Những thành công

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở từ năm 1998 đến năm 2007 (Trang 105 - 111)

Chƣơng 3 : Một số nhận xét và kinh nghiệm

3.1. Nhận xét chung

3.1.1 Những thành công

Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và các Nghị định của Chính phủ về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” là chủ trương đúng đắn, kịp thời được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình phấn khởi đón nhận, nhanh chóng đi vào cuộc sống. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nên việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở giúp cho tình hình ở Thái Bình từng bước ổn định và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

a. Quán triệt và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo chuyển biến mới trong nhận thức và thực hành dân chủ của cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ xã hội chủ nghĩa và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Quy chế dân chủ ở cơ sở, trước hết, đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của nhân dân về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong cộng đồng, trong xã hội. Thông qua việc nhận thức về Quy chế dân chủ, người dân hiểu rõ hơn những quyền mình được làm, được bàn, được quyết định, được hưởng cũng như những việc không được làm. Ý thức pháp quyền của nhân dân được nâng cao, nhân dân hiểu và tôn trọng pháp luật hơn “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Dân chủ là người dân “là chủ, làm chủ” nhưng không có nghĩa là “làm chủ, là chủ” thì muốn làm gì thì làm. Việc là chủ và làm chủ ở đây phải đảm bảo tính xây dựng, tính phát triển, tính tích cực, tiến bộ vì sự phát triển chung của cộng đồng, nghĩa là dân chủ phải đi liền với giữ gìn kỷ cương, phép nước.

Nhận thức đúng về Quy chế dân chủ sẽ tạo điều kiện cho người dân tích cực tham gia đấu tranh khắc phục những tiêu cực, mất dân chủ, vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên và chính quyền cơ sở. Qua đó, góp phần củng cố, xây dựng các cấp ủy đảng và chính quyền ngày càng vững mạnh.

Nhận thức đúng về Quy chế dân chủ, người dân sẽ hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn bản chất của Nhà nước ta - Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi chính sách của Nhà nước đều nhằm phục vụ nhân dân, để nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Nhà nước bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, ban hành luật pháp để bảo đảm cho những quyền đó, nhưng ngược lại, bên cạnh những quyền được hưởng người dân cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước để bảo đảm sự phát triển chung của cộng đồng, của xã hội. Hướng tới một xã hội văn minh, hiện đại thì ý thức trách nhiệm, ý thức thực hiện nghĩa vụ của người dân càng phải cao.

Việc ban hành và triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã nâng cao trình độ nhận thức và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên theo hướng trọng dân, gần dân, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến góp ý của nhân dân. Qua đó, nhận thức về dân chủ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được đầy đủ hơn, đúng đắn hơn, thấy rõ cả dân chủ và kỷ cương, quyền hạn và trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ, dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Bước đầu khắc phục được tình trạng vi phạm dân chủ và tình trạng lợi dụng dân chủ dẫn đến vi phạm pháp luật.

b. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tác động tích cực tới việc xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở, có tác động sâu sắc đến ý thức, phong cách và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, năng lực lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể và tác phong công tác của đội ngũ công chức trong mối quan hệ với nhân dân theo hướng khoa học, năng động, gần dân, gắn bó với cơ sở.

Nâng cao được trách nhiệm của tập thể, cá nhân, hạn chế tiêu cực, phiền hà, cửa quyền của cán bộ đối với nhân dân, nhất là nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền cơ sở. Năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, quản lý của chính quyền, hoạt động của các đoàn thể được nâng lên một bước, ngày càng có chất lượng, hiệu quả thiết thực hơn. Dân chủ trong Đảng được mở rộng, đảng viên nêu cao ý thức trách nhiệm trong thảo luận, xây dựng nghị quyết của cấp ủy đảng, tham gia góp ý kiến với tổ chức đảng cấp trên, tiến hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc hơn. Đa số đảng viên vừa thực hiện tốt quyền dân chủ, vừa chấp hành nghiêm túc kỷ luật của Đảng và Quy định những điều đảng viên không được làm. Các cấp ủy đã đổi mới phương thức hoạt động theo hướng dân chủ, dựa vào dân, chịu sự giám sát để xây dựng Đảng; không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Qua thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở làm cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn về quyền làm chủ và phương thức thực hiện để nhân dân làm chủ. Đặc biệt ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, đề cao tôn trọng quyền làm chủ chính đáng của người dân của cán bộ được nâng cao hơn. Từ đó, làm cho cán bộ sát dân hơn, lắng nghe ý kiến của nhân dân, công khai với dân, bớt đi thái độ hống hách, cửa quyền, nhũng nhiễu dân, cán bộ biết tôn trọng dân, làm cho mối quan hệ giữa dân với chính quyền cơ sở cởi mở hơn, thông cảm hơn, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp, góp phần nhanh chóng ổn định tình hình các địa phương trong tỉnh, tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

c. Thông qua việc thực hiện Quy chế dân chủ một cách đúng đắn đã phát huy được nguồn lực, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân tạo động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thái Bình.

Trong những năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt trên 6% năm; lương thực bình quân đạt trên 600

kg/người/năm. Các cơ sở công nghiệp, thương mại, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, y tế… được đầu tư phát triển và bắt đầu phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Cơ sở hạ tầng ở nông thôn theo hướng kiên cố hóa, khang trang, thiết thực, sạch đẹp, thuận tiện cho sinh hoạt của nhân dân được tiếp tục thực hiện hiệu quả. Giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh hàng năm đều tăng. Các lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đều có bước phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 13%/năm. Nhiều công trình xây dựng cơ bản lớn được hoàn thành góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hoạt động thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư được gắn kết. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân được củng cố và bồi đắp. Qua đó, người dân tự giác thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước.

d. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng và các cấp chính quyền, góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Nhờ phát huy dân chủ ở cơ sở mà đoàn kết trong Đảng được tăng cường; cán bộ, đảng viên gần dân hơn, khắc phục có hiệu quả nạn tham nhũng, quan liêu, mệnh lệnh, xa dân. Không khí dân chủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thẳng thắn, chân tình, định kỳ đóng góp ý kiến cho đảng viên và giám sát công tác. Việc xây dựng và thực hiện quy chế, quy định, quy ước trên từng lĩnh vực ở các cơ sở được các cấp ủy đảng, chính quyền rà soát, bổ sung, bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện khoa học, đạt chất lượng, hiệu quả. Quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện đầy đủ, cụ thể hơn. Các cơ quan Nhà nước ở địa phương phục vụ nhân dân chu đáo, tận tình, đến nơi đến chốn, hạn chế tình trạng hách dịch, cửa quyền của cán bộ công chức. Mối quan

hệ giữa nhân dân với cán bộ, đảng viên ngày càng hòa hợp, gắn bó, khối đoàn kết toàn dân được củng cố.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần xây dựng, củng cố tính tự quản của cộng đồng dân cư. Với quy mô thôn, làng và dựa trên các nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở thì việc xây dựng quy ước, hương ước ở mỗi thôn, làng là hết sức cần thiết để phát huy tài năng, trí tuệ của cộng đồng, để mọi thành viên trong cộng đồng coi quy ước, hương ước là đạo lý, là lẽ sống xã hội. Các thành viên trong cộng đồng làng xã sống và làm việc theo uy ước, hương ước sẽ giúp cho trình độ dân trí, sự hiểu biết pháp luật ngày càng được nâng cao, vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương ngày càng có hiệu quả, ít phải sử dụng đến những biện pháp cứng rắn, ý thức của công dân tốt hơn, có trách nhiệm hơn, các hành vi vi phạm và tiêu cực xã hội giảm xuống. Mọi hoạt động của các phong trào đoàn thể quần chúng ngày càng sôi nổi và có hiệu quả. Thông qua việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước ở các địa phương đã nâng cao ý thức trách nhiệm của các thành viên trong cộng đồng trong giữ nghiêm kỷ cương phép nước, đảm bảo trật tự xã hội ở thôn, làng, nêu cao tính tự quản của cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng thôn xóm ngày càng văn minh.

Nguyên nhân thành công

Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng đã đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện. Mặc dù Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân nhưng trước khi Quy chế dân chủ được ban hành và thực hiện thì quyền làm chủ của nhân dân chưa được Nhà nước cụ thể hóa. Do đó, dân chủ mới hiểu một cách chung chung chưa cụ thể rõ ràng. Người dân muốn thực hiện quyền làm chủ nhưng không biết làm chủ như thế nào, làm chủ ở những lĩnh vực gì, giới hạn quyền làm chủ đến đâu… Các cấp chính quyền muốn

thực hiện quyền làm chủ của người dân nhưng không có văn bản hướng dẫn nên vướng mắc, lúng túng. Vì vậy, Quy chế dân chủ được ban hành và triển khai thực hiện đã tháo gỡ những vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương trong cụ thể hóa quyền làm chủ cho nhân dân. Về phía người dân đã nhận thức được những quyền mình được biết, được bàn, được làm, được giám sát, kiểm tra trong các công việc ở địa phương nên phấn khởi đón nhận. Chính nhờ sự đồng thuận từ dưới lên, từ trên xuống của cán bộ, đảng viên và nhân dân, sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương nên quá trình triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã đạt được những kết quả to lớn, đặc biệt đối với Thái Bình đã góp phần nhanh chóng ổn định tình hình, người dân yên tâm lao động sản xuất, các hoạt động đi vào nền nếp, kinh tế - xã hội tiếp tục có những bước phát triển mới.

Quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai có hiệu quả còn nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao, đúng đắn của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể. Trên cơ sở nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền đã cụ thể hóa những nội dung Quy chế dân chủ vào thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương với phương châm: Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, nhân dân tham gia quyền làm chủ. Nhờ đó, Quy chế dân chủ nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy vai trò, tác dụng trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Thành công trong việc triển khai Quy chế dân chủ ở Thái Bình là nhờ sự phối hợp có hiệu quả của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giải quyết vướng mắc, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc xây dựng và

thực hiện quy chế, quy định, quy ước trên từng lĩnh vực ở cơ sở được các cấp ủy đảng, chính quyền rà soát, bổ sung, bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện khoa học, đạt chất lượng, hiệu quả. Quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện đầy đủ, cụ thể hơn.

Ý thức trách nhiệm, trình độ dân trí, năng lực làm chủ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đã góp phần thúc đẩy việc người dân thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng tốt hơn. Nhân dân tại các địa phương đã phát huy tinh thần trách nhiệm công dân thực hiện tốt các quyền dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, kiểm tra cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước. Khi đời sống người dân được nâng lên, nhu cầu của người dân không chỉ dừng ở đời sống vật chất mà người dân ngày càng quan tâm hơn tới các vấn đề chính trị, xã hội, đến năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức của các cán bộ, đảng viên, đến những quyền mà người dân được pháp luật bảo đảm thực hiện… Vì vậy, Quy chế dân chủ ở cơ sở chính là cẩm nang cho người dân thực hiện các quyền làm chủ của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở từ năm 1998 đến năm 2007 (Trang 105 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)