2 .Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
8. Kết cấu của luận văn
2.4. Một số giá trị và hạn chế cơ bản trong tư tưởng đạo đức của Khổng Tử
2.4.1. Về mặt giá trị
Thứ nhất, Khổng Tử nhận thức rõ được vai trò của đạo đức đối với đời
sống xã hội, vì thế ông rất chú trọng đến vấn đề tu dưỡng đạo đức cá nhân, đặc biệt là chú ý đến đạo đức người cầm quyền.
Khổng Tử đã nhận thức được một thực tế là những người trong bộ máy nhà nước mà mất đạo đức thì không thể cai trị được nhân dân. Cho nên với ông, đạo đức là một phương tiện để thu phục được lòng dân và đạo đức người cầm quyền có ảnh hưởng lớn đến sự hưng vong của triều đại. Khổng Tử rất đề cao tu thân và coi đây là cái gốc trong rèn luyện nhân cách đã tạo nên một lớp người sống có đạo đức. Theo ông, người làm quan phải có đức, phải lấy nhân nghĩa, lấy chữ tín làm mục tiêu để cảm hóa lòng người, để cai trị. Ông coi những người làm quan mà hà hiếp dân là độc ác, để dân đói rét là nhà vua có tội. Khổng Tử đã đề cao việc cai trị dân bằng đạo đức, bằng nhân nghĩa, bằng lễ giáo và để thực hiện được đường lối đức trị, người cầm quyền phải luôn
“tu, tề, trị, bình”.Vì vậy, Khổng Tử khuyên người cầm quyền phải tu thân để làm tấm gương cho người dưới noi theo.
Với chủ trương coi trọng đạo đức, coi việc hoàn thiện nhân cách của mỗi người là điều kiện để xây dựng và hoàn thiện xã hội lý tưởng, Khổng Tử đã góp phần tạo dựng cho con người lối sống có trách nhiệm với chính mình, gia đình, đất nước. Học thuyết đạo đức của Khổng Tử có tác dụng khuyến khích, giúp con người nỗ lực phấn đấu, tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cá nhân. Ông rất đề cao việc học và việc dạy đạo đức để thực hiện đạo làm người, trở thành người có đạo đức, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Học thuyết đạo đức của Khổng Tử đã tạo ra một cộng đồng xã hội có tôn ti, trật tự từ gia đình đến ngoài xã hội.
Thứ hai, trong học thuyết đạo đức của Khổng Tử, ông đã đưa ra các
phương pháp giáo dục, giáo hóa đạo đức cho con người góp phần tạo nên một xã hội lý tưởng mà theo ông mọi người đều được học hành, có đạo đức, xã hội ổn định, trật tự kỉ cương.
Ở Khổng Tử, giáo dục, giáo hóa bằng đạo đức là một trong những biện pháp chính trị căn bản nhất để xây dựng một xã hội ổn định, tạo ra con người có kỉ cương, có đạo đức và những người lý tưởng. Khổng Tử cho rằng giáo dục là việc rất quan trọng và cần thiết vì mỗi người muốn vươn tới cái thiện đều cần phải được giáo dục. Khổng Tử chủ trương “hữu giáo vô loại”, với phương châm “học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Đây là chủ trương bình dân hóa trong giáo dục, vượt qua tính giai cấp, tính đặc quyền của tầng lớp quan lại, quý tộc trong giáo dục để giáo dục đến với mọi người trong xã hội.
Bên cạnh đó, Khổng Tử coi việc giáo dục, giáo hóa là nhiệm vụ căn bản nhất của người cầm quyền. Ông coi việc dân có đủ đức quan trọng hơn là việc họ có đủ ăn, coi nhân, nghĩa cần thiết hơn nước và lửa. Khổng Tử đã từng khuyên nhà cầm quyền không chỉ giúp dân làm giàu mà điều cơ bản là khi dân đã giàu thì phải giáo hóa họ. Vì thế, mục đích của việc giáo dục theo
Khổng Tử là nhằm làm cho mọi người có đạo đức, là đào tạo những con người biết sống đúng danh phận và nhằm ổn định trật tự xã hội. Cho nên, mục đích tư tưởng giáo dục đạo đức của Khổng Tử rất đúng đắn và thiết thực.
Theo Khổng Tử, nội dung giáo dục chủ yếu là đạo làm người, hướng đến dạy đạo trị nước cho con người với mục đích quan trọng là đào tạo ra những con người có đức, có tài bổ sung cho đội ngũ quan lại. Đó là những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cơ bản để giáo hóa con người suy nghĩ, hành động đúng danh phận của mình. Từ đó, Khổng Tử đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần trách nhiệm, có ý chí phấn đấu, luôn coi trọng tinh thần, đạo đức. Từ nội dung trên, Khổng Tử đề ra phương pháp giáo dục đạo đức chứa đựng nhiều yếu tố tích cực và tiến bộ. Phương pháp dạy học rất cụ thể từ gần tới xa, từ dễ tới khó, kết hợp giữa học và hành, mọi người cần phải tự giáo dục ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh… Học cần phải suy nghĩ như Khổng Tử dạy “Học mà chẳng chịu suy nghĩ thì chẳng được thông minh. Suy nghĩ mà chẳng học thì lòng dạ chẳng yên ổn”[19, tr. 23]. Bên cạnh đó, người học cần phải ôn lại những kiến thức đã biết để tìm hiểu những kiến thức mới “Người nào ôn lại những điều đã học, do nơi đó mà biết thêm những điều mới, người ấy có thể làm thầy của thiên hạ đó” [19, tr. 21]. Ngoài ra, người học đạo cần phải biết chọn lọc kiến thức cần phải học, không phải gặp gì học nấy, có như vậy mới trở thành người có ích được. Trong ba người cùng đi với mình thì một người là thầy mình, một người là bạn mình, cần phải học ở họ những kiến thức chắt lọc mà mình chưa biết. “Trong ba người đi đường, mình với hai người nữa ắt có người là thầy của mình. Mình chọn điều lành, điều phải của người này đặng làm theo; mình xét điều dữ, điều quấy của người kia đặng sửa đổi lấy mình” [19. tr. 109]. Đối với Khổng Tử việc dạy cần phải phân biệt đối tượng người học mà dạy cho phù hợp “Từ người bậc trung sắp lên, mới nên dạy đạo lý chỗ cao siêu. Từ người bậc trung trở xuống, chớ nên giảng giải đạo lý chỗ cao siêu” [19, tr. 93].
Có thể thấy, phương pháp giáo dục của Khổng Tử có nhiều điểm sâu sắc và giá trị mà ngày nay chúng ta vẫn cần phải học tập và phát huy, đáp ứng Nghị quyết Trung Ương 8 khóa XI của Đảng đã đề ra việc đổi mới phương pháp dạy và học “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” nhằm nâng cao chất lượng trong giáo dục góp phần đào tạo những con người có tài, có đức, vừa hồng, vừa chuyên để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thứ ba, học thuyết đạo đức của Khổng Tử đặc biệt đề cao vai trò của
đạo đức trong việc trị nước, ông gắn liền đạo đức với chính trị. Đạo đức được coi là phương tiện, công cụ chủ yếu và hiệu quả nhất của giai cấp thống trị trong việc trị nước, quản lý xã hội. Đạo đức còn là điều kiện quan trọng nhất để hình thành, hoàn thiện đạo đức con người và đạo đức xã hội, là phương tiện hữu hiệu nhất để khắc phục những hành vi bất nhân của con người góp phần củng cố, duy trì ổn định, kỉ cương của xã hội. Đặc biệt, để thực thi đường lối đức trị được hiệu quả, người cầm quyền phải là tấm gương đạo đức, thực hiện các chính sách mang nội dung đạo đức, coi dưỡng dân và giáo dân là nhiệm vụ hàng đầu.
Ngoài ra, Khổng Tử còn chủ trương dùng đạo đức kết hợp với pháp luật trong việc trị nước. Tuy nhiên, ông đặc biệt coi trọng biện pháp dùng đạo đức, còn hình phạt chỉ là biện pháp tạm thời để cứu vãn tình thế khó khăn trong việc trị nước. Khổng Tử từng nói “Nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh, lễ tiết thì dân biết hổ mà cảm hóa. Nếu dùng pháp chế, hình phạt thì dân sợ mà chẳng hổ” [19, tr. 15]. Trong quản lý xã hội, đạo đức có vai trò rất quan trọng nhưng không thể thiếu pháp luật. Sau này, chúng ta sử dụng cả hai phương pháp đạo đức và pháp luật vào quản lý xã hội, cai trị đất nước.
2.4.2. Về mặt hạn chế
Thứ nhất, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử đã đề cao đến mức tuyệt đối
Có thể nói, Khổng tử là người đầu tiên nói nhiều nhất đến tư cách người cầm quyền, bổn phận họ phải sửa mình, làm gương cho dân, giáo hóa dân. Khổng Tử không tách riêng đạo đức và chính trị, ông đã đạo đức hóa chính trị và tất cả triết lí chính trị của ông gồm trong danh từ “đức trị”, tức là người trị dân phải có đức, phải trị dân bằng đức, chứ không phải bằng bạo lực. Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử có ví như sau: “Đức hạnh của người
quân tử như gió, đức hạnh của kẻ tiểu nhân như cỏ, gió thổi thì cỏ rạp xuống” [19, tr. 191].
Từ chỗ đề cao vai trò, địa vị của nhà vua (người cầm quyền) trong việc trị nước, trị dân, ổn định xã hội, Khổng Tử càng coi trọng, đề cao đến mức tuyệt đối hóa vai trò của đạo đức, sự tu dưỡng đạo đức của nhà vua (người cầm quyền). Khổng Tử cho rằng, để làm tròn trách nhiệm là cha mẹ dân, thay trời để trị dân và giáo hóa dân thì điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định là nhà vua (người cầm quyền) phải luôn tu dưỡng đạo đức, biểu hiện trong sự thống nhất giữa nội thánh - ngoại vương, giữa tri - hành để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Một hạn chế nữa là cái mô hình xã hội lý tưởng mà Khổng Tử muốn hướng tới thực chất chỉ là mô hình xã hội phong kiến theo điển chế của nhà Chu có trật tự, tôn ti từ trên xuống dưới, mọi người sống trong hòa mục, thân ái, là phù hợp với yêu cầu của các thế lực thống trị mà thôi. Như vậy, Khổng Tử tuyệt đối hóa vai trò đạo đức cá nhân đặc biệt là đạo đức của nhà vua trong cai trị, quản lí xã hội cũng như trong diễn biến của lịch sử thể hiện tính chất duy tâm và siêu hình. Về thực chất đó là nhằm mục đích duy trì, củng cố sự tồn tại của chế độ phân biệt đẳng cấp, địa vị của giai cấp thống trị.
Thứ hai, Khổng Tử nhìn nhận và giải thích nguyên nhân dẫn đến sự rối
loạn trong xã hội Trung Quốc thời Xuân Thu vô trật tự, không có kỷ cương từ trong gia đình đến ngoài xã hội chủ yếu là từ nguyên nhân đạo đức mà Khổng Tử không thấy nguyên nhân kinh tế của tình trạng đó.
Là một học thuyết đạo đức gắn liền với chính trị - xã hội, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử chủ yếu tập trung bàn đến vấn đề con người, xã hội mà ít bàn đến vấn đề kinh tế. Khổng Tử chủ yếu bàn về vấn đề “nhân”, “nghĩa”, “lễ”, “trí”, “tín” mà ít bàn về vấn đề “lợi”. Mục đích của ông là nhằm giáo hóa, đào tạo, hoàn thiện con người và xã hội làm cho xã hội ổn định, hòa bình, thịnh trị.
Học thuyết đạo đức của Khổng Tử rất đề cao văn hóa, văn hiến, trọng kẻ có học, kẻ làm văn chương. Theo ông, sự hoàn thiện con người vừa là nguyên nhân, là điều kiện hoàn thiện xã hội nhưng ông lại chú trọng đến con người đạo đức, mặt đạo đức của con người mà thôi.
Khổng Tử quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đạo đức con người, chủ yếu nhấn mạnh mặt đạo đức, ít quan tâm đến lĩnh vực kinh tế nên tư tưởng của ông không dạy con người những kiến thức khoa học kỹ thuật, lao động sản xuất. Do vậy, một hạn chế khác trong tư tưởng đạo đức của Khổng Tử là ông coi thương nhân là hạng tiểu nhân trong xã hội, vì chính tầng lớp này tạo ra sự tranh giành gây nên mất ổn định xã hội.
Thứ ba, vì quá đề cao đạo đức và vai trò của đạo đức nên Khổng Tử đã
nhìn nhận, đánh giá con người chủ yếu từ phương diện đạo đức; cho nguyên nhân tình trạng rối loạn chủ yếu là do đạo đức, cho nên một trong những hạn chế trong tư tưởng đạo đức của Khổng Tử là quá coi trọng việc giáo dục, giáo hóa bằng đạo đức mà không quan tâm tới giáo dục tri thức khoa học về tự nhiên, tri thức khoa học sản xuất.
Thực chất, tư tưởng giáo dục, giáo hóa của Khổng Tử dù kết hợp đạo đức với hình phạt, trọng đạo đức, nhẹ hình phạt thì nhìn chung đều mang tính bắt buộc, nó được coi là “khuôn vàng thước ngọc” buộc mọi người phải thực hiện trong suy nghĩ và hành động nhằm mục đích duy trì, bảo vệ trật tự, kỉ cương của giai cấp phong kiến, chế độ thống trị đương thời. Chính vì thế, học thuyết đạo đức của Khổng Tử tồn tại hạn chế trong tư tưởng giáo dục là nội
dung giáo dục không bao giờ dạy con người tri thức về tự nhiên, sản xuất, buôn bán. Do vậy, chính sách và đường lối giáo dục của Khổng Tử là hết sức hạn chế, không thể đào tạo ra những con người hoàn thiện được.
Thứ tư, Khổng Tử nhìn nhận con người chủ yếu ở phương diện đạo đức
mà không thấy con người, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Quan niệm của Khổng Tử về con người như vậy không thể không tránh khỏi tính chất siêu hình. Như chúng ta đã biết, triết học Mác – Lênin khẳng định, hoạt động thực tiễn của con người rất phong phú và đa dạng, song hoạt động cơ bản nhất là hoạt động sản xuất vật chất. Con người thông qua lao động mà quan hệ với tự nhiên, xã hội. Chính trong hoạt động sản xuất đã sản sinh ra đời sống của con người, từ đó có quan hệ tích cực, năng động với tự nhiên và xã hội. Qua tác động của con người với tự nhiên, con người làm biến đổi tự nhiên đồng thời làm biến đổi bản thân mình. Cái quyết định bản chất con người là hoạt động thực tiễn trong xã hội, bản chất ấy được hình thành và phát triển trong hoạt động thực tiễn, trước hết là thực tiễn lao động sản xuất của cải vật chất. Trong quá trình sống, con người tồn tại những mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng xã hội, sản sinh ra con người với tư cách là chủ thể xã hội hoàn chỉnh.
Trong một xã hội có nhiều các quan hệ xã hội, qua các cách tiếp cận khác nhau ta có thể chia ra thành các mối quan hệ sau: xét về mặt xã hội ta có quan hệ giai cấp, quan hệ gia đình, dân tộc, cá nhân với xã hội, liên minh các xã hội với nhau. Xét về mặt tổ chức và kĩ thuật đó là tương tác giữa con người với quan hệ lao động trực tiếp, trao đổi các hoạt động. Xét về mặt tư tưởng, có các quan hệ: chính trị, đạo đức, thẩm mỹ, pháp quyền, tôn giáo….Trong các quan hệ xã hội trên thì quan hệ sản xuất vật chất có vai trò quan trọng, quyết định tạo ra đời sống của con người. Cá nhân là chỉnh thể đơn nhất biểu hiện các thuộc tính chỉnh thể về hình thái và tâm sinh lý, tính ổn định trong sự tương tác với môi trường.
Ngày nay, mô hình con người Việt Nam cần hướng tới được xác định rõ trong Đại hội Đảng IX như sau: Phát triển toàn diện về chính trị tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực và sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng tình nghĩa, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Đó còn là mục tiêu chiến lược về phát triển con người Việt Nam toàn diện, vừa hồng, vừa chuyên, vừa có đức và có tài, đủ sức đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
KẾT LUẬN
Trong lịch sử nhân loại, Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà văn hóa và là nhà giáo dục lớn. Ông là người sáng lập ra trường phái Nho gia, tư tưởng đạo đức của ông đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử tư tưởng triết học Trung Quốc và nhân loại. Nhiều tác phẩm kinh điển của Nho giáo được ông san định. Tác phẩm Luận ngữ không phải do ông viết ra mà là tập hợp