3.2 Các giải pháp và khuyến nghị để nâng cao chất lượng xã hộ
3.2.2 Nâng cao năng lực sản xuất chương trình của các công ty
truyền thông
Hàng năm HTV có hàng trăm chương trình truyền hình do hàng trăm công ty truyền thông sản xuất. Các công ty truyền thông có thực lực về vốn, nhanh nhạy, năng động họ sẽ phát huy được khả năng sản xuất chương trình tốt nhất nếu có sự phối hợp chặt chẽ với nhà đài. Để nâng cao chất lượng chương trình do công ty truyền thông sản xuất đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ, hỗ trợ từ HTV và nỗ lực của các công ty truyền thông. Các yêu cầu về nhân lực, kỹ thuật, quyền lợi mỗi bên cần phải được đảm bảo và theo dõi chặt chẽ.
+Nhân lực làm truyền hình
Con người là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của truyền hình. XHH sản xuất các chương trình truyền hình chính là huy động các tổ chức, cá nhân ngoài đài tham gia làm truyền hình nhằm tạo ra những sản phẩm truyền hình tốt đối với công chúng. Khi các công ty sản xuất những chương trình truyền hình, họ sẽ thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao tham gia vào quá trình XHH. Thực tế là các công ty thường thuê những đạo diễn, quay phim, kỹ thuật viên..trong êkip thực hiện chương trình là những người có năng lực tốt để thực hiện trong suốt quá trình sản xuất dự án XHH đó. Như vậy, sản phẩm truyền hình họ làm ra sẽ là những sản phẩm đáng tin cậy, mang lại những chương trình hay, bổ ích để phục vụ khán giả.
Tuy nhiên, cái khó nhất của quản lý các chương trình do công ty truyền thông sản xuất chính là ở chất lượng chương trình vì nhà đài không biết được nhân lực của các công ty truyền thông như thế nào và không thể nào quản lý được họ. Hậu trường ngành truyền hình cho thấy: đội ngũ sản xuất chương trình hiện nay vừa thiếu, vừa ít kinh nghiệm. Dù các nhà đài đẩy mạnh XHH liên kết sản xuất với tư nhân, song thực tế rằng các công ty truyền thông chỉ mạnh về tài trợ, chi phí sản xuất hay mua bản quyền còn nguồn nhân lực vẫn theo kiểu vừa làm vừa đào tạo. Chính vì thế, chất lượng chương trình chưa được đầu tư đúng mức, có sự chênh lệch với các chương trình do nhà đài sản xuất. Để cải thiện vấn đề này, nhà đài cần đưa ra các yêu cầu cụ thể cho mỗi chương trình: yêu cầu về nội dung, yêu cầu về kỹ thuật để thông qua đó các công ty truyền thông đầu tư đúng mức cho chương trình. HTV phải xây dựng đội ngũ sản xuất chương trình chuyên nghiệp, vững mạnh để các đối tác dựa trên cơ sở đó định hướng sản xuất chương trình truyền hình đúng với tiêu chí của nhà đài. Để đáp ứng đòi hỏi của HTV, các công ty phải có nguồn nhân lực vừa thạo việc, vừa giỏi chuyên môn. Muốn như vậy, họ phải tự có trách nhiệm trong khâu tuyển dụng và giữ người tài. Trong thực tế, nhiều công ty ý thức rất rõ điều này nhưng không đưa vào thực hiện, đặc biệt là đối với các công ty có quy mô vừa và nhỏ. Trong quá trình khảo sát hiệu quả các chương trình được thực hiện theo phương thức XHH ở khâu sản xuất của các công ty: Cát Tiên Sa, Lasta, Hoa Hồng Vàng người viết đã thấy được mô hình quản lý hiệu quả của Cát Tiên Sa và Lasta. Mô hình lớp học mà Cát Tiên Sa và Lasta thực hiện đã mang lại hiệu quả rõ rệt, chứng tỏ mong muốn làm truyền hình chuyên nghiệp của các công ty. Làm truyền hình là cả một quá trình lâu dài, chứng minh năng lực sản xuất chương trình bằng chính sản phẩm của mình, trong đó nhân lực làm truyền hình luôn là vấn đề bức thiết. Các công ty cần đảm bảo được nhân lực truyền hình có tay nghề. Để làm được điều này có thể
xem xét đến một số giải pháp sau: khắt khe trong tuyển dụng, chỉ tuyển những người được đào tạo chuyên môn, có kinh nghiệm, nhiệt huyết với nghề; đối với những người được việc cần có chính sách đãi ngộ tốt, tránh để tình trạng nhân sự bỏ đi sau thời gian làm việc; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho nhân viên; nghiêm túc cho nhân viên thực hiện đúng các yêu cầu về nội dung của HTV. Nhân sự chuyên nghiệp và ổn định, nhà sản xuất mới có khả năng mở rộng sản xuất các chương trình truyền hình khác. Nhờ đó, uy tín của nhà sản xuất được khẳng định, công ty có khả năng kinh doanh hiệu quả từ chính năng lực sản xuất chương trình của mình.
+ Kỹ thuật làm truyền hình phải luôn được chú trọng
Truyền hình hấp dẫn khán giả không chỉ ở nội dung hay mà còn ở chính hình ảnh, màu sắc, âm thanh. Đây cũng chính là ưu thế của truyền hình so với các phương tiện truyền thông khác. Hiện nay, các kênh truyền hình nở rộ, khán giả có nhiều lựa chọn hơn điều này đồng nghĩa với việc nhà đài phải không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng chương trình mới thu hút được khán giả. Các công ty truyền thông trong cuộc hợp tác với nhà đài cần phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của nhà đài, tránh để tình trạng chênh nhau về kỹ thuật dựng hình, cách thể hiện với các chương trình của đài thực hiện. Quy trình sản xuất các chương trình truyền hình cần được đảm bảo các điều kiện: các chương trình được sản xuất tiền kỳ phải đạt hiệu quả tốt; khâu hậu kỳ cần phải được dựng hình trên máy móc, kỹ thuật hiện đại, đạt chất lượng cao; HTV phải thực hiện khâu nghiệm thu khâu kỹ thuật trước khi phát sóng. Trước đây, các công ty truyền thông giao sản phẩm cho nhà đài bằng băng betacam, năm 2010 HTV đã thay đổi hình thức này bằng cách giao file trực tiếp. Như vậy, cách làm này vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tiết kiệm được chi phí cho các công ty truyền thông, nhà đài cũng dễ dàng quản lý hơn. Trong phương thức giao sản phẩm, tùy từng thời điểm, tùy vào kỹ thuật phát
sóng đài cần có những thay đổi linh hoạt cho phù hợp với nhà đài và tạo điều kiện thuận lợi cho công ty truyền thông.
Để công ty truyền thông thực hiện đúng những những quy chuẩn của yếu tố kỹ thuật, HTV cần hướng dẫn về phần kỹ thuật cụ thể cho từng chương trình của các công ty truyền thông. Để các chương trình thống nhất với nhau về kỹ thuật dựng, kiểu chữ, màu sắc.. đài cần mở các lớp tập huấn, công ty truyền thông sẽ cử nhân viên kỹ thuật tới học. Ngoài ra, đài cũng có thể phối hợp với các đơn vị có nhu cầu hợp tác kỹ thuật như: máy móc, thiết bị, trường quay, sân khấu…để sản xuất các chương trình XHH. Việc quản lý có hiệu quả chất lượng kỹ thuật của các chương trình này sẽ làm cho các chương trình có sự đồng đều về chất lượng, phù hợp với yêu cầu của nhà đài.
Về phía các công ty truyền thông, cần nâng cao chất lượng bằng cách đổi mới cách dựng chương trình, đưa ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong công đoạn sản xuất chương trình. Bản thân công ty truyền thông cần có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình. Những chi tiết sai sót nhỏ nhất sẽ khiến cho khán giả có có cái nhìn thiếu thiện cảm về chương trình. Ngoài đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, các công ty truyền thông cần chú trọng đổi mới cách dựng, cách thể hiện nội dung chương trình, tránh đi vào lối mòn. Khi chương trình được khán giả quan tâm, nhà sản xuất vừa tạo được uy tín cho bản thân vừa được xã hội công nhận để sau đó nhận lại được quyền lợi từ chính khả năng của mình.
+Tăng cường hợp tác, hai bên cùng có lợi
Ngày nay, với việc mở rộng và tăng kênh không ngừng phủ sóng rộng và tăng thời lượng, đài truyền hình không thể một mình sản xuất đủ chương trình phát sóng do không đủ ý tưởng, khả năng tổ chức, nguồn lực tài chính. Chính vì vậy, hợp tác sản xuất với công ty truyền thông là giải pháp hiệu quả cho sự phát triển của nhà đài. XHH truyền hình sẽ phát huy được tiềm năng
và chất xám ngoài xã hội. Công ty truyền thông đến với nhà đài với mong muốn tạo ra những chương trình truyền hình tốt đáp ứng yêu cầu khán giả. Điều này vừa khai thác được tiềm năng lợi thế của nhau, vừa tiết kiệm được nguồn kinh phí không nhỏ cho nhà đài, đài có thêm kinh phí để đầu tư vào cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư cho các chương trình lớn phục vụ mục tiêu tuyên truyền. Hiện nay phương thức trao đổi quyền lợi được HTV là phương thức trao đổi quyền lợi bằng quảng cáo. Nhà đài sẽ trả toàn bộ chi phí sản xuất cho đối tác bằng quảng cáo. Ngược lại đối tác phải cam kết đủ số lượng quảng cáo phát trong chương trình thì mới được đài trả đủ, nếu thiếu số lượng quảng cáo, nhà sản xuất sẽ bị trừ tiền. Trong cách chi trả quyền lợi này các công ty truyền thông tư nhân có phần thiệt thòi khi phải luôn đảm bảo đạt được 125% quảng cáo thì mới được nhà đài trả 100% tiền chi phí sản xuất. Nếu có được nhiều quảng cáo hơn họ cũng không được hưởng. Các công ty truyền thông sản xuất được chương trình hay, thu hút được nhiều quảng cáo vượt định mức nhà đài đặt ra cũng nên có phần lợi nhuận cho họ để khuyến khích. Đây cũng là điều mong muốn của các công ty truyền thông trong cuộc hợp tác với nhà đài. Thiết nghĩ, HTV nên có sự thay đổi trong phương thức chi trả bằng quảng cáo này để tạo điều kiện cho các công ty truyền thông đầu tư sản xuất những chương trình hay.
Tuy nhiên, việc phát quảng cáo trong chương trình cũng nên có sự điều tiết, chương trình dù thu hút được nhiều quảng cáo cũng nên có sự hạn chế về số lượng, tránh tình trạng quảng cáo dày đặc như hiện nay. Nhà đài cũng nên lựa chọn các quảng cáo, tránh những mẩu quảng cáo không phù hợp với chương trình.