Chƣơng 3 : VAI TRÒ CỦA TRUNG ƢƠNG HỘI PHỤ NỮ VIỆT NAM
3.3. Đánh giá vai trò của Trung ương Hội
3.3.1. Tiêu chí đánh giá:
Là một trong hai tổ chức chính trị - xã hội (cùng với Đoàn thành niên cộng sảng Hồ Chí Minh) được Chính phủ Việt Nam đánh giá có nhiều đóng góp nổi bật nhất cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS của nước ta, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã thực sự khẳng định được vai trò của mình trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Những đóng góp của Trung ương Hội là sự hỗ trợ rất lớn cho nhà nước để đối mặt với đại dịch thế kỷ này. Phạm vi của Luận văn sẽ đánh giá hiệu quả và sự đóng góp của Trung ương Hội PN Việt Nam được căn cứ trên cơ sở các chức năng cơ bản của một tổ chức chính trị - xã hội như đã phân tích, đó là: tính đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các Hội viên, thành viên trong tổ chức Hội; tập hợp các thành viên trong cộng đồng thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và địa phương trong công tác phòng chống HIV/AIDS; tham gia xây dựng và thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các thành viên về HIV/AIDS và các kỹ năng, biện pháp phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời để đánh giá vai trò của Trung ương Hội còn dựa vào các tiêu chí đánh giá của Chương trình phòng chống HIV/AIDS của Bộ Y tế với bộ chỉ số về:
- Nhóm chỉ số về chính sách và nỗ lực cho Chương trình HIV/AIDS. Đây là nhóm chỉ số đánh giá về trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách thấy được nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn để từ đó xác định mục tiêu rõ ràng và có hệ thống tổ chức chỉ đạo cụ thể. Các nỗ lực cho
Chương trình HIV/AIDS cần có đội ngũ cán bộ chuyên trách được giao nhiệm vụ phụ trách các hoạt động của Chương trình. Việc thiết kế mục tiêu và kế hoạch hoạt động đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành và các ngành cùng tham gia vào quá trình thực hiện. Đồng thời các Chương trình phòng chống HIV/AIDS cần được hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động và phải có tình bền vững;
- Nhóm chỉ số về can thiệp cho nhóm có hành vi nguy cơ cao. Đó là các chỉ số cho thấy nhóm nghiện chích ma tuý có tham gia vào chương trình trao đổi bơm kim tiêm, được tiếp cận các hoạt động giáo dục đồng đẳng và chính những người này sử dụng bơm kim tiêm sạch được cấp phát. Chỉ số can thiệp còn thể hiện số bao cao su đạt chất lượng quốc tế có sẵn tại cộng đồng và được cấp phát cho các đối tượng gái mại dâm, các tụ điểm vui chơi giải trí;
- Nhóm chỉ số về kiến thức, thái độ, niềm tin và thực hành phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Là nhóm chỉ số thông tin giáo dục truyền thông về thực hành tình dục an toàn, tiêm chích an toàn có tác động đến đối tượng có nguy cơ cao là gái mại dâm, những người tiêm chích ma tuý và các kiến thức về phòng HIV/ STIs (các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục) cho các quần thể đích (gái mại dâm, người nghiện chích ma tuý, phụ nữ có thai, người đồng tính luyến ái, thanh niên, các nhà hoạt động cộng đồng);
- Nhóm chỉ số tư vấn, xét nghiệm tự nguyện. Cho biết được các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện với các phòng tư vấn đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn khẳng định HIV/AIDS và tỷ lệ tư vấn thành công;
- Nhóm chỉ số dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Là chỉ số đánh giá các hoạt động giáo dục về sức khoẻ sinh sản cho thanh niên, giúp các phụ nữ đang mang thai tiếp cận với chương trình phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con, được tư vấn xét nghiệm và số phụ nữ có thai nhiễm HIV được điều trị thuộc ARV;
- Nhóm chỉ số chăm sóc, dự phòng các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục cho biết các nỗ lực để cung cấp các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và những người nhiễm bệnh được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ y tế. Chỉ số này cho thấy hệ thống cung cấp hợp lý thuốc điều trị cho những bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm trùng cơ hội, đồng thời cho thấy số cán bộ được đào tạo về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục;
- Nhóm chỉ số về an toàn truyền máu. Đây là nhóm chỉ số cho thấy tỷ lệ sàng lọc máu trong an toàn truyền máu, giảm truyền máu toàn phần trong bệnh viện và tỷ lệ hiến máu tình nguyện trong nhóm có nguy cơ cao;
- Nhóm chỉ số về chăm sóc, điều trị và tư vấn hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Đó là mạng lưới chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS nội trú, ngoại trú và tại nhà, Số người tham gia vào các hoạt động chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS được đào tạo. Nhóm chỉ số này thể hiện các loại thuốc điều trị những nhiệm trùng cơ hội có sẵn trong cộng đồng và số người nhiễm HIV/AIDS được tư vấn, được chăm sóc tại nhà và được tiếp cận điều trị với ARV cũng như số gia đình người nhiễm tham gia vào chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS;
- Nhóm chỉ số về tác động và ảnh hưởng kinh tế, xã hội của HIV/AIDS. Được thể hiện qua tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS trong nhóm đối tượng đích và sự chấp nhận và không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS.
Bộ chỉ số đánh giá này phản ánh đầy đủ các yêu cầu cơ bản đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Mức độ tham gia của các đơn vị thể hiện qua việc đáp ứng được những nhóm chỉ số đánh giá trên đây. Tuy nhiên nhiều chỉ số sẽ được sử dụng để đánh giá hoạt động của các cơ quan chuyên môn về y tế hơn là phù hợp đối với các tổ chức khác. Do đó tuỳ đặc điểm của từng loại hình tổ chức, dự án mà ta nên lựa chọn các tiêu chí đánh giá sao cho hợp lý.
Khuôn khổ của Luận văn xem xét vai trò của Trung ương Hội PN Việt Nam nói riêng trong công tác phòng chống HIV/AIDS với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội nên vừa đảm bảo chỉ ra được các đặc trưng của tổ chức chính trị - xã hội cũng như những hiệu quả theo tiêu chí của Bộ y tế đối với các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Hội phụ nữ do đó Luận văn sẽ đưa ra những đánh giá chung nhất về vai trò của Trung ương Hội PN Việt Nam trên cơ sở tổng hợp các tiêu chí đã nêu.