1.4. Nội dung xây dựng ý thức công dân cho học sinh THPT
1.4.3. Xây dựng ý thức pháp luật
Ý thức pháp luật là tồng thể các quan điểm, quan niệm, tư tưởng thịnh hành trong xã hội về pháp luật; là thái độ, tình cảm, sự đánh giá của con người đối với pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể pháp luật, tính hợp pháp hay không hợp pháp qua các hành vi xử sự của con người trong xã hội.
Nội dung xây dựng ý thức pháp luật. Xây dựng ý thức pháp luật là “sự tác động có mục đích, có định hướng tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho mỗi người tri thức pháp luật nhất định để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và xử sự theo yêu cầu của pháp luật”. Đó chính là ý thức chấp hành pháp luật "Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.
Vậy, để xây dựng ý thức pháp luật đạt hiệu quả cao, đối với học sinh bậc THPT cần phải nắm các nội dung cơ bản như: Pháp luật là gì? Pháp luật Việt Nam quy định công dân có quyền và nghĩa vụ gì? Tầm quan trọng của pháp luật đối với công dân, xã hội như thế nào?
- Pháp luật là gì? Đây là khái niệm cơ bản nhất, là cơ sở để hiểu và nắm các khái niệm khác. Nhiều nhà khoa học nghiên cứu và đã đưa ra kết luận như sau: Pháp luật là hệ thống các qui tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội [47, tr. 127-128]. Để làm rõ khái niệm này cần phải tìm hiểu các đặc trưng cơ bản của pháp luật:
+ Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự chung nên nó có tính qui phạm phổ biến. Pháp luật có tính bao quát, rộng khắp, được áp dụng nhiều lần trong không gian và thời gian.
+ Pháp luật được xác định chặt chẽ cả về mặt hình thức pháp lí và hình thức cấu trúc. Pháp luật được qui định thành văn bản rõ ràng, có tên gọi xác định chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
+ Pháp luật được nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước nên có tính bắt buộc chung.
Như vậy nhà nước ban hành pháp luật và nhà nước đảm bảo cho pháp luật được thực hiện. Một mặt, nhà nước tạo điều kiện giúp các chủ thể tự mình thực hiện pháp
luật. Mặt khác, pháp luật là hình thức thể hiện tập trung nhất ý chí của nhà nước nên nó mang tính quyền lực đảm bảo cho pháp luật được thực hiện cả bằng phương pháp thuyết phục và phương pháp cưỡng chế.
- Thực hiện pháp luật “là quá trình hoạt động có mục đích làm cho những qui định của pháp luật đi vào cuộc sống trở thành hành vi hợp pháp của cá nhân, tổ chức [5, tr. 17]. Khi ban hành pháp luật, nhà nước mong muốn sử dụng pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội để đạt mục đích đề ra. Mục đích của sự điều chỉnh pháp luật chỉ đạt được khi pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh trong đời sống thực tế. Thực hiện đúng đắn và nghiêm chỉnh pháp luật là một yêu cầu khách quan của quản lí nhà nước bằng pháp luật.
Ví dụ: Trên đường phố, mọi người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, ô tô tự giác dừng lại đúng qui định, không vượt qua ngã ba, ngã tư khi đang có tín hiệu đèn đỏ. Đó là việc các công dân thực hiện pháp luật giao thông đường bộ.
- Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý:
+ Vi phạm pháp luật “là hành vi trái pháp luật, có lỗi, do người có năng lực trách nhiệm pháp lí thực hiện xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ” [5, tr. 20]. Trong xã hội hiện nay hiện tượng vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng nhiều. Vì vậy, việc làm cho học sinh hiểu khái niệm “Vi phạm pháp luật” là rất quan trọng, trên cơ sở đó giúp các em hiểu nhà nước có thể áp dụng các biện pháp trách nhiệm một cách chính xác nhằm hạn chế tối đa các vi phạm pháp luật và thiết lập trật tự, kỉ cương của xã hội.
Ví dụ: Nguyễn Văn Minh đi xe máy vượt đèn đỏ, cảnh sát giao thông buộc Minh dừng xe để xử lí. Khi đó ta nói Minh là người vi phạm luật giao thông đường bộ và có thể bị xử phạt hành chính.
Vi phạm pháp luật có 3 dấu hiệu:
1/ Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật (làm điều pháp luật cấm, thực hiện không đúng điều mà pháp luật cho phép, không thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật đã qui định măc dù cần phải và có thể thực hiện nghĩa vụ đó).
2/ Do người có năng lực trách nhiệm pháp lí (là người phát triển bình thường như: Đủ độ tuổi: tùy vào loại vi phạm mà pháp luật có quy định độ tuổi khác nhau;
có khả năng nhận thức điều khiển hành vi; Có khả năng quyết định và lựa chọn cách xử sự) thực hiện.
3/ Là hành vi có lỗi: lỗi là trạng thái tâm lí phản ánh thái độ tiêu cực của chủ thể đối với hành vi trái pháp luật của mình và đối với hậu quả của hành vi đó. Lỗi có thể là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc là cố ý gián tiếp) hoặc là vô ý (do quá tự tin hoặc là do cẩu thả).
+ Trách nhiệm pháp lí "có nghĩa là nghĩa vụ mà các chủ thể phải gánh chịu hậu quả bất lợi khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình theo pháp luật qui định” [11, tr. 58]. Trách nhiệm pháp lý có nhiều mức độ khác nhau tùy theo các hành vi vi phạm như: vi phạm hình sự, dân sự, hành chính, kỷ luật.
Thứ hai, vai trò của pháp luật.Pháp luật là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với cơ sở hạ tầng và các bộ phận khác của kiến trúc thượng tầng. Vì lẽ đó pháp luật có vai trò to lớn trong đời sống xã hội. Vai trò của pháp luật được thể hiện trên nhiều phương diện nhưng có thể tập trung ở những mặt sau:
- Pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lí xã hội. Một đất nước giàu mạnh, một xã hội văn minh dân chủ thì trước hết xã hội đó phải có kỉ cương, trật tự và ổn định. Muốn vậy nhà nước phải quản lý có hiệu quả mọi mặt của đời sống xã hội bằng nhiều phương tiện trong đó pháp luật là phương tiện quản lí hữu hiệu nhất. Chính vì vậy pháp luật có vai trò quan trọng đối với nhà nước như sau:
+ Pháp luật là phương tiện hữu hiệu để nhà nước thực hiện chức năng tổ chức, quản lí kinh tế.
+ Pháp luật là phương tiện để nhà nước giữ vững an ninh, chính trị bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
+ Pháp luật là phương tiện hoàn thiện chủ thể quản lí. Muốn vậy, chỉ có thể thực hiện trên cơ sở những nguyên tắc và qui định cụ thể của pháp luật. Pháp luật qui định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo cho nhà nước được tổ chức gọn nhẹ và hoạt động có chất lượng cao.
Từ đây giúp học sinh rút ra kết luận tất yếu là con người, xã hội muốn tồn tại và phát triển thì không thể tách rời pháp luật, ai đứng ngoài pháp luật sớm muộn cũng bị đào thải chừng nào xã hội vẫn còn giai cấp.
- Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình: Ở nước ta các quyền về con người (kinh tế, chính trị, văn hóa ...) được tôn trọng, được qui định trong Hiến pháp và pháp luật. Thông qua các qui định đó công dân thực hiện các quyền của mình.
Pháp luật qui định các quyền và nghĩa vụ của công dân, chỉ ra cách thức để công dân thực hiện các quyền đó, cũng như trình tự thủ tục pháp lí để công dân yêu cầu nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Mặt khác, pháp luật còn qui định các biện pháp ngăn chặn, trừng trị những hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Chính vì vậy, bất kể là ai, dù làm việc gì, ở đâu, cũng phải làm đúng theo pháp luật. Đó là chuẩn mực để đánh giá một công dân tốt, một xã hội lành mạnh, một đất nước phát triển.
Thứ ba, Một số nội dung cơ bản về quyền và nghĩa vụ của công dân.
- Quyền bình đẳng của công dân là quyền thiêng liêng cơ bản nhất của con người. Quyền bình đẳng của con người được thực hiện ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mà trước tiên và cơ bản nhất là quyền bình đẳng trước pháp luật.
+ Bình đẳng trước pháp luật có nghĩa là mọi công dân nam, nữ thuộc các dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội khác nhau đều không bị phân biệt đối xử trong hưởng quyền, thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lí theo qui định của pháp luật. Quyền của công dân không tách rời với nghĩa vụ của công dân, tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân còn phụ thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của mỗi cá nhân. Thực hiện sự bình đẳng về trách nhiệm pháp lí là điều kiện cho công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, làm cho pháp luật được tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm minh, công bằng ở mọi nơi, không phân biệt chức vụ, địa vị, tầng lớp và nghề nghiệp... [11, tr. 74-76].
Quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân được thể hiện trong mọi mặt của đời sống xã hội; đây chính là thể hiện sự bình đẳng giữa mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội, là một nhu cầu tự nhiên và cũng là ước mơ cháy bỏng của nhân loại tiến bộ. Đối với nước ta bình đẳng không chỉ là nguyên tắc trong hoạt động của công dân, của hệ thống chính trị mà còn là mục tiêu của chế độ xã hội. Quyền bình
đẳng của công dân được qui định và bảo vệ bằng pháp luật đã và đang thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta, đó là động lực quan trọng trong công cuộc xây dựng CNXH. Bình đẳng của công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội được thể hiện một số lĩnh vực cơ bản sau:
Bình đẳng trong Hôn nhân và Gia đình có nghĩa là bình đẳng về nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa các thành viên trong gia đình trên cơ sở nguyên tắc dân chủ, công bằng tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt đối xử trong các quan hệ ở phạm vi gia đình và xã hội [5, tr. 33]. Để thực hiện quyền bình đẳng trong gia đình cần phê phán một số quan điểm gia trưởng, quan điểm trong gia đình một chiều, thiếu dân chủ. Bình đẳng trong lao động là "bình đẳng giữa mọi công dân trong thực hiện quyền lao động thông qua tìm kiếm việc làm, bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động, bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ trong mọi cơ quan, doanh nghiệp trong phạm vi cả nước" [5, tr. 35]. Sự bình đẳng đó của công dân được pháp luật ghi nhận trong Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp...
Quyền bình đẳng giữa các dân tộc và tôn giáo. Quyền này xuất phát từ quyền con người. Nước ta là một nước nhiều dân tộc và có nhiều tôn giáo, đây là cơ sở để đoàn kết giữa các dân tộc và các tôn giáo.
Tóm lại, quyền bình đẳng là quyền thiêng liêng của con người, trong xã hội ta mọi người đều được quan tâm, tôn trọng đây là cơ sở quan trọng nhất để họ có điều kiện phát triển, đây là nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Việc giảng dạy giúp các em có quan niệm đúng đắn trong cuộc sống, trong đối nhân xử thế giữa con người với con người, biết đấu tranh phê phán các hiện tương lạm quyền hoặc lợi dụng quyền từ đó biết cách phải làm gì để bảo vệ các quyền chính đáng của mình.. - Quyền tự do cơ bản của công dân. Con người sống trong xã hội tồn tại với 2 tư cách: thứ nhất là thành viên của cộng đồng (gia đình, tập thể nơi mình sinh sống và làm việc, dân tộc ...), họ được đối xử bình đẳng. Thứ hai là tư cách cá nhân (cá thể người) là những con người cụ thể, có những nét riêng về cả thể chất và tinh thần. Vì lẽ đó họ phải được pháp luật bảo vệ những cái gì thiết thực liên quan đến một con người cụ thể. Để hiểu pháp luật Việt Nam đã có những quy định gì để bảo vệ quyền của cá nhân chúng ta hãy tìm hiểu quyền tự do cơ bản của công dân.
+ Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong các quyền tự do cá nhân quan trọng nhất được ghi nhận ở Điều 71 của Hiến pháp năm 1992 và được cụ thể hóa ở Điều 6 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể có nghĩa là không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp tội phạm đang bị truy nã. Việc qui định quyền này nhằm trừng trị những người tùy tiện bắt người trái qui định của pháp luật, nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên của mỗi người.
+ Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Cá nhân là một con người cụ thể có những nét riêng về cả thể chất lẫn tinh thần vì vậy pháp luật không chỉ qui định quyền bất khả xâm phạm về thân thể mà còn qui định quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Có nghĩa là công dân được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, không ai được xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm người khác.
Đối với mỗi một con người thì tính mạng và sức khỏe có vai trò hết sức quan trọng, nó làm tiền đề cho tất cả các hoạt động của con người, nếu tính mạng và sức khỏe của con người bị đe dọa thì xã hội sẽ mất ổn định, thiếu lành mạnh. Chính vì lẽ đó pháp luật Việt Nam đưa ra các điều qui định [Điều 104,108 của Bộ luật Hình sự] nhằm nghiêm cấm các hành vi làm tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của người khác, bất kể họ là ai, là người có quyền hay một người bình thường trong xã hội. Mọi hành vi xâm phạm đến danh dự và nhân phẩm người khác là trái với đạo đức và vừa là vi phạm pháp luật, phải bị xử theo pháp luật. Việc pháp luật qui định quyền này nhằm xác định địa vị pháp lí của công dân trong mối quan hệ với người khác, bảo vệ và tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân, đề cao nhân tố con người trong nhà nước Pháp quyền XHCN. Đây là thể hiện bản chất ưu việt của chế độ XHCN.
+ Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, và bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại và điện tín. Với tư cách là con người, mỗi cá nhân tồn tại gắn liền thân thể, danh dự, nhân phẩm với đời sống vật chất và tinh thần của mình. Vì lẽ đó
pháp luật Việt Nam qui định công dân được bảo vệ về chỗ ở và được bảo đảm an toàn và bí mật thư tin, điện thoại và điện tín. Đó là những phương tiện rất cần thiết trong cuộc sống được con người sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy pháp luật bảo vệ các quyền đó.
+ Quyền tự do ngôn luận được thể hiện qua nhiều hình thức: Công dân có thể trực tiếp phát biểu ý kiến tại các cuộc họp hoặc có thể viết bài đăng báo, có thể góp ý kiến, kiến nghị về Đại biểu quốc hội. Quyền tự do ngôn luận là quyền không thể thiếu trong một xã hội dân chủ, là chuẩn mực của xã hội mà trong đó công dân có