đình của xã hội mới, người chồng vẫn phải là người trụ cột, là chỗ dựa đáng tin cậy của vợ và con về mọi mặt nhất là trong việc làm kinh tế và giáo dục con cái nên người, là trung tâm đoàn kết của gia đình, hết lòng thương yêu quý trọng vợ con, là tấm gương cho vợ con trong các quan hệ ứng xử ở gia đình và với họ hàng làng xóm. Người chồng phải dũng cảm, khéo léo, cương quyết, độ lượng, bao dung và có trách nhiệm với vợ con trong nhà, tránh chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng. Có như vậy mới chỉ huy được gia đình, mới đáp ứng được yêu cầu “tề gia” trong xã hội hiện đại, nghĩa là làm sao phát huy được khả năng sang tạo tự chủ của mọi người trong nhà. Về phía người vợ cũng phải nhận thức rõ vị trí, vai trò của
mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội, cùng chia sẻ trách nhiệm với chồng trong việc tạo dựng hạnh phúc chung. Theo thiên chức của mình thì người vợ phải là người biết quán xuyến công việc gia đình, biết tề gia nội trợ, chăm sóc chồng, nuôi dạy con cái và đối xử tốt với cha mẹ chồng theo chức phận làm con, làm dâu trong nhà. Những yêu cầu rèn luyện tứ đức đối với người phụ nữ vẫn được chồng và gia đình chồng trân trọng, ca ngợi khi người vợ đáp ứng được một cách tự giác phù hợp với điều kiện xã hội mới và yêu cầu cụ thể của từng gia đình. Tuy nhiên “công - dung - ngôn - hạnh” theo quan niệm ngày nay đã biến đổi rất nhiều so với quan niệm truyền thống.
“Công” theo quan niệm cũ là nữ công gia chánh, tề gia nội chợ, may vá thêu thùa, dạy bảo con cái theo những nguyên tắc của chế độ phong kiến, nghĩa là bị giới hạn về nội dung và phạm vi công việc mà người phụ nữ được tham gia trong gia đình. Ngày nay, với việc xã hội hóa ngày càng sâu rộng các công việc nội trợ thì quan niệm về nội dung, tính chất công việc của người phụ nữ trong thời đại mới được nhìn nhận ở hai phương diện:
- Bằng năng lực của mình tham gia vào công việc xã hội để tạo ra của cải vật chất cho gia đình.
- Đảm đang công việc gia đình, tổ chức đời sống vật chất và tinh thần một cách hợp lý.
Như vậy, xã hội càng hiện đại thì yêu cầu về công việc đối với người phụ nữ càng cao, phạm vi càng được mở rộng, tính chất càng phức tạp. Vấn đề nổi bật hiện nay là người phụ nữ phải đảm bảo được công việc của gia đình và ngoài xã hội. Vừa tổ chức bảo vệ, nuôi dưỡng được hạnh phúc gia đình, vừa đảm bảo tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của một người công dân trong xã hội.
“Dung” theo quan niệm Nho giáo được hiểu là vẻ đẹp hình thức, thể hiện qua dáng vẻ tự nhiên kết hợp với trang phục tạo nên sự đoan trang, đó là vẻ đẹp thùy mị, kín đáo, duyên dáng. Ngày nay, quan niệm về “dung” đã có nhiều biến đổi. Vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ là vẻ đẹp về hình thức mà
nó còn bao gồm cả nét đẹp trí tuệ, tài năng, học vấn, kinh nghiệm, đạo đức, tác phong,… Ngoài ra, người phụ nữ ngày nay không chỉ biết làm đẹp cho bản thân mà còn biết làm đẹp cho ngôi nhà của mình, cho chồng, cho con. Như vậy, đối với người phụ nữ hiện đại vẫn rất cần kế thừa và phát huy những chuẩn mực “dung” trong quan niệm truyền thống, đó là nét đẹp thanh lịch, duyên dáng. Hiện nay nhiều phụ nữ Việt Nam đang chạy theo các trào lưu ăn mặc, phong cách, trang điểm,… của các nước Tây Âu một cách thái quá. Hiện tượng đó cho ta thấy sự đi ngược lại, thậm chí phủ nhận hoàn toàn quan niệm thẩm mỹ và giá trị văn hóa truyền thống. Quan điểm kế thừa không cho phép chúng ta kế thừa nguyên xi nhưng cũng không thể phủ định sạch trơn. Phủ định nét đẹp truyền thống, chạy theo văn hóa ngoại lai một cách thái quá như vậy là phủ định chính mình, người phụ nữ sẽ trở nên kệch cỡm giữa đời thường.
“Ngôn” theo quan niệm truyền thống được chú trọng về ngôn từ: nhã nhặn, kín đáo, âm thanh của lời nói thật nhỏ nhẹ, dễ nghe. Ngôn từ trong xã hội phong kiến phần lớn rơi vào khuôn sáo, khắt khe. Ngày nay, do yêu cầu của sự phát triển, ngôn từ đang dần được trí tuệ hóa, khoa học hóa, nó mang đặc điểm ngắn gọn, súc tích, chuyển tải hàm lượng thông tin lớn. Đây là một yêu cầu nhưng đồng thời là ưu thế của thời đại công nghiệp. Nhưng trên hết, người phụ nữ hiện đại rất cần kế thừa trên tinh thần phê phán những tư tưởng về “ngôn” trong xã hội truyền thống để đảm bảo hạnh phúc gia đình. Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, điều này hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.
“Hạnh” theo tư tưởng truyền thống là đức hạnh. Người phụ nữ đức hạnh không chỉ biết chu toàn mọi việc trong gia đình mà còn phải biết đối nhân xử thế sao cho nhân hậu. Không làm mất lòng người, giữ gìn danh tiếng cho chồng, con, gia đình và gia tộc nhà chồng. Ngoài ra, chữ “hạnh” còn đòi hỏi người phụ nữ phải biết chịu thương chịu khó, thủy chung vô điều kiện,
giữ tròn bổn phận thờ chồng, nuôi con, suốt đời giữ gìn phẩm hạnh. Có thể nói rằng đức “hạnh” chính là trung tâm, là mục đích để phụ nữ Việt Nam xưa vươn tới. Ngày nay, khi điều kiện chính trị, xã hội đã thay đổi, phẩm hạnh của người phụ nữ về cơ bản vẫn được đánh giá dựa vào các tiêu chí thể hiện trong vai trò làm vợ và làm mẹ. Trong vai trò làm vợ, người phụ nữ hiện đại vẫn luôn là người giữ “lửa” trong gia đình của mình, cần làm tròn trách nhiệm của mình với chồng như: Đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý, thỏa mãn nhu cầu tinh thần, chăm lo đời sống vật chất cho chồng. Sự đồng cảm hòa thuận giữa hai người là sự gắn kết bền chặt nhất của mối quan hệ hôn nhân. Đúng như cha ông ta đã từng tổng kết: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Với vai trò làm mẹ, người phụ nữ trong thời đại nào cũng cần thực hiện tốt thiên chức cao cả của mình. Để thực hiện tốt điều đó mỗi người phụ nữ phải không ngừng phấn đấu để hoàn thiện nhân cách của mình. Một người me hiện đại cần có hiểu biết, có văn hóa, không chỉ có tri thức khoa học mà còn rất cần có phẩm chất đạo đức tốt đẹp để nuôi dạy con nên người. Đây có lẽ là tiêu chuẩn cơ bản nhất để khẳng định phẩm hạnh người mẹ trong xã hội hiện đại.
Như vậy, đối với người phụ nữ hiện đại “tứ đức” vẫn rất cần phải có để người phụ nữ làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ. Chỉ có điều người phụ nữ cần thực hành “tứ đức” theo quan niệm hiện đại với một mức độ cao hơn, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những yêu cầu không phù hợp để xây dựng gia đình thực sự trở thành tổ ấm cho mỗi cá nhân.
Có thể thấy rằng, gia đình mới hiện nay, trước hết, cần phải là một gia đình vợ chồng sống chung thuỷ, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng với nhau về quyền lợi và trách nhiệm. Vợ chồng cùng nhau chia sẻ trách nhiệm giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà. Mỗi người cần kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình và quyền bình đẳng nam nữ. Trong thực tế hiện nay, một trong những nguyên nhân dẫn đến vợ chồng ly dị, con cái hư hỏng, chính là do thiếu ý thức trách nhiệm và ít
hiểu biết pháp luật, coi thường việc trao thân và yêu cầu về sự chung thủy. Họ dễ dàng kết hôn theo sở thích cá nhân mà không có ý thức trách nhiệm thực sự với gia đình, vợ con cho nên khi gặp khó khăn trong cuộc sống họ không muốn duy trì hạnh phúc, nương tựa vào nhau để cùng khắc phục mà lựa chọn con đường ly hôn một cách dễ dàng. Điều này phải chăng nhà nước và xã hội cũng chịu một phần trách nhiệm khi chúng ta chưa giáo dục cho thanh niên một cách đầy đủ những tri thức về đạo đức trong tình yêu, trong quan hệ hôn nhân và gia đình mà chỉ tập trung tuyên truyền quá nhiều về sức khỏe sinh sản vị thành niên… làm cho họ có cái nhìn lệch lạc về đời sống vợ chồng, đánh mất những giá trị đạo đức truyền thống mà cha ông ta đã đạt được.
Thứ hai, quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Trong xã hội hiện đại, những người làm cha mẹ cần thực hiện tốt vai trò của mình trong việc nuôi dạy con cái, bởi lẽ trong thời đại nào thì giữa gia đình và xã hội cũng có mối liên hệ tương tác hữu cơ chặt chẽ. Gia đình chịu sự chi phối của xã hội, xã hội lại chịu sự tác động của nhân tố gia đình. Môi trường xã hội không tốt sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của các thành viên trong gia đình. Muốn có xã hội tốt đòi hỏi phải có sự giáo dục hiệu quả bắt đầu từ gia đình mà ở đó vai trò của cha mẹ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Cha mẹ là những người trực tiếp truyền thụ, giáo dục quan niệm tốt đẹp về lối sống, về lý tưởng và hạnh phúc cũng như định hướng nghề nghiệp cho con cái theo yêu cầu của xã hội, theo truyền thống gia đình và theo đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước để đến khi trưởng thành họ có đủ khả năng ứng xử nhanh nhạy, mẫu mực trong các quan hệ xã hội. Nghĩa là cha mẹ cần có tinh thần trách nhiệm cao trước xã hội về hành vi của con cái mình. Cha mẹ phải coi việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái nên người, trở thành những công dân tốt có ích cho xã hội là tâm nguyện, ước muốn, là nghĩa vụ và hạnh phúc của họ. Vì vậy, vai trò giáo dục của cha mẹ, quan hệ mẫu mực của cha mẹ với con
cái hầu như là quyết định vì “cha có ra cha thì con mới nên con” được, mới có cha nào con ấy theo ý nghĩa tích cực của nó.
Đối với con cái trong gia đình, yêu cầu giữ vững, làm tròn đạo hiếu với ông bà, cha mẹ vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là lẽ thông thường, tất yếu của con người. Dù ở bất kỳ xã hội nào thì nội dung yêu cầu cốt lõi của đạo hiếu cũng không đổi mà cần tiếp tục phát huy vì đức hiếu kính của người