Nguyên tắc xác định thiệt hại gây ra đối với ngành sản xuất nội địa

Một phần của tài liệu thực tiễn chống bán phá giá trong thương mại quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với việt nam (Trang 91 - 92)

Sau khi xác định được phạm vi và quy mô của ngành sản xuất nội địa cũng như các doanh nghiệp nội địa sản xuất ra sản phẩm tương tự, bước tiếp theo được tiến hành sẽ là xác định thiệt hại mà ngành sản xuất nội địa đang phải gánh chịu từ khi có sự xuất hiện của hàng hóa BPG. Quá trình tiến hành xác định thiệt hại phải được thực hiện trên cơ sở hai nguyên tắc căn bản do WTO quy định và đã được nội luật hóa ở hầu hết các nước thành viên, đó là nguyên tắc “bằng chứng thuyết phục” (positive evidence) và nguyên tắc “xem xét khách quan” (objective examination) (Điều 3.1, ADA 1994).

Nội dung của nguyên tắc “bằng chứng thuyết phục” là việc xác định thiệt hại phải được tiến hành dựa trên các bằng chứng có tính thuyết phục đối với không những các cơ quan có thẩm quyền mà ngay cả đối với các bên đang tham gia vào vụ kiện. Các án lệ của WTO cũng đã chỉ rõ, chứng cứ được coi là có sức thuyết phục là các chứng cứ có đầy đủ bốn phẩm chất sau đây [113]:

- Thứ nhất: chứng cứ phải mang tính khẳng định (affirmative) - Thứ hai: chứng cứ phải mang tính khách quan (objective)

- Thứ ba: chứng cứ phải có tính xác định được (verifiable), nghĩa là chứng cứ phải mang tính định lượng, phải đo đếm được.

- Thứ tư: chứng cứ phải đáng tin cậy (credible)

Tuy có những tiêu chuẩn khá chặt chẽ đối với đặc điểm của các chứng cứ, song về mặt phạm vi thì pháp luật của WTO, Hoa Kỳ và EU lại quy định khá rộng rãi về phạm vi các chứng cứ có thể được sử dụng để xác định thiệt hại do hành vi BPG gây ra. Ví dụ trong vụ Thái lan kiện H-Beams, Cơ quan phúc thẩm của WTO đã ra phán quyết theo chiều hướng mở rộng phạm vi chứng cứ mà cơ quan có thẩm quyền quốc gia có thể sử dụng.

Nguyên tắc “xem xét khách quan” đề cập trực tiếp tới cách thức tiến hành quá trình điều tra. Theo đó, tất cả các công đoạn của quá trình điều tra, bao gồm thu thập chứng cứ, xem xét và đánh giá chứng cứ, phải được tiến hành một cách trung thực và công bằng. Quá trình điều tra không được thể hiện sự thiên vị hoặc nhằm tới việc làm lợi cho bất kỳ bên nào hoặc nhóm lợi ích nào.

Một phần của tài liệu thực tiễn chống bán phá giá trong thương mại quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với việt nam (Trang 91 - 92)