Mã nhân vật trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy và Vào cõi

Một phần của tài liệu TIỂU THUYẾT NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG từ góc NHÌN kí HIỆU học văn học (Trang 42)

7. Bố cục của khóa luận

2.1. Mã nhân vật trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy và Vào cõi

Đối với các tác phẩm văn xuôi, nhân vật là một trong những hình tượng cơ bản hình thành nên thế giới nghệ thuật. Cho dù văn học ngày càng phát triển và triệt tiêu nhiều yếu tố khác trong cấu trúc văn bản thì nhân vật vẫn tồn tại kể cả khi không giữ được cách xây dựng truyền thống. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì nhân vật (character) được định

nghĩa là:

“Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng, cũng có thể không có tên riêng… Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống… Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Vì thế nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm” [18. tr.235].

Chính từ khái niệm này có thể thấy rằng nhân vật về bản chất là sự quy ước một cá nhân hoặc tập thể, có khi là kiểu người, dạng người dưới góc nhìn của nhà văn. Mã nhân vật từ đó không chỉ chịu sự tác động của đặc trưng thể loại mà còn chịu sự định hình của tư tưởng người cầm bút. Tiểu thuyết Việt Nam đương đại thường xuất hiện kiểu nhân vật có đời sống nội tâm phức tạp, phong phú, thế giới tâm linh bí ẩn. Họ được miêu tả với trạng thái cô đơn, đổ vỡ về niềm tin trong cuộc sống và chạy trốn vào thế giới kì ảo, tâm linh. Ngoài ra còn xuất hiện những con người sống theo bản năng, hành động được thúc đẩy với dục vọng và các xung năng mang tính nguyên thuỷ. Ở các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương hướng đến con người mang tâm thức hậu hiện đại. Để phục vụ quan niệm về hiện thực và con người như thế, Nguyễn Bình Phương tập trung mã hoá hình tượng nhân vật dưới các hình thức nhân vật biến dạng, nhân vật chấn thương và nhân vật truy tìm bản thể.

2.1.1. Nhân vật “biến dạng”.

Nhân vật biến dạng hay nhân vật khiếm khuyết được xem như bộ mã thẩm mĩ đặc biệt trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Kiểu nhân vật này thường được xây dựng

không mang tính toàn vẹn, cả về ngoại hình, nhân dạng lẫn tính cách, tâm lí. Chính Nguyễn Bình Phương quan niệm những nhân vật của ông “gọi là méo mó, thì đó là cái méo mó tự thân”, “nửa người nửa ngợm”; thậm chí là quay về với nhân dạng nguyên thuỷ. Trong các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương luôn chủ đích tạo nên những khuôn diện con người khiếm khuyết, biến dạng. Mã thẩm mĩ này mang đến nhiều một khuôn diện nhân vật phi truyền thống, từ đó nhà văn hướng đến khai thác các yếu tố thuộc về bên trong nhiều hơn. Đây được xem như sự chuyển biến về cách thức mã hoá nhân vật của Nguyễn Bình Phương khi vấn đề con người được mang ra mổ xẻ ở góc độ vô thức, bản năng nhiều hơn là ngoại hình, tính cách. Có khi ông để nhân vật biến thành cái cây như lão Hạng (Những

đứa trẻ chết già), có khi lại mọc đầy lông lá như lão Biền (Những đứa trẻ chết già). Cũng

tồn tại những nhân vật mà qua một thời gian ngắn thay đổi diện mạo đến chóng mặt. Bà Quỳnh trong tiểu thuyết Ngồi khi về chịu tang bỗng nhiên biến chuyển hệt như hình dạng người đã mất: “mặt bà Quỳnh già đi hàng vài chục tuổi, ngay cả cái dáng cũng khác, nó xiêu vẹo y hệt dáng bà cụ trước khi mất. […] Bà Quỳnh rên rỉ, mắt đùng đục như có một cuộc lột xác cực kỳ gian nan”. Có thể thấy, cách thức xây dựng mã nhân vật biến dạng của Nguyễn Bình Phương rất gần với các cây bút hiện thực huyền ảo như Kafka, Marquez. Đối với mã thẩm mĩ này, đích đến của nó là phá bỏ những nhận thức cơ bản về hình tượng con người hoàn chỉnh. Con người tồn tại như một chỉnh thể thống nhất mà các yếu tố nội tại có sự liên kế bền chặt với nhau. Mã nhân vật biến dạng mang đến khả năng tri nhận nhân vật ở các góc độ khác nhau; khi chính con người bị phân thành nhiều mảnh thông qua cơ chế loại bỏ (làm biến dạng) một đặc điểm cơ hữu như ngoại hình, lai lịch, ngôn ngữ, hành động.

Trong Thoạt kỳ thuỷ, nhân vật biến dạng được tổ chức dưới hình thức trở về với nhân dáng nguyên thuỷ của giống loài. Nguyễn Bình Phương không kết hợp miêu tả ngoại hình nhân vật trong mạch kể câu chuyện mà tập hợp thành một phần của văn bản. Toàn bộ diện mạo, lai lịch của các nhân vật đều được ghi chép trong phần tiểu sử; có đến 14/18 nhân vật được miêu tả ngoại hình. Nhân vật trong truyện hiện lên ma quái, rùng rợn, gợi cảm giác choáng ngợp cho người đối diện. Mỗi con người trên mảnh đất Linh Sơn đều ít nhiều kỳ quái bởi cái lốt nửa người nửa thú, bởi những đặc điểm khác thường. Nó hằn sâu trong ánh mắt, dáng hình, hành động của họ. Nhân vật Tính được miêu tả như sau: “cao 1 mét 68,

nặng 56 ki-lô-gam; tay dài; lưng dài; chân ngắn; lông tay đỏ hồng; ngón không phân đốt; lông mày nhạt, hình vòng cung ôm nửa mắt; tai nhỏ; mồm rộng, răng cải mả; tiếng nói đục; đi như vượn, ngồi như gấu” [38, tr.8]. Nhìn vào Tính, bạn đọc dễ dàng tưởng tượng ra chân dung của một loài vượn cổ đại hơn là con người hiện đại. Tất cả những đặc điểm ở Tính đều gợi nhắc về hình dáng một con vật. Tính ngày càng trượt vào bản năng thú tính do cái vô thức điều khiển: “Bà Liên đi sau lẩm nhẩm: Nó thành thú mất” [38, tr.77]; “bóng Tính lờ mờ, gù gù như bóng đười ươi”. Các nhân vật khác trong Thoạt kỳ thuỷ mặc dù không được xây dựng biến dạng toàn phần như Tính nhưng vẫn có một vài bộ phận kì quái, lập dị. Nhân vật Chú Mười thì “to khoẻ, da đồng hun, mũi sư tử, rang hô, dáng ngũ đoản” [38, tr.7]. Nhân vật Hiền lại là người có “tóc đen, dày, vai tròn, hông nở, trán mịn, đuôi mắt vuốt dài, hơi nheo ở cuối, trong mắt đen pha nâu” [38, tr.7]. Những đặc trưng ngoại hình đều được Nguyễn Bình Phương miêu tả mang dáng dấp của phần “con” đang chế ngự và xâm chiếm phần “người” trong mỗi nhân vật. Nếu bỏ qua phần Tiểu sử, bạn đọc vẫn cảm nhận được sự thay đổi của nhân vật từ hình dáng con người hướng về loài vật thông qua chuỗi hành động. Hành động bản năng xuất hiện ngày một nhiều hơn và với tần suất dày đặc hơn. Tính khi sinh ra vẫn còn có thể nhìn ở một góc độ nào đó giống với con người nhưng dần dần bản thân rơi vào trạng thái không thể kiểm soát nhân dạng của mình. Thời điểm những mạch vô thức của Tính xuất hiện ngày một nhiều chính là lúc nhân vật đã không còn chế ngự được phần “con” của mình.

Ở tiểu thuyết Vào cõi, nhân vật biến dạng không được mã hoá giống với Thoạt kì thuỷ. Nguyễn Bình Phương chủ đích hướng đến khai thác sự xảy lặp của ám ảnh quá khứ lên các nhân vật như Vang, Vọng và Hắn nhiều hơn là khai thác phần bản năng giống Tính, Hiền, … Tuy nhiên, ở một số thời điểm đặc biệt, diện mạo nhân vật vẫn có sự thay đổi nhất định. Vang và Vọng khi chứng kiến cảnh ba mình bị giết hại đã không giữ được sự bình tĩnh trên gương mặt: “Khuôn mặt con chị tựa hồ một nắm giấy ố vàng bị vo chặt trong bàn tay hộ pháp và tàn nhẫn.” [39, tr.14]. Khác với chị của mình, bề ngoài của Vọng mới thực sự chạm đến sự biến dạng: “Đôi mắt thằng em, trong cơn hoảng loạn nhắm tịt lại, thỉnh thoảng có hé nhìn một tí rồi lại sập nhanh xuống” và “trong đôi mắt non dại ấy, thấp thoáng một hình gì màu lạnh” [39, tr.14]. Cũng giống như những nhân vật mang dáng vẻ tiền sử, đôi mắt

của Vọng “hao hao đầu của một con dã thú nào đó. Con dã thú vừa quen vừa lạ.” [39, tr.14]. Không dừng lại ở đó, hình dạng Vọng một hồi sau “giống người chết như đúc” [39, tr.14]. Tuy nhiên từ sau khoảnh khắc đó trở đi, tác giả rất hiếm khi đề cập đến sự thay đổi trong nhân dạng của hai chị em Vang và Vọng.

Một nhân vật khác trong Vào cõi hiện lên với hình ảnh quái dị là nhân vật mụ Đông điên: “chân trái thọt, tóc xơ cứng vàng như râu ngô. Mắt phải bị lép, lõng bõng mủ. Ngón tay mụ cáu bẩn, quanh năm không bao giờ được cọ rửa. Bàn tay như chùm rễ tre ngâm nước ao” [39, tr.20] và “trong giọng nói Đông điên có tiếng gió núi Rùng” [39, tr.23]. Motif nhân vật biến dạng ở hai tiểu thuyết này chủ yếu là dạng thức quay trở về với thân xác biểu hiện rõ những xung năng nguyên thuỷ nhất của con người. Nguyễn Bình Phương từng viết: “Con người ta tiến gần với động vật chỉ ở trong hai trường hợp, quá béo và mất quá nhiều bộ phận trên thân thể”. Nếu như ở Thoạt kỳ thuỷ, sự biến dạng của nhân vật nhìn được qua vẻ bề ngoài thì ở Vào cõi, đôi mắt như cửa sổ mở ra bóng dáng loài vật bên trong con

người. Có thể nói, ngòi bút của Nguyễn Bình Phương tỏ rõ sự sắc sảo trong việc miêu tả đôi mắt. Đôi mắt của nhân vật Hắn được miêu tả là “Đôi mắt dài với hàng mi cụt lủn và lòng trắng bên mắt trái có một vết bầm bằng đầu đũa” [39, tr.32] và trông “dại đi, một cục đỏ đọng lại giữa lòng trắng trứng phía bên trái” và “mi mắt cụp xuống như con đò đen” [39, tr.83]. Nhân vật Tính trong Thoạt kỳ thuỷ cũng được chú ý đến đôi mắt khi mà ông Điện nhìn vào hắn và nhận ra: “Mắt Tính càng lớn càng vằn lên” [39, tr.23]. Bóng dáng đôi mắt con chó vàng như trăng cũng ám vào cõi vô thức của hắn. Như vậy, nhân vật biến dạng ở hai tiểu thuyết này được mã hoá thành hai lớp, hai giai đoạn. Đầu tiên, tác giả chú ý đến xoá bỏ nhân dạng con người bình thường qua những dòng giới thiệu đầu tiên về nhân vật. Sau đó, quá trình nhân vật trở về với hình dạng nguyên thuỷ với những bản năng, hành động đặc thù được biểu hiện qua sự thay đổi trong ánh mắt. Mã thẩm này xuất hiện khi nhà văn muốn loại bỏ toàn bộ những áp chế xã hội, những chiếc áo đạo đức chuẩn mực được khoác lên con người. Thay vào đó, vấn đề bản chất bên trong con người được bộc lộ thông qua những suy nghĩ, hành động trần trụi, nguyên bản nhất.

2.1.2. Nhân vật chấn thương.

Có thể nói, tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 khai thác nhiều về đời sống tinh thần con người, đặc biệt là con người hậu chiến. Những cái tên như Bảo Ninh, Chu Lai, Dương Hướng, … đều lựa chọn xây dựng kiểu nhân vật với những ám ảnh, chấn thương nhằm phơi bày ra sự đối lập giữa hào quang khát vọng và thực tế phũ phàng. Đối với ngòi bút của Nguyễn Bình Phương, chấn thương là khoảnh khắc buộc nhân vật phải tìm kiếm con đường giải thoát hoặc thoả hiệp sống với những đổ vỡ trong đời sống tâm lí. Có rất nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương mang trong mình những tổn tương từ quá khứ. Những loại ám anh này để lại hai khuynh hướng hành động chủ yếu của nhân vật: một là ám ảnh cái chết trong quá khứ để mãi rơi vào vòng xoáy của nó; hai là ám ảnh khát khao dục vọng để mãi đi tìm kiếm nó. Trong Thoạt kì thuỷ và Vào cõi; nhân vật nam thường được khai thác dưới ám ảnh cái chết và nhân vật nữ thì được khai thác dưới ám ảnh dục vọng.

Kiểu mã nhân vật chấn thương do ám ảnh từ cái chết trong quá khứ nổi bật ở Thoạt

kì thủy là Tính và Hưng. Thường sau những tác động đó, nhân vật tiến gần đến kiểu dạng

người điên. Đây được xem cách thức khai phá nhân vật mới mẻ của Nguyễn Bình Phương. Nó trở thành bộ mã đặc biệt kết nối nhiều mã khác: người điên sống trong một không gian điên và sở hữu ngôn ngữ giao tiếp phi logic. Nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê từng nhận xét về

Thoạt kỳ thuỷ là một “hành trình của một cộng đồng, dù đã nửa phần điên loạn, vẫn không

biết mình đang đi dần đến toàn phần điên loạn” [55]. Ở không gian Linh Sơn kì quái tồn tại những người điên do tác động của chiến tranh như Hưng, mất trí bởi sử dụng rượu liên tục như ông Phước hay chỉ đơn thuần như Tính - một kẻ điên bẩm sinh. Nhân vật Tính sinh ra và lớn lên trong bầu không khí ám đầy mùi chết chóc, máu tươi và những tiếng rên rỉ. Nhờ thế mà Tính sống với cái suy nghĩ hiếu sát đầy ghê rợn. Ban đầu chỉ là thói quen thích giết công cống sau chuyển sang đốt nhà, đỉnh điểm là giết người. “Năm lên hai tuổi, Tính không quấn bố mẹ như những đứa trẻ khác. Tính thích lê la một mình, bạ gì cũng cầm, bạ gì cũng liếm, cũng cho vào mồm” [38, tr.15]. Tính đâm chết ông Khoa và tự đâm mình trong trạng thái vô thức. Có thể thấy, từ nhỏ Tính đã được chứng kiến cảnh chọc tiết heo nên hình ảnh máu, con dao luôn trở đi trở lại trong tâm thức của Tính và sự giết chóc lại là

điều có thể ủi an tâm hồn “méo mó” của hắn. Chính vì tiếp xúc quá nhiều với công việc mổ lợn cùng ông Điện mà Tính sinh ra một chấn thương về sự huỷ diệt. Hắn là một người thiếu đi bản năng sinh tồn (truyền giống) khi không thích gần gũi vợ mình nhưng lại thừa bản năng huỷ diệt. Ngay cả cái nghề đập đá cũng trở thành cơ hội thoả mãn cơn “khát máu” của hắn: “Đá này, sống lại này. Đá này, sống lại này” [38, tr.45], “Đêm... Tính vùng dậy, xô cửa ra sân, nhặt đá đáp lên trời” [38, tr.25]. Không chỉ riêng Tính, Hưng cũng có dấu hiệu bất thường về tâm lí sau khi trở về từ cuộc chiến. Hưng luôn tự nhận mình là thương binh nhưng không khiến người trong làng tin vào hắn. Hưng háo hức với những câu chuyện chiến đấu. Không những thế, Hưng có một nỗi ám ảnh đặc biệt với cánh bướm gắn với hình ảnh người mẹ. Nếu như chấn thương về cái chết ở Tính xuất phát từ việc hắn tiếp xúc với máu, với tiếng rên, với con dao hằng ngày thông qua việc chọc tiết lợn thì ở Hưng, cái chết của mẹ sau khi trở về là điều ám ảnh hắn: “Nếu mày là bướm thì đến đây. Nếu mày là mẹ tao thì bay đi” [38, tr.64]. Khi trò chuyện với Tính, Hưng vẫn say sưa tưởng rằng được trò chuyện cùng mẹ: “Mẹ tao về đấy…mẹ này, còn cà không…” [38, tr.96]. Đối với Hưng, thực tại trở nên vô nghĩa khi bóng dáng người phụ nữ kia chỉ xuất hiện trong vô thức của hắn: “Hưng không nghe thấy gì. Trước mặt, một con bướm trắng bay lảo đảo…Hưng nhìn theo con bướm, lẩm bẩm “Mẹ, mẹ” rồi cắp súng lao lên” [38, tr.128]. Tương tự như Tính, đời sống bên trong của Hưng đầy rẫy sự phức tạp. Nếu như Tính cứ đêm về sẽ cầm dao đi đến từng chuồng lợn trong làng chọc tiết chúng thì Hưng cũng đã bắn chết một con trâu và kết liễu Phùng ở bãi Nghiền sàng khi nhìn thấy hình ảnh cánh bướm. Cuối cùng, Hưng chết trong đau đớn và tức tưởi. Nhiều nhân vật khác trong Thoạt kỳ thủy cũng không kiểm soát được những hành động bản năng, vô thức, đôi khi bệnh hoạn: hành động gặm đít chén và nhai cả chai thuỷ tinh (ông Phước), trồng phong lan đặt tên Hiền (ông Phùng), Hưng và bà Liên đều từng nhìn trộm Hiền khỏa thân; trong khi đó Hiền nhiều lúc tự ngắm mình khoả thân dưới bàn thờ của bố mẹ, … Thế giới nhân vật trong Thoạt kỳ thuỷ được xem là tập hợp của những con người điên loạn, sống bản năng và huỷ diệt tri thức cộng đồng. Không chỉ biến dạng về ngoại hình, đó còn là những con người đổ vỡ về tâm hồn bởi những tác động từ quá khứ. Có những chấn thương do cuộc sống tạo ra (người mẹ đã mất đối với

Một phần của tài liệu TIỂU THUYẾT NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG từ góc NHÌN kí HIỆU học văn học (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)