7. Kết cấu của luận văn
2.3 Vai trò giá trị, hạn chế tƣ tƣởng duy tân của Lƣơng Văn Can
2.3.2 Hạn chế trong tư tưởng của Lương Văn Can
Hạn chế trong tư tưởng Lương Văn Can cũng không là ngoại lệ mà thuộc vào hạn chế chung của các sĩ phu cấp tiến đầu thế kỷ XX. Trước hết, ông chưa nhận thức, đánh giá bản chất của thực dân, đế quốc, chính sách thuộc địa của thực dân. Ông không thể thực hiện khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh khi còn tồn tại cùng một lúc hai thể chế chính trị phản động phong kiến và thực dân. Hơn nữa, ông và các trí thức Nho học thời kỳ này tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây chủ yếu qua Tân thư, Tân văn từ Trung Quốc nên kiến thức của các ông về văn minh phương Tây, về nền dân chủ, nền kinh tế phương Tây hay gần hơn là về Nhật Bản không đầy đủ, chưa bản chất, chưa đặc trưng, chưa sát thực tiễn.
Lương Văn Can cũng đã tự lược bỏ, thay đổi thế giới quan phong kiến nhưng thế giới quan hướng theo dân chủ tư sản của ông chưa có đủ điều kiện để hoàn thiện, do vậy hạn chế trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Thực ra, hạn chế này trong tư tưởng của Lương Văn Can có nguyên nhân khách quan và chủ quan, song nguyên nhân khách quan thuộc về thời đại là chủ yếu. Bản thân ông là tấm gương nỗ lực phi thường, tấm gương hy sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc, của nhân dân, hướng tới điều tiến bộ, mới mẻ.
Các nhà Nho duy tân đều có vốn tri thức nho giáo uyên bác, nên khi tiếp thu văn minh phương Tây đã không tránh khỏi nhận thức bằng nhãn quan Nho giáo. Các khái niệm mà các ông sử dụng để trình bày tư tưởng, quan điểm của mình vẫn là những phạm trù quen thuộc của Nho giáo: trung, hiếu, nghĩa, lợi... Tuy có bổ sung, sửa đổi nhưng về căn bản vẫn là ảnh hưởng của Nho gia.
Xét về mặt nội dung, hạn chế căn bản của dòng tư tưởng duy tân này của các nhà Nho như Lương Văn Can là tính không tưởng và mâu thuẫn bên trong các tư tưởng đó. “Tính không tưởng trước hiện thực lịch sử trong các tư tưởng duy tân là do hạn chế trong nhận thức của cá nhân các nhà cải cách, mà suy cho cùng, bị quy định bởi các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa khách quan của dân tộc thời kỳ đó. Các nhà Nho yêu nước muốn cải cách đất nước, nhưng lại không thấy được bản chất phản động của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, lại “choáng ngợp” trước sự hấp dẫn của văn minh tư bản, nên muốn dựa vào đó làm cuộc cách mạng xã hội. Mặt khác, tính mâu thuẫn bên trong của tư tưởng cải cách bị quy định chủ yếu bởi hoàn cảnh cụ thể quá trình giao thoa văn hóa của dân tộc và thế giới bên ngoài khi đó. Các nhà Nho yêu nước vừa muốn tiếp thu những giá trị văn hóa của nước ngoài để cải tạo văn hóa dân tộc, lại vừa muốn giữ gìn những giá trị của tư tưởng Nho giáo phong kiến” [12, 211]. Ngay cả tính thiên về ảnh hưởng bên ngoài mà thiếu cơ sở tiếp nhận từ bên trong của các nhà tư tưởng duy tân cũng là bị quy định bởi điều kiện cụ thể của sự tiếp thu văn minh thế giới giai đoạn này.
“Nhà Nho vốn là một nhân vật nông thôn, chỉ thích hợp với chế độ phong kiến phương Đông. Ra vận động duy tân, dân chủ hóa, tư sản hóa đối với họ là chuyện lạ lùng, mới mẻ. Sự phát triển xa lạ với quy luật đòi hỏi ở họ một cố gắng vượt bậc mà cũng đưa họ đến những khó khăn không thể vượt qua” [45, 334].
Với lập trường là lập trường tư sản, nói chung, tư tưởng cứu nước của Lương Văn Can và các sĩ phu Việt Nam “cũng đã soi rọi khá nhiều ánh sáng vào các vấn đề lớn của cuộc đấu tranh giữa cũ và mới trong thời kỳ đầu thế kỷ XX” [26, 61]; “cũng đã khai trương một giai đoạn lịch sử tư tưởng chính trị mới ở nước ta” [26, 69] thúc đẩy cuộc vận động giải phóng quốc gia – dân tộc Việt Nam bước sang một phạm trù mới, phạm trù dân chủ tư sản. Nhưng sự chuyển hướng tư tưởng đó đã không đem lại những thay đổi mong đợi; lịch sử đã sang trang; nhưng những vấn đề ám ảnh “những người thật sự tha thiết với việc cải cách xã hội, cải cách học thuật, tha thiết với tự do tư tưởng, với độc lập của dân tộc” [68, 90] trước đây, hiện nay vẫn còn đang được đặt ra cho chúng ta, gần như nguyên vẹn. Đó là: Sự cập nhật hóa nền văn minh cổ truyền với thời đại, vai trò của dân trí đối với tiến bộ xã hội và phát triển quốc gia, sự phát triển quốc gia, sự phát huy những di sản văn hóa dân tộc đồng thời với việc thu nhận giá trị của thế giới, trong đó “dân chủ” và “khoa học” là những yếu tố có sức năng động cao.
Kết luận chương 2:
Toàn bộ quá trình phát triển của tư tưởng Lương Văn Can từ khi ông làm Thục trưởng Đông Kinh nghĩa thục đến cuối đời chia làm hai giai đoạn. Những đặc điểm cơ bản, những biểu hiện, những hành động yêu nước của ông ở hai giai đoạn đó có những điểm tương đồng, nhưng cũng có điểm khác biệt. Điểm chung nhất, xuyên suốt và chi phối toàn bộ tư tưởng yêu nước của Lương Văn Can là tư tưởng duy tân, đổi mới về chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế; thời kỳ sau có sự phát triển nhiều tư tưởng đổi mới về kinh tế. Chính đặc điểm này đã thôi thúc Lương Văn Can tiếp thu và hành động lãnh đạo
phong trào Đông Kinh nghĩa thục theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Từ đó, ông và các nhà yêu nước khác cùng chí hướng đưa ra các chủ trương, tiến hành các hoạt động nhằm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” hy vọng “hóa quốc, cường dân”, đưa đất nước thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Quá trình hình thành, phát triển tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Lương Văn Can đã thể hiện sự chuyển biến hợp logic trong tư tưởng của ông, đồng thời, cũng thấy rõ sự chuyển biến nhanh của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Lương Văn Can tiêu biểu cho thế hệ trí thức Nho học nhiệt thành yêu nước Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, đã thử nghiệm nhưng chưa tìm ra một phương thức phù hợp để giải quyết vấn đề của lịch sử dân tộc. Sự bế tắc trong tư tưởng và hành động của Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... minh chứng cho sự bế tắc, khủng hoảng, bất lực của hệ tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, những cố gắng của các ông đã tạo ra một trình độ mới trong sinh hoạt tư tưởng, vượt qua định kiến Á Đông và mặc cảm của người dân mất nước để hướng đến nền văn hóa mới của phương Tây nhằm nâng cao nhận thức về đường lối cứu nước mới.
Nội dung tư tưởng duy tân đổi mới của Lương Văn Can đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa tư tưởng truyền thống và hiện đại được thể hiện trong các trước tác cũng như thể nghiệm thực tiễn của ông. Nó cho thấy tấm lòng kiên tâm và nhiệt thành của một cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Tuy nhiên, tư tưởng của Lương Văn Can vẫn chưa vượt khỏi những hạn chế khách quan và chủ quan.
KẾT LUẬN
Có thể nói những chuyển biến của bối cảnh trong và ngoài nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chính là cơ sở để hình thành bước chuyển biến trong tư tưởng Lương Văn Can. Phản ánh sát các yêu cầu thực tiễn ấy, nội dung tư tưởng Lương Văn Can biểu hiện qua những giai đoạn quan trọng của lịch sử dân tộc và cuộc đời hoạt động của ông. Nhìn lại cuộc đời Lương Văn Can chúng ta thấy cả một chặng đường lịch sử khó khăn mà hào hùng của dân tộc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Sự hình thành, biến đổi, phát triển và những đặc điểm nội dung tư tưởng của Lương Văn Can nói riêng và của dân tộc ta nói chung đều theo một trình tự logic khách quan của quá trình tiếp biến tư tưởng mang tính quy luật.
Chúng ta có thể hệ thống hóa tư tưởng duy tân của Lương Văn Can với những hoạt động của ông qua hai giai đoạn: Làm hiệu trưởng Đông Kinh nghĩa thục (1907–1908) và sau Đông Kinh nghĩa thục.
Lương Văn Can sinh ra và lớn lên khi chủ quyền đất nước dần dần lọt vào tay thực dân Pháp. Đọc sách Thánh hiền, tiếp nối truyền thống yêu nước, căm thù giặc của cha ông, trước thực tiễn mới, Lương Văn Can có bước chuyển biến trong tư tưởng riêng của mình. Nhận thức sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trong việc tìm đường giải phóng đất nước, Lương Văn Can không ra làm quan mà trăn trở tìm hướng đi lên cho dân tộc, đó kết hợp tư tưởng dân chủ tư sản với chủ nghĩa yêu nước truyền thống. Sự chuyển biến tư tưởng Lương Văn Can cũng là xu thế của các sĩ phu yêu nước Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX trên cơ sở những chuyển biến kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng ở trong và ngoài nước, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đi theo con đường nào để cứu nước, cứu dân phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Tiếp biến các giá trị từ các trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản thông qua Tân thư, Tân văn, nghiên cứu những tư tưởng canh tân cải cách của các nhà tư tưởng Việt Nam đi trước đã tích cực chuyển hướng tư tưởng của mình
theo con đường mới. Lương Văn Can cùng một số chí sĩ yêu nước lập trường và phát động phong trào Đông Kinh nghĩa thục với nội dung và phương pháp mới, ra sức tuyên truyền tinh thần yêu nước, chống lối học cũ, kêu gọi nhân dân thực hiện lối sống mới nhằm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” tạo tiềm lực để tự cường dân tộc và giải phóng đất nước. Đấu tranh theo con đường công khai, duy tân đổi mới thông qua giáo dục văn hóa là một đặc sắc trong sự lựa chọn con đường cứu nước của Lương Văn Can và các đồng chí của ông trong Đông Kinh nghĩa thục. Tư tưởng duy tân và quá trình hoạt động thực tiễn của Lương Văn Can và các nhà Nho Đông Kinh nghĩa thục cho thấy sự chuyển biến tư tưởng mang tính đặc thù của thế hệ trí thức yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX là vừa canh tân, vừa bạo động. Các ông không phản đối chủ trương bạo động (một trong các mục tiêu của nhà trường là đào tạo người và gây kinh phí ủng hộ Đông Du của Phan Bội Châu) nhưng chủ yếu vẫn là đấu tranh công khai trên lĩnh vực văn hóa – giáo dục theo tư tưởng Phan Châu Trinh.
Tư tưởng cải cách, duy tân tuy mang khuynh hướng dân chủ tư sản của Lương Văn Can vẫn duy trì và tiếp tục tư tưởng truyền thống của ông cha ta đồng thời cũng là một trong quan niệm nhân sinh của Nho giáo: “dĩ dân vi bản”. Trên cơ sở đó Lương Văn Can và các đồng chí tiến hành công cuộc duy tân rộng rãi, thức tỉnh nhân dân, kêu gọi đổi mới tư duy chính trị, văn hóa – giáo dục, kinh tế. Những hoạt động này của các ông đã bị chính quyền thực dân Pháp coi là nguy hiểm, đóng cửa Đông Kinh nghĩa thục vào 12/1907 và thẳng tay đàn áp phong trào.
Sau Đông Kinh nghĩa thục, năm 1913, Lương Văn Can bị bắt và kết án 10 năm lưu đày ở Nam Vang (Phnompenh, Campuchia). Hoàn cảnh khó khăn nơi đất khách không làm Lương Văn Can nản trí, ông vẫn kiên trì với sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, thể nghiệm những nhận thức mới về kinh tế của ông trong kinh doanh. Với con mắt nhạy bén của một nhà hướng đạo, chỉ đạo chiến lược chiến thuật kinh doanh của Đông
Kinh nghĩa thục, Lương Văn Can đã nhìn thấy một thị trường rộng mở ở Nam Vang rất thích hợp với hàng hóa Việt Nam. Ông cùng với gia đình thiết lập một con đường thương mại bí mật Việt – Miên. Hoạt động kinh doanh phát đạt, Lương Văn Can có điều kiện trợ giúp các chí sĩ cách mạng Việt Nam.
Năm 1921, sau 8 năm lưu đày, Lương Văn Can được giảm án và quay về Hà Nội. Ông tái lập một ngôi trường Ôn Như, vừa dạy học, vừa viết sách, trong đó có hai cuốn quan trọng nhất là: “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học phương châm”. Khi tuổi tác và sự thâm trầm, sâu sắc trong kiến thức và kinh nghiệm của ông đối với kinh doanh, Lương Văn Can tổng kết thành tư tưởng triết lý về kinh doanh, giống như “cánh én báo hiệu mùa xuân mới”, nó đánh dấu sự ra đời của một tầm nhìn mới, một kiến thức mới đối với lĩnh vực kinh doanh, thương mại của các doanh nhân và trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX. Chính hai tác phẩm này cho phép chúng ta xem Lương Văn Can là cột mốc khởi nguồn trong lịch sử đổi mới tư duy kinh doanh hiện đại của Việt Nam.
Bản thân Lương Văn Can là một Nho sĩ, ông trưởng thành từ khoa cử Nho học, vốn kiến thức uyên thâm và sâu sắc, sự nỗ lực vượt lên hạn chế quan niệm nhân sinh với tư tưởng “trọng nghĩa khinh lợi”, “trọng sĩ khinh thương”, một đóng góp và là đặc sắc tư tưởng rất riêng của Lương Văn Can là sự đổi mới tư duy kinh tế của ông.
Lương Văn Can đã xác định đúng vai trò của kinh doanh đối với việc chấn hưng kinh tế và giải phóng dân tộc. Đây là tiếp biến các tư tưởng kinh tế tư bản chủ nghĩa trên nền tảng tư tưởng nhân văn, nhân đạo của truyền thống dân tộc trong kinh doanh của một nhà Nho hết lòng vì dân vì nước. Ông khái quát các quan niệm mới, khái niệm mới về nguồn lực, phương tiện, cách thức và các nguyên tắc để kinh doanh bền vững. Đồng thời, ông cũng chỉ ra một “đạo làm giàu” cho danh nhân Việt, đưa ra những chuẩn mực và giá trị đạo đức trong kinh doanh. Nhấn mạnh đạo nghĩa, chữ Tâm, chữ Tín trong phát triển kinh doanh ở buổi giao thời xã hội. Những tư tưởng của
Lương Văn Can trong thời điểm những năm đầu thế kỷ XX là một sự đột phá về mặt tư tưởng, đóng góp vào sự phát triển tư duy dân tộc. Và cho đến hiện nay vẫn là những giá trị mang tính thời sự
Tư tưởng của Lương Văn Can vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng Nho học và dân chủ tư sản kiểu cũ nhưng cuộc đời hoạt động của Lương Văn Can đã thể hiện một tấm lòng yêu nước nhiệt thành, luôn trăn trở vì dân, vì nước của một thế hệ nhà Nho trong giai đoạn biến chuyển lớn lao của dân tộc. Tư tưởng cải cách trong văn hóa – giáo dục, và đổi mới tư duy kinh tế của Lương Văn Can không chỉ có đóng góp to lớn trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, mà nó còn có ý nghĩa đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Từ công cuộc đổi mới hiện nay, chúng ta nhìn nhận lại hoàn cảnh lịch sử và những nội dung duy tân đất nước lúc đó càng thêm khâm phục những bộ óc lớn, đầy tâm huyết trăn trở cùng vận mệnh dân tộc, đất nước. Ở đây, tuy có sự khác biệt xa về mặt lập trường tư tưởng và tầm nhìn nhưng cũng nhận thấy nội dung và cách thức canh tân, xu hướng đổi mới cũng có một số nét tương đồng còn gợi ý cho chúng ta nhiều bài học giá trị, qua đó thể hiện xu thế khách quan của tiến trình canh tân – phát triển đất nước là không thể đảo ngược.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Quang Ân (chủ biên) (1998), Lịch sử và văn hóa Việt Nam: Những gương mặt trí thức, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội
2. Đỗ Bang (chủ biên) (1999), Tư tưởng canh tân đất nước dưới triều