Khái niệm toàn cầu hóa và bản chất của toàn cầu hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 34 - 41)

8. Kết cấu của luận văn:

1.2 Toàn cầu hóa và tác động của nó đến bản sắc văn hóa Việt Nam

1.2.1 Khái niệm toàn cầu hóa và bản chất của toàn cầu hóa

1.2.1.1 Khái niệm toàn cầu hóa

Trong thời đại chúng ta, khi nhân loại bước vào thế kỷ XXI, mở đầu thiên niên kỷ mới, một thiên niên kỷ chứa đựng nhiều thời cơ cũng như thách thức to lớn, thì toàn cầu hóa nói chung là một xu hướng tất yếu đòi hỏi các quốc gia, dân tộc cần quan tâm, cần có những bước chuẩn bị và sự phát triển an toàn, hiệu quả, ổn định, bền vững. Là một lĩnh vực không hoàn toàn mới nhưng lại rất thiết thực và gần gũi, toàn cầu hóa đã và đang đến với tất cả mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia, cho dù chúng ta có hay không nhận ra sự tồn tại đó. Chính vì vậy, chúng ta cần phải nhận thức, nghiên cứu, phân tích sâu rõ về vấn đề toàn cầu hóa và hệ thống bản chất của nó trên cơ sở hệ thức tư tưởng của các nhà khoa học, những chuyên gia trong và ngoài nước, nhằm mang lại sự ứng dụng hiệu quả các quan điểm đó vào thực tiễn.

Ngay cả trong học thuật cũng còn dùng nhiều khái niệm để cùng chỉ về quá trình toàn cầu hóa. Chẳng hạn trong nhiều tài liệu dùng từ thế giới hóa, quốc tế hóa hay hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, thậm chí còn có người còn đánh đồng toàn cầu hóa với các vấn đề có tính toàn cầu. Điều này là do thực tế vận động của toàn cầu hoá cùng với những hệ quả của nó đã đưa lại những cách lý giải không giống nhau về xu thế này. Trong vài thập niên trở lại đây, toàn cầu hóa đã hiện diện khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Toàn cầu hóa đã trở thành một trong những thuật ngữ được sử dụng một cách rộng rãi và phổ biến từ trong các Văn kiện quốc gia, các hiệp ước quốc tế đến các công trình nghiên cứu, các hội thảo trong nước và quốc tế cũng như sách tham khảo,

sách giáo khoa. Toàn cầu hóa nhanh chóng trở thành mối quan tâm của giới chính khách, trí thức cũng như của đông đảo quần chúng nhân dân.

Với tính cách là một xu thế lịch sử, toàn cầu hóa có quá trình hình thành, vận động và phát triển qua các nấc thang mang tính tiền đề là quốc tế hóa, khu vữ hóa. Có thể phân kỳ lịch sử toàn cầu hóa thành 3 giai đoạn lớn: Giai đoạn thứ nhất diễn ra từ cuối thế kỷ XIX đến chiến tranh thế giới lần thứ I (1914-1918). Đây là giai đoạn hình thành và phát triển mạnh mẽ của xu thế quốc tế hóa (internationalisation) với đặc điểm nổi bật là quá trình quốc tế hóa tư bản chủ nghĩa về vốn, kỹ thuật, nhân lực, thị trường… dựa trên cơ sở các mối liên hệ theo chiều dọc là chính, tức là mối quan hệ bất bình đẳng giữa các nước tư bản đế quốc với các nước thuộc địa và phụ thuộc. Giai đoạn thứ hai diễn ra từ sau Chiến tranh thế giới lần I đến giữa thập niên 70 của thế kỷ XX. Đây là giai đoạn xu thế quốc tế hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ và xu thế khu vực hóa hóa (regionalisaion) xuất hiện. Thời kỳ này, ra đời các thể chế kinh tế toàn cầu (IMF, WB, GATT,…), các công ty xuyên quốc gia và sự bùng nổ thương mại, đầu tư, tài chính quốc tế và hàng loạt tổ chức liên kết khu vực như: Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV, EC, ASEAN,…). Cả hai quá trình này đều vận động với những thăng trầm phức tạp và đều chứa đựng sắc thái co cụm, biệt lập, đối lập lẫn nhau giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Giai đoạn ba diễn ra từ giữa thập niên 70 của thế kỷ XX đến nay, với những tiền đề vật chất, thể chế,…do quá trình quốc tế hóa, khu vực hóa tạo ra, đồng thời dưới tác động của sự phát triển mới về chất của sự phát triển mới về khoa học, công nghệ, chính trị… đã xuất hiện xu thế toàn cầu hóa (globalisaion). Một nền sản xuất dựa trên sự phân công lao động quốc tế theo chiều ngang, một thị trường thế giới liên hoàn giữa các quốc gia, một luồng lưu chuyển nhanh chóng và khổng lồ về hàng hóa, đầu tư, tài chính… trên phạm vi toàn cầu, một mạng lưới dày đặc các công ty xuyên quốc gia, một đời sống xã hội với nhiều nét chung… là biểu hiện cụ thể của toàn cầu hóa.

Đó là một thế giới nhất thể hóa trên cơ sở 5 mạng lưới liên kết bao gồm: làng thông tin toàn cầu (global information village), chợ văn hóa toàn cầu (global cultural bazaar), đại siêu thị toàn cầu (global shopping mall), trụ sở lao động toàn cầu (global work place) và mạng lưới tài chính toàn cầu (global financial network).

Như đã biết, thuật ngữ toàn cầu hóa lần đầu tiên xuất hiện trong Từ điển của Anh vào năm 1961 và được sử dụng phổ biến kể từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở lại đây, tức là từ khi làn sóng “toàn cầu hóa mới” được xuất hiện gắn liền với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nó bao trùm hết mọi lĩnh vực của đời sống nhân loại. Ba nhân tố: công nghệ - kỹ thuật mới, thông tin và tiền vốn lưu chuyển xuyên quốc gia đã trở thành động lực thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa. Việc tổ chức sản xuất và khai thác thị trường trên phạm vi một nước đã nhanh chóng chuyển sang tổ chức sản xuất và khai thác thị trường trên phạm vi thế giới và theo đó, sự phát triển của mọi nền kinh tế đều đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia – dân tộc. Do đó, toàn cầu hóa ngày nay được hiểu, về thực chất, trước hết là một hiện tượng kinh tế.

Theo từ điển Wikipedia, toàn cầu hóa là khái niệm dùng để miêu tả các thay đổi trong xã hội và trong nền kinh tế thế giới, tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở góc độ văn hóa, kinh tế… trên quy mô toàn cầu. Đặc biệt trong phạm vi kinh tế, toàn cầu hóa hầu như được dùng để chỉ tác động của thương mại nói chung và tự do hóa thương mại hay “tự do thương mại” nói riêng. Cũng ở góc độ kinh tế, người ta chỉ thấy các dòng chảy tư bản ở quy mô toàn cầu kéo theo các dòng chảy thương mại, kỹ thuật, công nghệ, thông tin, văn hóa.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã định nghĩa toàn cầu hóa như là “sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng của tổng thể các nước trên thế giới, do việc gia tăng khối lượng và sự đa dạng trao đổi xuyên biên giới các sản

phẩm và dịch vụ cũng như do luồng vốn quốc tế đồng thời với việc phổ biến công nghệ ngày càng rộng khắp”[94, Tr 24].

Theo quan niệm của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD): “Toàn cầu hóa là sự vận động tự do của các yếu tố sản xuất nhằm phân bổ tối ưu các nguồn lực trên phạm vi toàn cầu…Là một quá trình ly tâm và là một lực lượng kinh tế vĩ mô, toàn cầu hóa rút ngắn khoảng cách kinh tế không những giữa các nước và khu vực mà còn giữa các tác nhân kinh tế với nhau. Toàn cầu hóa cũng có khuynh hướng làm mất sự ổn định của các tổ chức độc quyền nhóm đã được thiết lập bằng cách làm thay đổi các “luật chơi” của cuộc đấu tranh giữa các doanh nghiệp để chiếm lợi thế cạnh tranh trên các thị trường quốc gia cũng như thế giới”[94, Tr 23].

Theo các quan niệm trên toàn cầu hóa bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế và cho đến nay nội dung chủ yếu của nó vẫn là toàn cầu hóa kinh tế. Toàn cầu hóa kinh tế là sự hội nhập thị trường, vốn, sức lao động, dịch vụ, công nghệ và các quy định pháp chế kinh tế giữa các nước trên thế giới trên cơ sở hợp tác và phân công lao động quốc tế sâu rộng. Sản phẩm tạo ra từ quá trình này là một nền kinh tế toàn cầu hóa với một cơ cấu kinh tế và quan hệ kinh tế phi lãnh thổ hóa, tồn tại ở trên bao trùm lên các nền kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, theo Anthony Giddens (1938), nhà xã hội học vĩ đại nhất nước Anh cho rằng: Toàn cầu hóa là quá trình phân rã lãnh thổ nhà nước dân tộc để tạo ra một không gian siêu lãnh thổ. Nói cách khác, nó đang cơ cấu lại không gian xã hội vốn trước đó vẫn dựa vào địa lý, khiến cho những sự kiện mang tính địa phương có ảnh hưởng đến toàn thế giới, và ngược lại; nó làm nảy sinh những dòng chảy và những mạng lưới hoạt động xuyên lục địa, liên khu vực [79, Tr 24].

Báo cáo về phát triển con người năm 1999 của UNDP cho rằng: “Toàn cầu hóa không mới, nhưng thời đại hiện nay của toàn cầu hóa có tính chất riêng biệt. Sự hẹp lại của không gian và sự biến mất của các đường biên giới

đang gắn kết cuộc sống của mọi người với nhau một cách sâu sắc, chặt chẽ và trực tiếp hơn bao giờ hết” [94, Tr 32].

Ở Việt Nam, thuật ngữ toàn cầu hoá chỉ được đề cập sau thời kì thực hiện chính sách đổi mới năm 1986. Về cơ bản, tán thành với ý kiến “Toàn cầu hóa là quá trình hình thành và phát triển các thị trường toàn cầu và khu vực, làm tăng sự tương tác và tùy thuộc lẫn nhau, trước hết về kinh tế giữa các nước, thông qua sự gia tăng các luồng giao lưu hàng hóa và nguồn lực vượt qua biên giới giữa các quốc gia cùng với sự hình thành các định chế, tổ chức quốc tế nhằm quản lý các hoạt động và giao dịch kinh tế thế giới” và “Toàn cầu hóa, xét về bản chất là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới... Toàn cầu hóa là giai đoạn mới, là giai đoạn phát triển cao của quá trình quốc tế hóa đã diễn ra từ nhiều thế kỷ trước đây và sẽ tiếp tục diễn ra trong thế kỷ XXI” [12, Tr 37].

Như vậy, quá trình toàn cầu hóa diễn ra trên mọi lĩnh vực, trong đó, toàn cầu hóa kinh tế là trung tâm, vừa là cơ sở và cũng là động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác (văn hóa, xã hội, chính trị…). Sự tham gia vào quá trình toàn cầu hóa được gọi là hội nhập theo nhiều cấp độ và nội dung khác nhau như hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế, hội nhập văn hóa…

1.2.1.2 Bản chất của toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa ngày càng được khẳng định là một quá trình tất yếu của sự phát triển, là một xu thế lớn của quan hệ quốc tế hiện đại.

Trước hết, toàn cầu hóa có bản chất kép. Một mặt, nó là một xu thế khách quan như kết quả của sự phát triển cao của lực lượng sản xuất và yếu tố vật chất khác. Mặt khác, nó cũng là một quá trình kinh tế - xã hội, chính trị và văn hóa bị một số thế lực tư bản quốc tế chi phối. Sự đan xen giữa cái khách quan và cái chủ quan đã làm cho toàn cầu hóa, về bản chất, trở thành quá trình đầy mâu thuẫn, chứa đựng cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực đối với từng quốc

gia, cũng như toàn thể nhân loại. Bản chất khách quan của xu thế toàn cầu hóa được quy định bởi 4 yếu tố chủ yếu là: Sự phát triển cao của lực lượng sản xuất trong thời đại của cách mạng khoa học – công nghệ; sự gia tăng phân công lao động quốc tế; sự phát triển sâu rộng của kinh tế thị trường trên phạm vi toàn thế giới và sự hiện diện nóng bỏng của những vấn đề toàn cầu. Nói cách khác, toàn cầu hóa là một xu thế lịch sử xuất hiện trong những điều kiện của một thời đại cụ thể và được quyết định bởi các nhân tố vật chất khách quan của chính thời đại ấy. Bên cạnh bản chất khách quan, toàn cầu hóa còn có bản chất là hệ quả của các nhân tố chủ quan. Với ưu thế về vốn, công nghệ thông tin, thị trường… các tập đoàn tư bản độc quyền, các nước tư bản phát triển, các trung tâm kinh tế, tài chính – tiền tệ và thương mại quốc tế… đã chủ động tác động, chi phối và áp đặt xu thế toàn cầu hóa vào khuôn khổ của quá trình tự do hóa tư bản chủ nghĩa. Các nhân tố chủ quan chủ yếu đang tác động một cách phức tạp đến sự vận động của xu thế toàn cầu hóa hiện nay là: hệ thống các công ty xuyên quốc gia; các tổ chức tài chính, tiền tệ, thương mại… quốc tế và chiến lược, chính sách của các nước lớn. Bản chất kép và sự tác động thuận - nghịch giữa các yếu tố khách quan đan xen với các nhân tố chủ quan nêu trên làm xuất hiện diện mạo đa dạng, phức tạp của xu thế toàn cầu hóa. Với tính cách một tiến trình lịch sử khách quan, toàn cầu hóa có nhu cầu tự thân về dân chủ, công bằng, bình đẳng. Nhưng do sự tác động, chi phối, lũng đoạn của các thế lực tư bản chủ nghĩa, toàn cầu hóa bị vận động một cách méo mó, biến dạng thành quá trình phương Tây hóa, tư bản hóa, Mỹ hóa toàn thế giới. Trên thực tế, toàn cầu hóa không chỉ là một quá trình kinh tế - kỹ thuật, mà chủ yếu là một quá trình kinh tế - xã hội chứa đựng những bất công và nghịch lý lớn. Bởi vậy, toàn cầu hóa chính là một cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc gay gắt vì những mục tiêu vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài.

Bản chất của toàn cầu hoá hiện nay còn thể hiện rõ hơn qua cơ chế vận hành và lôgíc phát triển chung của phương thức sản xuất tư bản. Khác với các hệ thống kinh tế, sản xuất nô lệ và phong kiến, để thực hiện việc bóc lột giá trị thặng dư, giai cấp tư sản đã thiết lập thị trường trao đổi hàng hóa và cơ chế cạnh tranh tự do. Trong điều kiện ấy, mỗi đơn vị kinh tế, sản xuất buộc phải không ngừng tự phát triển để khỏi lâm vào tình trạng phá sản và bị hủy diệt bởi “bàn tay vô hình” của thị trường. Nhằm tăng cường lực lượng sản xuất, giai cấp tư sản thực hiện hai tuyến giải pháp chính. Thứ nhất, phát triển theo “chiều sâu”, tức là nâng cao trình độ, chất lượng và hiệu quả của tư liệu sản xuất bằng cách đẩy mạnh việc sáng tạo và vận dụng các tri thức khoa học mới. Thứ hai, phát triển theo “bề rộng”, tức là gia tãng mức độ, khối lượng và quy mô của lao động, của tư liệu sản xuất và sản phẩm bằng cách mở mang thị trường cung ứng nhân công; nguyên, nhiên, vật liệu và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, thiết lập những “trật tự” quốc tế nhất định (với các thiết chế, tổ chức tương ứng) về chính trị, quân sự, xã hội, văn hóa, kinh tế thương mại, tài chính, tiền tệ,...

Như thế, với tính cách là một xu thế lịch sử, toàn cầu hoá được quyết định bởi sự phát triển mạnh mẽ, mang tính bước ngoặt của lực lượng sản xuất trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ. Toàn cầu hoá vừa mang bản chất khách quan, vừa chứa đựng tính chất tự do tư bản; vừa tích cực vừa tiêu cực; vừa đem lại thời cơ, thuận lợi và nguy cơ, thách thức đối với các quốc gia dân tộc, nhất là các nước kém phát triển và đang phát triển. Toàn cầu hoá là một quá trình vừa hợp tác rộng mở, vừa đấu tranh gay gắt, phức tạp giữa các quốc gia, tập đoàn, cộng đồng, cá nhân... với nhau. Để bảo vệ lợi ích quốc gia trong quá trình tham gia toàn cầu hoá, các nước trên thế giới đã và đang triển khai mạnh mẽ quá trình khu vực hoá.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 34 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)