Khái niệm ngành sản xuất nội địa là khái niệm khởi đầu và là nền tảng cho hoạt động xác định thiệt hại của hàng hóa BPG do cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu tiến hành. Ngành sản xuất nội địa chính là đối tượng trực tiếp gánh chịu thiệt hại mà hàng hóa BPG gây ra đối với nền kinh tế nước nhập khẩu. Mức độ thiệt hại mà ngành công nghiệp này phải gánh chịu sẽ là cơ sở trực tiếp để xác định liệu hàng hóa BPG có đáng bị trừng phạt không và quy mô của biện pháp chế tài sẽ như thế nào. Chính vì vậy, có thể nói việc xác định phạm vi, quy mô của ngành sản xuất nội địa đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ của biện pháp chế tài chống BPG sau này.
ADA tại Điều 4.1 quy định: “ngành sản xuất nội địa” được hiểu là tổng thể các nhà sản xuất trong nước của nước nhập khẩu sản xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra hoặc một số trong số đó có tổng sản phẩm chiếm phần lớn trong tổng sản phẩm quốc nội của sản phẩm đó, trừ trường hợp ngoại lệ.
Pháp luật của Hoa Kỳ và EU về cơ bản đưa trọn vẹn quy định này vào pháp luật của mình. Theo đó, “ngành sản xuất nội địa” trong một vụ kiện BPG thông thường được xác định theo hai cách.
Cách thứ nhất, ngành sản xuất nội địa là tổng thể các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự với hàng hóa BPG ở nội địa. Khi khoanh vùng ngành sản xuất nội địa, cơ quan có thẩm quyền phải đưa vào tất cả các doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm tương tự trên toàn bộ lãnh thổ của nước nhập khẩu. Theo cách này, ngành sản xuất nội địa sẽ có độ bao phủ địa lý lên toàn bộ lãnh thổ quốc gia.
Cách thứ hai, ngành sản xuất nội địa bao gồm một số nhà sản xuất sản phẩm tương tự ở thị trường nội địa mà chiếm phần lớn trong tổng sản phẩm quốc nội. Trong trường hợp này, ngành sản xuất nội địa sẽ chỉ chiếm một phần trong ngành công nghiệp sản xuất ra sản phẩm tương tự trên phạm vi toàn quốc. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ làm thế nào để xác định như thế nào thì có thể được coi là “chiếm phần lớn” tổng sản phẩm quốc nội? Liệu có phải cứ chiếm trên 50% tổng sản phẩm quốc nội của sản phẩm đó thì được coi là “chiếm phần lớn”? Các án lệ
của WTO giải thích quy định với sự co giãn khá lớn. Trong vụ Agentina – Poultry, DSB cho rằng trường hợp được coi là “chiếm phần lớn tổng sản phẩm quốc nội” bao gồm hai tình huống. Thứ nhất, tổng sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất nội địa đang kiện BPG chiếm hơn 50% tổng sản phẩm ngành công nghiệp sản xuất ra sản phẩm tương tự của cả nước. Thứ hai, tổng sản phẩm của các doanh nghiệp đang kiện BPG chiếm một phần “quan trọng” trong tổng sản phẩm quốc nội của ngành công nghiệp sản xuất ra sản phẩm tương tự với sản phẩm BPG. Như vậy là tổng sản phẩm của các doanh nghiệp tạo thành ngành sản xuất nội địa có thể không cần lớn hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội của sản phẩm đó, song phải chiếm một phần quan trọng. Rất tiếc WTO không giải thích kỹ thêm như thế nào thì được coi là phần “quan trọng” nên trong thực tiễn các quốc gia có độ co giãn lớn khi xác định ngành sản xuất nội địa theo cách này.
Trong việc xác định ngành sản xuất nội địa có một điểm thú vị cần lưu ý đó là mặc dù pháp luật của WTO, Hoa Kỳ và EU đều nói rằng ngành sản xuất nội địa bao gồm các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự với hàng hóa BPG. Song điều đó không có nghĩa là số lượng doanh nghiệp sản xuất đó luôn bắt buộc phải là số nhiều. Án lệ của WTO vẫn cho phép trường hợp chỉ có một doanh nghiệp sản xuất vẫn có thể tạo thành một ngành sản xuất nội địa. Đó là trường hợp một doanh nghiệp này sản xuất ra hàng hóa phục vụ cho cả thị trường nội địa nước nhập khẩu và khi đó các quy định về xác định thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa nói chung vẫn áp dụng một cách đầy đủ cho ngành sản xuất nội địa chỉ có một doanh nghiệp [99, 102].
ADA ngoài quy định mang tính phổ biến trong việc xác định ngành sản xuất nội địa như trên còn quy định các trường hợp ngoại lệ, đó là:
Ngoại lệ 1: Trường hợp bị loại trừ khỏi khái niệm ngành sản xuất nội địa.
Khi doanh nghiệp sản xuất nội địa có quan hệ với nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu hoặc chính họ là người nhập khẩu hàng hóa đang bị điều tra BPG thì khái niệm "ngành sản xuất nội địa" sẽ không bao gồm các doanh nghiệp nội địa trên.
Ngoại lệ 2: Trường hợp thu hẹp khái niệm ngành sản xuất nội địa. Cơ quan có thẩm quyền có thể chia lãnh thổ thị trường thành những khu vực thị trường
nhỏ hơn và lấy các nhà sản xuất sản phẩm tương tự trong một trong số các khu vực nhỏ hơn đó để xác định ngành sản xuất nội địa với điều kiện:
(1) Các nhà sản xuất trong khu vực thị trường đó bán tất cả hoặc gần như tất cả sản lượng của mình tại thị trường đó; (2) nhu cầu ở thị trường đó không được đáp ứng ở mức độ đáng kể bởi các nhà sản xuất ở nơi khác trong phạm vi lãnh thổ. Như vậy là trong trường hợp này, khu vực thị trường nhỏ hơn kia là một thị trường gần như tách biệt hoàn toàn trong lòng thị trường quốc nội, ở nơi đó các nhà sản xuất tại khu vực đó cung cấp đầy đủ cho nhu cầu của toàn bộ khu vực và không có sự tham gia đáng kể từ các doanh nghiệp bên ngoài khu vực. Trường hợp này, ngành sản xuất nội địa có thể không chiếm phần lớn ngành công nghiệp toàn quốc, thậm chí là có thể chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong đó. Tuy nhiên, nó vẫn được bảo hộ như một ngành sản xuất nội địa nếu như hàng hóa nhập khẩu phá giá gây ra thiệt hại cho các nhà sản xuất ở khu vực thị trường đó (Điều 4.1, ADA 1994).
Như vậy, những quy định trong pháp luật của WTO, Hoa Kỳ và EU cho phép áp dụng các cách thức rất linh hoạt để xác định quy mô và phạm vi của ngành sản xuất nội địa. Sự linh hoạt này rõ ràng đem lại khả năng tùy tiện lớn cho các nước nhập khẩu theo hướng bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường đó.