Đối tƣợng giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng giáo dục của Platôn qua tác phẩm nền cộng hòa (Trang 47 - 53)

Trong tác phẩm “Nền cộng hòa”, khi xây dựng nhà nước giả tưởng, Platôn đã chỉ rõ nhà nước bao gồm ba tầng lớp, đó là nhà cai trị, những người lính và những người nông dân, thợ thủ công, còn nô lệ thì không được Platôn xếp vào một tầng lớp nào, vì theo ông, họ có sức mạnh để làm những công việc nặng nhưng về mặt trí tuệ họ khó có thể kể vào tầng lớp nào trong nhà nước, họ chỉ biết làm thuê và lấy tiền công. Trong ba tầng lớp đó, Platôn chỉ tập trung giáo dục cho hai đối tượng đó là nhà cai trị và những người lính. Tuy nhà cai trị được Platôn đánh giá rất cao song theo logic của tác phẩm thì Platôn tiến hành giáo dục những người lính, sau đó mới tuyển chọn những người xuất sắc nhất trong hàng ngũ những người lính để tiếp tục đào tạo trở thành những nhà cai trị làm nhiệm vụ điều hành đất nước.

Những người lính, đối tượng được Platôn đề cập giáo dục trước tiên, họ chính là những người làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước, đảm nhiệm công việc giao chiến chống lại quân xâm lực, để bảo vệ tài sản và công dân của nhà nước. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người nào cũng được xếp vào hàng ngũ những người lính, mà họ phải có đức tính bẩm sinh sẵn có phù hợp với tính chất nghề nghiệp của mình. Platôn khẳng định những người lính phải là người có “những đức tính thích hợp để làm những người lính bảo vệ đất nước và rồi tuyển mộ họ theo các đức tính ấy” [2, tr. 80].

Vậy những người lính có những đức tính gì? Theo Platôn để trở thành những người lính tốt và đảm nhiệm được trọng trách của mình thì họ phải có nền tảng đó chính là những tài năng thiên bẩm, những người này ngay từ lúc nhỏ đã bộc lộ những thiên khiếu đó, họ sẽ được lựa chọn để giáo dục nhằm

phát triển những đức tính đó và xây dựng họ trở thành những người lính thực thụ. Cụ thể đức tính của người lính đó là “phải nhạy bén phát hiện kẻ địch nhanh nhạy truy bắt địch và có sức mạnh để chiến đấu khi bắt kịp kẻ địch” [2, tr. 80]. Platôn cho rằng công việc của người lính là công việc mang tính đặc thù, cần phải xử trí mau lẹ các tình huống trong chiến đấu. Đó là công việc hết sức khó khăn, gian khổ, phức tạp và đầy nguy hiểm, nó không chỉ liên quan đến tính mạng của bản thân người lính, mà nó còn ảnh hưởng đến việc bảo vệ và duy trì luật pháp của nhà nước đó. Không chỉ vậy, người lính phải có lòng dũng cảm để vượt qua mọi khó khăn thử thách, như các cuộc hành quân xa, đói rét, trong điều kiện thiếu thốn. Do đó, bản thân những người lính phải có sức khỏe tốt, không được hèn nhát, lười biếng và đặc biệt là phải là những người gan dạ, dũng cảm.

Thêm vào đó, Platôn cũng cho rằng những người lính cũng cần phải có bản chất triết học, đó là “lòng yêu mến sự khôn ngoan” [2, tr. 80]. Với đức tính này người lính mới thực sự là người nhanh nhạy, hoạt bát và thông minh. Đặc biệt, một người có bản chất triết học sẽ luôn tự giáo dục để hoàn thiện mình, để trở thành người lính thực thụ chứ không hoàn toàn lệ thuộc chương trình giáo dục.

Đối với người cai trị, đây là đối tượng Platôn đặc biệt quan tâm giáo dục. Những nhà cai trị tuy chiếm số lượng ít nhất trong xã hội, song lại đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của nhà nước. Đồng thời, đây chính là những người quyết định đức tính khôn ngoan của nhà nước giả tưởng mà ông dày công xây dựng. Những người lính trải qua một quá trình giáo dục họ sẽ trải qua những kỳ thi sát hạnh rất nghiêm túc, nếu vượt qua được họ sẽ được tiếp tục giáo dục để trở thành nhà cai trị. Platôn dẫn dắt vấn đề này như sau: “Đối với người nông dân, người giỏi nhất là người có những phẩm chất tự nhiên thích hợp nhất với nghề nông, thì đối với người bảo vệ, người giỏi nhất là những người có bản chất tự nhiên thích hợp để trông coi

một đất nước. Họ phải có đúng loại thông minh và khả năng; và họ cũng phải coi nhà nước như là mối quan tâm đặc biệt của họ - loại quan tâm thiết thân với họ - đến độ họ phải coi các quan tâm và số phận của nhà nước như là các quan tâm của chính họ” [2, tr. 110].

Như vậy, Platôn đã gắn vấn đề nhà nước với những người cai trị, nhà cai trị không chỉ có bản tính tự nhiên thích hợp mà còn phải luôn quan tâm tới nhà nước coi đó như là số phận của mình. Đến mức khi nhìn vào đời sống của họ, chúng ta sẽ thấy được lòng nhiệt thành của họ, để khi làm bất cứ điều gì họ nghĩ là có lợi cho nhà nước và không bao giờ làm điều ngược lại, làm ảnh hưởng tới lợi ích của nhà nước đó.

Trong thời đại mà Platôn sống, tình hình chính trị của nhà nước có rất nhiều biến cố, chiến tranh xảy ra liên miên, sự tranh giành quyền lực lẫn nhau của phe phái làm cho đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn và bất ổn. Platôn đã tiến hành tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn như vậy và ông nhận thấy rằng, đó là do những người nắm quyền cai trị điều hành nhà nước còn chưa thực sự tốt. Những người cai trị đương thời tuy không đủ năng lực, phẩm chất nhưng lại nắm quyền điều hành đất nước. Trong khi, những người tài giỏi có thiên khiếu bẩm sinh thực sự thì lại không được giữ trọng trách đó, thậm chí còn bị coi là vô dụng. Platôn cho rằng, để xây dựng một nhà nước tốt đẹp, thì người cai trị phải là người tài giỏi, có đúng loại phẩm chất năng lực phù hợp với công việc đó. Điều này, giống như một người thuyền trưởng, cầm lái con tàu nếu tay chèo có vững thì mới đưa con thuyền đi đúng hướng. Ngược lại, con thuyền sẽ đi lạc hướng và không thể đến đích. Từ những trăn trở đó, Platôn đã đi tìm thành phần trong nhà nước xứng đáng nắm trọng trách cao cả đó. Với tất cả sự trải nghiệm của mình, Platôn khẳng định người cai trị nhà nước phải là các triết gia “Bao lâu các triết gia còn chưa làm vua, hay các ông vua và thủ lĩnh thế giới này còn chưa có tinh thần và sức mạnh của triết học, và quyền lực

theo một ngả mà chưa bị buộc phải bỏ tình trạng chia rẽ ấy, thì các nhà nước không thể nào yên ổn được và cả loài người cũng sẽ như thế; và nhà nước chúng ta đang hình dung sẽ không thể thấy được ánh sáng và phát triển tới tầm mức đầy đủ. Đó là điều khiến tôi từ lâu do dự và chưa dám nói ra; tôi biết đây sẽ là một tình thế nan giải, vì thật khó có thể thấy một con đường nào khác để có hạnh phúc cho nhà nước hay cho các cá nhân” [2, tr. 143].

Nhất quán với tinh thần nhà cai trị đồng thời là nhà triết gia và họ phải có tài năng thiên khiếu phù hợp với công việc của họ. Platôn cho rằng một số người tự bẩm sinh thích hợp để học triết học và trở thành người điều hành nhất nước và một số khác thì không thể và họ chỉ trở thành những người chịu sự phục tùng của các nhà cai trị chứ không thể làm lãnh đạo được. Cụ thể Platôn bàn về những thiên khiếu thiên bẩm, mà nhà cai trị cần phải có đó là:

Thứ nhất, các nhà cai trị phải luôn “trọng sự thật”, họ không thể chấp nhận sự gian trá và tiếp nhận vào tâm trí họ bất kỳ một sự giả dối nào. Sự giả dối sẽ làm họ gớm ghét và họ phải luôn yêu mến sự thật. Bởi nhà triết học, là người luôn yêu mến sự thẳng thắn, yêu mến sự khôn ngoan, yêu mến mọi hữu thể đích thực, mà những người yêu mến tri thức thì họ không thể yêu sự giả dối được.

Thứ hai, những nhà cai trị không thể là người bần tiện, và hèn nhát. Họ không thể là người hèn nhát vì họ là triết gia, trong khi triết gia phải là người có tâm hồn rộng mở, luôn luôn khao khát vươn tới cái toàn thể của sự vật thần linh và nhân loại chứ không chỉ dừng lại ở một phần của sự vật. Đồng thời, nhà cai trị không thể là người hèn nhát mà phải dũng cảm, không run sợ trước cái chết, là người ngắm nhìn toàn thể thời gian và hiện hữu.

Thứ ba, nhà cai trị phải là người có trí nhớ tốt, theo Platôn một người có tâm hồn hay quên thì không thể kể đến hàng ngũ các triết gia. Bởi vì nếu một người hay quên, thì sau bao nhiêu vất vả mà lại chẳng có

tiến bộ gì, họ sẽ đi đến chữ thù ghét chính mình. Họ sẽ chỉ là cái bình rỗng, dẫn đến nhọc công vô ích.

Thứ tư, triết gia phải có tâm hồn cân đối và duyên dáng, biết hướng tới bản chất thực của mọi sự một cách tự nhiên, nếu một con người có tâm hồn mất cân đối sẽ không hài hoà, khó coi, không thể giữ được bình tâm trong tâm hồn.

Tóm lại, để trở thành triết gia thì họ phải có đầy đủ các đức tính: trọng sự thật, công bằng, can đảm, điều độ, có khả năng trí nhớ tốt, ham thích học hỏi, và có tâm hồn côi đối hài hoà.

Song vấn đề đặt ra là, những người say mê triết học dễ trở thành một người vô ích, thậm chí là một con quái vật. Vậy tại sao họ lại hư hỏng, lại trở thành vô tích sự và làm cho triết học bị tai tiếng? Theo Platôn mọi hạt giống hay là mầm giống, dù là thực vật hay động vật, khi chúng không có đủ các điều kiện về dinh dưỡng, khí hậu hoặc đất trồng không thích hợp thì chúng sẽ khó có thể phát triển được. Con người nói chung và những người có thiên khiếu bẩm sinh để trở thành triết gia cũng vậy. Tuy họ có bản chất tốt đẹp, nhưng khi gặp hoàn cảnh xấu, họ sẽ chịu nhiều tổn thương to lớn. Bởi những triết gia chân chính, ngay từ nhỏ họ đã hơn hẳn người khác về thể chất và tinh thần. Do đó, những người thân và bạn bè của họ muốn sử dụng họ cho cho mục đích của mình khi họ lớn lên. Chính vậy, họ bị những người xung quanh nịnh hót, để mong cầu lợi sau này khi họ trở thành những người có quyền lực. Điều này sẽ làm họ ôm ấp đầy những khát vọng và tưởng mình có khả năng xoay sở được mọi công việc điều hành đất nước, họ sẽ trở nên con người tự cao, tự đại và phô trương. Để tránh xảy ra điều đáng tiếc như vậy, Platôn cho rằng, phải thông qua giáo dục nhằm phát triển những đức tính sẵn có. Đồng thời, giúp họ khỏi sa vào môi trường xấu biến họ thành nhà cai trị có ích cho nhà nước.

Không chỉ dừng lại ở việc xác định đối tượng giáo dục là những người cai trị và những người lính. Platôn còn bàn về giới tính của hai đối tượng kể trên. Platôn cho rằng, nhà cai trị và những người lính không hẳn là của nam giới, mà có thể là nữ giới bởi vì “không có công việc nào liên quan đến lĩnh vực quản trị xã hội mà chỉ thuộc về nam giới và nữ giới. Các tài năng thiên bẩm có trong cả hai phái; và mọi công việc đều mở rộng cho cả hai, khi xét về bản chất của họ, mặc dù đàn bà vẫn yếu hơn trong mọi lĩnh vực” [2, tr. 135].

Chính vậy, Platôn đi đến khẳng định: “Hệ luận là một người phụ nữ có thể có bản chất thích hợp cho nghề chinh chiến, một người khác thì không; vì đây là những đức tính chúng ta phải dựa vào để lựa chọn các người bảo vệ thuộc phái nam của chúng ta. Vậy trong việc bảo vệ đất nước, đàn bà có cùng bản chất như đàn ông mặc dù họ yếu hơn” [2, tr. 136].

Do đó, công việc trong nhà nước được mở rộng cho cả hai phái, nếu phái nữ có những đức tính phù hợp với công việc thì nhà nước sẽ tiến hành tuyển họ làm bạn, làm đồng nghiệp với những người đàn ông có cùng những phẩm chất ấy và giống về khả năng và tính cách. Làm được điều này cũng đồng nghĩa với việc khai thác tối đa tài năng và nguồn nhân lực trong nhà nước. Tuy nhiên, Platôn cũng nhấn mạnh trong quá trình phân công cần giao cho phụ nữ công việc nhẹ nhàng hơn.

Đặt vấn đề này, Platôn cho rằng là hoàn toàn khả thi và có ích lợi cho nhà nước, bởi một người phụ nữ có bản chất thích hợp với nghề chinh chiến, được hưởng cùng một nền giáo dục, làm cho một người đàn ông trở thành người bảo vệ tốt, thì cùng sẽ làm cho một người phụ nữ trở thành người bảo vệ tốt, vì bản tính nguyên thuỷ của họ hoàn toàn giống nhau. Chính vậy, hãy để cho những người phụ nữ chia sẻ gánh nặng chiến tranh, bảo vệ tổ quốc cho họ, theo đó họ mới phát huy được hết tài năng thiên bẩm của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng giáo dục của Platôn qua tác phẩm nền cộng hòa (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)