Kết cấu liên văn bản

Một phần của tài liệu TIỂU THUYẾT NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG từ góc NHÌN kí HIỆU học văn học (Trang 67 - 71)

7. Bố cục của khóa luận

3.1.1. Kết cấu liên văn bản

Theo quan điểm của Genette, tính liên văn bản được khai thác ở nhiều yếu tố như: hai hay nhiều văn bản khác nhau (đoạn trích, đoạn sao chép, ám chỉ) cùng hiện diện trong một văn bản (text), văn bản trong mối quan hệ với các bộ phận của nó như các yếu tố ngoại đề (paratext); văn bản trong mối quan hệ với các tiền văn bản của nó (metatext), văn bản trong mối quan hệ nhái lại với các văn bản khác bị nó giễu nhại (hypertext) và những mối liên hệ thể loại của văn bản (archetext). Trong hai tiểu thuyết Thoạt kỳ thuỷ và Vào cõi, chúng tôi nhận thấy liên văn bản tác động trực tiếp đến vấn đề xây dựng kết cấu của tác phẩm, đặc biệt xuất hiện hai kiểu liên văn bản là metatext và archetext.

Trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, mã kết cấu liên văn bản dưới hình thức pha trộn thể loại hiện diện ở ba thể loại chính là tiểu thuyết – thơ, tiểu thuyết - kịch văn học và tiểu thuyết - hồi kí. Đầu tiên, ở các tiểu thuyết, dấu ấn của thơ hiện lên trên bề mặt văn bản dưới hình thức trích dẫn thơ. Ngoài những đoạn trích mang tính chất ngoại đề thì còn có những đoạn thơ hoặc lời hát được chính nhân vật phát ngôn. Trong Thoạt kỳ thuỷ, nhà văn Phùng trong đêm đệm tiếng ghita và hát:

Sương trắng nối đuôi nhau về trời, hờ Rừng đen, rừng đen, hờ

Sao người im lặng, hờ Không ai đến thăm ta, hờ

Cành khô hoành vào đêm, hờ” [38, tr.107] hay lời mụ điên trong tác phẩm Và cỏ của Phùng:

“Chạm vào cỏ trắng Mình se sẽ hiện về

Trăng mách rằng có con chim nâu trong bông hoa nâu Khuya nào cũng mải mê hót

Hót vào giấc mơ của trăng…” [38, tr.141]

Cũng có những đoạn văn xuôi nhưng đầy chất thơ như: “Trôi ở giữa những đụn khói, ai cũng lẫn vào nhau, lẫn vào nhau. Tất cả đều mờ. Trăng không xuống được tóc, chỉ lơ lửng trên đầu. Trăng cười, vàng sắp thành đen rồi. Cứ nở mãi, nở mãi giữa những đụm khói đặc quánh. Mẹ không có, bố không có, Hiền có, …” [38, tr.33]

Nhân vật tôi trong Vào cõi có nỗi ám ảnh với các câu thơ. Câu thơ “Mai hôn anh rồi xa” được lặp đi lặp lại như báo trước một sự xa cách. Không những vậy, trong cuốn sổ ở hang sâu, nhiều bài thơ cũng được trích lại:

“Có một nàng chim sẻ đã yêu tôi Yêu mãnh liệt

Rồi hôn tôi Và khóc

Mai xa anh trời Thái Nguyên dằng dặc biết bao giờ…” [39, tr.136] Hay:

“Anh gặp anh Và rơi

Chốn gì không lơ lắc” [39, tr.181]

Việc liên kết hai hình thức này tạo ra nhiều đoạn đứt gãy trên bề mặt cấu trúc ngôn ngữ (đây là một yếu tố tác động đến kết cấu phân mảnh). Không những vậy, Nguyễn Bình

Phương sử dụng thơ như một con đường phụ trợ khai thác đời sống phức tạp bên trong các nhân vật. Ngoài thơ, thể loại kịch và nhật kí cũng được ngòi bút quân đội này tận dụng thành công trong Thoạt kỳ thuỷ và Vào cõi. Đặc điểm kịch trong Thoạt kỳ thuỷ nằm ở cách chia cấu trúc tác phẩm và xây dựng ngôn ngữ đối thoại. Nguyễn Bình Phương chia mạch truyện Thoạt kỳ thuỷ thành những đoạn theo mốc thời gian rất gần với cách phân đoạn của một vở kịch: “mười một giờ mười lăm”, “mười một giờ mười bảy”, “mười một giờ hai mươi”, “mười hai giờ kém mười chín”, “mười hai giờ”, “thời gian trắng”. Cách phân chia như thế giúp tác giả phá vỡ cấu trúc chia chương truyền thống của thể loại tiểu thuyết và khai thác được kết cấu phân mảnh cùng các thủ pháp khác như truyện kể xoắn kép hay kỹ thuật dòng ý thức. Có thể nói, nếu chia chương như các tác phẩm cổ điển, Thoạt kỳ thuỷ sẽ không thể linh hoạt luân chuyển giữa nhiều mạch truyện và đồng hiện nó trong chỉnh thể kết cấu văn bản. Bên cạnh đó, ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật chỉ xuất hiện phần chú giải lượt lời của nhân vật; còn lại đều được lược bỏ đến mức tối đa. Ngay cả những tình tiết quan trọng cũng không có sự diễn giải đến từ người kể chuyện, mặc sức cho bạn đọc tự xem xét diễn tiến hành động, lời nói của nhân vật mà đón nhận nội dung thông điệp. Đối với Vào cõi, sự thâm nhập của hồi kí cũng khá rõ ràng. Ở mỗi đoạn đánh số 1, 8, 18, 23, 25; sau khi sự kiện cuốn sổ được lật mở là câu chuyện về nhân vật tôi bắt đầu hình thành. Cứ mỗi lần như thế, bạn đọc cảm tưởng như đang tự tay lật từng trang giấy trong cuốn sổ kia. Đầu tiên tôi nhớ về mẹ, về thuở nhỏ; sau đó tôi nhớ đến người mà hắn thầm thương trộm nhớ và cứ thế câu chuyện kéo dài, thông qua những giấc mơ, những mẩu đối thoại ngắn. Có thể nói, liên văn bản dưới hình thức đan xen thể loại giúp cho tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đa dạng hơn trong việc xây dựng các kết cấu truyện kể, cho phép nhà văn tận dụng những đặc điểm các thể loại khác nhằm khắc hoạ thế giới nội tâm của con người. Mặt khác, yếu tố đan xen thể loại cho thấy nhà văn cố ý phá vỡ kết cấu truyền thống của tiểu thuyết. Chính vì cốt truyện lỏng lẻo, tình tiết và sự kiện liên tục chồng nối khiến cho nội tại kết cấu văn bản xuất hiện nhiều khoảng trống, nơi mà các thể loại khác có thể xâm nhập vào.

Đối với kết cấu liên văn bản theo kiểu metatext thì Nguyễn Bình Phương tạo dựng được khuôn diện chung cho toàn bộ hệ thống sáng tác của mình khi giữa các tác phẩm có

sự giao thoa. Có thể nhận diện đặc tính này rõ nét nhất qua hệ thống nhân vật và không gian được nhắc đến trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Trong các sáng tác của Nguyễn Bình Phương, bạn đọc dễ nhận thấy Thoạt kỳ thủy có mối liên hệ với tiểu thuyết đầu tay Bả giời. Nhiều người cho rằng Thoạt kỳ thuỷ thực chất là tác phẩm nhại lại Bả giời. Chúng tôi cho rằng nếu là nhại lại thì không đúng, Thoạt kỳ thuỷ nên là sự tiếp nối, làm rõ hơn những gì đã có ở Bả giời. Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Bình Phương hướng đến khai thác cuộc sống thực tại ở làng Phan nhiều hơn nói về phần vô thức. Đến Thoạt kỳ thuỷ, tác giả chú ý hơn đến cõi vô thức, khắc hoạ những tầng bậc phức tạp trong con người. Về hình thức, hệ thống nhân vật trong Bả giời cũng xuất hiện trong các tác phẩm sau này như Thoạt

kỳ thủy, Những đứa trẻ chết già, Vào cõi; không chỉ trùng tên mà còn giống nhau về tính

cách, ngoại hình. Có những nhân vật trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm khác như cái tên ông Bồi què (Vào cõi, Thoạt kỳ thủy, Những đứa trẻ chết già). Nhân vật Vinh (con của lão) cũng xuất hiện ở Vào cõi và Thoạt kỳ thủy, bà Linh lùn – thằng Chanh thì được nhắc đến ở

Vào cõi, Những đứa trẻ chết già và Thoạt kỳ thủy. Sự xảy lặp những gương mặt phụ này

khiến cho bạn đọc cảm giác những câu chuyện mà Nguyễn Bình Phương viết đều cùng chung một không gian. Đọc tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương giống như cách nhà văn giới thiệu từng mảnh đời, số phận nơi vùng đất Linh Nham kì dị, nguyên sơ. Với kết cấu liên văn bản, một con người sẽ có cơ hội phát triển ở nhiều thế giới khác nhau, được khám phá ở nhiều phương diện khác nhau và đại diện cho những quan niệm khác nhau. Nhận xét về sự tiếp nối này, Đoàn Ánh Dương cho rằng “Bả giời là dòng chảy thứ nhất. Thoạt kỳ thủy theo sau như một nắn dòng và khuôn định nó lại… Bả giời là cái lòng sông cũ, dòng còn nhỏ và nông Thoạt kỳ thủy đã lựa thế nước mà khoét sâu thêm vào cái lòng sông ấy”.

Đối với mã kết cấu liên văn bản, tác giả hướng đến việc xây dựng một thế giới nghệ thuật mang tính chỉnh thể, hình thành một mạng lưới hiện thực và nhân vật mang tính cố định đại diện cho sự nhất quán trong quan niệm cuộc sống. Đó là một chuỗi không gian kì quái, tâm linh đầy hoang sơ của vùng núi cao Tây Bắc; là những câu chuyện xảy ra trong khoảng trắng thời gian, chỉ có đêm dài cùng trăng sáng. Hiện lên trong đó là khuôn mặt người biến dạng dưới nhiều hình thức với những tổn thương và kìm nén dục vọng. Không những vậy, Nguyễn Bình Phương còn sử dụng nhiều yếu tố trong các câu chuyện dân gian

vào tiểu thuyết của mình như hình ảnh con cú; những giấc mơ, điềm báo; thế giới người âm, ma quỷ. Ngoài ra, những hình ảnh như bãi tha ma, vùng núi Linh Nham, những con người biến dạng cũng đã xuất hiện trong tập thơ đầu tay của Nguyễn Bình Phương mang tên Khách của trần gian. Chính nhờ khai thác triệt để mã liên văn bản ở bình diện kết cấu, Nguyễn Bình Phương hướng đến xây dựng sự tương tác của hiện thực và con người kéo dài. Hình thức lặp lại chuỗi không gian quen thuộc tạo cảm giác tù túng, ngột ngạt của hiện thực; ở đó mỗi nhân vật lại được khai thác ở nhiều mạch truyện, văn bản khác nhau làm tăng thêm sự phức tạp trong đời sống con người.

Một phần của tài liệu TIỂU THUYẾT NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG từ góc NHÌN kí HIỆU học văn học (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)