Những vấn đề đặt ra hiện nay trong sự biến đổi bản sắc văn hóa Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 75 - 80)

8. Kết cấu của luận văn:

2.1 Sự biến đổi của bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và những vấn

2.1.2 Những vấn đề đặt ra hiện nay trong sự biến đổi bản sắc văn hóa Việt Nam

Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

2.1.2.1 Xu hướng xem nhẹ bản sắc văn hóa dân tộc

Trong những năm qua, nền kinh tế thị trường nước ta phát triển đa dạng phong phú và năng động hơn. Mức sống người dân được nâng cao rõ rệt. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mang đến cho người dân quá nhiều nhân tố văn hóa mới từ phương Tây, từ đó tạo ra những biến đổi lớn, thậm chí là thái quá trong nhận thức về bản sắc văn hóa dân tộc.

Từ đại hội lần thứ VI, Đảng ta đã nhận định rằng, trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng: một là, coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc; hai là xu hướng coi thường bản sắc văn hóa dân tộc, thậm chí phủ nhận truyền thống của dân tộc, đồng thời đề cao quá mức “hiện đại”.

Thực tế là, một bộ phận người Việt Nam đang sao nhãng, xem nhẹ những nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc như coi trọng tình nghĩa, quan hệ cộng đồng, tinh thần hiếu học, cần cù, chịu thương chịu khó…Trong khi xu thế toàn cầu hóa, nhiều người đã bị choáng ngợp trước cái gọi là văn minh phương Tây. Với họ, mọi bản sắc văn hóa từ nước ngoài du nhập vào được coi là biểu hiện của tính ưu việt, của trình độ văn minh hiện đại. Tất cả những gì thuộc về truyền thống dân tộc đều là nguyên nhân của tình trạng lạc hậu, kém cỏi hiện thời. Họ coi thường nét bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống, đề cao lối sống vị kỷ, thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, sùng ngoại, thậm chí bất chấp đạo lý, nghĩa tình. Một bộ phận thanh niên có những biểu hiện xa rời lý

tưởng xã hội chủ nghĩa, quay lưng lại với những giá trị chân - thiện - mỹ của dân tộc. Họ sùng ngoại, phục ngoại một cách thái quá, trượt dần theo lối sống thực dụng, sống gấp, buông thả, coi tiền là trên hết, bất chấp sự giáo dục của gia đình và xã hội mà họ đang sống. Hậu quả dẫn đến hàng loạt các vụ phạm tội và các tội phạm từ người lớn đến trẻ vị thành niên, từ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đến người dân.

Điều đáng trách ở đây là trong khi mải mê đi tìm cái mới lạ ở những miền văn hóa xa xôi thì người ta lại quên rằng còn rất nhiều những giá trị lớn lao, độc đáo thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc mà ta còn chưa giữ gìn và chưa biết phát huy đúng, phát huy đầy đủ. Thực tế đau lòng là trong khi một số coi thường bản sắc văn hóa dân tộc - là cũ rích, lỗi thời, thì lại có nhiều người ở nước khác đến nghiên cứu tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc ta. Đó là biểu hiện căn bản của nghịch lý “dân ta lại không biết sử ta” - sự yếu kém trong hiểu biết hàng ngà cũng như trong các cuộc thi cử của đa phần lớp trẻ hiện nay. Chúng xuất hiện tư tưởng phủ nhận vai trò của các giá trị thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc, muốn thay vào đó một hệ giá trị hoàn toàn mới. Hiện tại, có một số thanh niên đã hấp thụ lối sống phương Tây một cách thái quá. Họ không thích nghe các bản nhạc dân tộc, không thích xem các vở kịch truyền thống, không thích xem phim trong nước hay mặc những trang phục truyền thống. Họ chuộng nghe nhạc ngoại, phim ngoại và sính những trang phục ngoại. Không ít thanh niên sống theo kiểu hưởng thụ, sống gấp, không muốn cống hiến, lao động nhưng lại luôn đòi hỏi phải có nhiều tiền để tiêu xài. Giữa bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại đã bộc lộ một số xu hướng tự phát mang tính cực đoan. Gần đây, những giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc được nhìn với một lăng kính lệch lạc. Còn đâu bản sắc một thời của những áng thơ văn hay đầy tính nhân văn, nghệ thuật như Truyện Kiều,… khi mà xuất hiện những “Sát thủ đầu mưng mủ”, những “Bóng đè”… biểu hiện của sự “bứt phá” thô thiển. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa

VIII đã đánh giá:“Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân, vị kỷ… đang có ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì tiền hay vì danh dự cá nhân mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Buôn lậu và ma túy phát triển, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác ngày càng gia tăng”. Đây chính là điểm yếu trong bộ phận không nhỏ người dân nước ta và cũng là chỗ mà các thế lực thù địch âm mưu thực hiện cuộc “xâm thực văn hóa” nhằm ý đồ làm cho người dân ở các nước đang phát triển quên đi văn hóa dân tộc, quên đi cội nguồn dân tộc. Họ không biết rằng, chính các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc này đã làm nên sức mạnh dân tộc ta. Đồng thời, đây cũng là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để tạo nên sự đa dạng văn hóa trong giao lưu và hợp tác quốc tế hiện nay.

Từ sự phân tích ở trên, cho thấy việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng lối sống hiện nay ở nước ta đang nảy sinh xu hướng xem nhẹ bản sắc văn hóa dân tộc đó. Đây chính là vấn đề đang đặt ra mà chúng ta phải giải quyết trong quá trình phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để xây dựng đời sống văn hóa mới hiện nay.

2.1.2.2 Xu hướng tiếp thu thiếu chọn lọc các nền văn hóa khác nhau trên thế giới

Ngày nay, chúng ta có thể hoàn toàn vững tin và chủ động lựa chọn, tiếp thu mọi tinh hoa văn hóa của các nước trên thế giới để làm giàu đẹp thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy vậy, trong quá trình đó vẫn tồn tại hiện tượng tiếp nhận một cách xô bồ mọi thứ gọi là “tân kỳ” của văn hóa ngoại lai mà không phân biệt hay dở, tốt xấu để đi đến chỗ lai căng, mất gốc về văn hóa. Điều này cũng dễ hiểu bởi có một quy luật phổ biến là một đất nước sau một thời gian dài đóng cửa, khi được mở cửa sẽ rất dễ bị rơi vào một trạng thái cực đoan khác: tiếp thu xô bồ và thiếu có sự chọn lọc. Trong đời sống văn hóa Việt Nam hiện nay, bên cạnh có những thành tựu tích cực tiếp thu được có

khả năng phục vụ cho sự nghiệp hiện đại hóa đất nước, tư duy của chúng ta có tình trạng phần nào bị lệ thuộc vào lối tư duy của phương Tây. Đó là lối tư duy bắt chước một cách phi logic. Từ đó dẫn đến những hiện tượng lạm dụng trong việc tiếp thu khái niệm và lý thuyết văn hóa nghệ thuật, các chương trình giải trí và quảng cáo, lạm dụng hình thức biểu diễn một số loại hình văn hóa đại chúng như biểu diễn thời trang, thi hoa hậu, lễ hội… Nhìn chung, “mặt bằng” đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc hiện tại có nhiều yếu tố gây bất bình trong xã hội. Đó là sự lạm dụng “cảnh nóng” và “bạo lực” trong văn học nghệ thuật, phim ảnh khiến tỷ lệ nạo phá thai ở các bé gái vị thành niên và tỷ lệ phạm tội gia tăng. Đó là sự ảnh hưởng đến âm nhạc, phong cách ăn mặc…không phù hợp với mỹ quan của dân tộc…

Ngày nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông như đài, báo, mạng internet… vì nhiều lí do khác nhau vô tình hay hữu ý đã tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa nước ngoài được truyền bá mạnh hơn, chiếm lĩnh đời sống văn hóa tinh thần của xã hội ta ngày càng sâu rộng hơn. Đây là điều rất nguy hiểm, bởi khi nó đã thâm nhập vào trong mỗi con người và trở thành nếp sống thì việc khắc phục, đấu tranh ngăn chặn ảnh hưởng của nó không phải là chuyện đơn giản.

Như chúng ta thấy, toàn cầu hóa đã mang đến cho chúng ta không ít thử thách về kinh tế, về chính trị và đặc biệt là văn hóa. Vấn đề đặt ra cho chúng ta hiện nay là phải suy nghĩ làm thế nào để vừa có thể tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng vẫn giữ được những nét bản sắc văn hóa dân tộc tích cực.

2.1.2.3 Xu hướng phục cổ

Xu hướng phục hồi những nét bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ ở nước ta, ở cả vùng đồng bằng đô thị nơi người Kinh sinh sống cũng như vùng núi các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên giữa 2 vùng và 2 bộ phận cư dân này cũng có những nét khác biệt.

Do nhiều nhân tố, từ nhận thức của Nhà nước và nhân dân về văn hóa truyền thống, từ các chủ trương bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc của Đảng và Nhà nước, do tác động của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đặc biệt là thời kỳ hội nhập…đã làm thay đổi đáng kể cả về hình thức và hành động của chúng ta về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Điều này không chỉ thấy ở các chủ trương, chính sách của Nhà nước mà dần dần người dân tự ý thức được, từ đó biến thành hành động trong cuộc sống. Tình hình phục hồi và phát triển các lễ hội cổ truyền, trùng tu xây dựng mới các di tích văn hóa – lịch sử, phục hồi các thuần phong mỹ tục truyền thống ở cả nông thôn và đô thị mấy thập kỷ qua đã chứng minh xu hướng phục hồi bản sắc văn hóa dân tộc ấy. Tuy nhiên, hiện nay còn có nhiều biểu hiện phức tạp, trong lúc khôi phục những nét tích cực trong bản sắc văn hóa dân tộc thì đồng thời khôi phục luôn cả những hủ tục, lạc hậu. Biểu hiện ngay trong tâm thức “tồn cổ”- nguyên nhân do sự lạc hậu tương đối của ý thức xã hội, do sức ỳ của tâm lý, tập quán, thói quen. Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh từng nhận xét: Tâm lý đó làm xã hội ta không tiến bộ được mau chóng như xã hội phương Tây - Tinh thần này vẫn thể hiện rõ nét trong lối sống đương đại: tâm lý hướng về ngày xưa, đời xưa phải hơn đời nay, cái đã qua tốt hơn cái đương đại…

Các biểu hiện cụ thể: Một là, khôi phục những quan niệm, những hủ tục lạc hậu, những nét bản sắc văn hóa lỗi thời đã bị lịch sử bỏ qua như: bói toán, mê tín dị đoan, hầu đồng… Hai là, khôi phục các lễ hội một cách không chọn lọc, tràn lan, nhất là các lễ hội mới của các địa phương quảng bá cho làm ăn, du lịch, tốn kém tiền nhà nước. Các lễ hội diễn ra quanh năm, nhiều địa phương tổ chức quá nhiều lễ hội dẫn đến tình trạng “lạm phát lễ hội”, “thương mại hóa lễ hội” làm mất tính tôn nghiêm, vẻ đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội và gây tốn kém tiền của của nhân dân. Ví dụ, đến chợ tình khâu vai (Hà Giang) hay chợ tình Sapa ngày nay chúng ta không còn nghe tiếng hát trong

trẻo của các chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số mà chỉ thấy tiếng hát phát ra từ băng các sét và thái độ tò mò thái quá của du khách đã làm mất đi tính nhân văn của phiên chợ. Ba là, phục hồi lại các thủ tục rườm rà trong ma chay, cưới hỏi, trong các lễ hội cộng đồng, tục lễ làng xã ngày càng thêm phức tạp và tốn kém. Ví dụ như trước khi đi cưới vợ, cưới chồng thì phải đi xem có hợp tuổi hay không, xem tuổi cưới, xem ngày để cưới, cưới hai lần, cưới chạy tang…. Ngày nay, nhiều ngôi chùa, đền thờ, miếu mạo được dựng lên nhưng không hợp lý về mặt mỹ thuật, kiến trúc, lịch sử, bố cục, nên bị biến tướng về mục đích ý nghĩa, nó trở nên thương mại hóa, phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc tích cực vốn có.

Từ những vấn đề trên, chúng ta thấy việc cần thiết của công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa (trình bày khái quát sự tất yếu giữ gìn). Theo đó, chúng tôi đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa ở Việt Nam hiện nay, được Đảng và Nhà nước ta cụ thể hóa bằng những thiết chế, hệ thống quy định, quy chế, pháp luật… nhất định.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 75 - 80)