1.1. Huy động vốn của ngân hàng thương mại
1.1.3. Vai trò hoạt động huy động vốn của ngân hàng thương mại
Huy động vốn có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với ngân hàng, doanh nghiệp, mà thậm chí cả với nền kinh tế. Để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, ngân hàng cũng như các tổ chức kinh tế không chỉ dựa vào nguồn vốn tự có mà luôn tìm các huy động nguồn vốn từ cá nhân, tổ chức trong xã hội, cụ thể:
- Đối với NHTM
Nguồn vốn của NHTM bao gồm hai loại chính nếu phân chia làm hai loại hình thức sở hữu: Nguồn vốn chủ sỡ hữu và các khoản huy động. Khác với nhiều loại hình doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu thường chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn, các khoản huy động là nguồn vốn chủ yếu của ngân hàng. Chất lượng và số lượng của nó ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng và số lượng các khoản cho vay và đầu tư. Phần lớn các khoản huy động của ngân hàng liên quan đến chi phí trả lãi. Chi phí trả lãi là bộ phận chi phí lớn nhất đối với ngân hàng, vì vậy có ảnh hưởng quyết định đối với thu thập của ngân hàng. Phải khẳng định rằng huy động vốn là một trong những hoạt động không thể thiếu và quan trọng nhất của NHTM. Đối với các NHTM, nhu cầu sử dụng vốn để thực hiện cho vay, đầu tư và cung ứng
các dịch vụ ngân hàng hình thành cơ sở ban đầu để kinh doanh. Vì vậy, các ngân hàng cần phải huy động thêm vốn. Nói cách khác, vốn huy động được giúp ngân hàng có đủ vốn kinh doanh, mở rộng thị phần, giữ thế chủ động trong kinh doanh và gia tăng lợi nhuận, đảm bảo khả năng thanh khoản, quyết định năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng, tôn trọng các cam kết của ngân hàng với khách hàng.
Do vậy, hoạt động huy động vốn là một khâu quan trọng của các NHTM và nó quyết định rất lớn đến thành công hay thất bại của ngân hàng.
- Đối với khách hàng
Nghiệp vụ huy động vốn không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với ngân hàng mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với khách hàng. Nghiệp vụ huy động vốn cung cấp cho khách hàng một kênh tiết kiệm và đầu tư nhằm làm cho tiền của họ sinh lợi, tạo cơ hội cho họ có thể gia tăng tiêu dùng trong tương lai. Mặt khác, nghiệp vụ huy động vốn còn cung cấp cho khách hàng một nơi an toàn để cất trữ và tích lũy vốn tạm thời nhàn rỗi. Cuối cùng, nghiệp vụ huy động vốn giúp khách hàng có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ khác của ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán qua ngân hàng và dịch vụ tín dụng khi khách hàng cần vốn cho sản xuất, kinh doanh hoặc cần tiền cho tiêu dùng.
- Đối với nền kinh tế
Hoạt động huy động vốn của NHTM có vai trò giúp chuyển những khoản dự trữ, tiết kiệm thành những khoản đầu tư, chuyển những khoản vốn nhỏ lẻ nằm rải rác trong xã hội thành những khoản vốn lớn đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Chính nhờ hoạt động huy động vốn mà người ta mới tiến hành phân biệt giữa ngân hàng với các loại hình tổ chức tài chính khác như công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, bảo hiểm nhân thọ…
Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển kinh tế bền vững Chính phủ phải tạo đượccác kênh huy động vốn hiệu quả, có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh. Do vậy, các tổ chức tài chính nói chung, các NHTM nói riêng cần thiết phải tăng cường khả năng huy động vốn của mình. Thực tế cho thấy, hoạt động
huy động vốn của các NHTM hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự pháp triển trong nền kinh tế.