7. Bố cục của khóa luận
1.2. Mã thể loại tiểu thuyết và cơ chế tái cấu trúc kí hiệu hoá trong tiểu thuyết
1.2.3. Cơ chế tái cấu trúc kí hiệu hoá trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương
Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nằm trong dòng chảy văn xuôi Việt Nam sau 1986 mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại. Chính vì thế, các kí hiệu trong tác phẩm của ông được tái mã hoá dựa trên nguyên tắc của thể loại tiểu thuyết hậu hiện đại.
Đối với tiểu thuyết của Nguyên Bình Phương, nhân vật được xem là bộ mã quan trọng. Để làm hiện rõ hình ảnh con người tự vấn về bản thể, hoảng loạn trên con đường tìm kiếm, định hình lại chính mình; Nguyễn Bình Phương tạo dựng một hệ thống nhân vật không toàn vẹn. Luôn có sự thiếu hụt nào đó trong khuôn mặt con người ở tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, lúc thì là ngoại hình, tên tuổi; khi thì là đời sống tâm lí, nhân tính, … có
những nhân vật không có tên như “chủ hiệu cầm đồ”, “thằng trí thức”, “hai mươi bảy vết thương”, … Ông không quan tâm nhiều đến tồn tại trong xã hội của nhân vật. Mờ hoá đời sống hiện thực chính là cách thức Nguyễn Bình Phương kí thác một diễn biến đáng quan tâm hơn: diễn biến ở đời sống tinh thần. Những hành động kì quái, những thói quen không thể giải thích, nhưng suy nghĩ lệch lạc của kiểu người điên luôn dày đặc trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Một công chức nhà nước, một diễn viên hay thậm chí là một cái tên bình thường nào đó nhưng lại có một đời sống bên trong kì dị, bí ẩn. Đó là cơ hội cho sự tranh đấu giữa các dòng suy nghĩ, giữa hiện thực và cõi mơ trong mỗi con người. Số lượng nhân vật trong các sáng tác của ông cũng không ổn định. Có những tác phẩm bạn đọc không thể nhớ hết nhân vật, có tác phẩm chỉ chứa đựng vài ba hình dáng con người. Nhưng cho dù đông đúc hay ít ỏi, con người dưới cái nhìn của Nguyễn Bình Phương vẫn tồn tại độc lập và cô đơn. Có đôi lúc, ông còn phủ nhận cả gốc gác nhân vật; hơn nữa còn xoá đi tên của họ nhằm ám chỉ sự hữu hạn của con người trong cõi thực. Tác giả sử dụng triệt để các vấn đề của phân tâm học như bản năng vô thức, tính dục, cái tôi, cái siêu tôi, … để tái hiện chân dung con người thời đại.
Để dung chứa được bộ mã nhân vật phức tạp như thế, không gian và thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương cũng được xây dựng một cách tỉ mỉ. Không gian tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương là bức tranh hiện thực với sự chồng chéo, đan cài phức tạp của con người, sự kiện. Sự đổ vỡ trong quan điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại khiến cho hiện thực ấy trở nên trần trụi, phân mảnh và bị xé lẻ. Chính vì thế nên không gian luôn có sự chắp nối, đồng hiện của nhiều chiều không gian khác, đặc biệt là không gian huyền thoại, không gian của cõi mơ, cõi âm. Nguyễn Bình Phương đề cập nhiều đến cơn mơ, đến vô thức, biểu hiện ở các dạng thức mộng mị, giấc mơ, mê sảng hay đời sống dục vọng của con người. Chính vì thế mà không gian tâm linh, không gian vô thức xuất hiện với tần xuất dày đặc, thậm chí có cả những hình tượng nhân vật chỉ thuộc về chiều không gian đó. Nó có thể không tồn tại, cũng có khi thuộc về quá khứ mơ hồ không xác định. Có thể kể đến như câu chuyện xảy ra trên bãi tha ma của những linh hồn trong Người đi vắng. Tựu trung lại, cơ chế kí mã không gian trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là sự mơ hồ giữa các
chiều không gian. Không gian càng chồng lên nhau nhiều tầng bao nhiêu thì sự phức tạp của đời sống con người càng được thể hiện bấy nhiêu.
Thời gian trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có sự kết nối mật thiết với các dạng thức không gian. Thời gian đa phần là kiểu thời gian phi thực tế. Nó vừa là ám ảnh của quá khứ, vừa là sự trần trụi của hiện tại tối tăm, lại vừa là một tương lai mù mịt. Nguyễn Bình Phương đảo lộn dòng chảy thời gian, xoá đi các cột mốc quan trọng. Ông chỉ nhắc đến thời gian một cách mơ hồ: trưa, sáng, đêm, khuya, hai tháng sau, mấy năm sau. Với cách tổ chức kí hiệu thời gian như vậy, nhân vật vừa không xác định được vị trí không gian, càng không nắm rõ thời gian của đời người. Con người cứ vất vưởng, lạc lối trên hành trình truy nguyên bản tính của họ. Nguyễn Bình Phương gọi thời gian trong tiểu thuyết của mình là “thời gian trắng”. Có thể thấy, Nguyễn Bình Phương không tách mã nhân vật, không gian, thời gian rời nhau. Trong không gian ấy, thời gian ấy sẽ xuất hiện những kiểu người như vậy. Hay nói cách khác, chính suy nghĩ con người quy định kiểu không gian - thời gian. Cùng với không gian tâm thức, dòng hồi ức trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có thể được xem là “kí ức trắng”, nghĩa là nhân vật vẫn có kí ức về những sự kiện đã xảy ra nhưng đã bị xóa mất. Tác giả đã chuẩn bị chu đáo cho sự hình thành sự tương tác các mã thẩm mĩ cơ bản của truyện kể.
Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương không xây dựng kiểu kết cấu tuyến tính theo lối truyền thống. Sự xuất hiện của nhiều mạch truyện song song là cách thức tổ chức phù hợp cho sự đồng hiện của các dạng không gian, thời gian. Kết cấu tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương thường bao gồm 2 tuyến: một tuyến kể về cuộc đời và số phận của những con người trong cõi thực với những sinh hoat đời thường. Tuyến còn lại là câu chuyện của thế giới huyền ảo, của cõi âm, cõi mơ. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương về cơ bản đều có những kiểu kết cấu mang khuynh hướng hậu hiện đại như kết cấu phân mảnh, kết cấu đồng hiện, kết cấu liên văn bản. Tác giả xé lẻ mạch văn bản trần thuật thành những mảnh vụn rời rạc, không theo một trật tự cố định. Chính vì không chú trọng đến hiện thực đang xảy ra ngay trước mắt nên chuỗi sự kiện cũng trở nên lỏng lẻo, chỉ còn những dòng chảy bên trong con người liên tục đan cài, xếp chồng lên nhau. Đây được xem là sự kéo theo của quá trình phân rã cốt truyện và ý đồ đảo ngược trật tự thời gian truyện kể. Nếu như kết cấu
phân mảnh làm cho mối quan hệ giữa các nhân vật thiếu tính kết nối thì kết cấu đồng hiện lại cho phép bạn đọc tìm thấy sợi dây liên kết giữa các hình tượng trong tác phẩm. Thế nhưng đối với Nguyễn Bình Phương, sợi dây ấy cũng rất mỏng manh.
Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có sự gia tăng đột biến của ngôn ngữ vô thức như là phương thức biểu đạt của con người bản năng đầy dục vọng. Tác giả sắp đặt những lời đối thoại, độc thoại một cách ngẫu nhiên, không rõ nghĩa, có khi là vô nghĩa. Có thể thấy nhiều cuộc đối thoại xuất hiện nhưng không nhằm mục đích tạo lập giao tiếp. Có một sự tương thích giữa ngôn ngữ nhân vật và kiểu loại nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Đoàn Cầm Thi nhận xét rằng một trong những sáng tạo của Nguyễn Bình Phương là cách chuyển tải ngôn ngữ của người điên, của những con người u u mê mê. Một trong những hình thức của ngôn ngữ này là cho nó đứt gãy, chắp nối. Không chỉ sử dụng dạng thức đứt gãy của phát ngôn; về cấu trúc câu trần thuật, tác giả chủ yếu dùng câu đơn, câu ghép cũng được chia ra thành nhiều vế ngắn rời rạc; lượt bỏ các quan hệ từ. Xét ở góc độ kí hiệu, mỗi câu văn tồn tại độc lập như một thế giới riêng. Trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, ngôn ngữ đối thoại không nhiều, có khi đối thoại như độc thoại (đối thoại một chiều). Bên cạnh đó, ngôn ngữ đời thường cũng được tác giả sử dụng nhiều, đặc biệt là lớp từ dụng tục. Kiểu ngôn ngữ này góp phần làm hiện lên sự tha hoá đến cùng cực của con người, sự đổ vỡ niềm tin của các mối quan hệ trong đời sống. Ông trả con người về với đời sống nguyên thuỷ trần trụi của họ, khi những giao tiếp không có sự can thiệp, chi phối bởi đạo đức xã hội.
Tiểu kết
Lí thuyết kí hiệu học ra đời mang đến nhiều cơ hội hơn cho tiếp nhận văn học. Dựa trên nguyên tắc cơ bản kí hiệu học ngôn ngữ là sự liên kết giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt; những vấn đề thuộc về nội dung và hình thức của tác phẩm đều được xem xét dưới khả năng tái cấu trúc kí hiệu hay còn gọi là mã hoá kí hiệu thẩm mĩ của nhà văn. Trong cấu trúc của văn bản nghệ thuật, kí hiệu tồn tại dưới hai dạng thức là mã thẩm mĩ và biểu tượng nghệ thuật. Mã thẩm mĩ chính là những hình tượng nghệ thuật còn biểu tượng lại là những hình tượng nghệ thuật đạt đến mức độ điển hình tiêu biểu. Cả hai đối tượng này đều là phương thức tư duy lẫn sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Chính vì thế, phân tích văn bản văn học từ góc nhìn kí hiệu học là đi tìm cái nguyên tắc, quy ước sử dụng các yếu tố nội tại của từng thể loại. Với tiểu thuyết, kí hiệu học quan tâm đến cơ chế tái cấu trúc các vấn đề như nhân vật, không gian, thời gian, kết cấu, ngôn ngữ, biểu tượng gắn với một cách hiểu, cách giải mã nhất định. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, các mã thẩm mĩ này được chú trọng xây dựng mang theo cảm quan hậu hiện đại với việc bẻ gãy kết cấu truyền thống của văn xuôi; phá vỡ chuẩn mực hình tượng con người cổ điển; xây dựng các mô hình không gian - thời gian chồng lấp và tận dụng các motif biểu tượng quen thuộc của đời sống vô thức.
Chương 2
TIỂU THUYẾT THOẠT KỲ THỦY, VÀO CÕI CỦA NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG
NHÌN TỪ MÃ NHÂN VẬT VÀ MÃ KHÔN - THỜI GIAN NGHỆ THUẬT