2.2. Nguyên nhân của thực trạng trên
2.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế
Trước hết, những hạn chế còn tồn tại là do tác động tiêu cực của kinh
tế thị trường.
- Chủ thể của kinh tế thị trường là các con người kinh tế, khi có lợi kinh tế là sẽ hoạt động. Sự hoạt động của nguyên tắc tối đa hoá lợi ích cá nhân tạo xu thế vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh tế. Điều đó không chỉ cản trở sự phát triển của đạo đức cá nhân trong lĩnh vực kinh tế mà còn tạo ra xu thế khuyến khích chủ nghĩa cá nhân trong tất cả các lĩnh vực hoạt động ngoài kinh tế.
- Trong điều kiện kinh tế thị trường, giá trị của con người kinh tế được đo bằng hiệu quả hoạt động kinh tế. Giá trị ấy cũng có xu hướng trở thành thước đo phổ biến của nhân cách. Giá trị của một con người được biểu hiện ở mức độ thành đạt, ở quy mô thu nhập, thậm chí ở cả khả năng biến người khác thành phương tiện để thực hiện lợi ích cá nhân. Vì vậy, một số giá trị đạo đức truyền thống đã bị xem nhẹ trong quá trình đánh giá con người.
- Hoạt động của quy luật giá trị, quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh là điều tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Chính sự cạnh tranh khốc liệt đã tạo ra điều kiện cho việc nảy sinh và phát triển thói quen phô trương, hãnh tiến ở con người. Ngoài ra, nó còn dẫn đến hiện tượng phân cực giàu - nghèo ngày càng rõ nét, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Cạnh tranh không phải lúc nào cũng lành mạnh, trung thực. Không hiếm trường hợp, cạnh tranh đồng nghĩa với việc đánh mất nhân tính, chạy theo lợi nhuận cá nhân, sẵn sàng trà đạp lên lợi ích của những người khác. “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hoá dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân, vị kỷ, đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thày trò, đồng chí, đồng nghiệp. Buôn lậu và tham nhũng phát triển. Ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã họi khác gia tăng. Nạn mê tín dị đoan khá phổ biến. Nhiều hủ tục cũ và mới lan tràn, nhất là trong việc cưới, việc tang, việc lễ hội” [10, tr.46-47].
Như vậy, những giá trị đạo đức truyền thống dần dần bị mờ nhạt, thay vào đó là lối sống thực dụng, ích kỷ, quá đề cao giá trị đồng tiền,... Đó chính là mặt trái của kinh tế thị trường, là nguyên nhân dẫn đến sự biến dạng, méo mó những mối quan hệ xã hội vốn rất tốt đẹp giữa người với người trong xã hội Việt Nam.
Thứ hai, xu hướng quốc tế hoá, toàn cầu hoá ở mọi lĩnh vực của đời
biến đổi mạnh mẽ. Thanh niên sinh viên là lớp người rất nhạy cảm trong xu thế hội nhập, giao lưu văn hoá với nhiều nước. Một mặt, họ dễ dàng tiếp thu nhiều giá trị mới của nhân loại, mặt khác họ cũng dễ bị kích động bởi nhiều yếu tố lạ, thậm chí trái ngược và có khả năng làm tổn hại tới những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
Thứ ba, âm mưu “diễn biến hoà bình” của kẻ thù đang có tác động
tiêu cực đến một bộ phận nhân dân, cán bộ, Đảng viên, ngăn cản sự nghiệp đổi mới đất nước của chúng ta. Đối với thanh niên sinh viên, mục tiêu của chúng hòng làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời truyền thống. Chúng lợi dụng những thanh niên sinh viên xấu để kích động, gây rối trật tự xã hội. Lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý của Nhà nước, chúng tung vào những văn hoá phẩm độc hại, truyền bá tư tưởng tự do dân chủ và lối sống theo kiểu phương Tây,... xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, phủ nhận những thành quả cách mạng và quá khứ hào hùng của dân tộc ta. Với những thủ đoạn xảo quyệt, chúng hòng làm cho thế hệ trẻ Việt Nam bị lẫn lộn, không phân biệt được phải, trái, đúng, sai, đâu là bạn, đâu là thù, tạo nên một lớp người phi chính trị, sống mờ nhạt, không có lý tưởng, thiếu hoài bão, ước mơ vươn lên, thích theo xu thế “Mỹ hoá”.
Thứ tư, sự thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên và
người lớn tuổi đã làm giảm niềm tin của thế hệ trẻ, dẫn đến tâm lý coi thường truyền thống, coi thường quá khứ, lãng quên quá khứ hào hùng cần được tiếp nối. “Nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức có quyền. Nạn tham nhũng dùng tiền của nhà nước tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đoạ. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ, địa phương, bè phái, mất đoàn kết khá phổ biến. Những tệ nạn đó gây sự bất bình của nhân dân, làm tổn thương uy tín của Đảng, của Nhà nước” [10, tr.46-47]. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến
sự suy giảm và xói mòn niềm tin trong ý thức cá nhân và trong đời sống dư luận về chế độ xã hội.
Thứ năm, trong khi tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là phát triển kinh
tế, Đảng ta chưa chú ý đúng mức đến vấn đề phát huy giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng đạo đức mới cho thế hệ trẻ hiện nay. Nghị quyết Trung ương V khoá VIII cũng nhận định rằng: “Công tác nghiên cứu lý luận chưa làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến văn hoá trong quá trình đổi mới, trong việc xác định những giá trị truyền thống cũng như hệ giá trị mới cần xây dựng, trong việc xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế...” [10, tr.52]
Mặt khác, Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng trong việc đầu tư giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cả về kinh phí lẫn con người. Thiếu sót này dẫn đến tình trạng: những gì làm được còn quá ít so với nhu cầu mà thế hệ trẻ đòi hỏi.
Thứ sáu, một bộ phận thanh niên sinh viên thiếu ý thức rèn luyện, tu
dưỡng phẩm chất đạo đức, xem nhẹ những giá trị đạo đức truyền thống, giá trị nhân văn mà nhân dân ta vun đắp từ bao thế hệ trước, không biết tôn trọng quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc. Hơn thế nữa, những sinh viên này còn có thái độ coi thường các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức học, các môn khoa học xã hội nhân văn. Đối với những sinh viên như thế cần phải có sự đổi mới phương pháp giáo dục để làm sao vừa có sức thu hút, thuyết phục, vừa có những biện pháp phù hợp buộc họ phải hoà nhập với tập thể bạn bè, nhà trường, xã hội.
Tóm lại, những nguyên nhân trên đây đều là những cản trở làm cho các giá trị đạo đức truyền thống không được phát huy trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay. Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất là sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường tới đạo đức sinh viên. Song nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc thiếu các chính sách cụ
thể của Nhà nước đối với công tác giáo dục đạo đức truyền thống cho thanh niên sinh viên, thiếu sự quan tâm của chính các chủ thể giáo dục và bản thân sinh viên. Do đó, chúng ta cần khắc phục nhanh chóng những thiếu sót ấy để giảm những hạn chế còn tồn tại trong việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống, xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay.
Chương 3
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG
DÂN TỘC TRONG VIỆC XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC MỚI CHO THANH NIÊN SINH VIÊN HIỆN NAY