1.3.1. Kinh nghiệm của Nhật Bản
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, nền kinh tế Nhật Bản lâm vào tình trạng kiệt quệ và khủng hoảng trầm trọng. Nhờ có đường lối kinh tế đúng đắn, Nhật Bản nhanh chóng vượt qua giai đoạn tái thiết để bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao (khoảng 10%/năm) giai đoạn những năm 60, thế kỷ XX. Đến thậưp kỷ 70, Nhật Bản trở thành nền kinh tế hùng mạnh đứng thứ ba thế giới. Tuy nhiên, từ những năm 90, nền kinh tế bắt đầu suy thoái.
Trong quá trình phát triển, mặc dù là một cường quốc kinh tế, s\ong Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức cơ bản. Kinh tế phát triển không ổn định, việc thực hiện chính sách “kinh tế là trên hết” dẫn đến tình trạng sử dụng công nghệ có hàm lượng chất xám thấp, tiêu hao và lãng phí nguyên liệu. Trong phát triển xã hội, mặc dù đời sống của nhân dân được cải thiện, song do quá chạy theo mục tiêu lợi nhuận đã dẫn đến sự phát triển vùng không cân đối, kéo theo tình trạng phân hóa rõ rệt giữa thành thị và nông thôn, sự quá tải về nhà ở, kết cấu đô thị….ở những vùng công nghiệp hóa quá mức. Về môi trường, tình trạng ô nhiễm ở Nhật Bản khá nặng nề, đặc biệt những năm 70, tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức trầm trọng như mưa axit, hiệu ứng nhà kính…Những thách thức trên buộc chính phủ Nhật Bản phải điều chỉnh chiến lược phát triển theo hướng bền vững.
Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội bền vững theo 6 lĩnh vực, đó là chính sách quản lý cầu vĩ mô, chính sách công nghiệp, chính sách phân phối, chính sách phát triển vùng, chính sách nhận thức và giáo dục, chính sách nghiên cứu và triển khai.
Trong chính sách quản lý cầu vĩ mô, Nhật Bản chủ trương áp dụng theo những tiêu chuẩn của Mỹ trọng tâm là chính sách tài khóa và tiền tệ trong nền kinh tế Nhật. Hàng năm, Cục quy hoạch kinh tế Nhật Bản xuất bản 2 cuốn sách trắng, là “Sách trắng về kinh tế” và “Sách trắng về kinh tế thế giới”. Bản chất của chính sách công nghiệp là trọng cung với 2 mục tiêu là phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu và hỗ trợ các ngành công nghiệp yếu kém tái cấu trúc cơ cấu, giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (có chọn lọc) cải tiến công nghệ và quản lý. Chính sách phân phối thể hiện ở sự điều tiết phát triển kinh tế gắn với xã hội và chú ý tới chủ nghĩa bình đẳng trong phúc lợi của nhân dân.
Chính phủ Nhật Bản quan tâm xây dựng Kế hoạch phát triển Quốc gia và phát triển vùng cho từng giai đoạn với những mục tiêu cụ thể. Giai đoạn từ 1990 đến nay, Nhật Bản đã tiến hành 6 Chương trình cải cách lớn, đó là cải cách hành chính, cải cách cơ cấu kinh tế, cải cách hệ thống tài chính, cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, cải cách tài chính chính phủ, cải cách giáo dục.
Nhật Bản đã chú trọng huy động các lực lượng tham gia vào PTBV và hỗ trợ các quốc gia trong PTBV, đồng thời sử dụng nhiều công cụ để thực hiện chiến lược.
Như vậy, sự hình thành chiến lược PTBV của Nhật Bản là kết quả vận động khách quan của quá trình phát triển. Sau nhiều thập kỷ theo đuổi chính sách “phát triển kinh tế là trên hết”, Nhật Bản đã buộc phải điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Trên thực tế, Chương trình nghị sự 21 của Nhật Bản được thực hiện từ sớm, vào năm 1993.
1.3.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Chiến lược PTBV của Trung Quốc gồm 4 nội dung lớn, đó là Chiến lược tổng thể về PTBV, phát triển xã hội bền vững, phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường. Trong đó, Chiến lược tổng thể về PTBV bao quát nhiều nội dung về PTBV, đó là kinh tế, xã hội, tài nguyên môi trường. Các nội dung khác là sự cụ thể hóa Chiến lược tổng thể PTBV, với nội dung đa dạng, phong phú, nhưng nhất quán. Với mục tiêu của Chiến lược tổng thể, Trung Quốc đã thành lập
Trung tâm hành chính Chương trình nghị sự 21 để trực tiếp quản lý, điều hành Chiến lược phát triển Quốc gia.
Chiến lược tổng thể PTBV tập trung vào 9 vấn đề như: thực hiện cải tổ, tăng cường mở cửa đối với bên ngoài; tăng cường thành lập hệ thống kinh tế - xã hội chủ nghĩa; tăng cường xây dựng năng lực PTBV; hạn chế gia tăng dân số, nâng cao chất lượng dân số, và cải thiện cơ cấu dân số; phổ biến công nghệ phát triển nông nghiệp bền vững phù hợp với điều kiện địa phương…Chiến lược nhấn mạnh các điều kiện đảm bảo thành công, đó là xây dựng pháp luật mạnh về PTBV và đảm bảo vấn đề thực hiện luật, đảm bảo nguồn tài chính, xây dựng các chế tài cơ chế thúc đẩy PTBV, đẩy mạnh công tác giáo dục và nâng cao năng lực PTBV…
PTBV về xã hội xác định các mục tiêu như: kiểm soát chặt chẽ gia tăng dân số và nâng cao năng lực con người, xây dựng mô hình tiêu dùng bền vững, phát triển mạnh các ngành dịch vụ xã hội, tổ chức tốt chiến lược xóa đói giảm nghèo đảm bảo sức khỏe và vệ sinh cộng đồng. Tiến hành đồng thời với các nội dung trên là việc phát triển định canh định cư con người, bảo vệ và giảm nhẹ tác động thiên tai. PTBV kinh tế bao gồm các chính sách kinh tế, hình thành hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, PTBV công nghiệp, giao thông vận tải, thông tin liên lạc…, sử dụng có hiệu quả các công cụ kinh tế, cơ chế thị trường để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, hình thành hệ thống kết hợp hạch toán kinh tế và môi trường.
Để bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường, chính phủ Trung Quốc tập trung vào các nội dung như: bảo tồn, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thành lập hệ thống quản lý tài nguyên thiên nhiên, thực hiện hệ thống đánh giá tác động của PTBV trong quá trình ra quyết định quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và sử dụng các nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học, thành lập hệ thống thông tin và kiểm soát, tìm kiếm sự hợp tác quốc tế, chống sa mạc hóa…
Chương trình nghị sự 21(CTNS 21) của Trung Quốc được xây dựng thành 20 chương, bao quát toàn diện, tổng thể 78 lĩnh vực chương trình. Để thực hiện tốt Chiến lược PTBV, Trung Quốc đã chuyển đổi CTNS 21 thành các dự án hành động, ưu tiên theo từng giai đoạn cụ thể. Chương trình hành động ưu tiên trong giai đoạn đầu, Trung Quốc hướng vào 9 nội dung như xây dựng năng lực PTBV; phát triển nông nghiệp bền vững; thực hiện sản xuất sạch hơn và phát triển công nghiệp bền vững môi trường; xây
dựng và phát triển năng lượng sạch và giao thông; bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên theo địa bàn, vùng cụ thể; phòng chống ô nhiễm môi trường; thực hiện giảm nghèo và phát triển vùng; giải quyết vấn đề ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe và định cư con người, góp phần thay đổi môi trường toàn cầu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Như vậy, Chiến lược PTBV của Trung Quốc được xây dựng toàn diện trên các lĩnh vực, hài hòa giữa cái tổng thể và cái cụ thể, ưu tiên phù hợp trên cơ sở thống nhất, hài hòa các nhân tố như dân số, tài nguyên môi trường và phát triển kinh tế, đảm bảo sản xuất phát triển, đời sống nâng cao thể hiện đặc thù của chế độ xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc.
1.3.3. Kinh nghiệm của Philipin
Philipin nằm ở trung tâm Đông Nam Á, gồm hơn 7000 đảo lớn nhỏ, có diện tích tự nhiên là 300 nghìn km2, dân số khoảng 82 triệu người. Từ năm 1992 đến nay, kinh tế Philipin liên tục tăng trưởng, trừ năm 1998, hiện nay là nền kinh tế đứng thứ 5 khu vực. Tuy nhiên, quá trình phát triển của nước này có nhiều thách thức đối với mục tiêu PTBV như tình hình chính trị có nhiều bất ổn, tài nguyên, chất lượng môi trường suy giảm, dân số tăng nhanh, khoảng hơn 2%, cơ cấu kinh tế chưa cân đối, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm tới 40%…
Philipin xây dựng CTNS 21 nhằm đưa ra một hình ảnh Chiến lược cuộc sống tốt hơn theo cách tiếp cận tập trung vào con người và hệ sinh thái. CTNS 21 của Philipin được cấu tạo thành 3 phần gồm các nguyên tắc của sự hòa hợp, kế hoạch hành động và chiến lược lâu dài.
CTNS 21 đưa ra 15 nguyên tắc hướng dẫn PTBV, ưu tiên phát triển tiềm năng con người toàn diện, khoa học và công nghệ, sự nhạy cảm về văn hóa, đạo đức và tinh thần, tính tự quyết định, chủ quyền quốc gia, sự công bằng xã hội trong cùng một thế hệ và giữa các thế hệ và công bằng về không gian, dân chủ có sự tham gia, sự vững vàng về thể chế…
CTNS 21 ưu tiên cho các vấn đề then chốt của PTBV 30 năm tới, đưa ra các chiến lược thực hiện cũng như các mục tiêu đã được lượng hóa, các ràng buộc về thời gian và mối liên quan đến các tổ chức tham gia. Các biện pháp hành động được phân thành nhóm các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Kế hoạch hành động của CTNS 21 gồm 2 mũi nhọn đó là thiết lập các điều kiện để có thể hỗ trợ các bên liên quan khác nhau xây dựng năng lực hướng tới PTBV và định hướng những nỗ lực về bảo tồn, quản lý, bảo vệ và tái tạo các hệ sinh thái, quản lý sự quá độ hướng tới PTBV cho các hệ sinh thái, lồng ghép PTBV vào quản trị, đưa ra chính sách kinh tế phù hợp, đầu tư vốn con người và xã hội, xây dựng các khuôn khổ pháp lý…
Chiến lược thực thi xác định các bên liên quan, các bước hành động tiếp theo, quy trình địa phương hóa CTNS 21, kế hoạch ngắn hạn, trách nhiệm của ngành hành pháp và tư pháp tại địa phương.
Về chỉ tiêu PTBV, chính phủ đã đưa ra bộ chỉ tiêu đánh giá PTBV, gồm 43 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường.
Như vậy, chiến lược PTBV của Philipin tiếp cận toàn diện các lĩnh vực. Điểm nổi bật là có sự thay đổi cơ bản trong việc phát triển cách tư duy và phương pháp tiếp cận, dựa trên sự hài hòa những chiến lược cơ bản của hàng loạt lĩnh vực khác nhau trong chiến lược phát triển đất nước, cũng như sự thay đổi về việc lập chiến lược và đưa ra những quyết định về chiến lược cho nhiều vấn đề…
1.3.4. Một số bài học kinh nghiệm rút ra và ứng dụng cho Việt Nam
- Việc phân tích kinh nghiệm một số nước trong việc thực hiện chiến lược PTBV quốc gia ở trên cho chúng ta thấy các nhà nước muốn thực hiện được mục tiêu PTBV thì trước hết phải xây dựng cho nước mình một kế hoạch chiến lược, toàn diện, đó là xây dựng CTNS 21 của mình, trong đó xác định rõ mục tiêu, các nguyên tắc về PTBV, quan tâm việc cụ thể hóa các mục tiêu PTBV thành các nội dung cụ thể, đồng thời xác định những hướng ưu tiên trong các lĩnh vực ở từng thời kỳ phù hợp với điều kiện mỗi nước.
- Kinh nghiệm định hướng PTBV của các nước đều thực hiện trên 3 trụ cột là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Về phát triển kinh tế, định hướng PTBV của các quốc gia xoay quanh các vấn đề chính gồm tăng trưởng kinh tế, tư bản và kỹ thuật nước ngoài, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vấn đề khai thác lãnh thổ, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và vấn đề đô thị hóa. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng cho thấy, ở một số nước do quá coi trọng tốc độ tăng trưởng kinh tế nên đã phải gánh chịu những hậu quả xấu về môi trường và méo mó về
mặt xã hội. Do vậy, cần phải đảm bảo đồng thời mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội, môi trường và trong thực tiễn, việc thực hiện cùng lúc các mục tiêu này là khả thi.
Về phát triển xã hội, kinh nghiệm của các quốc gia tập trung vào 2 vấn đề chính là phát triển con người và thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo.
- Trong tổ chức thực hiện, các nhà nước đều quan tâm đến việc thành lập các cơ quan điều phối PTBV, chỉ đạo tổ chức thực hiện PTBV, đảm bảo sự lồng ghép của yếu tố môi trường trong phát triển kinh tế và xã hội. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu phục vụ công tác đánh giá kết quả thực hiện chiến lược PTBV. Quan tâm huy động các lực lượng xã hội tham gia và các nguồn lực bảo đảm PTBV. Đặc biệt, các nước đều chú trọng việc nâng cao năng lực thực hiện Chiến lược PTBV, nhất là nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo cho việc thực hiện Chiến lược PTBV.
TIỂU KẾT
Trong một thời gian dài, con người đã tiến hành một phương thức phát triển không bền vững, đó là chạy theo sự gia tăng lợi nhuận từ việc ra sức bóc lột tài nguyên thiên nhiên, sự gia tăng dân số nhanh chóng mà không có biện pháp kiểm soát hữu hiệu…điều đó, một mặt đem lại cho con người sự giàu có về của cải đồng thời cũng buộc con người phải đối mặt với những thách thức to lớn từ sự giận dữ của thiên nhiên, sự phân hóa giàu nghèo đang chứa đựng nguy cơ bất ổn xã hội. Đứng trước những nguy cơ đó, Liên Hợp Quốc đã đưa ra một thuật ngữ mới như một sự bổ sung, điều chỉnh cho cách thức phát triển hiện tại của con người đó là phương thức PTBV. PTBV được quan niệm là sự phát triển hài hòa trên ba trụ cột chính là bền vững kinh tế, bền vững xã hội và bền vững môi trường và sự phát triển đó không chỉ đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà còn để dành tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong lành cho thế hệ mai sau.
Phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, ngay từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước, đường lối lãnh đạo của Đảng ta là đưa đất nước PTBV hướng tới mục tiêu ‘‘dân giàu, nước mạnh, xã hội cồng bằng, dân chủ, văn minh’’. Đến khi công cuộc Đổi mới bước vào chiều sâu thì yêu cầu PTBV được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên, Đảng ta đã đưa thuật ngữ PTBV vào Văn kiện Đại hội Đảng
lần thứ VIII (năm 1996). Sau đó, trải qua các thời kỳ Đại hội IX, X và XI, tư duy về vấn đề PTBV của Đảng ngày càng có bước phát triển sâu sắc và toàn diện hơn, phù hợp hơn với yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đường lối của Đảng về PTBV, Nhà nước đã xây dựng Chiến lược PTBV của Việt Nam (CTNS 21), trong đó bao quát những vấn đề cơ bản của phát triển như định hướng PTBV trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; các nguyên tắc PTBV…Có thể nói, về mặt lý thuyết, đường lối PTBV của Đảng cũng như CTNS 21 của Nhà nước đã xây dựng nên khung khổ cho PTBV của Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu PTBV đất nước hiện nay, nhân tố chủ quan, trước hết là nhà nước đóng vai trò quyết định nhất. Chỉ có Nhà nước, bằng các công cụ, nhân tài, vật lực của mình mới có thể đảm bảo sự kết hợp hài hòa các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển, khắc phục những khuyết tật của thị trường, duy trì ổn định an ninh xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân, cung cấp các dịch vụ công, thực hiện phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế về