7. Kết cấu của luận văn
2.1 Tƣ tƣởng duy tân về chính trị, văn hóa – giáo dục, kinh tế của Lƣơng
2.1.4 Tư tưởng duy tân về kinh tế
Hoạt động của Lương Văn Can và các nhà Nho Đông Kinh nghĩa thục không chỉ chú ý trên lĩnh vực văn hóa – tư tưởng nhằm “hóa dân”, nâng cao dân trí, ý thức của người dân Việt Nam, mà một vấn đề quan trọng, được các nhà Nho duy tân này tuyên truyền và trực tiếp thực hiện, đó là “chấn hưng kinh tế” làm cho nước mạnh. Muốn nước mạnh thì dân phải mạnh, phải giàu,
mà muốn vậy thì dân phải biết sản xuất, kinh doanh trao đổi... để cho có nhiều hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, nâng cao đời sống kinh tế.
Thời phong kiến, tư duy kinh tế nước ta là “trọng nông, ức thương”, nó xuất phát từ quan niệm chính trị “trọng vương, khinh bá”, từ đường lối đức trị mà Nho giáo đề cao. “Sự áp dụng triệt để tư tưởng này vào đường lối kinh tế dưới thời nhà Nguyễn, đã để lại những hệ quả xã hội nghiêm trọng, kìm hãm sự phát triển của các yếu tố kinh tế tư bản chủ nghĩa khiến cho kinh tế Việt Nam vẫn trong tình trạng lỗi thời, lạc hậu so với khu vực và thế giới” [54, 155]. Và nếu cứ mãi giữ tư duy kinh tế “trọng nông, ức thương” thì không thể xây dựng được một đường lối phù hợp cho việc nâng cao sức mạnh nội lực, làm cho đất nước giàu mạnh để có đủ tiềm lực chống lại ách đô hộ của thực dân và giải phóng đất nước.
Công cuộc khai thác thuộc địa hối hả của thực dân Pháp đã có tác động mạnh đến Lương Văn Can và các nhà Nho cấp tiến. Nỗi đau mất nước và sự hèn kém của nước nhà thúc đẩy họ phải mau hành động. “Họ muốn tìm ra một lối thoát mới cho sự tồn tại và đi lên của dân tộc Việt Nam. Lối thoát khả dĩ nhất là phải duy tân đất nước, duy tân một cách toàn diện, cả trong tư duy và hành động. Chấn hưng và đổi mới nền giáo dục được lựa chọn là biện pháp chiến lược hàng đầu, là nền tảng để thực hiện các duy tân khác. Trường Đông Kinh nghĩa thục ra đời trong tham vọng chấn hưng và đổi mới nền giáo dục nước nhà của các nhà Nho cấp tiến Việt Nam” [65, 129]. Nội dung giáo dục mới nhất được Lương Văn Can và các đồng chí của ông rất chú trọng là giáo dục các vấn đề kinh tế. Dạy kinh tế học đã phản ánh chí chấn hưng thực nghiệp rất cao. Các tài liệu phục vụ cho việc phát triển kinh tế được đưa vào trường học như “Hợp quần doanh thuyết” của Nguyễn Thượng Hiền, “Học công nghệ, học buôn bán” của Phan Châu Trinh... khẳng định việc muốn có một nền kinh tế phát triển, thì việc đầu tiên phải biết tiếp thu tư duy kinh tế châu Âu đương thời. Người Pháp biết trọng thương mại và kỹ nghệ nên mạnh hơn ta, văn minh hơn ta, chinh phục được ta. Nhưng muốn
làm giàu phải có học thức. Người Việt Nam cần được trang bị những kiến thức về kinh tế học để họ có thể làm giàu một cách bền vững. Một số vấn đề kinh tế học được thể hiện một cách sâu sắc trong “Quốc dân độc bản”, một trong những cuốn sách giáo khoa trọng yếu của Đông Kinh nghĩa thục.
Về mặt lý luận, thông qua các tài liệu giáo khoa, Lương Văn Can và các nhà sáng lập Đông Kinh nghĩa thục cung cấp những kiến thức mới lạ về kinh tế học cho nhân dân. Trong 79 bài của “Quốc dân độc bản” có tới 24 bài (Từ bài 56 – bài 79) đề cập trực tiếp tới vấn đề kinh tế học với các khái niệm mới lạ trước đây chưa từng có: sản nghiệp, máy móc, máy móc sao lại làm hại công nhân, tránh cái hại của sự phân công và sử dụng máy móc, lợi ích của đại công nghiệp, tiền công, tư bản, nhà tư bản cũng có ích cho người nghèo, mậu dịch, tiền tệ,…
Vấn đề kinh tế học đầu tiên mà Lương Văn Can và các soạn giả quan tâm là “sản nghiệp”. Theo họ, sản nghiệp là tài sản thuộc về quyền sở hữu cá nhân của mỗi người. Sản nghiệp có thể là ruộng đất, nhà cửa, tiền bạc và đồ vật. Người ta có quyền quản lý, sử dụng và chuyển giao sản nghiệp của mình. Sản nghiệp được pháp luật bảo vệ: “Nước càng văn minh thì pháp luật bảo vệ sản nghiệp càng tường tận. Pháp luật các nước phương Tây đều có những điều khoản rất tỉ mỉ, như thế nào là di sản, thừa hưởng ruộng đất, nhà cửa ra sao, buôn bán, thế chấp như thế nào,... quy tắc khống tố, mức độ cao hay thấp đều được ghi trong pháp luật rất chi tiết. Đó là cách xử lý hay nhất về sản nghiệp. Nhà nước đặt ra quan tư pháp, như tài phán, cảnh sát, đều để bảo vệ sản nghiệp của dân” [13, 89].
“Bản quyền” và “thương hiệu” sản phẩm cũng chính là “sản nghiệp” của người tạo ra nó. Bởi vì để có được những phát minh thì người phát minh phải bỏ ra rất nhiều tài lực. Bản quyền và thương hiệu có liên quan đến sự sống còn của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, bảo vệ bản quyền và thương hiệu là một việc làm cần thiết: “Nếu không có pháp luật bảo vệ những quyền lợi đặc biệt ấy, cứ để cho kẻ khác mô phỏng theo, thì tâm lực,
vốn liếng mà những người đầu tiên bỏ ra, chẳng phải là uổng phí hay sao?” [13, 89-90], và là một dấu hiệu của văn minh trong kinh doanh: “Ở các nước phương Tây, những tác phẩm nổi tiếng, những sáng chế mới, mẫu mã, kiểu dáng, mầu sắc, nhãn hiệu hàng hóa của thương gia đều đăng ký ở các cơ quan hữu trách, cho chuyên dùng mười năm đến mấy mươi năm, không ai được giả mạo. Kẻ giả mạo bị tòa án xử tội cấm cố hoặc phạt bạc. Văn minh như thế là cực điểm” [13, 90].
Các soạn giả khẳng định muốn đất nước trở nên giàu mạnh thì phải có nền “đại công nghiệp” phát triển. “Đại công nghiệp” thu hút một số lượng lớn lao động và có thể chế tạo những vật phẩm to lớn mà tiểu công nghiệp không thể làm được. Phát triển đại công nghiệp có thể tiết kiệm được vốn, nhân lực, tạp phí và công vận chuyển. Theo các soạn giả, sở dĩ ở Việt Nam chưa có nền đại công nghiệp là do: “Đường giao thông bất tiện, hàng hóa khó lưu thông, tiêu thụ chậm, vốn cũng thiếu, chưa có luật lập công ty thì khó lòng dự trù được một khoản tiền lớn được. Dân lại không được học, nên không thể dùng máy móc, cũng không có người tài giỏi lý luận để trù hoạch làm đại công nghiệp, nên dễ thất bại hơn là làm tiểu công nghệ” [13, 96].
Để xây dựng nền đại công nghiệp, đại mậu dịch, ngân hàng, xây dựng cơ sở hạ tầng... thì phải có nguồn vốn lớn. “Vốn”chính là lượng tiền của tích trữ được. Ở các nước văn minh, người dân có học thức cao, có tầm nhìn xa trông rộng, nên họ biết sử dụng vốn để sản xuất và kinh doanh. Vì vậy, đất nước họ ngày càng có thêm nhiều nhà đại tư bản, công nghiệp thêm mở mang, đất nước thêm giàu mạnh. Tiết kiệm là một trong những biện pháp để tạo ra nguồn vốn. Người Việt Nam từ xưa rất có ý thức tiết kiệm “buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè hà tiện” và khi kiếm được một khoản kha khá nào đó thường đem cất giữ cẩn thận để phòng khi bất trắc “tích cốc phòng cơ” và làm tài sản kế thừa cho con cháu. Cũng có người đem vốn của mình ra cho vay lấy lãi. Nhưng rất hiếm người đưa vốn của mình vào sản xuất công
nghiệp. Vì vậy, nguồn vốn của người Việt Nam thường bất động và ít có khả năng sinh lời.
Trong thời đại thông thương mở rộng này thì càng cần có vốn lớn để tạo lợi thế mạnh. Muốn có vốn lớn phải lập “công ty”. “Công ty” có nhiều dạng thức khác nhau: công ty hợp doanh, công ty hợp tư và công ty cổ phần. Để tập hợp các nguồn vốn nhỏ lẻ thành nguồn vốn lớn, thu lãi lớn, và có thể ứng phó được với những biến đổi của thị trường thành lập các công ty là một việc làm cần thiết.
Điều đáng lưu ý trong quan điểm duy tân kinh tế của các nhà Nho Đông Kinh nghĩa thục là họ nhận thấy vai trò của máy móc đối với phát triển sản xuất. Theo họ, “máy móc” do con người chế tạo ra nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa nhanh, nhiều, vốn ít và giá thành rẻ: “Máy móc chẳng phải cái gì huyền bí, kỳ quái, thực ra chỉ giúp sức cho con người mà thôi. Máy cày, máy thủy ô tô để cày đất, xay bột mì, đi lại, vận chuyển đều là máy móc thay sức cho con người và con người vì thế mà quý máy móc” [13, 94]. Sản xuất bằng máy móc cần thiết đối với các ngành nghề kinh tế ở Việt Nam. Họ lấy ví dụ trong nông nghiệp, kể từ khi có các nhà máy tơ, nhà máy sợi mọc lên nhan nhản thì con trai, con gái ở làng quê kéo nhau đến làm; từ khi tơ tằm bán chạy thì ruộng lúa trở thành ruộng dâu. Nếu công nghiệp phát triển thì một ngày kia người cày ruộng sẽ bỏ cày bừa, mà vác búa, vác cưa đi làm công nhân. Vì vậy, có máy móc công nghiệp mới chấn hưng. Máy móc càng mới thì công nghiệp càng đổi mới.
Đồng thời với việc khẳng định tầm quan trọng của máy móc, các soạn giả nhấn mạnh tính chuyên môn hóa trong sản xuất. Theo họ, một người khó có thể tự làm mọi việc bởi những hạn chế về thời gian và sức lực. Sự tinh thông một nghề có giá trị hơn biết cùng một lúc nhiều nghề. Luận điểm này của các soạn giả dường như có vẻ không mới. Người Việt Nam từ xưa đã khẳng định: “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, “một nghề thì sống đống nghề thì chết”. Người Việt Nam cũng có nhiều làng chuyên nghề khác nhau.
Người thợ thủ công có thể sống được bằng sản phẩm chuyên biệt của mình. Nhưng tính chuyên nghề của người Việt Nam lúc đó chỉ là nghề thủ công chứ không có trong sản xuất công nghiệp hiện đại. Tính chuyên nghề họ thực sự nhấn mạnh ở đây chính là sự thông thạo của người lao động về một công đoạn được giao trong toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất: “Nước Anh làm đồng hồ, mỗi chiếc có đến 120 linh kiện, mỗi linh kiện được một người thợ làm. Cứ phân nhỏ ra như thế. Đại để văn minh càng tiến thì sự phân công càng tinh vi. Công nghiệp Anh, Mỹ làm cho nước họ giàu mạnh là nhờ phân công. Các nhà bác học nổi tiếng cũng phải suốt đời chuyên trị một nghề, sau mới tinh. Cũng không ngoài sự phân công mà nên” [13, 93].
Bên cạnh những khái niệm công cụ của kinh tế học nói trên các nhà duy tân đầu thế kỷ XX còn đề cập đến các khái niệm mới mẻ như: mậu dịch, ngân hàng, vai trò của chứng phiếu trong mậu dịch... đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Việc phổ cập những khái niệm kinh tế mới mẻ và phát triển kinh doanh sản xuất của các nhà Nho Đông Kinh nghĩa thục là một việc làm rất đáng trân trọng. Ngày nay, với chúng ta, những khái niệm này rất bình thường, nhưng tại thời điểm những năm đầu thế kỷ XX, nó là sự nỗ lực tự đổi mới, tự thay đổi quan niệm, kiến thức của một nhà Nho nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống tới lúc này mang một màu sắc mới, gắn kết với những giá trị, tư tưởng tiến bộ với lý tưởng cao cả là mang lại độc lập tự do cho nước nhà và giàu mạnh cho nhân dân. Các nhà Nho đã mở ra cho nhân dân ta tầm nhìn mới về vai trò của doanh thương với sự phát triển kinh tế quốc dân và một tầm nhìn xa tới nền kinh tế của các nước giàu mạnh trên thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của nền đại công nghiệp. Đồng thời cũng chỉ ra cho dân ta thấy rằng cần phải phát triển công, thương nghiệp để làm cho đất nước giàu mạnh, có tiềm lực để giải phóng đất nước. Những khái niệm tuy còn đơn giản nhưng đánh dấu bước phát triển mới vượt bậc
trong tư duy của dân tộc, nâng tư duy dân tộc về kinh tế lên một trình độ mới để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Nhìn vào thực trạng nước nhà, các soạn giả chỉ ra hạn chế trong phát triển kinh tế ở nước ta. Một là nhân dân ta chưa thật đoàn kết, sự hùn vốn dưới hình thức phường hội đã có từ lâu nhưng chưa có quy cách rõ ràng. Nhiều người có tâm lý e ngại góp vốn thành lập công ty. Hai là nước ta chưa thực sự văn minh, người dân ít biết lo xa vì đầu tư vốn lớn không phải dễ thu lợi ngay được. Chính vì hai điều này đã tạo ra trở ngại để thành lập một thương cục của người Việt Nam. Các ngành nghề kinh tế lớn ở nước ta đều do nhà nước bảo hộ và người nước ngoài nắm giữ. Vì vậy, dân ta phải phát động tư tưởng hợp quần và giáo dục đức tính cộng đồng.
Từ những luận điểm về kinh tế, các nhà Nho duy tân cho rằng nước ta cần thiết phải “chấn hưng thực nghiệp”. Thực nghiệp càng phát triển thì đất nước càng giàu mạnh. Nước ta có những điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nghề kinh tế. Đó là người Việt Nam có tinh thần chịu khó, tiết kiệm và tinh xảo. Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Bên cạnh thuận lợi là những khó khăn trong phát triển thực nghiệp. Nước ta có bốn nghề cơ bản là sĩ, nông, công, thương. Là một nước chuyên chế chỉ có quan là tôn quý nhất, sĩ cũng là tôn quý nhất vì một ngày kia họ có thể lên quan. Thành kiến “trọng sĩ khinh thương” ở nước ta là cố hữu, khó lòng phá bỏ. Các nhà Nho duy tân phê phán thái độ ngạo mạn của tầng lớp sĩ trong xã hội: “Phàm những kẻ chỉ biết đôi chút từ chương là đã vênh vang tự cho mình là sĩ, không thèm đứng cùng hàng với nông, công, thương, họ cho là hèn hạ, gọi là dân buôn, dân thợ, dân cùng, ngu dốt, thậm chí có kẻ không thèm nói đến thóc gạo nữa!” [13, 92]. Sự ngạo mạn, dốt nát, không hiểu và coi thường vai trò của công thương của tầng lớp sĩ là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực nghiệp nước nhà không được chấn hưng.
Đi đôi với việc phát triển nông nghiệp là hình thành các ngành công, thương nghiệp mới, vận dụng trí não để “chấn hưng công nghệ” thúc đẩy công nghệ phát triển.
* Tư tưởng chấn hưng công nghệ
Lương Văn Can và các nhà duy tân Đông Kinh nghĩa thục chủ trương chấn hưng công nghệ. Họ muốn cải chính cái quan niệm cổ truyền về kinh tế “Dĩ nông vi bản”, về các nấc thang trong xã hội cũ “sĩ, nông, công, thương”. Trong “Văn minh tân học sách”, họ khẳng định tầm quan trọng của công nghệ: “Công nghệ rất quan hệ với quốc gia. Ta không hơn người thì người sẽ bỏ rơi ta. Tiền của phung phí ra ngoài nước không còn gì tệ hại hơn thế nữa!” [96, 119]... “Cái thuyết khinh rẻ công nghệ đã nổi lên thì vàng, bạc, gỗ, đá chỉ là nguyên liệu để cho người nước ngoài dùng”; khi “cái đại khuyến khích công nghệ được thịnh hành thì nước, lửa, gió, điện đều giúp ích cho sự cần dùng hằng ngày của dân ta cả. Vậy thì không thể không chấn hưng công nghệ là điều tất nhiên” [96, 121]. Các tác giả còn đặt cả vấn đề làm cho đồng tiền sinh lợi: “Dè dặt sự tiêu phí, chi bằng mở rộng nguồn lợi cho nó lưu thông” [96, 118]. Như thế là ý kiến của các tác giả trái ngược hẳn với quan niệm của Phan Đình Phùng về nghĩa và lợi, đạo đức và tiến hóa không bài trừ lẫn nhau, bởi vì cái nghĩa lớn nhất là phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội. Để việc chấn hưng công nghệ trở thành hiện thực, cùng