3.2. Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy các giá trị đạo đức truyền thống
3.2.1. Xây dựng môi trường đạo đức lành mạnh trong gia đình, nhà trường, xã
trường, xã hội
Môi trường giáo dục thống nhất, lành mạnh là môi trường trong đó có sự kết hợp đồng đều cả ba chủ thể giáo dục: gia đình, nhà trường, xã hội. Cả ba chủ thể này tạo nên một cơ chế giáo dục thống nhất, tác động và hỗ trợ cho nhau. Bản chất của sự phối hợp này là đạt được sự thống nhất về các yêu cầu giáo dục, khiến cho định hướng đạo đức của giới trẻ được xác lập đúng đắn, đầy đủ và vững chắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở chúng ta rằng: giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, cần có sự giáo dục ngoài xã hội và của gia đình để giúp việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà
trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không bao giờ được như mong muốn. Trong văn kiện Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương khoá VIII, Đảng ta chỉ rõ: “Gìn giữ và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hoá. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội” [10, tr.60] Những năm gần đây, phương hướng này về cơ bản đã được thực hiện, góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên sinh viên. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển xã hội, với mục tiêu xây dựng con người mới theo tinh thần của “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là: con người có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ và lao động giỏi; sống có văn hoá và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính,...thì chúng ta còn nhiều việc phải làm. Trong văn kiện Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ hai khoá VIII có viết: “Gia đình và các tập thể, cộng đồng xã hội chưa phát huy vai trò quan trọng trong giáo dục, chưa phối hợp chặt chẽ với nhà trường giáo dục thế hệ trẻ, nhất là về chính trị, đạo đức, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội và văn hoá phẩm đồi truỵ” [9, tr.21]. Chính vì vậy, việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội là vấn đề then chốt, là một việc làm hết sức cần thiết trong việc giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cho thanh niên sinh viên.
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có êm ấm, hạnh phúc thì xã hội mới có trật tự, phát triển. Đó là chiếc nôi nuôi dưỡng, chăm sóc tâm hồn và cuộc đời của mỗi con người. Vai trò của người cha, người mẹ với việc giáo dục con cái trong gia đình là hết sức quan trọng. Sự giáo dục bằng việc khuyên răn, dạy bảo con cái những điều hay lẽ phải, sống theo cái Chân - Thiện - Mỹ và bằng cả việc làm gương của chính cha mẹ.
Thực tế vẫn còn không ít gia đình mà các bậc cha mẹ chưa ý thức được vai trò lớn lao ấy, hay quan tâm chưa đúng mức tới việc giáo dục con cái. Dẫn đến tình trạng: nhiều thanh niên hiện nay không được giáo dục đạo đức chu đáo từ nhỏ, hư hỏng, trở thành một bộ phận đi ngược với xu thế chung của sự phát triển xã hội.
Đứng trước thực trạng đó, mỗi gia đình phải có sự quan tâm đúng mực với việc giáo dục con em mình. Ngoài việc giáo dục nhận thức trí tuệ cho con cần phải bồi dưỡng thường xuyên về mặt đạo đức, nhân cách; kết hợp những phương pháp giáo dục truyền thống với phương pháp hiện đại sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Mỗi gia đình cần phải là nơi lưu truyền những giá trị văn hoá dân tộc, đồng thời cũng luôn phấn đấu xây dựng “nếp sống văn minh”, “gia đình văn hoá”.
Gia đình rất cần phải kết hợp chặt chẽ với nhà trường, vì nhà trường là nơi trang bị các kiến thức văn hoá cơ bản cho thanh niên sinh viên. Đa phần thanh niên sinh viên là đối tượng đi học phải sống xa nhà, xa sự quản lý chặt chẽ của gia đình, phải tự lập hơn. Do đó, một môi trường giáo dục hợp lý là nhà trường sẽ phải thường xuyên thông tin, liên lạc với gia đình để gia đình các em có thể nắm bắt chính xác tình hình học tập rèn luyện của con em mình. Trong những trường hợp cần thiết, gia đình và nhà trường sẽ kịp thời phối hợp để giúp đỡ sinh viên. Hơn nữa, khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên còn được học các môn đạo đức, giáo dục ý thức tư tưởng chính trị, hiểu được những giá trị đạo đức phổ quát của nhân loại và thấm nhuần những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc qua các bài học, qua nhiều phong trào của nhà trường. Từ đó, sinh viên nâng cao ý thức đạo đức của mình.
Sinh viên khi phải sống xa gia đình là đồng thời các mối quan hệ xã hội cũng được mở rộng hơn. Một môi trường xã hội lành mạnh cũng là điều kiện rất cần thiết trong việc hình thành và hoàn thiện phẩm chất đạo đức, lối sống mới của thanh niên sinh viên hiện nay. Xã hội là một môi trường rộng
lớn mà ở đó các cá nhân có mối quan hệ giao tiếp với nhau trong học tập, sinh hoạt và thể hiện khả năng của mình. Đối với xã hội, trực tiếp là Nhà nước, cần có những định hướng toàn diện về mặt kinh tế, tư tưởng đạo đức, hệ thống pháp luật, chính sách, chế độ đãi ngộ được thực hiện qua nhà nước, qua mạng lưới tuyên truyền thông tin đại chúng, qua dư luận xã hội,... để xây dựng một môi trường lành mạnh.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục đạo đức truyền thống cho thanh niên sinh viên, trước mắt chúng ta cần giải quyết tốt một số điểm sau đây:
Thứ nhất, trong giáo dục đạo đức cho sinh viên, giữa gia đình, nhà
trường và xã hội phải có sự thống nhất về quan điểm, nội dung, phương pháp, tránh tình trạng phân tán, biệt lập. Gia đình phải luôn nắm được những thông tin từ phía nhà trường, có những hiểu biết nhất định về phía nhà trường để không cản trở con em mình tham gia các hoạt động chính trị - xã hội do Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức. Các bậc phụ huynh cũng phải đổi mới nhận thức, phương pháp giáo dục sao cho phù hợp, tạo sự gần gũi và hiểu con mình hơn, tránh tình trạng có sự xung đột giữa các thế hệ.
Thứ hai, gia đình, nhà trường và xã hội phải nêu cao tinh thần trách
nhiệm trong việc kết hợp giáo dục đạo đức cho thanh niên sinh viên. Đặc biệt, vai trò của các cấp lãnh đạo của Đảng từ cơ quan Bộ đến các trường cao đẳng và đại học phải hết sức nêu cao trách nhiệm của mình, luôn quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức tư tưởng, lối sống lành mạnh cho sinh viên, quan tâm đến nguyện vọng cũng như quyền lợi của sinh viên, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả trong công tác này. Nhà trường là nơi đào tạo con người không chỉ về mặt tri thức mà còn cả về mặt đạo đức. Vì thế, nhà trường cần đảm bảo giữ nề nếp kỷ cương trong học đường, tạo môi trường trong sạch, lành mạnh giúp sinh viên nhận thức được những giá trị đạo đức là cần thiết, là có ý nghĩa với bản thân và xã
hội. Sinh viên sẽ có ý thức tôn trọng những giá trị truyền thống của dân tộc. Giáo dục đạo đức trong nhà trường còn làm cho sinh viên biết yêu quý, cố gắng lĩnh hội và thực hiện các giá trị đạo đức đích thực, không chấp nhận những gì là phản giá trị, có tinh thần đấu tranh bảo vệ và phát triển những giá trị đạo đức truyền thống.
Đối với những thanh niên sinh viên sống trong ký túc xá của các trường cao đẳng và đại học, nhà trường phải luôn luôn quan tâm đến điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần của họ. Các bộ phận làm công tác quản lý sinh viên của trường phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quần chúng, chủ yếu là Đoàn thanh niên và Hội sinh viên để quản lý sinh hoạt ăn ở, học tập, giải trí của sinh viên, luôn luôn cố gắng xây dựng môi trường ký túc xá “Xanh - Sạch - Đẹp”. Nhà trường hàng năm cũng cần phải đầu tư kinh phí để tu bổ, sửa chữa, mở rộng ký túc xá sao cho đáp ứng nhu cầu số lượng sinh viên ngày càng tăng, làm sao cho chất lượng điều kiện sống ở ký túc xá ngày càng cao. Sinh viên sẽ thấy thật sự thoải mái với môi trường sống và học tập. Hơn nữa, trường cũng cần phối hợp với công an phường để quản lý về mặt nhân khẩu và trật tự an ninh xã hội. Mặt khác, bộ phận quản lý ký túc xá cũng cần phối hợp chặt với lực lượng bảo vệ ở nhà trường để giữ gìn trật tự, tài sản cho sinh viên.
Đối với những sinh viên phải thuê nhà trọ ở ngoài thì càng cần được quan tâm nhiều hơn của gia đình, các chủ hộ cho thuê nhà và chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trong việc quản lý các em. Nếu quản lý lỏng lẻo, nhiều sinh viên chưa ý thức hết được vai trò, trách nhiệm của mình sẽ dễ bị mắc vào các tệ nạn xã hội.
Thứ ba, sinh viên là nhóm xã hội có trình độ văn hoá cao, đồng thời
cũng có nhu cầu cao đối với việc hưởng thụ các hình thức văn hoá tinh thần. Họ thích được tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động quần chúng. Do đó, nhà trường mà trước hết là tổ chức Đoàn
thanh niên, Hội sinh viên cần thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí, thể dục thể thao,... để sinh viên có cơ hội vừa rèn luyện sức khoẻ vừa mở rộng giao lưu với xã hội, được thâm nhập thực tế, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.
Tóm lại, việc kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức truyền thống cho thanh niên sinh viên nhằm xây dựng đạo đức mới cho họ là một giải pháp căn bản, cần thiết.