Sự biến đổi của bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 51 - 75)

8. Kết cấu của luận văn:

2.1 Sự biến đổi của bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và những vấn

2.1.1 Sự biến đổi của bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Bản sắc văn hóa là bộ phận của ý thức xã hội, chịu sự quy định của tồn tại xã hội và thay đổi khi tồn tại xã hội thay đổi. Hiện nay, toàn cầu hóa có tác động không nhỏ đến chúng, theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Như tác giả Lương Viết Hải đã từng đề cập “Trong quá trình toàn cầu hóa, nền văn hóa quốc gia mà một trong những bộ phận cốt lõi là giá trị truyền thống, được tiếp xúc nhiều hơn với các nền văn hóa khác, với những hệ giá trị của các dân tộc khác để học hỏi, trao đổi, so sánh, vượt bỏ, tiếp nhận, tiếp biến, làm giàu có thêm cho văn hóa dân tộc và đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại”. Như thế, những giá trị mới hình thành là sự bổ sung cho những điểm còn thiếu và góp phần làm giàu có thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Song, cũng theo đó, toàn cầu hóa với sự du nhập của những phản giá trị đang làm đảo lộn những giá trị tốt đẹp truyền thống vốn có của nó. Cụ thể trong phạm vi nghiên cứu của luận văn này, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc xem xét nghiên cứu sự biến đổi của toàn cầu hóa đối với một số giá trị thuộc về bản sắc văn hóa Việt Nam, bao gồm: chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, tôn trọng tình nghĩa, tâm lý trọng đạo đức, ý thức đoàn kết cộng đồng (cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc), truyền thống hiếu học, sự tiếp biến văn hóa và kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc.

2.1.1.1 Chủ nghĩa yêu nước

Yêu nước được hiểu là trạng thái tình cảm thể hiện lòng trung thành và sự yêu thương, gắn bó của con người đối với quê hương, đất nước. Tinh thần

yêu nước là giá trị đạo đức truyền thống cơ bản nhất, cao quý nhất, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam, ngấm sâu vào máu thịt dân tộc, với sức mạnh vĩ đại, được Bác khẳng định “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết tinh thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ và to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước… ” [61, Tr 171] và để giành lại và bảo vệ độc lập của Tổ quốc, bảo vệ những phẩm giá của chính con người.

Chuẩn mực yêu nước chính là tư tưởng “ái nước, ái dân” cùng với sự phát triển lên thành quan niệm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ngấm sâu vào tiềm thức. Nó vốn là phổ biến, là vốn có ở tất cả các dân tộc trên thế giới chứ không riêng gì của dân tộc Việt Nam. Song, tư tưởng ấy được hình thành sớm hay muộn, đậm hay nhạt, nội dung cụ thể, hình thức và mức độ biểu hiện cũng như chiều hướng phát triển của nó lại tuỳ thuộc vào điều kiện lịch sử đặc thù của từng dân tộc. Đối với dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước không chỉ là một tình cảm tự nhiên, mà nó còn là sản phẩm hun đúc từ chính lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc Việt Nam. Lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh giành lại và bảo vệ nền độc lập từ tay kẻ thù xâm lược (thời gian chống giặc ngoại xâm cộng lại lên tới trên 12 thế kỷ). Về cơ bản, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, chuẩn mực yêu nước lại có những biểu hiện riêng. Ví như trong thời kỳ phong kiến, đó là biểu hiện của tinh thần đấu tranh tới cùng nhằm chống giặc ngoại xâm, giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Còn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, chuẩn mực yêu nước phát triển, thay đổi về chất. Với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do” nên “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”… đã tạo ra những trang sử vẻ vang ghi dấu tên tuổi những con người lịch sử-tấm gương sáng chói của những anh hùng, liệt sĩ,… đưa Việt Nam trở thành dân tộc tiên phong trong phong trào chống chủ nghĩa đế

quốc và chủ nghĩa thực dân trên thế giới trong thế kỷ XX. Trong công cuộc đổi mới, nhất là dưới sự tác động của toàn cầu hóa cùng quá trình hội nhập quốc tế, tinh thần yêu nước giữ vai trò quan trọng, tạo sức mạnh đoàn kết- nguồn lực nội sinh góp phần đưa đất nước đi lên, sánh ngang với các nước trong khu vực và quốc tế về mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa…

Nếu như trước kia chỉ đơn thuần là động lực trong công cuộc đấu tranh nhằm giành, giữ vững độc lập, chủ quyền, thì nay, tinh thần yêu nước trong điều kiện mới đã và đang dần được chuyển sang một chất mới-lĩnh vực xây dựng và phát triển đất nước. Nước ta vẫn là một nước trong nhóm các quốc gia nghèo trên thế giới, đời sống của đại đa số nhân dân còn nhiều khó khăn; cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn; khoa học và công nghệ còn lạc hậu. Nỗi nhục mất nước đã được rửa, nhưng nỗi nhục nghèo đói thì vẫn đang hiện hữu. Vì vậy, yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải là cái gì cao xa, trừu tượng, khó hiểu, mà được biểu hiện ở những phương thức cụ thể.

Từ góc độ kinh tế, yêu nước được thể hiện trước hết và chủ yếu ở tinh thần vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thua kém nước khác. Nếu như độc lập tự do là khát vọng cháy bỏng mà các thế hệ cha anh đã từng xả thân phấn đấu thực hiện, thì khát vọng đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nước nghèo, chậm phát triển và vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội cũng cần phải được thổi bùng lên trong các thế hệ hôm nay.

Từ góc độ chính trị, yêu nước trong giai đoạn hiện nay là nâng cao lòng tự hào dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tương lai tươi sáng của đất nước, tiền đồ của dân tộc; tránh tâm lý tự ti, bi quan, dao động. Tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn; tự giác chấp hành nghiêm chỉnh mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Đồng thời, yêu nước trong giai đoạn hiện

nay phải gắn với sự phát triển chung của phong trào cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hòa bình và tiến bộ xã hội trong khu vực và trên thế giới.

Từ góc độ xã hội, yêu nước được thể hiện ở tinh thần đoàn kết, đấu tranh chống lại những thói hư, tật xấu, cái bảo thủ, trì trệ trong tư duy, trong suy nghĩ và cách làm. Đặc biệt, trong điều kiện cả nước đang tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì yêu nước phải là dũng cảm đấu tranh chống lại tệ nạn quan liêu, tham nhũng, bảo vệ sự trong sạch của bộ máy Đảng và Nhà nước.

Từ góc độ quốc phòng - an ninh, trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, chúng ta vẫn không được lơi là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, yêu nước trong bối cảnh này đòi hỏi chúng ta phải luôn nêu cao ý thức bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhận thức sâu sắc về "đối tác" và "đối tượng"; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch trong chiến lược "Diễn biến hòa bình"; sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ bản sắc văn hóa, nền độc lập, tự do của Tổ quốc; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc.

Như vậy, có thể nói, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mang nhiều nội dung mới và hình thức thể hiện cũng đa dạng, phong phú hơn. Tuy nhiên, cho dù ở góc độ và phương thức thể hiện như thế nào thì mục đích cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam vẫn không thay đổi - là làm tất cả những gì có thể để đem lại những điều tốt đẹp nhất cho quê hương, đất nước, trong đó có bản thân và gia đình của mỗi người.

Rõ ràng, chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành chuẩn mực cao nhất trong bậc thang giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và là sức mạnh tiềm ẩn, không bao giờ cạn trong nhân dân.

Toàn cầu hóa không làm mai một, xóa nhòa tinh thần yêu nước, hơn hết, nó như chất xúc tác khiến cho tinh thần yêu nước phát triển ở một chất mới, nhất là tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ. Với sự năng động sáng tạo trong việc tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật, dám nghĩ dám làm trong lao động đã góp phần không nhỏ vào sự đi lên của đất nước trong thời đại mới này. Phải kể đến là những: Võ Quốc Thắng với hai bàn tay trắng vươn lên thành Tổng giám đốc công ty Gạch Đồng Tâm – gương mặt trẻ xuất sắc ASEAN năm 1999; Nguyễn Tử Quảng-thanh niên xuất sắc năm 2000… Theo số liệu điều tra của đề tài KX07-02 thì trên tổng số 3087 người được hỏi có 89,15% cảm thấy rất tự hào; 10,44% cảm thấy tự hào vừa phải… đối với truyền thống dân tộc-có đề cập đến tinh thần yêu nước. Trong những năm qua, ý thức tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước được gắn với lẽ sống lập thân lập nghiệp, giữ gìn trật tự an ninh,... và được cụ thể hóa trong loạt các phong trào tích cực của giới trẻ “lập thân lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh”…

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tinh thần yêu nước đang gặp nhiều thách thức. Một bộ phận người Việt Nam có xu hướng phủ nhận những giá trị đạo đức, đánh mất đi niềm tự hào dân tộc. Theo đánh giá của cuộc điều tra KX07-02, bên cạnh niềm tự hào của đa số người thì vẫn có những thành phần thấy không có gì là tự hào, kết tội cả nơi mình sinh ra và lớn lên (0,41%) [51, Tr198]. Trong cuộc điều tra về “Bảo vệ và phát triển dân tộc” ở Thành phố Hồ Chí Minh với 1800 phiếu thì có 39% không biết vua Hùng là ai, 43% trả lời Việt Nam có trên 100 dân tộc” [52, Tr 3]. Đề tài KX04-04-04 (Thực trạng và giải pháp giáo dục đạo đức tư tưởng chính trị, lối sống của học sinh, sinh viên trong chiến lược phát triển toàn diện con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước) qua các sinh viên Hà Nôi, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh cho thấy 27% học sinh và 36,2% sinh viên có nhiệt tình và niềm tin vào đường lối phát triển [29; Tr 301] và “hơn nửa số học sinh, sinh viên

được hỏi không mặn mà gì với việc là đảng viên, không quan tâm đến chính trị, thời sự…” [29;307]. Yêu nước đúng đắn là yêu chính quê hương, đất nước, biến tình yêu ấy thành sức mạnh có thể đưa quê hương, đất nước đi trên con đường phát triển bền vững… Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, không ít người có quan niệm “nơi nào có cuộc sống sung sướng thì nơi đó là quê hương”, đánh đổi bằng cả việc bôi xấu Tổ quốc (như Bằng Kiều…), trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ quân sự, tệ tham nhũng ngay trong những người đảng viên… Sự giảm sút này đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân, đồng thời, phải nâng cao hơn nữa tinh thần yêu nước để đáp ững được yêu cầu mới của thời đại. Nó phải gắn với niềm tin vào tiền đồ tươi sáng của đất nước, của sự lãnh đạo đúng đắn ở Đảng và Nhà nước, phải phát huy sức mạnh nội lực và ngoại lực cho mục tiêu phát triển chung.

Tóm lại, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chủ nghĩa yêu nước là một trong những bản sắc văn hóa nổi bật, mang ý nghĩa quan trọng và tác động quyết định tới nền văn hóa Việt Nam nói chung cũng như sự phát triển chung của đất nước trong thời đại mới. Chúng ta cần nghiên cứu, xem xét, vận dụng kế thừa, phát huy những mặt mạnh, từng bước đẩy lùi những mặt còn tồn tại, nhằm mang lại nội dung trong sáng, rộng rãi, tích cực, có sức mạnh của một bản sắc văn hóa Việt Nam tiêu biểu này.

2.1.1.2 Tinh thần nhân ái, tôn trọng tình nghĩa, trọng đạo đức

Nhân ái được hiểu theo nghĩa chung nhất là lòng yêu thương con người, sự khoan dung, độ lượng, chống lại cái ác, hướng tới cái thiện vì quyền tự do và hạnh phúc cao cả của con người. Trong bảng giá trị tinh thần của người Việt, tư tưởng nhân văn truyền thống Việt Nam là một trong những giá trị đáng quý và đáng tự hào nhất.

Có thể nói, tinh thần nhân ái là một giá trị văn hoá lớn của dân tộc ta. Nó đã tạo nên một nét độc đáo trong chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt

Nam, đúng như Đảng ta đã khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V: “Thương nước - thương nhà, thương người, thương mình là truyền thống đậm đà của nhân dân ta”.

Tư tưởng nhân ái truyền thống Việt Nam được hình thành bởi chính các điều kiện lịch sử - xã hội và những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống (chiến tranh, thiên nhiên, tôn giáo...) và sự kế thừa những yếu tố tích cực trong các học thuyết Nho, Phật, Lão.

Qua những thời kỳ lịch sử khác nhau, tinh thần nhân ái có những nội dung mới, song về cơ bản, nó vẫn giữ được nét đặc sắc riêng. Nếu so sánh với giá trị văn hoá của một số nước trên thế giới thì tinh thần nhân ái là một giá trị văn hoá rất đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Có lẽ, không chỉ nhân dân ta mà cả giặc xâm lược phương Bắc đều không thể nào quên được những hành động nhân đạo cao cả đáng khâm phục của Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung khi đã mở đường hiếu sinh, tha tội cho hàng chục vạn tù binh thua trận về nước an toàn. Lòng nhân đạo này được “nuôi dưỡng” và “lớn lên” từ tấm lòng nhân ái của người Việt. Từ xa xưa, trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, dân tộc ta đã thể hiện một tinh thần nhân văn cao cả rằng, tất cả những người con đất Việt đều được sinh ra trong cùng một bọc từ một mẹ, có nghĩa mọi người đều phải coi anh em như thể anh em một nhà, đồng cam cộng khổ. Tình yêu thương máu mủ ruột thịt trong gia đình được mở rộng ra xóm làng rồi cả nước:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Nhờ vậy mà trong xã hội từ xa xưa, con người đã biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua hoạn nạn với tình cảm “Chị ngã em nâng”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “lá lành đùm lá rách”…Trải qua trường kỳ lịch sử, giá trị nhân văn truyền thống đã phát huy sức mạnh của mình và đóng góp một phần rất lớn vào những thắng lợi oanh liệt của dân tộc,

đồng thời chính nó cũng khẳng định trên thế giới một giá trị tinh thần truyền thống vô cùng đáng quý của người dân Việt Nam. Tinh thần nhân ái truyền thống của dân tộc Việt Nam không chỉ thể hiện ở tình cảm, hành động trong cuộc sống hàng ngày của những người cùng huyết thống, cùng dân tộc mà còn thể hiện ở tấm lòng vị tha đối với kẻ thù xâm lược khi chúng bị bại trận.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 51 - 75)