Tăng cường vai trò của pháp luật trong việc gìn giữ và phát huy các giá

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên việt nam hiện nay (Trang 84 - 89)

3.2. Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy các giá trị đạo đức truyền thống

3.2.3. Tăng cường vai trò của pháp luật trong việc gìn giữ và phát huy các giá

huy các giá trị đạo dức truyền thống dân tộc

Đạo đức và pháp luật đều là những hình thái ý thức xã hội đặc biệt, có liên quan với nhau theo nhiều khía cạnh, luôn có tác động, ảnh hưởng và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, đạo đức và pháp luật khác nhau ở hình thức biểu

hiện và tính chất, phương thức điều chỉnh. Pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội bằng sự cưỡng chế, bắt buộc theo những chuẩn mực pháp lý. Pháp luật xác định những giới hạn cho hành động của họ và mức độ trừng phạt những vi phạm. Thông qua các quy phạm do nhà nước ban hành, pháp luật điều tiết hành vi con người một cách cưỡng chế để đảm bảo cho sự ổn định nhất định của xã hội. Còn đạo đức điều chỉnh các quan hệ giữa cá nhân và xã hội thông qua dư luận xã hội, bằng sự cắn dứt lương tâm của chính chủ thể hành vi, bằng sự giác ngộ đạo đức, niềm tin cá nhân theo các chuẩn mực đạo đức. Vì vậy, người ta gọi pháp luật là đạo đức tối thiểu, chuẩn mực đạo đức (điều chỉnh hành vi con người một cách tự nguyện, tự giác) là pháp luật tối đa. Chính sự thống nhất và khác biệt đó giữa chúng tạo nên tiền đề cho tác động qua lại, ảnh hưởng và bổ sung lẫn nhau, cần thiết phải kết hợp hài hoà cả hai trong hoạt động giáo dục.

Pháp luật là một trong những biện pháp để khẳng định một chuẩn mực nào đó, biến nó thành thói quen, từ đó biến nó thành nhu cầu của con người, thành chuẩn mực đạo đức. Banzenade có lý khi nhận xét rằng: “Xưa nay, pháp luật bao giờ cũng là một trong những biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức và biến nó thành thói quen. Chuẩn mực càng khó bao nhiêu thì vai trò của pháp luật càng quan trọng bấy nhiêu. Vì vậy, không thể buông lỏng pháp luật nếu việc này chưa được chuẩn bị bằng sự tiến bộ đạo đức của xã hội” [14, tr.177].

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, nếu pháp luật của nhà nước do giai cấp tiên tiến của thời đại xây dựng thì lợi ích của xã hội về cơ bản là thống nhất. Do đó, những chuẩn mực, những quy phạm của nó bảo vệ lợi ích giai cấp cũng đồng thời bảo vệ lợi ích chân chính và phẩm giá của con người. Nói cách khác, nó tạo điều kiện và bảo vệ cho sự phát triển của những giá trị đạo đức. Ngược lại, nếu pháp luật của nhà nước do giai cấp

phản tiến bộ xác lập thì lợi ích của xã hội sẽ có mâu thuẫn, không tạo điều kiện cho sự phát triển của những giá trị đạo đức chân chính.

Với Việt Nam, ngay khi vừa giành được độc lập, thấy được tầm quan trọng của pháp luật trong việc bảo vệ, ổn định trật tự xã hội, cũng như trong việc gìn giữ những thuần phong mỹ tục của dân tộc, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã cho ra đời bản Hiến pháp đầu tiên vào năm 1946. Tiếp theo đó là các bộ luật, các văn bản pháp lý,... trong đó có nhiều giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc đã được ghi nhận thành những quy phạm bắt buộc.

Hiến pháp cũng như các bộ luật của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo lợi ích của mọi người dân. Các nguyên tắc đạo đức cơ bản của con người cũng như những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc - sự công bằng, dân chủ, nhân đạo, tôn trọng phẩm giá con người - cũng là những định hướng cơ bản trong nội dung của Hiến pháp và pháp luật. Điều 30, Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hoá Việt Nam: dân tộc, hiện đại, nhân văn; kế thừa và phát huy các giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân”.

Hiện nay, nhiều người dân đã có ý thức hơn trong việc thực hiện pháp luật. Hiến pháp và các quy định pháp luật dần đi vào cuộc sống. Mặc dù vậy, những hiện tượng vi phạm pháp luật vẫn diễn ra, hơn nữa còn diễn ra với mức độ và quy mô ngày càng lớn. Có thể khẳng định rằng: các hành vi vi phạm đạo đức có thể chưa dẫn đến vi phạm pháp luật, nhưng các hành vi vi phạm pháp luật thì đều có nguồn gốc từ vi phạm đạo đức, trong đó có vi phạm các giá trị đạo đức truyền thống.

Thực tế, sự thiếu ý thức pháp luật vẫn còn là một hạn chế lớn trong truyền thống đạo đức của chúng ta. Do đó, việc kết hợp đồng thời giáo dục

đạo đức và giáo dục pháp luật để nhằm tạo ra một môi trường pháp lý vững chắc cho công tác giáo dục truyền thống cho thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay là biện pháp thực sự cần thiết.

Hệ thống pháp luật và việc thực thi pháp luật ở nước ta trong thời gian qua, nhất là trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường đã chứng tỏ vai trò to lớn của pháp luật trong việc gìn giữ các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới hiện nay, hiệu lực pháp luật trong quản lý xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống vẫn còn nhiều hạn chế. Nhân dân ta từ bao đời gắn bó với nền sản xuất nhỏ và chưa trải qua nền dân chủ tư sản nên ý thức pháp luật của đại bộ phận nhân dân còn thấp.

Để nâng cao hiệu quả pháp luật trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, phải lưu ý mấy điểm sau:

- Trước hết, hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ rất cần thiết. Hệ thống pháp luật phải được xây dựng trên nguyên tắc như đồng chí Đỗ Mười nói: “Pháp luật phải tác động tích cực đến việc bảo vệ thuần phong, mỹ tục, xây dựng đạo đức của mọi người đối với bản thân, gia đình, tập thể và đối với toàn xã hội, tiếp thu những tinh hoa của loài người đi đôi với việc bảo tồn và phát huy bản sắc, truyền thống tốt đẹp và những giá trị văn hoá, tinh thần, đạo đức của dân tộc ta” [45, tr.145].

Trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, khoa học pháp lý cần nghiên cứu cả hệ thống những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, chọn lọc các giá trị, chuẩn mực đạo đức phù hợp để từng bước luật hoá nó. Nghĩa là phải lựa chọn và biến những “lệ hay” trở thành “luật nước”. Điều đó sẽ cho phép các giá trị đạo đức truyền thống được bảo tồn và phát triển. Hơn nữa, nó làm cho các bộ luật dễ đi vào ý thức mỗi người dân. Từ tình cảm đối với các giá trị dân tộc mà giá trị pháp lý đi vào ý thức của mỗi người. Từ đó, mọi người dần hình thành thói quen sống và làm việc theo

pháp luật. Khi ấy, các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc tự mình sẽ có điều kiện phát huy tác dụng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều phải xử lý, mọi công dân đều được bình đẳng trước pháp luật” [8, tr.32].

- Thứ hai, chúng ta cũng cần nâng cao ý thức thực thi pháp luật hơn nữa. Bởi lẽ, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện đã nêu ở trên, việc thực thi pháp luật của người Việt Nam còn rất kém. Để nâng cao việc thực thi pháp luật, chúng ta phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện pháp luật, tổ chức tốt việc đưa pháp luật vào cuộc sống bằng nhiều biện pháp thích hợp như: tăng cường giáo dục pháp luật trong cộng đồng để nâng cao nhận thức pháp luật cho mọi người; kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước có phẩm chất tốt, chuyên môn cao để đảm bảo việc thi hành pháp luật đầy đủ và có hiệu quả.

Sở dĩ chúng ta cần nhấn mạnh đến công tác giáo dục pháp luật vì: đó là hoạt động định hướng có tổ chức, có chủ định của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục, với mục đích tạo cho họ tri thức, tình cảm pháp luật và qua đó tạo ra những hành vi phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Giáo dục pháp luật tạo ra những khả năng thiết lập trong đời sống thực tiễn những nguyên tắc đạo đức, củng cố tình cảm, nghĩa vụ đạo đức cho mỗi người. Mục đích cơ bản của nó là trang bị, cung cấp, bồi dưỡng và nâng cao tri thức pháp luật, xuất phát từ những đòi hỏi của các đối tượng giáo dục khác nhau, phù hợp với các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, hình thành lòng tin vào pháp luật, xây dựng thói quen vững chắc xử sự theo những đòi hỏi của pháp luật.

- Thứ ba, trong các trường cao đẳng, đại học, việc giáo dục đạo đức cần thống nhất chặt chẽ với giáo dục pháp luật cho sinh viên. Giáo dục đạo đức sẽ đem lại cho con người tình cảm, niềm tin đạo đức, giúp con người có những hành vi hợp đạo đức. Đa số những người có hành vi hợp đạo đức thì rất hiếm khi vi phạm pháp luật. Còn giáo dục pháp luật tạo ra cho con người khả năng sống và làm việc theo pháp luật, tôn trọng những phẩm giá của con người, tôn trọng hạnh phúc của người khác, bởi lẽ trong một số quy phạm pháp luật có chứa các nguyên tắc đạo đức. Pháp luật và đạo đức có mối quan hệ rất chặt chẽ. Sự thống nhất đó đòi hỏi sự tác động tổ hợp của cả hai dạng giáo dục: giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật. Do đó, các nhà trường cần phối hợp với các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội sử dụng đồng bộ những biện pháp, hình thức của cả hai dạng giáo dục này với mục đích nhằm hình thành hành vi hợp pháp, hợp đạo lý ở người sinh viên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên việt nam hiện nay (Trang 84 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)