Các hình thức xây dựng ý thức công dân cho học sinh THPT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng ý thức công dân cho học sinh trung học phổ thông trong điều kiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (nghiên cứu ở thành phố hà tĩnh) (Trang 35 - 39)

1.3. Sự cần thiết và các hình thức xây dựng ý thức công dân cho học sinh

1.3.2. Các hình thức xây dựng ý thức công dân cho học sinh THPT

Xây dựng ý thức công dân cho học sinh THPT đó chính là xây dựng ý thức chính trị - tư tưởng, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật. Vậy để xây dựng ý thức công dân cho học sinh đạt kết quả cao, để những nội dung, kiến thức bài giảng đi vào cuộc sống bằng những hành động, việc làm cụ thể thì đây là một vấn đề vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có phương pháp, cách thức tiến hành cụ thể, đúng đắn. Đồng thời phải xác định rằng trách nhiệm này không phải chỉ ở nhà trường mà còn ở cả gia đình và xã hội. Cụ thể là:

Thứ nhất Gia đình: Gia đình có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với mỗi người. Gia đình là cái gốc của con người trong suốt cuộc đời, là điểm tựa, là cội nguồn của tình cảm, là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách ở mỗi người. Giáo dục gia đình là hoạt động giáo dục bằng những tác động có định hướng và bằng ảnh hưởng của lối sống diễn ra hằng ngày trong gia đình. Nếu một cá nhân từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành được tiếp thu một nền giáo dục tốt sẽ sớm phát triển nhân cách theo hướng tích cực. Ngược lại, nếu tiếp nhận những ảnh hưởng không tốt, thiếu kiến thức và phương pháp khoa học thì sớm muộn cũng nảy sinh những hiện tượng tiêu cực.

Sự tác động của gia đình không thể xác định trước về thời gian…Tất cả những gì xảy ra trong đời sống, nếp sống của gia đình đều có ý nghĩa giáo dục. Vì vậy xây dựng ý thức công dân cho học sinh trước hết phải bắt đầu từ gia đình. Trong gia đình từ cách ăn ở phải gọn gàng, ngăn nắp đến cách cư xử phải có sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên, có ý thức tôn trọng pháp luật và các chuẩn mực của đời sống cộng đồng để tạo nếp sống quen thuộc cho trẻ.

Giáo dục của gia đình chủ yếu diễn ra theo cơ chế bắt chước (tác động dưới hình thức nêu gương). Hành vi của con trẻ chính là sự phản chiếu lại tấm gương của người lớn. Sự bắt chước và đồng nhất theo hình mẫu người lớn chỉ có thể diễn biến theo hướng tích cực khi những lời dạy bảo của người lớn thống nhất với cách ứng xử và hành động của họ. Do đó, cha mẹ luôn là tấm gương sáng cho con noi theo,

với cha mẹ lời nói phải luôn đi đối với việc làm, đã nói là phải làm. Bởi chính những hành động của cha mẹ là bài học thực tế nhất cho con học hỏi.

Giáo dục của gia đình chủ yếu dựa trên cơ sở tình cảm. Tình cảm là sắc thái đặc trưng nhất của đời sống gia đình, giúp phân biệt gia đình với các thiết chế xã hội khác. Tình cảm gia đình được xây dựng trên cơ sở sự hiểu biết, tôn trọng và quan tâm đến nhau của mọi thành viên trong gia đình. Cho nên trong gia đình cha mẹ luôn phải yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau để làm gương cho con trẻ. Bên cạnh đó cha mẹ phải quan tâm, chăm sóc con cái, đồng hành cùng con, là người bạn để hiểu và chia sẻ những tâm tư của con mình, cùng con tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống, uốn nắn con khi có nhưng suy nghĩ hành động chệnh hướng. Chính sự giáo dục bằng tình cảm là cơ sở xây dựng tình cảm trong mỗi con người, giúp cho con biết yêu thương, biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh hơn. Bởi trên thực tế, những trẻ em trẻ thiếu tình cảm của gia đình thường có biểu hiện phá phách, ngỗ ngược, ngang bướng, thậm chí tỏ thái độ bất cần. Chúng dễ dàng vi phạm pháp luật khi bị rủ rê, lôi kéo. Theo số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được sự quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn của gia đình.

Tác động giáo dục của gia đình không chỉ là việc gia đình đơn phương thực hiện chức năng của mình mà còn đòi hỏi ở việc gia đình phải biết phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ. Thực tiễn cũng đã chứng minh hiệu quả giáo dục sẽ được nâng cao khi gia đình có ý thức về sự phối hợp đó. Việc thường xuyên duy trì mối quan hệ với nhà trường (thông qua thầy cô giáo) sẽ giúp gia đình nắm được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường ở các em nhằm điều chỉnh, uốn nắn, giúp các em vượt qua khó khăn trong học tập, sinh hoạt. Thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho thấy, người chưa thành niên có hành vi lệch chuẩn thường rơi vào hoàn cảnh gia đình không quan tâm đến việc học hành của con, phó mặc việc giáo dục cho nhà trường, khi các em có hành vi lệch lạc, không có ý thức phối hợp với nhà trường để giúp đỡ các em tiến bộ.

Sự phát triển chưa toàn diện của người chưa thành niên là đặc điểm quan trọng để Đoàn thanh niên cũng như các cơ quan, tổ chức xã hội khác giúp các em phát triển các tố chất cần thiết nhằm hoàn thiện nhân cách của mình. Vì vậy, gia đình phải phối hợp với các tổ chức nói trên, giúp các em tham gia vào các sinh hoạt lành mạnh. Trường hợp các em có biểu hiện lệch lạc, gia đình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giúp các em sửa chữa khuyết điểm, vượt qua khó khăn.

Như vậy, để xây dựng ý thức công dân cho học sinh thì yếu tố gia đình chính là cơ sở, là nền tảng quan trọng. Nếu trong gia đình cha mẹ và những thành viên khác trong gia nhận thức được một cách đúng đắn vai trò quan trọng của gia đình để làm tốt những vấn đề trên, đồng thời biết phối hợp với nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục chắc chắn rằng sẽ đạt kết quả rất cao.

Thứ hai: Nhà trường: Nhà trường là nơi chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc truyền đạt kiến thức, điều đó được biểu hiện cụ thể qua vai trò của người thầy thông qua hoạt động dạy học - tức dạy chữ. Vì vậy người giáo viên phải luôn trau dồi chuyên môn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, nắm vững kiến thức, xác định đúng trọng tâm kiến thức bài học, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực học sinh để gây hứng thú trong quá trình dạy và học.

Xây dựng ý thức công dân với nội dung chính nằm trong chương trình môn GDCD, vì vậy nâng cao vai trò, vị thế của môn, từng bước xóa bỏ suy nghĩ đây là môn phụ là việc cần thiết. Để làm được điều đó vai trò của Ban giám hiệu trong nhà trường vô cùng quan trọng, sự quan tâm, động viên, khích lệ của ban giám hiệu chính là cách thức nâng cao tầm quan trọng của môn học.

Ngoài ra lồng ghép nội dung thông qua các môn học khác để tạo nên kiến thức liên môn, thông qua đó học sinh có thể khắc sâu nội dung kiến thức. Đồng thời việc xây dựng ý thức công dân cho học sinh bằng cách thông qua các hoạt động ngoại khóa, chuyên đề, tạo những sân chơi bổ ích, lành mạnh. Tích cực tham gia các cuộc thi với chủ đề liên quan như tìm hiểu pháp luật....tăng cường giáo dục kỹ năng sống...

Xây dựng ý thức công dân cho học sinh đóng vai trò quan trọng nhằm góp phần vào việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức, về thế giới quan, nhân sinh quan, về ước mơ lý tưởng… Để thực hiện được điều đó đòi hỏi người giáo viên phải gương mẫu trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định pháp luật, thông qua việc làm, tác phong, nếp sống, bằng cả cuộc đời gắn bó, yêu thương học trò - tức dạy người. Thầy cô không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn là hình mẫu về lao động, về nhân cách, trí tuệ để học sinh hướng tới và noi theo. “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu” và “người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang…” [29, tr.331-332].

Ý thức công dân đó chính là sự hình thành, phát triển nhân cách của thế hệ trẻ và thông qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, của đất nước trong tương lai. Vì vậy giáo viên phải là cầu nối rất quan trọng trong việc phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội. Chính sự phối hợp thường xuyên này sẽ giúp gia đình, nhà trường và xã hội có được thông tin cần thiết về học sinh; từ đó lựa chọn biện pháp tác động phù hợp, nhất là đối với học sinh có biểu hiện lệch lạc trong lối sống, trên cơ sở đó xác định được những việc cần làm để hỗ trợ nhà trường trong việc giáo dục. Vai trò quan trọng này thể hiện ở chỗ nhà trường chủ động tổ chức, điều hòa, phối hợp hoạt động giáo dục với các chủ thể khác, đôn đốc thực hiện, tổ chức kiểm tra, đánh giá và sơ kết, tổng kết công tác phối hợp, từ đó rút ra bài học tăng cường và nâng cao chất lượng giáo dục và trách nhiệm của các chủ thể giáo dục.

Thứ ba: Xã hội: Sự hình thành ý thức công dân của mỗi người diễn ra trong một thời gian dài và quá trình đó thường xuyên chịu sự tác động, chi phối của nhiều môi trường: môi trường gia đình, môi trường học tập, sinh hoạt, lao động, môi trường xã hội...“Nếu môi trường gia đình là nơi nảy sinh và ươm mầm thì môi trường xã hội lại chính là mảnh đất quyết định sự phát triển của nhân cách” [25, tr.45] bởi vì con người luôn gắn liền với xã hội, hòa vào đời sống xã hội. Nếu các nhân tố tiến bộ trong xã hội chiếm ưu thế thì đó là điều kiện cơ bản đảm bảo sự phát triển nhân

cách theo hướng tích cực. Vì vậy đối với xã hội để góp phần xây dựng ý thức công dân cho học sinh đạt kết quả cao xã hội phải thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình bằng cách tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn,tạo điều kiện tốt nhất cho mọi cá nhân sống trong xã hội phát triển toàn diện.

Như vậy xây dựng ý thức công dân cho học sinh không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ riêng của gia đình và nhà trường mà cần phải phát huy vai trò của xã hội. Luật giáo dục 2005 xác định “Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” [33, Điều 3]. Có như vậy mới đạt được kết quả cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng ý thức công dân cho học sinh trung học phổ thông trong điều kiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (nghiên cứu ở thành phố hà tĩnh) (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)