4. Một số quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong Bộ luật Lao động
4.2. Nghĩa vụ của người lao động
Quyền và nghĩa vụ luôn là hai yếu tố song hành với nhau, vì vậy trong khi khoản 1 Điều 5 quy định về các nhóm quyền cơ bản, tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định về những nhóm nghĩa vụ cơ bản của người lao động, gồm:
(i) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác.
Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, do đó, nghĩa vụ đầu tiên của người lao động là phải thực hiện các thỏa thuận này. Những thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ lao động được thể hiện chủ yếu dưới dạng hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể.
Trong quan hệ lao động, thông thường người sử dụng lao động sẽ đưa ra các vấn đề cơ bản về nghĩa vụ như một khung áp dụng chung cho các loại hợp
đồng lao động. Nhưng đối với mỗi hợp đồng cụ thể sẽ ghi nhận những nội dung, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể, tuỳ thuộc vào vấn đề hai bên quan tâm, phù họp với đặc điểm, tính chất nguyện vọng mang tính cá nhân.
Ví dụ: đối với hợp đồng giữa A ký với công ty B có thoả thuận A sẽ làm việc cho công ty B trong thời hạn không dưới 10 năm tính từ ngày ký hợp đồng, trong trường hợp B làm việc từ đủ 15 năm trở lên sẽ được công ty hỗ trợ mua nhà trả góp ở mức 30%….
Đối với hợp đồng giữa công ty B với chị H lại có thoả thuận chị H cam kết chỉ làm việc cho công ty nhiều nhất là 15 năm. Có thể thấy, mặc dù hai hợp đồng lao động đều đề cập đến thời hạn làm việc của người lao động, song không giống nhau ở nghĩa vụ cụ thể. Điều đó cho thấy tính phong phú và phức tạp trong hệ thống quyền và nghĩa vụ của họp đồng lao động giữa các bên, vì thế nó được đưa lên loại nghĩa vụ đầu tiên của người lao động.
Đối với thoả ước, đây là những nội dung đã được thống nhất của tập thể, là kết quả của thương lượng tập thể nên nghĩa vụ của thoả ước lao động tập thể vừa ràng buộc cá nhân, lại vừa ràng buộc tập thể và người lao động nằm trong tập thể đó có trách nhiệm phải thực hiện các nội dung của thỏa ước.
Việc thực hiện nghiêm chỉnh những quy định trong hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể là điều kiện quan trọng nhất bảo đảm hệ thống quản lý lao động và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, giữa các bên có thể thiết lập những thỏa thuận khác nằm ngoài hợp đồng lao động, có thể dưới hình thức lời nói hoặc văn bản.
(ii) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
Đề cập đến việc tuân thủ sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Bộ luật Lao động một mặt yêu cầu người lao động, và người sử dụng lao động thực hiện các cam kết, mặc khác do đặc điểm và yêu cầu của sản xuất, kinh doanh với những mục tiêu “năng suất – chất lượng – hiệu quả”, vì sự ổn
định và trật tự doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, vì sự an toàn của sản nghiệp, tài sản đầu tư nên pháp luật quy định người sử dụng lao động được quyền quản lý người lao động.
Sự quản lý này đề cao quyền năng chỉ huy, điều hành, giám sát, xử lý, thăng thưởng người lao động và buộc người lao động phải tuân thủ những hành động quản lý đó. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng, vì có quyền quản lý nên người sử dụng lao động phải bảo đảm các điều kiện lao động và chịu trách nhiệm trước những hậu quả do quản lý gây ra đối với người lao động.
(iii) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Đây là trách nhiệm của cả người lao động và người sử dụng lao động. Bộ luật Lao động 2012 chỉ quy định người lao động có nghĩa vụ “thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế”. Nhưng để đảm bảo tính bao quát, đầy đủ, Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm các vấn đề yêu cầu người lao động phải thực hiện nghiêm chỉnh là pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động. Việc tuân thủ các quy định trên có ý nghĩa đối với cả ba bên người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, giúp duy trì quan hệ lao động an toàn, trật tự, đảm bảo ổn định xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng lao động và người lao động.