Sự cần thiết phải xây dựng ý thức công dân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng ý thức công dân cho học sinh trung học phổ thông trong điều kiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (nghiên cứu ở thành phố hà tĩnh) (Trang 32 - 35)

1.3. Sự cần thiết và các hình thức xây dựng ý thức công dân cho học sinh

1.3.1. Sự cần thiết phải xây dựng ý thức công dân

Ý thức công dân là thành phần quan trọng trong cấu trúc của nhân cách mỗi người. Do vậy, xây dựng ý thức công dân ở lứa tuổi học sinh là góp phần hình thành nhân cách của các em. Nhân cách chính là tập hợp những phẩm chất, năng lực không phải bất biến của cá nhân mà nó thường xuyên vận động, biến đổi theo chuẩn mực, giá trị xã hội. Điều đó đòi hỏi mỗi cá nhân phải thường xuyên giữ gìn và bảo vệ, đồng thời phải luôn bồi dưỡng, rèn luyện để nhân cách ngày một hoàn thiện hơn. Nhân cách là thuộc tính tâm lý phản ánh bản chất của mỗi người được hình thành và phát triển trong hoạt động và giao tiếp xã hội. Chính trong đời sống, tất yếu mỗi người phải có quá trình hoạt động như lao động, học tập, vui chơi, giải trí... con người nắm lấy kinh nghiệm đời sống xã hội từ đó biến thành vốn sống của cá nhân tùy theo mức độ, phạm vi tham gia các hoạt động xã hội. Vì vậy quá trình giáo dục là nhân tố quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách.

Trong trường THPT học sinh được học rất nhiều bộ môn khác nhau, tất cả các môn học đó đều góp phần xây dựng tư tưởng đạo đức học sinh, bên cạnh đó còn có sự tác động của hoạt động Đoàn. Nhưng môn Giáo dục công dân là môn học trực tiếp giáo dục đạo đức tư tưởng cho học sinh trong đó giáo dục ý thức công dân cho học sinh là nội dung chính, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách cho các em hiện còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài tác động của môi trường gia đình và xã hội thì môi trường nhà trường là vô cùng quan trọng, vì thời gian trong ngày các em gắn bó khá dài tại nhà trường và mối quan hệ xã hội chính là quan hệ bạn bè. Nội dung học tập của các em luôn bao hàm giáo dục ý thức đạo đức để hình thành một nhân cách tốt đẹp, đó chính là một phần đóng góp vào

xây dựng ý thức công dân. Vai trò của việc xây dựng ý thức công dân trong việc hình thành nhân cách được biểu hiện ở những điểm sau:

- Xây dựng ý thức công dân vạch ra chiều hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa, thông qua việc định hình và thực hiện những hành vi cụ thể.

- Góp phần uốn nắn, sửa chữa những phẩm chất tâm lý xấu do tác động tự phát của môi trường gây nên. Đặc biệt là những học sinh cá biệt hoặc đã có những hành vi thái độ chưa đúng, thiếu văn hóa..

- Xây dựng ý thức công dân có thể đi trước hiện thực trong khi tác động tự phát của xã hội chỉ có thể ảnh hưởng tới cá nhân ở mức độ hiện có. Điều này thể hiện rõ trong mục tiêu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Như vậy, xây dựng ý thức công dân góp phần không nhỏ giúp cho mỗi học sinh lĩnh hội tri thức về pháp luật, chính trị xã hội, hình thành kỹ năng sống nhằm giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội mà các em tham gia. Từ đó hình thành trong nhân cách học sinh những phẩm chất tâm lý - tư tưởng cần thiết theo nhu cầu xã hội. Thế hệ học sinh trung học phổ thông hôm nay ngày mai sẽ trở thành những người lao động và chiến sĩ xây dựng và bảo vệ đất nước. Do vậy, xây dựng ý thức công dân còn là việc làm thiết thực đáp ứng yêu cầu đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Những yêu cầu đặt ra trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi nước ta phải có đội ngũ lao động kỹ thuật đủ về số lượng, có kiến thức, kỹ năng nghề thành thạo với cơ cấu và trình độ phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát tiển bền vững của xã hội. Người lao động trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh cần có trình độ ngày càng cao, kỹ năng ngày càng giỏi và phẩm chất nhân cách tốt.

Chiến lược phát triển nhân lực Việt nam thời kỳ 2011 - 2020 xác định mục tiêu: Nhân lực Việt Nam có thể lực tốt, tầm vóc cường tráng, phát triển toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức, có năng lực tự học, tự đào tạo, năng động, chủ động, tự lực, sáng tạo, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng và nhanh chóng tạo được thế chủ động trong môi trường sống và làm việc”,

đồng thời đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 phải xây dựng được ít nhất 10 trường dạy nghề đẳng cấp quốc tế nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động không biên giới.

Chưa lúc nào vấn đề phát triển con người và nguồn nhân lực trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng ở nước ta như như trong giai đoạn hiện nay. Đảng đã khẳng định: Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta, coi việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xây dựng ý thức công dân ngay từ khi những chủ nhân tương lai của đất nước còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp cho các em hiểu được các chủ trương đường lối của Đảng, quyền và nghĩa vụ của công dân, có được ý thức bảo vệ môi trường và lĩnh hội các chuẩn mực đạo đức xã hội để từ đó có quyết tâm thực hiện tốt trách nghiệm và nghĩa vụ của một công dân mẫu mực, trở thành người có ích cho xã hội. Một lần nữa chúng ta phải khẳng định rằng: Hành trang của người lao động trong thời kỳ mới không chỉ có kỹ năng nghề nghiệp mà cần phải có các chuẩn mực đạo đức, sự hiểu biết về pháp luật, có tư tưởng chính trị đúng đắn. Đó chính là những nhân tố tạo nên lập trường và bản lĩnh người lao động trong thời kỳ hội nhập.

Xây dựng ý thức công dân còn nhằm đáp ứng yêu cầu về nội dung giáo dục toàn diện ở nước ta hiện nay. Mục đích của giáo dục là phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, phát triển tối đa tiềm năng con người để mỗi người lao động có khả năng và điều kiện đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự phát triển xã hội. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giáo dục là vấn đề mang tầm chiến lược, nếu mục tiêu và nội dung giáo dục đúng đắn thì sức mạnh con người sẽ được phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Do đó xây dựng ý thức công dân cho học sinh cũng không nằm ngoài mục tiêu trên.

Xây dựng ý thức công dân là nhằm hình thành cho học sinh quan điểm chính trị - tư tưởng, ý thức pháp luật và ý thức đạo đức. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong việc đào tạo, giáo dục để hình thành những thế hệ công dân, người lao động đáp ứng các yêu cầu của xã hội trong hiện tại và tương lai.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng ý thức công dân cho học sinh trung học phổ thông trong điều kiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (nghiên cứu ở thành phố hà tĩnh) (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)