Môi trường sinh thái hiện nay đang là một trong những vấn đề quan trọng, có tính chất toàn cầu. Có thể nói, sự phát triển trong tương lai của tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt nước giàu hay nước nghèo, nước có trình độ cao hay thấp…., đều phụ thuộc đáng kể vào mức độ và hiệu quả của mỗi quốc gia trong việc giải quyết vấn đề này. Chính vì vậy, việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường là một điều kiện tiên quyết của sự PTBV. Ở Việt Nam, vai trò quản lý của Nhà nước đối với tài nguyên và môi trường được đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nhưng lại đang phải đối diện trực tiếp với nhiều vấn đề môi trường nóng bỏng.
2.3.1. Thành tựu chủ yếu
Về nhận thức, chúng ta đã xác định và thực hiện quan điểm mới về sự phát triển, trong đó, phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ tài nguyên môi trường trong các chính
sách phát triển. Nếu như trước đây, chúng ta coi tự nhiên là nguồn của cải vô tận và
chỉ biết khai thác từ đó những gì có lợi cho mình thì ngày nay chúng ta đã nhận ra rằng, bên cạnh việc “chinh phục” tự nhiên, còn phải bảo vệ và phục hồi môi trường thiên nhiên. Xuất phát từ tính cấp bách của vấn đề cũng như đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, Đảng ta quan niệm rằng, trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, quản lý và bảo vệ
tài nguyên môi trường là một nhiệm vụ hàng đầu nhằm bảo đảm chất lượng sống của
con người và sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, là một trong những nội dung cơ bản của PTBV được giải quyết hài hòa trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, là sự nghiệp của toàn đảng, toàn dân, là quyền lợi và
nghĩa vụ của mọi công dân và trách nhiệm của toàn xã hội, là văn hóa và đạo đức mang tính nhân văn, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh, là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài…
Với quan điểm như vậy, Đảng và Nhà nước ta tích cực thực hiện việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cộng đồng dân cư về ý nghĩa của tài nguyên môi trường, của việc quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường đối với sự tồn tại, phát triển của xã hội và bản thân mỗi cá nhân trong hiện tại, tương lai.
Các hoạt động thông tin tuyên truyền được tiến hành bằng nhiều hình thức, qua các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với những vấn đề liên quan đến tài nguyên môi trường. Nhờ đó, góp phần từng bước nâng cao nhận thức của họ về vấn đề này. Theo kết quả điều tra xã hội của Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, khi được hỏi về nguồn cung cấp thông tin về quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường thì có 68,4% số người được hỏi cho rằng từ các phương tiện như báo chí, truyền hình, đài phát thanh, có 14% cho rằng từ nghề nghiệp và 13% cho rằng từ chính quyền địa phương [33, tr.230]. Sự tiếp cận các thông tin về môi trường đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề này. Cũng theo kết quả điều tra trên, khi được hỏi: “Tại sao việc bảo vệ tài nguyên môi trường là cần thiết?” thì trong số 154 cán bộ quản lý doanh nghiệp được hỏi có 80 người (53.3%) trả lời là để có điều kiện phát triển sản xuất bền vững; có 104 người (69.3%) khẳng định là để đảm bảo cuộc sống; và 74 người (49.3%) cho là vì thế hệ mai sau. Trên cơ sở những nhận
thức ban đầu về các vấn đề môi trường, nhân dân đã có một số hành động cụ thể, thiết thực trong việc bảo vệ môi trường sống. Theo điều tra trên trong số 154 người trả lời câu hỏi: “Đồng chí đã làm gì để bảo vệ môi trường?” thì có 86 người (55.8%) cho rằng sử dụng hợp lý tiết kiệm tài nguyên; 65 người (42.2%) cho rằng không thải các chất độc hại; 79 người (51.3%) cho rằng không vứt rác bừa bãi, 81 người (52.6%) cho rằng tự mình làm và vận động người khác cũng làm [34, tr.231].
Về thể chế, luật pháp và các chính sách tài nguyên môi trường. Có thể nói,
thành tựu nổi bật trong quản lý Nhà nước đối với tài nguyên môi trường là nhà nước ta đã xây dựng, thông qua các khuôn khổ thể chế, luật pháp và chính sách môi trường.
Năm 1985, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 246/HĐBT về “Đẩy mạnh điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Đây là văn kiện mở đầu cho sự ra đời hàng loạt chính sách nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường và PTBV.
Năm 1993, Nhà nước đã ban hành Luật bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tăng cường trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân đối với bảo vệ môi trường.
Luật đất đai được ban hành năm 1993, nghiêm cấm việc hủy hoại đất và quy định nghĩa vụ của người sử dụng nguồn tài nguyên này phải thực hiện các biện pháp bảo vệ làm tăng khả năng sinh lợi của đất đai.
Luật khoáng sản ban hành năm 1996 đã có điều khoản riêng về bảo vệ môi trường (Điều 16), trong đó quy định các chủ thể được phép hoạt động khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu và thực hiện các quy định khác nhằm hạn chế tối đa các tác động xấu đến môi trường, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai…
Luật bảo vệ và phát triển rừng (1991) quy định Ủy ban nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và chủ rừng phải tổ chức quản lý, bảo vệ vốn rừng hiện có, phòng chống các hành vi gây thiệt hại đến rừng, đồng thời thực hiện các biện pháp nuôi dưỡng, phát triển thực vật rừng, động vật rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành một loạt các văn bản pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung sau khi Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực, như Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1996), Luật dầu khí (1993) nhằm lồng ghép vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường trong quá trình phát triển.
Có thể thấy rằng, Nhà nước ta rất quan tâm và coi trọng xây dựng pháp luật về bảo vệ môi trường, hình thành nên một khung pháp lý làm cơ sở cho sự điều chỉnh, định hướng hoạt động của các chủ thể theo hướng xây dựng và phát triển mối quan hệ hài hòa giữa tự nhiên, xã hội và con người. Đặc biệt, kể từ sau khi Luật bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, một hệ thống pháp luật về quản lý và bảo vệ từng thành phần môi trường đang dần được hoàn thiện. Các yêu cầu bảo vệ môi trường không chỉ được ghi nhận ở các văn bản pháp luật về môi trường mà còn được đưa vào và trở thành một nội dung quan trọng của nhiều văn bản pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau (luật hình sự, luật dân sự, luật kinh tế - tài chính, luật hành chính…). Vì vậy, có nhà nghiên cứu đã từng nhận xét rằng hệ thống pháp luật ở nước ta đang diễn ra quá trình “sinh thái hóa”. Điều đó cũng thể hiện quan điểm tổng hợp, toàn diện và cách tiếp cận hệ thống, liên ngành trong quản lý Nhà nước đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đã tạo cơ sở pháp lý, định hướng cho các hoạt động kinh tế - xã hội và bước đầu phát huy tác dụng, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống của con người.
Bên cạnh xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, chúng ta cũng đã từng bước xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn môi trường và quản lý môi trường (thông số chỉ tiêu chất lượng môi trường) phù hợp với điều kiện Việt Nam ISO 14000. Đến năm 1998, chúng ta đã ban hành gần 200 Tiêu chuẩn Việt Nam cho yêu cầu bảo vệ môi trường. Hệ thống này là chuẩn mực, căn cứ cho hoạt động quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Về thiết chế, Nhà nước ta đã hình thành hệ thống các cơ quan quản lý về môi trường từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố. Song song với đó Nhà nước cũng đào
tạo và từng bước nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách, đồng thời bước đầu khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường.
Hoạt động thanh tra môi trường được coi là một trong những chức năng, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của hoạt động quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Mục đích của hoạt động này chính là nhằm phòng chống, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm cho các luật về môi trường đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thực tế. Để hoạt động này phát huy hiệu quả, Nhà nước rất
quan tâm xây dựng lực lượng thanh tra. Họ được đào tạo chính quy, có trình độ chuyên môn và thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực hoạt động. Việc tiến hành các cuộc thanh tra về bảo vệ môi trường do cơ quan chuyên trách các cấp tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và được thực hiện một cách khách quan, công bằng. Các cơ sở vi phạm, sau khi thanh tra, đều được xử lý kiên quyết. Đặc biệt, hoạt động thanh tra môi trường bước đầu đã triển khai thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm môi trường phải đền bù thiệt hại.
Ví dụ, Thanh tra Cục môi trường đã buộc nhà máy điện Phả Lại phải bồi thường thiệt hại cho nhân dân ở các xã lân cận thuộc tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh; thanh tra Sở khoa học công nghệ và Môi trường Bắc Giang buộc các chủ lò gạch bồi thường thiệt hại cho việc gây ô nhiễm môi trường làm giảm năng suất lúa; thanh tra Sở khoa học công nghệ và Môi trường Tây Ninh buộc nhà máy đường ở đây phải đền bù thiệt hại do họ gây nên cho các hộ nuôi cá lồng…
2.3.2. Hạn chế chủ yếu
Mặc dù vấn đề bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian qua đã được Nhà nước thể chế hóa, tổ chức thực hiện và ngày càng được quan tâm, coi trọng song vẫn còn không ít hạn chế.
Xét về phương diện kinh tế, chưa có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa các chính sách về phát triển kinh tế với chính sách bảo vệ môi trường, các chính sách công nghệ chưa thực sự gắn bó với yêu cầu bảo vệ môi trường.
Chưa đảm bảo sự gắn kết yêu cầu quản lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế theo đúng quan điểm của Đảng đã được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội. Thực hiện tăng trưởng kinh tế là một trong những mục tiêu của quá trình CNH, HĐH đất nước. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nền kinh tế nước ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém tất yếu dẫn đến lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Mặt khác, trong điều kiện cơ chế thị trường, các nguồn lực đầu tư bị hút vào những vùng, địa phương có nhiều thuận lợi về tài nguyên, giao thông, nhân lực…Tình hình đó vừa gây mất cân đối trong vùng phát triển, vừa tạo sức ép đối với môi trường (chất thải). Ngoài ra, việc thực hiện chính sách tự do hóa thương mại, mở cửa và tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là nguyên liệu thô và sơ chế, làm cho tài nguyên nhanh bị cạn kiệt và suy thoái. Tình trạng nhập khẩu thiếu kiểm
soát chặt chẽ làm gia tăng nguồn và nguy cơ gây ô nhiễm từ bên ngoài vào Việt Nam (chuột hải ly, ốc bươu vàng, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ, các chất thải…).
Chúng ta đã nhận thức được rằng, bảo vệ môi trường là cơ sở để phát triển. Tuy nhiên trong các văn bản pháp luật cũng mới chỉ quy định chung về việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường mà chưa có quy định buộc các cơ quan nhà nước, tập thể và các cá nhân thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường dẫn đến việc quản lý lỏng lẻo. Việc thực hiện cũng như tính hiệu quả của các quy định chung đó bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Dường như mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường mới chỉ được coi trọng trên lý thuyết. Trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay, mục tiêu kinh tế vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các chủ thể kinh tế. Vì vậy, trong quá trình xét duyệt cũng như tổ chức triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, những khía cạnh kinh tế, kỹ thuật và xã hội thường lấn át khía cạnh bảo vệ môi trường, các mục tiêu bảo vệ môi trường hoặc không được quan tâm hoặc chỉ được giải quyết như một vấn đề phát sinh. Trong nhiều trường hợp, các biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường chỉ mang tính khắc phục khi ở vào tình thế sự đã rồi, mà chưa đạt đến cấp độ hành động chủ động và tự giác.
Hệ thống chính sách, luật pháp về bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, hoàn chỉnh. Điều này được thể hiện ở chỗ, đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng các văn bản pháp luật riêng nhằm bảo vệ một số yếu tố môi trường cụ thể và cơ bản. Cùng với đó là việc cụ thể hóa điều luật quy định trách nhiệm đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường, bồi thường thiệt hại khi gây tổn thất cho môi trường... vẫn còn bỏ trống. Vấn đề trách nhiệm pháp lý, đặc biệt là trách nhiệm dân sự, hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa được quy định rõ, đầy đủ trong các văn bản hiện hành. Chính sự chậm trễ này đã tạo nên nhiều “kẽ hở” cho nhiều đơn vị, cá nhân “lách luật”, né tránh trách nhiệm, không nghiêm túc thực hiện hoặc xem nhẹ vấn đề đầu tư xây dựng, trang bị các công nghệ giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường với tư cách là một công cụ quản lý Nhà nước cũng còn nhiều bất cập, nhiều kẽ hở cho những kẻ vi phạm lợi dụng (chẳng hạn chưa có chế tài xử phạt thích đáng những hành vi vi phạm, chưa quy định cụ thể chi phí tài nguyên môi trường như một giá trị đầu vào cuả sản xuất kinh doanh…). Quát trình thực hiện Luật bảo vệ môi trường và các văn bản pháp quy liên quan đến
bảo vệ tài nguyên môi trường cho thấy, một số công cụ pháp lý dưới dạng quy chế, quy định cụ thể còn thiếu hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ chế và chế tài thực hiện pháp luật hoặc là tỏ ra lỗi thời, không phù hợp với điều kiện mới, hoặc là còn có điểm chưa chặt chẽ…ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường.
Nhà nước ta chưa có quy hoạch tổng thể đối với việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường. Sự lỏng lẻo thiếu chặt chẽ trong quản lý của Nhà nước đã không kiểm soát được việc khai thác nhiều nguồn tài nguyên quý như rừng, quặng, đất đai…Chẳng hạn, từ đầu năm 2004, hàng loạt địa phương như Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên… diễn ra tình trạng khai thác quặng sắt, titan, chì, kẽm trái phép mà chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Đây là một hoạt động trái với luật khoáng sản cũng như các yêu cầu của Chính phủ về công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, như hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô, phải chế biến để