Tổng quan về huyện Ba Vì

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo việc làm để thoát nghèo tại các xã khu vực miền núi trên địa bàn huyện ba vì, thành phố hà nội (Trang 49 - 53)

1.3.1 .Nâng cao thu nhập của người nghèo, giảm tỉ lệ nghèo

2.1. Tổng quan về huyện Ba Vì

2.1.1. Điều kiện tự nhiên của huyện Ba Vì

2.1.1.1. Vị trí địa lý, địa hình

Ba Vì là huyện thuộc vùng bán sơn địa, nằm về phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội, diện tích 424km2. Toàn huyện có 31 xã, thị trấn, phía đông giáp thị xã Sơn Tây, phía nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía tây giáp tỉnh Phú Thọ và phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc. Thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc Hội khóa XII, Ba Vì tái nhập thủ đô Hà Nội vào tháng 8 năm 2008. Địa hình của huyện thấp dần từ phía Tây Nam sang phía Đông Bắc, chia thành 3 tiểu vùng khác nhau: vùng núi, vùng đồi và vùng đồng bằng ven sông Hồng.

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, huyện Ba Vì nằm trong khu vực hành lang xanh và được định hướng phát triển du lịch, các mô hình trang trại, làng nghề truyền thống, các vùng nông nghiệp năng suất cao. Với vị trí như vậy, Ba Vì có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, xã hội.

2.1.1.2. Đất đai, thổ nhưỡng

Đất đai huyện Ba Vì được chia làm hai nhóm, nhóm vùng đồng bằng và nhóm đất vùng đồi núi. Nhóm đất vùng đồng bằng có 12.892 ha, chiếm 41,1%. Nhóm đất vùng đồi núi là 18.478 ha, chiếm 58,9% diện tích đất đai toàn huyện.

2.1.1.3. Khí hậu, thủy văn

Ba Vì nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng với khí hậu mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa, nắng nóng mưa nhiều và có một mùa đông lạnh. Đó là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp nhiệt đới. Các yếu tố khí tượng trung bình nhiều năm đo ở Trạm Khí tượng Ba Vì cho thấy, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 3, với nhiệt độ xấp xỉ 200C , tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất 15,80C; lượng mưa các tháng biến động từ 15,0 đến 64,4mm và tháng mưa ít nhất là tháng 12, chỉ đạt 15mm.

Ba Vì là nơi có mạng lưới thủy văn hết sức độc đáo, xung quang gần như được bao bọc bởi hai dòng sông lớn là sông Hồng và sông Đà. Ngoài ra, trong khu vực còn có nhiều dòng suối nhỏ bắt nguồn từ trên đỉnh núi xuống, mùa mưa lượng nước lớn tạo ra các thác nước đẹp như thác Ao Vua, thác Ngà, thác Khoang Xanh...

2.1.1.4. Mạng lưới giao thông thủy bộ

Ba Vì có hệ thống đường giao thông thuỷ, bộ rất thuận lợi, nối liền các tỉnh Tây Bắc với đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội-trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước, theo hướng từ trung tâm huyện lỵ đi quốc lộ 32 về Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ hoặc ngược lại, Trung Hà đi Tây Bắc. Đồng thời cũng từ trung tâm huyện lỵ theo sông Hồng ngược Trung Hà theo sông Lô, sông Thao lên Tây Bắc, hoặc theo sông Đà đi Hoà Bình-cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có một số tuyến đường tỉnh lộ như 411A,B,C; 412, 413, 414, 415 và các đường liên huyện, đê sông Hồng, sông Đà... rất thuận lợi để thông thương giữa các vùng, miền, các tỉnh, huyện khác. Với những lợi thế về giao thông đường thủy, đường bộ, Ba Vì có điều kiện khá thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa, tiếp thu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật để phát triển kinh tế với cơ cấu đa dạng: nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp.

2.1.2. Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Ba Vì

2.1.2.1. Điều kiện kinh tế

Trong những năm qua, được sự quan tâm của thành phố, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, Ba Vì đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế. Năm 2012, tổng giá trị sản xuất đạt 13.989 tỷ đồng, giá trị tăng thêm đạt 6.756 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt 13.9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng người/năm. Môi trường kinh tế được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao mức sống.

Nông nghiệp với hai sản phẩm đặc trưng của Ba Vì đó là chè với sản lượng đạt 15.510 tấn/năm và sữa tươi đạt 19.333 tấn/năm. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng có mức tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm đạt 340 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Huyện có hai cụm công nghiệp (Cam Thượng và Đồng Giai ở xã Vật Lại) và 12 làng nghề đang hoạt động hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm cho người dân. Dịch vụ du lịch là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng của huyện. Năm 2012, giá trị tăng thêm của ngành này đạt 3.315 tỷ đồng, tăng 22.96% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt 140 tỷ đồng, thu hút 2.2 triệu lượt khách. Huyện có 15 đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch.13

2.1.2.2. Điều kiện văn hóa, xã hội

Huyện Ba Vì có dân cư tương đối đông với 259.860 người (năm 2012). Trên địa bàn huyện có ba dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Mường, Dao. Trong đó, người Kinh chiếm đa số. Người Mường, Dao chủ yếu sống ở khu vực miền núi, hiện còn duy trì những nét sinh hoạt độc đáo... tạo nên sự đa dạng trong đời sống văn hóa các dân tộc huyện Ba Vì nói chung.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội của huyện Ba Vì trong những năm qua có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân ổn định và được cải thiện. Những kết quả đó được phản ánh ở một số mặt:

- Chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả. Năm 2013, giải quyết việc làm cho 8.580 lao động. Thông qua nhiều chương trình, dự án như cho vay tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật…, vấn đề TVL được giải quyết căn bản hơn.

- Sự nghiệp giáo dục được quan tâm, đã có 18 trường trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao. Việc dạy nghề, bồi dưỡng nghề cho đội ngũ lao động luôn được chú trọng.

- Điều kiện y tế và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ngày càng được cải thiện, 23/31 trạm y tế có bác sỹ, 30/31 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xã hội.

- Về văn hóa, đã có 96 làng và 45 cơ quan đạt danh hiệu văn hóa; thể dục thể thao tiếp tục phát triển, đạt nhiều thành tích so với các đơn vị của toàn thủ đô.

Bên cạnh những điểm tích cực trên, trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn tồn tại một số bất cập. Sản xuất nông nghiệp mặc dù chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của toàn huyện nhưng đang đứng trước những khó khăn không nhỏ. Diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người thấp và đang có xu hướng giảm dần. Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã được Nhà nước quan tâm, nhưng nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chậm chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Vấn đề đô thị hóa dẫn tới quá trình thu hồi đất để xây dựng những công trình kinh tế đang khiến cho người nông dân dần mất đất sản xuất. Số lượng người thất nghiệp, thiếu việc làm ngày càng tăng. Tệ nạn xã hội xuất hiện ở các khu vực nông thôn ngày càng nhiều, báo động sự bất ổn về an toàn trật tự tại nhiều vùng nông thôn nói chung.

2.1.3. Các xã miền núitrên địa bàn huyện Ba Vì

2.1.3.1. Địa hình, đất đai

Ba Vì có bẩy xã miền núi, tập trung chủ yếu ở khu vực quanh núi Ba Vì là Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, Ba Trại, Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì. Do đặc thù tự nhiên, các xã trên có địa hình chia cắt, phức tạp, xa trung tâm kinh tế xã hội, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên việc giao lưu kinh tế, tiếp thu khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Ngoài ra, các xã miền núi còn gặp phải tình trạng thiếu nước sinh hoạt, lũ quét, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đây là khu vực có diện tích đất tự nhiên rộng, nhưng diện tích đất canh tác chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, nhất là các xã Ba Vì Xã, Khánh Thượng.

2.1.3.2. Đặc điểm dân số

Người dân các xã miền núi của huyện Ba Vì chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Dao). Do địa hình đồi núi chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên mật độ dân số ở đây thấp (xã Ba Vì 88 người/km2, xã Yên Bài 192 người/km2, Khánh Thượng 280 người/ km2…). Người dân sống phân tán, không tập trung, không theo quy hoạch, chủ yếu sống dọc theo các con suối, nơi có nguồn nước và khu vực có khả năng canh tác. Quy mô gia đình tại đây lớn, với nhiều thế hệ sống cùng một nhà; tỉ lệ trẻ em và người gìa phải nuôi dưỡng cao. Bên cạnh đó, trình độ dân trí còn hạn chế cũng là những yếu tố bất lợi trong việc nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Vì.

2.1.2.3. Đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội

Kinh tế

Bẩy xã khu vực miền núi của huyện Ba Vì nhìn chung có mặt bằng kinh tế thấp hơn các xã khác trên địa bàn huyện. Hoạt động kinh tế chủ yếu ở đây là nông ngiệp (trồng trọt chiếm ưu thế) với không ít khó khăn về điều kiện sản xuất, nhất là thiếu đất sản xuất, bình quân diện tích đất canh tác/người thấp. Mặc dù có lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ nhưng các xã miền núi vẫn chưa khai thác hết tiềm năng để đem lại hiệu quả kinh tế. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Số hộ và số lao động công nghiệp thấp hơn các xã khác trên địa bàn. Theo số liệu thống kê, năm 2012, xã Ba Vì có 88 lao động trong lĩnh vực công nghiệp, số lao động này ở xã Yên Bài và Tản Lĩnh lần lượt là 110 và 165.

Văn hóa, xã hội

Nhờ sự quan tâm đầu tư của thành phố, cùng với những cố gắng của các cấp chính quyền địa phương, nên đời sống văn hóa, xã hội của người dân các xã miền núi đã được cải thiện đáng kể. Các chương trình, dự án phát triển đều được ưu tiên cho nơi đây. Đến nay, 100% các xã đều có trạm biến áp phục vụ nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất. Hầu hết đường giao thông vào các khu du lịch được đầu tư nâng cấp. 100% các xã có đường rải nhựa hoặc đường bê tông đến trụ sở ủy ban nhân dân. Số lượng đường xã, thôn được nhựa hóa và bê tông hóa chiếm 18%.

100% các xã trạm y tế, cơ sở vật chất được tăng cường, 90% số trạm y tế có bác sỹ, 6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Ngoài ra, quanh xã Quang Minh còn có một số phòng khám tư.

Tổng số trường học các cấp của bẩy xã là 32 trường, hiện đã và đang được nâng cấp; chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao.

Các chủ trương XĐGN cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng luôn được triển khai, với việc thực hiện các chế độ, chính sách thường xuyên đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công, người hưởng chính sách xã hội, hộ nghèo.

Mặc dù đời sống văn hóa xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên nhưng nhìn chung, vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Tính đến hết năm 2013, có 16/75 thôn, bản, cụm dân cư của bẩy xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đồng bào các xã còn duy trì nhiều hủ tục lạc hậu trong cách nghĩ, cách làm, tác không động nhỏ đến các hoạt động sinh hoạt và sản xuất. Tại các xã miền núi, người dân có trình độ dân trí thấp, kéo theo tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao…Đây là những khó khăn cần giải quyết để thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của người dân nơi đây.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo việc làm để thoát nghèo tại các xã khu vực miền núi trên địa bàn huyện ba vì, thành phố hà nội (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)