cầu phát triển bền vững.
Thực tiễn Đổi mới ở nước ta cho thấy, để nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển cần phải đa dạng hóa các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, nhằm giải phóng và phát huy mọi tiềm năng và thế mạnh của đất nước. Để cho các thành phần kinh tế phát triển theo định hướng XHCN, đảm bảo thành quả kinh tế phục vụ cho xã hội và bảo vệ môi trường, Nhà nước cần có những chủ trương, giải pháp đúng đắn để kinh tế Nhà nước thực sự trở thành chủ đạo, trở thành công cụ điều tiết vĩ mô hiệu quả của Nhà nước nhằm khắc phục những khuyết tật của thị trường, đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Thành phần kinh tế Nhà nước chỉ nắm được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế khi nó vươn lên mạnh mẽ, khẳng định sức mạnh tự chủ của mình. Để làm được điều đó, kinh tế Nhà nước cần phải nắm được vị trí then chốt trong nền kinh tế bằng trình độ khoa học công nghệ, hiệu quả sản xuất kinh doanh, không dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, hoặc sự độc quyền kinh doanh. Một trong những con đường phát triển chủ yếu của kinh tế Nhà nước là thông qua hình thức cổ phần hóa; đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý điều hành các doanh nghiệp Nhà nước đảm bảo có đủ kiến
thức, năng lực, trình độ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của thời đại, nhạy bén, sáng tạo trong quản lý sản xuất và phát triển kinh doanh. Với người lao động, cần phải nâng cao trình độ cho họ, tạo điều kiện cho họ học tập, tiếp cận những tri thức mới áp dụng vào sản xuất, nâng cao tay nghề, kỹ năng lao động.
Nhà nước cần tổ chức, cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt và đặc biệt quan trọng. Trong đó, đại bộ phận doanh nghiệp Nhà nước phải có quy mô vừa và lớn, công nghệ tiên tiến làm cho các doanh nghiệp này mạnh lên, hoạt động thực sự có hiệu quả, đóng vai trò đòn bẩy cho sự phát triển toàn bộ nền kinh tế. Nhà nước cần xác định, phân loại rõ doanh nghiệp Nhà nước để có những cơ chế quản lý, những chính sách đổi mới phù hợp. Nhà nước cần đẩy mạnh thanh, kiểm tra hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước. Với các yếu tố, bộ phận khác của kinh tế Nhà nước như hệ thống tổ chức ngân hàng, hệ thống dự trữ Quốc gia, bảo hiểm xã hội… Nhà nước cũng cần tăng cường vai trò quản lý nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động của các bộ phận này trong nền kinh tế, góp phần khẳng định hơn nữa vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế Nhà nước. Cùng với đó, việc cải cách tổ chức hệ thống ngân hàng sẽ tăng cường tính minh bạch, hiệu quả hoạt động, đảm bảo phát huy vai trò trung gian trong việc huy động và phân bổ vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội. Những giải pháp trên được thực hiện sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo nền tảng vật chất để Nhà nước thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, đồng thời lại trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, đảm bảo sự PTBV đất nước.