Nhân vật cô đơn là hình tượng nổi bật trong văn chương thế giới thế kỷ XX. Cô đơn cũng là nỗi ám ảnh nhức nhối trên mỗi trang viết của nhà văn Việt Nam họ Tạ này. Cô đơn không chỉ là âm hưởng toát lên từ mỗi số phận nhân vật mà còn in dấu sâu đậm chính con người tác giả.
Như đã nói, Tạ Duy Anh là một cái tôi cô độc. Sự cô độc hình thành từ nhiều yếu tố gia đình, quê hương và thời đại. Cô độc trong quá khứ, cô độc trong cả hiện tại. Mỗi khi cầm bút là mỗi lần ông sống trong tâm trạng của một người côi cút”. Một nhân vật độc giả trong tác phẩm của ông đã thốt lên: “… Rất có thể chính tiên sinh là một khối cô đơn khủng khiếp và ông
thiên về những cảm hứng thê thảm chăng”. Ông ngưỡng mộ Doxtoievxki và
Nam Cao bởi “họ dám và có đủ tài để sáng tác trong cô độc, họ không cần
được đương thời chiếu cố và đều chọn khổ đau thay vì hạnh phúc”. Ông
quan niệm cô đơn là định mệnh và cũng là yếu tính của các nhà văn hiện đại. Danh chức, danh phận của người nghệ sỹ nhiều khi đòi hỏi nhà văn phiêu lưu với chính cuộc đời mình. Anh không thể lựa chọn đám đông, chạy theo thị hiếu và thoả hiệp với nhu cầu ve vuốt ở họ. Và cô đơn là bi kịch tất yếu của con đường sáng tạo.
Đọc tác phẩm Tạ Duy Anh, bên cạnh ám ảnh bị săn đuổi, bị kết án là những ám ảnh thường trực về nỗi cô đơn của con người. Đi hết cuộc đời mà
nhân vật vẫn không đủ tuổi để sống với nỗi cô đơn. Trạng thái cô đơn thường biểu hiện sự trống trải trong tâm hồn. Bao nhiêu nhân vật đã phải thốt lên trong nỗi cô đơn ngàn đời vây bủa. Đó là “tôi” trong Bước qua lời nguyền: “Bỗng dưng tôi cảm thấy cô đơn”, là chú Hổ trong Vòng trần luân trần gian: “Tôi cô đơn, tôi muốn thoát khỏi cuộc đời này”, là lão Khổ trong tiểu thuyết cùng tên: “Dậy đi con! Dậy uống với bố chén rượu. Bố thấy cô
đơn quá”. Đó là cuộc đối thoại im lặng trong nỗi cô đơn kéo dài dằng dặc
giữa ông Nhị và người vợ trẻ hay buồn trong Chuyện không có chủ đề cho đến phút chót cuộc đời được sống bên nhau, họ vẫn là những khối cô đơn đầy bí ẩn.
Kiểu nhân vật cô đơn gắn với cảm thức của nhà văn về con người
thân phận. Con người nhỏ bé, đầy lo âu và bị lưu đày. Nhiều khi nhân vật
hiện lên như một hữu thể bất lực trong thế giới câm lặng tuyệt đối như bãi sa mạc mêng mông. Vào những chiều đông của kiếp người, “lão Khổ thấy cô đơn đến khủng khiếp”, “liệu lão có chịu nổi là người cuối cùng nằm xuống
sau khi lần lượt những người lớp tuổi lão về lòng đất” . Cuối cùng thì cuộc
sống như một sự trừng phạt, lão “lang thang, lạc lõng, cô đơn ngay giữa
đồng loại”.
Trong một số tác phẩm, nhân vật của Tạ Duy Anh như không có thời gian quá khứ (ta không biết quá khứ của nhân vật ra sao hoặc nếu có thì quá khứ đó cũng rất lờ mờ). Nhân vật càng không có thời gian hiện tại, lúc nhân vật xuất hiện, song đó là quãng thời gian đằng đẵng một khối cô đơn khổng lồ. Cô đơn như một hình phạt, cô đơn như một tiền định. Cuộc đời làm người của lão Nhị (Luân hồi) chỉ được miêu tả trong khoảnh khắc của tiếng hú nhưng dường như trong khoảnh khắc ấy, nhân vật đã sống cả đời người.
“Lão quay bốn phương tám hướng và tru lên như một con sói già của thuở khai thiên lập địa, trước khi từ giã đồng loại. Tiếng hú của lão như vọng xuống chín tầng âm phủ rồi lại vang lên chín tầng trời, vừa hùng tráng, vừa thê thảm. Tôi cảm thấy như đang nghe tiếng vọng của cả một thời xa xưa của tiền kiếp, của những số phận quằn quại ra đời trong vực thẳm âm u của
thời gian” [ ].
Tiếng hú vừa là thế giới riêng chất chứa những ám ảnh, vừa là phương thức đối thoại đặc thù của nhân vật khi đột nhiên sau nửa đời sống cô độc có người đến gần và cất tiếng chào lão. Mặt khác, nó tô đậm đặc trưng số phận của nhân vật: bơ vơ, cô độc, xa lạ với tất cả. Nhân vật co mình lại, khép kín và sống trọn vẹn với sự cô độc.
Vậy con người cô đơn vì đâu?
Khắc họa tâm trạng cô đơn, cảm giác lạc thời và lạc loài, tác phẩm Tạ Duy Anh muốn đặt vấn đề tự tra vấn của con người hiện đại. Vì sao con người cảm thấy cô đơn trong cộng đồng xã hội mà mình đang chung sống? Vì sao nó không thể tìm được sự đồng cảm, sẻ chia? Và đây là một câu trả lời: cô đơn như một tiền định. Cô đơn như một hình phạt, cô đơn là cái không có nguyên do, đơn giản họ là con người, cô đơn vì lạc lõng, lạc loài và cũng có thể cô đơn vì tôi đang là tôi, tôi tự quyết, tự chọn mình, chứ không phải là đám đông nhiễu loạn, là dân làng Đồng. “Một khi đã ý thức sâu xa về tính chất độc đáo hiện sinh của mình, con người tự cảm thấy cô đơn. Chính tôi sẽ chết cái chết của tôi, không ai giúp tôi được. Vậy thì cũng chính tôi phải sống cuộc sống độc đáo của tôi, đừng để người ta sống mất cuộc sống đó, nghĩa là tôi đừng sống theo đuổi “người ta”. Khi nào tôi đảm
nhiệm lấy cô đơn, đó chính là lúc tôi dám làm người có nhân vị độc đáo. Khi đó tôi sẽ dám phát huy tất cả những khả năng riêng biệt của tôi theo những đường lối chỉ tôi có, nên chỉ mình tôi biết phải khai thác thế nào để có thể
đạt tới mức hoàn thiện” . Ở các nhân vật ra đi và kiếm tìm của Tạ Duy Anh
ít nhiều có ý thức này.