Đất canh tác có thể bị bạc màu, nhiễm bẩn do tập quán không vệ sinh, do hoạt động nông nghiệp với phương thức canh tác lạc hậu, do xả thải không hợp lí
vào đất v.v… gây nên. Ngoài ra ô nhiễm đất do lũ lụt gây xói mòn, do chất ô nhiễm không khí lắng đọng lên mặt đất gây nên. Các nguồn gốc gây ô nhiễm bao gồm : a - Do hoạt động nông nghiệp
Phương thức canh tác lạc hậu đốt phá rừng làm nương rẫy, du canh, trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày trên vùng đất dốc đã tàn phá đất đai. Với lượng mưa lớn tập trung trong khoảng thời gian ngắn gây lũ lụt làm xói mòn làm cuốn trôi phù sa trên diện tích lớn.
Việc xây dựng hệ thống tưới tiêu không hợp lí gây thóai hóa môi trường, tạo nên những vùng đất phèn có độ pH thấp rất khó canh tác. Sự hóa phèn của đất màø một trong các nguyên nhân gây nên là tiêu nước triệt để, lớp đất hữu cơ che phủ bị rửa trôi, đất bị phơi ra ánh sáng, các hợp chất chứa S bị oxy hóa thành H2SO4 axid này phản ứng với Al và Fe có sẵn trong keo đất tạo thành các sunfat.
Việc sử dụng phân bón hóa học không đúng qui cách, việc dùng thuốc trừ sâu và diệt cỏ v.v… đã làm ô nhiễm đất.
b - Các hoạt động công nghiệp
Các hoạt động công nghiệp xả vào đất một lượng lớn phế thải thông qua ống khói, hệ thống thoát nước, bãi tập trung rác … , chúng làm thay đổi thành phần của đất, thay đổi pH, quá trình nitrat hóa … , hệ sinh vật đất cũng bị ảnh hưởng.
Quá trình khai khóang gây ô nhiễm đất nhiều nhất. Do khai mỏ một lượng lớn phế thải được đưa từ lòng đất lên bề mặt, thảm thực vật trong khu vực khai khóang bị phá hủy làm đất bị xói mòn. Ngoài ra một lượng lớn phế thải, xỉ quặng theo khói và bụi bay trong không khí rồi sau đó lắng đọng làm cho đất bị ô nhiễm ở qui mô rộng hơn.
Các loại phế thải rắn được tạo nên trong hầu hết các giai đoạn công nghệ cũng như trong quá trình sử dụng sản phẩm. Chúng được tập trung tại nhà máy hoặc vận chuyển khỏi khu vực, rồi sau đó bằng cách này hay cách khác cũng trở lại môi trường đất. Theo tính chất lý hóa, các phế thải công nghiệp được chia thành 4 loại : - Phế thải vô cơ từ các nhà máy, xí nghiệp mạ điện, thủy tinh, công nghiệp giấy, cặn xỉ các trạm xử lý nước …
- Phế thải khó phân hủy : dầu mỡ trong nước, sợi nhân tạo, phế thải công nghiệp da …
- Phế thải dễ cháy : từ nhà máy lọc dầu, sửa chửa xe máy, sản xuất máy lạnh, thực phẩm …
- Phế thải đặc biệt độc hại : phế thải tác động mạnh, phế thải chất phóng xạ … Đặc điểm của chất thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đất là đa dạng về thành phần và kích thước, không tập trung, nhiều nguồn gốc. Do đó biện pháp xử lý rất phức tạp.
Các hoạt động công nghiệp còn gây ô nhiễm gián tiếp môi trường đất : xả khí độc H2S, SO2 … từ các nhà máy xí nghiệp là nguyên nhân gây mưa axid làm chua đất, kìm hãm sự phát triển của thực vật.
Các hoạt động xây dựng công nghiệp như bến bãi, đường xá, nhà máy.… , phá hủy thảm thực vật và cảnh quan khu vực, làm thay đổi địa hình, cản trở dòng chảy, gây xói mòn đất v.v…
Hàng ngày con người thải một lượng lớn các phế thải sinh hoạt rắn vào môi trường, cuối cùng bằng nhiều con đường trở lại về đất.
Trong sinh hoạt đô thị rác và phân phế thải có hàm lượng chất hữu cơ lớn, độ ẩm cao. Đây là môi trường cho các loại vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Môi trường đất bị ô nhiễm do các tác nhân : vi khuẩn gây bệnh, các chất độc hại, các tạp chất rắn vô cơ phế thải bền vững.
Đất là môi trường cho các loại vi khuẩn phát triển. Hệ vi sinh vật đất rất đa dạng về chủng loại và phong phú về số lượng, các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển tốt trong đất bị nhiễm bẩn, các phế thải hữu cơ như phân rác, phế thải công nghiệp thực phẩm … Ngoài ra các côn trùng gây bệnh cũng phát triển trong đất nhiễm bẩn này. Điều kiện phát triển của mỗi loại vi khuẩn gây bệnh phụ thuộc lượng mưa, nhiệt độ, thực vật, ánh sáng, độ ẩm v.v…
Để chỉ thị cho độ nhiễm bẩn phân của đất, người ta dùng hàm lượng vi khuẩn E. Coli và P. Bact.
Các chất độc hại như thuốc trừ sâu, diệt cỏ và các phế thải độc hại rắn công nghiệp có thể được tích tụ lại trong môi trường đất và gây ô nhiễm theo một chuỗi thực phẩm. Các chất độc hại nguy hiểm như DDT, Endrin … thường được tích tụ trong nước và đất, được sinh vật hấp thụ và gây ô nhiễm thực phẩm. Việc sử dụng với lượng lớn thuốc trừ sâu và diệt cỏ sẽ làm rối loạn một phần sự cân bằng sinh thái, tiêu diệt nhiều sinh vật ngoài đối tượng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Các chất hóa học mang tính độc hại cao đối với môi trường đất là As, F, Pb. Chúng được thực vật hấp thụ và qua động vật ăn cỏ ( thịt, sữa ) đi vào cơ thể người. Các chất phóng xạ qua chất thải và các vụ nổ Hạt nhân có thể lắng xuống đất và được tích tụ ở mặt đất và được một số thực vật hấp thụ gây nguy hại cho động vật ăn cỏ.
Các chất rắn vô cơ kích thước lớn như phế thải vật liệu xây dựng, Polyetylen, nhựa tổng hợp v.v… rất bền vững trong đất, chúng rất khó bị phân hủy và vì thế ngăn cản sự phát triển của thảm thực vật, thay đổi cấu trúc đất và địa hình.
§ 2 CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẤT