Mục đích giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng giáo dục của Platôn qua tác phẩm nền cộng hòa (Trang 69 - 75)

Xuất phát từ việc tìm hiểu về cuộc sống công bằng hay cuộc sống bất xem đời sống nào hạnh phúc hơn. Platôn đã tiến hành xây dựng một nhà nước trong giả tưởng và khảo sát trong nhà nước đó. Theo đó, hàng loạt vấn đề được đưa ra và giải quyết, trong đó chứa đựng tư tưởng của Platôn về giáo dục nói chung và mục đích giáo dục nói riêng.

Khi xây dựng nhà nước trong giả tưởng, Platôn đã chủ trương xây dựng một nhà nước công bằng, nhà nước đó được xây dựng không phải là vì một thứ hạnh phúc bất bình đẳng hay vì lợi ích của riêng một giai cấp nào mà là hạnh phúc của tập thể, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Theo quan niệm của Platôn thì công bằng chính là người nào làm việc của người ấy, không tranh giành công việc của người khác hoặc làm những công việc không phù hợp với mình. Khi đó nhà nước sẽ công bằng và duy trì được trật tự và ổn định.

Thực chất nhà nước mà Platôn xây dựng trong giả tưởng là “hình ảnh phóng đại của con người”. Platôn đã chia những công dân trong nhà nước thành ba tầng lớp khác nhau, những công dân này được xếp vào tầng lớp nào

là phụ thuộc vào bộ phận linh hồn nào trong họ nổi trội hơn cả. Cụ thể, những nhà cai trị có quyền điều hành đất nước là do họ có linh hồn lý trí chiếm ưu thế; những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước thì được chiếm ưu thế bởi linh hồn dũng cảm; những người nông dân, thợ thủ công, những người buôn bán thì linh hồn dục vọng nổi trội hơn cả.

Theo Platôn “Không có hai người nào sinh ra hoàn toàn giống nhau. Có những khác biệt bẩm sinh phù hợp với công việc của riêng mỗi cá nhân” [2, tr. 76]. Sự khác biệt bẩm sinh là do linh hồn nào đó chiếm vị trí chủ đạo trong mỗi con người chi phối. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả trong công việc thì phải có tính chuyên môn hóa, nghĩa là mỗi người chỉ nên làm một nghề phù hợp với tài năng thiên bẩm của mình, chứ không nên làm nghề mà mình không có tố chất bẩm sinh phù hợp cho công việc đó. Bởi vì, khi đó họ sẽ học và thực hành nhanh hơn so với người không có tài năng thiên bẩm. Điều này được Platôn khẳng định “Khi anh nói một người đàn ông có một tài năng bẩm sinh về một việc gì, có phải anh muốn nói rằng họ thấy dễ học và sau một chút ít giảng dạy họ có thể tự mình tìm ra nhiều hơn; trong khi một người đàn ông không có khả năng như thế sẽ phải học khó khăn hơn và không có sự giảng dạy hay thực hành nào có thể giúp anh ta nhớ lại những gì anh ta đã học không? Có phải một người đàn ông có khả năng là người có năng lực thể lý sẫn sàng giúp cho trí tuệ của họ, thay vì là một cản trở không? Có phải đó là dấu hiệu để anh phân biệt sự hiện diện của một năng khiếu thiên bẩm cho bất cứ công việc gì không?” [2, tr. 135].

Tuy nhiên, con người nếu chỉ dựa vào tài năng thiên bẩm thì chưa đủ mà phải thông qua giáo dục. Chính vậy, mục đích xuyên suốt của giáo dục là nhằm khơi dậy, phát huy những đức tính bẩm sinh của mỗi người để họ phát triển được những tài năng thiên bẩm và xác định được trách nhiệm, vị trí, vai trò của mình từ đó họ cống hiến hết mình cho lĩnh vực mà họ đảm nhiệm. Bất

cứ sự lẫn lộn giữa các tầng lớp này với tầng lớp khác thì đều gây thiệt hại lớn cho nhà nước và nó có thể gọi một cách thích đáng là làm xấu.

Khi bắt tay vào giáo dục các công dân trong giả tưởng Platôn đã quyết tâm xây dựng một nền giáo dục tốt hơn nền giáo dục truyền thống. Theo ông nền giáo dục truyền thống còn mang tính gò ép, chưa giúp cho việc khơi dậy những đức tính sẵn có của con người. Platôn xác đinh giáo dục các công dân phải biến họ trở thành người tốt, biết lý lẽ và được soi sáng bởi tư duy. Thông qua quá trình giáo dục sẽ cấy trồng được những thể chất tốt và ngày càng tiến bộ, đem lại lợi ích lớn lao cho nhà nước mà Platôn xây dựng trong giả tưởng.

Giáo dục đóng vai trò rất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển, Platôn ví nhà nước giống như một cỗ xe, nếu ngay từ đầu nó có sự khởi đầu tốt, thì sẽ giúp cho cỗ máy đó chuyển động ngày càng mạnh, nhà nước cũng vậy, nếu được giáo dục tốt thì nó sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội.

Trong ba tầng lớp mà Platôn xác định thì ông chỉ tập trung giáo dục những người cai trị và những người lính. Đối với từng đối tượng Platôn đều xác định mục đích giáo dục rõ ràng.

Đối với người lính, những người có linh hồn dũng cảm giữ vai trò chủ đạo. Mục đích giáo dục cho họ là phải làm cho họ trở thành người lính thực thụ có lòng dũng cảm, điều độ, sức mạnh chiến đấu và tinh thần triết học. Mục đích này được thể hiện rõ thông qua việc giáo dục âm nhạc và thể dục cho những người lính.

Theo Platôn giáo dục âm nhạc là nhằm mục đích xây dựng bản tính tốt đẹp, nuôi dưỡng lòng dũng cảm, uốn nắn tính tình con người và đem đến một giải pháp tốt đẹp cho các vấn đề xã hội và cai trị. Bởi nó là dụng cụ mạnh hơn mọi thứ khác, nó tìm được lối đi vào sâu thẳm trong tâm hồn con người “chúng gắn chặt vào tâm hồn với đầy sức mạnh, tạo sự diễm lệ cho tâm hồn

và làm cho tâm hồn con người được giáo dục đúng trở thành diễm lệ hay làm cho người không được giáo dục đúng trở thành xấu xa” [2, tr. 103].

Bên cạnh đó, những người lính khi được giáo dục một nền âm nhạc đơn sơ sẽ giúp cho những người bảo vệ tương lai khơi dậy sự điều độ. Platôn cho rằng “những ước muốn và thú vui đa dạng thì thường gặp nơi trẻ em phụ nữ và nô lệ và nơi những người được gọi là những người tự do thuộc giai cấp thấp, còn những ước muốn đơn sơ và chừng mực là những ước muốn được soi sáng bởi lý trí, tin tưởng đúng và được hướng dẫn bởi suy tư, thì chỉ có nơi một số ít người, là những người có những đức tính bẩm sinh tốt nhất và đặc biệt là có một nền giáo dục tốt nhất” [2, tr. 125].

Điều độ ở đây chính là làm chủ chính mình, đó chính là một loại trật tự, là sự kiềm chế một số khoái lạc và thèm muốn. Bởi vì, trong tâm hồn con người có một phần tốt và phần xấu, nếu do kém giáo dục hay tiếp xúc với bạn bè xấu làm cho phần tốt bị quy phục bởi phần xấu, giống như một lực lượng nhỏ bị đàn áp bởi một đạo quân đông đảo, thì người đó sẽ trở thành con người xấu, thành nô lệ của chính mình và vô điều độ. Còn người nào được giáo dục đúng và tốt thì sẽ trở thành người điều độ và làm chủ chính mình.

Để trở thành con người điều độ theo Platôn những người bảo vệ tương lai: “phải lấy âm nhạc làm móng cho pháo đài của họ” [2, tr. 109] khi đã xây dựng được nền móng vững chắc, họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi các thói quen xấu hoặc tình trạng vô pháp luật, họ sẽ trở thành những công dân tốt và không phải đến tòa án vì những tội lỗi của mình do những hành động không kiềm chế được những ham muốn của bản thân.

Theo Platôn mục đích của huấn luyện thể dục là rèn luyện sức khỏe cho những người bảo vệ tương lai. Bởi vì, họ phải thường xuyên làm việc trong điều kiện khó khăn khắc nghiệt của thời tiết, cũng như phải chịu đựng các cuộc hành quân dài ngày. Nếu họ không đủ sức khỏe họ sẽ không thể đảm

nhiệm được phận sự được giao. Do đó, Platôn cho rằng “người có tâm hồn âm nhạc, vì cũng có một nền giáo dục như thế, sẽ bằng lòng với việc luyện tập thể dục đơn sơ và sẽ chẳng cần tìm đến thầy thuốc trong một số trường hợp bất khả kháng” [2, tr. 108].

Song ông cho rằng âm nhạc và thể dục đều hướng đến một mục đích là hướng đến phát triển tâm hồn cho những người lính “không như người ta tưởng, mục đích thực sự của hai nghệ thuật âm nhạc và thể dục là một thứ nhằm huấn luyện tâm hồn, còn thứ kia nhằm huấn luyện thân thể” [2, tr. 108] mà cả hai môn này đều hướng đến phát triển tâm hồn “tôi tin rằng các thầy dạy cả hai môn này này đều chủ yếu nhắm tới phát triển tâm hồn” [2, tr. 108]. Platôn cho rằng, nếu chỉ chú tâm luyện tập một môn thì sẽ không mang lại hiệu quả, bởi một thứ thì tạo ra sự cứng rắn, còn một thứ lại tạo ra sự mềm yếu, ủy mị “tôi biết khá rõ rằng người nào chỉ là vận động viên thuần túy thì trở thành một người quá man rợ và người nào chỉ là nhạc sỹ thuần túy thì trở thành còn người mềm yếu và thiếu nghị cho đời sống tốt lành của họ” [2, tr. 109].

Theo Platôn trong bản tính những người bảo vệ đã có hai nguyên tắc, nguyên tắc thứ nhất là tinh thần nếu được giáo dục đúng sẽ tạo ra sự can đảm và ngược lại sẽ tạo ra sự hung dữ và cứng cỏi và tàn bạo. Còn đối với nguyên tắc thứ hai, trong bản tính con người đó là triết học sẽ làm cho con người dịu dàng và ôn hòa song phải được giáo dục đúng, nếu quá nuông chiều, không giáo dục đúng sẽ làm cho con người trở thành yếu đuối và mềm yếu.

Đối với người bảo vệ tương lai, hai nguyên tắc này phải hài hòa với nhau, khi đó người bảo vệ sẽ vừa điều độ và vừa can đảm. Ngược lại, họ sẽ trở nên hèn nhát và thô lỗ, Platôn ví hai nguyên tắc này ở con người giống như hai sợi dây đàn có thể kéo căng ra hoặc chùng xuống cho đến khi đạt được sự hài hòa thích hợp. Để đạt được sự hài hòa này, người bảo vệ tương lai phải được giáo dục đồng đều cả hai môn là âm nhạc và thể dục, không

được quá thiên về nội dung nào, nhờ đó sẽ tạo thành những vị cứu tinh thực sự chứ không phải là những kẻ tiêu diệt nhà nước.

Đối tượng tiếp mà Platôn đặc biệt quan tâm để giáo dục đó là các nhà cai trị. Ở họ sở hữu một loại tri thức giúp họ suy nghĩ không phải vì loại riêng tư nào mà vì lợi ích của toàn thể đất nước trong quan hệ bên trong và bên ngoài. Đây là giai cấp quyết định đức tính khôn ngoan của nhà nước mà Platôn xây dựng trong giả tưởng.

Platôn cho rằng những nhà cai trị nhà nước là những người có đức tính bẩm sinh đó là lòng dũng cảm, độ lượng, tinh tường, có trí nhớ tốt. Mục đích giáo dục những nhà cai trị – những triết gia – là phải làm họ nắm được đối tượng cao nhất của tri thức đó là Sự Thiện “nếu không có sự hiểu biết ấy thì dù hiểu biết các điều khác đến đâu đi chăng nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì, giống như chiếm hữu một cái gì mà không có cái lợi của nó” [2, tr. 165].

Trong thời kỳ mà Platôn sống, nhà triết gia đồng thời cũng là người có kiến thức bách khoa, có tri thức toàn diện cả về tự nhiên và xã hội. Platôn cho rằng nhà nước hiện thời là chưa tốt vì những người tốt nhất – những triết gia thực thụ - chưa được nhà nước đối xử tốt, thậm chí là tồi tệ, mà không gì trên thế giới này có thể so sánh được. Với suy nghĩ như vậy, Platôn đã mong muốn xây dựng một nhà nước tốt đẹp hơn mà ở đó những người tài giỏi nhất, nắm được tri thức đích thực, nắm quyền điều hành đất nước và được mọi người tôn vinh mong muốn họ cai trị đất nước.

Platôn cho rằng chỉ khi xây dựng được một nhà nước tốt đẹp, đảm bảo sự công bằng trong đó mỗi người chỉ làm một chức năng trong cộng đồng mà họ có bản chất thích hợp với công việc thì mọi người sẽ có điều kiện phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, với mục đích xây dựng những người cai trị thực thụ, nắm được đối tượng cao nhất đó là Sự Thiện. Ngoài việc họ có tài năng thiên

khiếu đặc biệt, họ phải được giáo dục đúng. Nếu không họ sẽ trở thành những người xấu tột độ “các tội ác ghê gớm và tinh thần xấu xuất phát từ một bản chất tốt đẹp nhưng bị giáo dục xấu hơn là từ một bản chất kém, trong khi các bản chất yếu thì ít khi có khả năng làm những điều gì to lớn hơn hay điều gì xấu hơn” [2, tr. 160].

Các triết gia cũng vậy “họ giống như một cây, khi được nuôi dưỡng tốt, họ sẽ phát triển thành mọi nhân đức, nhưng nếu gieo trồng trên mảnh đất xấu nó sẽ trở thành thứ cỏ dại tệ hại nhất trừ khi họ được một thần linh gìn giữ” [2, tr. 160]. Thậm chí ngay kể cả những người có đức tính bẩm sinh để họ trở thành những triết gia nhưng do giáo dục sai, họ cũng không thể trở thành các triết gia thực thụ được.

Chính vậy, mục đích giáo dục đối với các nhà cai trị, là biến họ trở thành nhà triết học thực thụ cai trị đất nước, với con mắt nhìn thấy sự thật một cách sáng tỏ với sự sáng ngời tuyệt đối mà người ta gọi đó là Sự Thiện, đồng thời họ phải là nhà biện chứng pháp, thông thạo lý luận, đạt tới tài cao nhất trong việc học hỏi và trả lời các câu hỏi chứ họ không phải như những cái cột vô tri vô giác, không biết lý luận nhưng lại được đặt làm người nắm quyền đất nước trong tay.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng giáo dục của Platôn qua tác phẩm nền cộng hòa (Trang 69 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)