Đảng bộ tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở từ năm 1998 đến năm 2007 (Trang 51)

Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Chỉ thị số 30 - CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và các Nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được ban hành và triển khai vào đúng thời điểm tỉnh Thái Bình đang diễn ra mất ổn định ở nông thôn trên diện rộng. Vì vậy, công tác quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ được tiến hành đồng thời với việc giải quyết tình hình ở cơ sở. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên băn khoăn, lo ngại khi triển khai sẽ làm tình hình phức tạp thêm. Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, các đồng chí tỉnh ủy viên đã tiến hành tự phê bình một cách nghiêm túc về những thiếu sót trong việc để xảy ra tình hình khiếu kiện đông người ở nhiều xã trong tỉnh. Để cơ bản ổn định tình hình, vấn đề đặt ra cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phải có một nghị quyết đánh giá tình hình một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác và đưa ra những giải pháp khả thi, hợp lòng dân.

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công đi khảo sát thực tế ở nhiều cơ sở trong tỉnh để nắm bắt tình hình. Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh và Ban Thường vụ đã tập trung cao trí tuệ, sức lực trong nhiều kỳ họp, nắm bắt thực tiễn và có những quyết sách quan trọng. Tiểu ban xây dựng và soạn thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW đã tiếp thu nhiều văn bản của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; tiếp thu đề án xây dựng nghị quyết trên các lĩnh vực công tác như tư tưởng, tổ chức, kiểm tra, thanh tra, nội chính, địa chính, tài chính, công an, quân sự… của các ban, ngành, đoàn thể

trong tỉnh để tham khảo, tổng hợp; tiếp thu ý kiến của các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí (trong đó có 41 đồng chí Tỉnh ủy viên và nhiều huyện ủy, thị ủy viên đã nghỉ hưu), các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt tiếp thu nhiều ý kiến chỉ đạo của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Chính trị tại Thái Bình và một số ngành Trung ương [61, tr.343].

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực tiễn tình hình, tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngày 12 tháng 1 năm 1998, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Những chủ trương, giải pháp

ổn định tình hình trong tỉnh”. Nghị quyết ra đời là quá trình rút kinh nghiệm

nghiêm túc việc chỉ đạo giải quyết và đánh giá tình hình khiếu kiện gay gắt, phức tạp diễn ra trên diện rộng trong tỉnh; đồng thời cũng là quá trình đấu tranh đi đến thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nghị quyết đã đáp ứng đúng nguyện vọng và đòi hỏi bức bách của tình hình, được đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ.

Về đánh giá tình hình, Nghị quyết 06-NQ/TU đã khẳng định: Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong các giai đoạn từ thời kỳ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ đều phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, có đóng góp to lớn sức người, sức của cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tuy là tỉnh nông nghiệp có rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tự trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm thay đổi cơ bản bộ

mặt nông thôn, tạo tiền đề đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn trong những năm tới.

Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thái Bình đều tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, về những thành tựu bước đầu mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã phấn đấu gian khổ để đạt được.

Tuy nhiên, từ tháng 5 năm 1997, tình hình khiếu nại, tố cáo của nhân dân đã diễn ra trên diện rộng. Nội dung tố cáo chủ yếu về tình trạng tham nhũng, mất dân chủ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; về quản lý kinh tế, tài chính, việc cấp bán đất, quản lý sử dụng tiền đất và các khaonr thu của dân; về thanh toán các công trình xây dựng cơ bản; về tác phong làm việc quan liêu, cửa quyền, hống hách đối với nhân dân và về việc thực hiện các chính sách xã hội.

Những vấn đề nhân dân khiếu kiện có nhiều nội dung là đúng và chính đáng, nhưng lúc đầu Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ quan chưa có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, kịp thời. Tổ chức Đảng các cấp không chủ động giải quyết tình hình, buông lỏng lãnh đạo đấu tranh chống tham nhũng, đã để cho một số người lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực kích động, lôi kéo, đe dọa, ép buộc nhân dân đi khiếu kiện đông người.

Tình hình diễn biến ở các địa phương đã gây ra hậu quả nặng nề về nhiều mặt, làm tổn thương lớn đến truyền thống đoàn kết trong xã hội và nhân dân địa phương, đến tình làng nghĩa xóm, tình đồng chí trong Đảng; trật tự kỷ cương phép nước bị vi phạm; làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với các cấp ủy, chính quyền các cấp; kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn; kẻ địch và các phần tử chống đối lợi dụng đả kích, nói xấu chế độ.

Nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh là phải sớm ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết nghiêm túc, có lý, có tình các vấn đề khiếu kiện của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về mọi

mặt; củng cố kiện toàn các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân; sắp xếp lại một bước đội ngũ cán bộ. Tập trung sức đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để không bị tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chuẩn bị những tiền đề bước vào thế kỷ XXI với khí thế và tinh thần mới của một tỉnh có truyền thống cách mạng. Đó vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cũng là mong muốn và đòi hỏi chính đáng của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Để thực hiện được mục tiêu đó, NQ 06 - NQ/TU xác định: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số chủ trương, giải pháp chủ yếu sau:

1 - Đổi mới và tăng cường công tác chính trị tư tưởng

Công tác tư tưởng phải tập trung tuyên truyền tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về tình hình xảy ra tại địa phương; chỉ rõ những khuyết điểm, thiếu sót, nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo của nhân dân trong tỉnh thời gian qua; khẳng định được những cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc giải quyết các yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đồng thời lên án những hành động lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực có hành động vi phạm pháp luật. Công tác chính trị tư tưởng góp phần nâng cao dân trí và sự hiểu biết về pháp luật, về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân; nêu cao tinh thần cảnh giác, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

2 - Công tác tổ chức cán bộ, xây dựng có sở Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân

Công tác cán bộ, củng cố tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân, nhất là ở những nơi có khiếu kiện gay gắt là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của tỉnh trong giai đoạn hiện tại. Công tác này phải bảo đảm các nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ của các đoàn

thể nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, đồng thời tích cực chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho lâu dài. Do đó, cần khẩn trương rà soát, đánh giá phân loại các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể trên cơ sở đó có những chủ trương, biện pháp củng cố đối với từng loại cơ sở. Những cơ sở mất ổn định chính trị nghiêm trọng, địa phương không tự giải quyết được thì phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp của cấp trên; những cơ sở có những yếu tố mất ổn định nhưng tổ chức đảng, chính quyền vẫn giữ được vai trò lãnh đạo thì cơ sở đó sẽ tự làm, cấp trên có hướng dẫn chỉ đạo.

Tổ chức tốt công tác phê bình và tự phê bình trong tập thể cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên. Tiến hành phân loại đảng viên, làm rõ những ưu điểm và khuyết điểm, đề ra các chủ trương, giải pháp sửa chữa khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót. Nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương và quy chế làm việc của cấp ủy có biện pháp tăng cường sự lãnh đạo đối với chính quyền. Tổ chức đảng phải thực hiện thường xuyên và định kỳ kiểm tra hoạt động của chính quyền và đảng viên công tác trong bộ máy chính quyền. Qua kiểm tra phải có chủ trương lãnh đạo kịp thời ngăn chặn những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật, nhất là đối với chính quyền cơ sở.

3 - Về công tác thanh tra, kiểm tra

Công tác thanh tra, kiểm tra các vấn đề tố cáo của đảng viên và nhân dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để ổn định tình hình. Đây là công việc có nhiều khó khăn phức tạp. Vì vậy, phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ chủ trương của Tỉnh ủy là chỉ đạo xem xét giải quyết nghiêm túc các khiếu kiện chính đáng của người dân, không nóng vội. Công tác thanh tra phải được tiến hành với tinh thần khẩn trương, tập trung cao, chủ động giải quyết các đơn thư khiếu kiện của nhân dân. Tỉnh ủy tập trung thanh tra, kiểm tra ở những cơ sở có

nhiều khó khăn phức tạp, cơ sở không tự giải quyết được, đồng thời phải có kế hoạch cụ thể, thường xuyên hướng dẫn về phương pháp, về chuyên môn nghiệp vụ, về nội dung thanh tra và quy trình kết luận thanh tra. Mốc thanh tra, kiểm tra những vấn đề về tài chính, ngân sách xã, kinh tế hợp tác xã là từ năm 1994 đến năm 1997. Riêng một số công trình xây dựng cơ bản nếu nhân dân yêu cầu có thể thanh tra từ khi khởi công xây dựng công trình đến kết thúc công trình. Đối với những vấn đề về đất đai sẽ được thanh tra từ khi địa phương có cấp đất, bán đất để xây dựng công trình. Uỷ ban Kiểm tra tỉnh kết hợp với Thanh tra Nhà nước tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm tra, kết luận thanh tra, không để kéo dài gây tâm trạng thắc mắc, hoài nghi trong nhân dân.

4 - Giải quyết các vấn đề về đất đai

Công tác quản lý đất đai, nhất là việc cấp đất, bán đất để xây dựng cơ bản và hình thành nhiều loại quỹ đất ở cơ sở thời gian qua có sai sót, khuyết điểm lớn, vi phạm các quy định của Nhà nước và phát sinh nhiều tiêu cực. Đây là vấn đề rất phức tạp đòi hỏi phải có các chủ trương, biện pháp giải quyết, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai chặt chẽ và cơ bản theo các quy định của Nhà nước. Công tác giải quyết các vấn đề về đất đai dễ gây thắc mắc khiếu kiện trong nhân dân nên việc giải quyết phải xem xét cụ thể, có lý có tình. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kết hợp với các huyện, thị điều tra phân tích, nắm chắc thực trạng tình hình, trên cơ sở đó có các chủ trương, biện pháp xử lý phù hợp theo thẩm quyền. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền phải báo cáo xin chủ trương chỉ đạo giải quyết của Chính phủ để bảo đảm giải quyết cơ bản, tạo được sự ổn định lâu dài.

5 - Chấn chỉnh công tác quản lý kinh tế, tài chính

Các lĩnh vực tài chính, ngân hàng có nhiều sơ hở và thiếu sót. Vì vậy, trước hết cần chấn chỉnh, thiết lập lại trật tự công tác quản lý tài chính ở cấp xã, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc thu chi, ghi chép sổ sách, chứng

từ, phương pháp hạch toán, củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên môn, thực hiện chặt chẽ việc giám sát của Hội đồng nhân dân về tài chính xã. Có phương án giải quyết các vấn đề tồn đọng ở xã theo nguyên tắc: các khoản tuy đã thu quá của dân nhưng đã đưa vào xây dựng kết cấu hạ tầng thì không thanh toán lại; các nguồn vốn vay đưa vào xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân ở địa phương thì phải đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tận thu các loại thuế để trả nợ. Phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc thẩm định chính xác các khoản nợ của xã. Phân tích cụ thể việc sử dụng các nguồn vốn vay, các đối tượng cho vay, quy rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân để có biện pháp xử lý phù hợp.

6 - Tăng cường lãnh đạo công tác nội chính, bảo đảm giữ vững kỷ cương phép nước

Các ngành Công an, Viện kiểm soát, Tòa án tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm trong việc xử lý tình hình, phát huy ưu điểm, khắc phục những mặt yếu kém.

Ngành tư pháp phối hợp với các ban, ngành hữu quan, các cơ quan tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân trước hết là pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân, luật hình sự, dân sự… bảo đảm cho mọi công dân sống và làm việc theo pháp luật.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tăng cường công tác xây dựng, củng cố và quản lý cán bộ, chiến sỹ, nhanh chóng khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót nhất là về năng lực, phẩm chất đạo đức, phong cách của cán bộ. Xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

7 - Chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc, sửa đổi các thủ tục hành chính trong các cơ quan Nhà nước

Tình hình xảy ra trong tỉnh có liên quan đến những khuyết điểm, thiếu sót trong phong cách, lề lối làm việc, trong thực hiện các nguyên tắc thủ tục hành chính của các cấp. Để góp phần giải quyết ổn định tình hình, chính quyền các cấp phải liên hệ kiểm điểm, đề ra các chủ trương, biện pháp cụ thể tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải nhanh chóng khắc phục tệ quan liêu, xa thực tế, xa cơ sở, xa dân, mất dân chủ. Phải vận dụng xây dựng các quy chế cụ thể bảo đảm phát huy quyền dân chủ của nhân dân, kể cả dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là ở cơ sở. Từng bước thực hiện tốt cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở từ năm 1998 đến năm 2007 (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)