Những tồn tại cần khắc phục

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở từ năm 1998 đến năm 2007 (Trang 111 - 115)

Chƣơng 3 : Một số nhận xét và kinh nghiệm

3.1. Nhận xét chung

3.1.2 Những tồn tại cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, do những điều kiện khách quan và chủ quan nên trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Thái Bình vẫn còn những hạn chế, thiếu sót.

a. Việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị và các Nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực Quy chế dân chủ ở cơ sở ở một số địa phương còn làm một cách hình thức, chưa chủ động, tổ chức thực hiện chưa rộng khắp, còn mang tính chất đối phó, mới chú ý đến bề rộng, chưa chú ý đến chiều sâu. Do đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu biết Quy chế dân chủ chưa thật đầy đủ, nắm và quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện còn hạn chế. Cán bộ, công chức nói nhiều về dân chủ nhưng ít thực hiện những điều người dân đề đạt. Số lượng cuộc họp

được tổ chức trở thành chỉ số của sự thành công của dân chủ, chất lượng trong các cuộc họp còn hạn chế. Nhiều nơi, người dân được tham gia họp bàn nhưng các cuộc thảo luận còn ít cởi mở, chưa phát huy ý kiến đóng góp của nhân dân. Một số địa phương tuy đã xây dựng được quy chế, quy ước, hương ước nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế. Vẫn có cán bộ nói không đi đôi với làm, miệng nói dân chủ nhưng trong mối quan hệ với dân lại quan liêu, hách dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ. Một số cán bộ, đảng viên còn ngại khó, sợ va chạm, xa dân, xa cơ sở, nhất là tâm lý sợ mất quyền lực khi mở rộng dân chủ, xem việc trao quyền cho người dân sẽ làm giảm quyền hành của chính quyền, tiếng nói của cán bộ sẽ mờ nhạt.

Về phía người dân còn nhiều bộ phận chưa ý thức hết được ý nghĩa, tác dụng của Quy chế dân chủ ở cơ sở, theo thói quen từ trước vẫn cho rằng việc làng, việc xã là việc của chính quyền, của cán bộ, nên thờ ơ với ý thức trách nhiệm của một công dân. Bên cạnh đó, do phải lo toan mưu sinh kiếm sống nên người dân chưa quan tâm đến quyền được biết, được bàn, được quyết định, được kiểm tra, giám sát của mình; vẫn còn tâm lý chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân cho cuộc sống riêng hơn là vấn đề phát triển cộng đồng. Số đông người dân chú ý đến những vấn đề kinh tế - xã hội hơn là quan tâm đến đến các lĩnh vực chính trị và văn hóa. Việc thống nhất ý kiến của nhân dân về các công việc của địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

b. Công tác tuyên truyền về việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa tiến hành thường xuyên, liên tục. Ở một vài địa phương xem nhẹ công tác tuyên truyền, chưa chú ý đến hiệu quả của công tác này, cho rằng tuyên truyền không bằng triển khai thực hiện cụ thể. Vì vậy, khi triển khai thực hiện vào các hoạt động của địa phương đã gặp không ít khó khăn do nhận thức của người dân về Quy chế dân chủ còn hạn chế.

c. Một số địa phương mới chỉ quan tâm đến việc công khai các khoản đóng góp, công khai về chế độ chính sách, công khai về quyền và nghĩa vụ công dân là chủ yếu, còn việc công khai chi tiết, việc giám sát, kiểm tra, việc tham gia góp ý với chủ trương, biện pháp của cấp ủy, chính quyền về phát triển kinh tế - xã hội còn ở mức độ. Nhiều nội dung không được đưa ra thảo luận với dân hoặc chỉ thảo luận hình thức. Một số cán bộ không muốn dân biết, không muốn dân giám sát mình. Cá biệt có địa phương cán bộ lãnh đạo còn lẩn tránh tiếp xúc với dân, không ra chất vất trực tiếp với dân. Chính vì vậy, Quy chế dân chủ chưa thực sự phát huy đầy đủ tác dụng trong việc thực hiện quyền làm chủ của người dân, đã dẫn đến một vài địa phương vẫn còn khiếu kiện của người dân, vẫn còn sự hoài nghi trong nhân dân về sự minh bạch trong các hoạt động của chính quyền địa phương.

d. Công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Ban chỉ đạo ở một số cấp ủy chưa được thường xuyên, xuất hiện tư tưởng chủ quan trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Một số thành viên Ban chỉ đạo các cấp chưa thực sự phát huy hết trách nhiệm trong lĩnh vực được phân công phụ trách, lơ là, sao nhãng nhiệm vụ được giao. Ở một số địa phương sau khi tình hình ổn định, kinh tế - xã hội có bước phát triển, cấp ủy đảng và chính quyền đã buông lỏng công tác kiểm tra, đôn đốc trong việc thực hiện quyền làm chủ của người dân. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở một số địa phương còn hình thức, đối phó, chiếu lệ chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm đối với việc giám sát, kiểm tra ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ và làm giảm lòng tin trong nhân dân.

e. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách hành chính, phong cách, lề lối làm việc của công chức nhà nước tuy có chuyển biến, nhưng vẫn còn một số hạn chế, cải cách hành chính có lĩnh vực còn chậm, chất lượng

hoạt động theo hình thức “một cửa” chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác tiếp dân ở một số địa phương đạt hiệu quả chưa cao, lịch tiếp dân theo định kỳ chưa đảm bảo; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân còn chậm…

Nguyên nhân hạn chế

Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở dẫn đến việc chỉ đạo còn chiếu lệ, hình thức, thiếu sâu sát cụ thể, phong cách làm việc vẫn còn quan liêu, mất dân chủ, thiếu tôn trọng dân, ít quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Một số thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ do phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên ít giành thời gian cho hoạt động của Ban chỉ đạo.

Ở một số nơi, các cấp ủy đảng, chính quyền chưa quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ Quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc quán triệt Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị và các Nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn làm một cách hình thức mới chỉ chú ý đến chiều rộng chưa chú ý đến chiều sâu, chưa chủ động tổ chức thực hiện. Một số địa phương mới chỉ thực hiện quyền dân biết, dân bàn và dân làm, còn quyền dân giám sát, kiểm tra chưa thực hiện thường xuyên. Việc rà soát, ban hành, bổ sung chính sách, cơ chế chưa đồng bộ, chưa kịp thời, nhất là những chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân. Vẫn còn địa phương xem nhẹ công tác cải cách hành chính, chưa mạnh dạn phân cấp, đổi mới phương thức quản lý cho phù hợp với tình hình mới.

Tổ chức đoàn thể ở một số địa phương chưa phát huy đầy đủ vai trò người đại diện của nhân dân, vẫn còn nể nang trong công việc, chậm triển khai các hình thức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân ở một số nơi còn chậm đổi mới phương thức hoạt động, chưa thực sự phát huy vai trò đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng của

nhân dân, chưa tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức cho đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ, chưa thực sự tạo được sức mạnh dư luận và môi trường xã hội thuận lợi để nhân dân tích cực đấu tranh lên án, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ để phục vụ lợi ích cá nhân cản trở sự sáng tạo của quần chúng ở cơ sở.

Việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa đạt được kết quả cao và đồng đều còn do điều kiện vật chất phục vụ cho việc triển khai Quy chế dân chủ ở một số nơi còn thiếu thốn (phương tiện truyền thông, địa điểm tiếp dân, tài liệu hướng dẫn…)

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở từ năm 1998 đến năm 2007 (Trang 111 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)