Thông thường kết quả phân tích, đo lường thu được từ nhiều đại lượng đo thành phần. Mỗi đại lượng đo thành phần có một cấp độ chính xác riêng và có đơn vị riêng. Việc tính toán và biểu diễn kết quả cuối cùng phụ thuộc vào số chữ số có nghĩa của số đo thành phần theo những quy tắc cụ thể cho từng phép toán. Do vậy, việc xác định đúng số chữ số có nghĩa là quan trọng để biểu diễn một cách đúng đắn kết quả đo lường.
Ví dụ: Nồng độ % của dung dịch được tính từ khối lượng cân của chất tan, thể tích và khối lượng riêng của dung dịch. Chữ số có nghĩa của nồng độ được quyết định bởi số chữ số có nghĩa của các số đo thành phần.
Khi xác định số chữ số có nghĩa của số đo cần tuân theo các quy tắc sau:
(1)Chữ số có nghĩa được tính từ chữ số đầu tiên khác không từ trái sang phải của số đo.
Ví dụ: Số đo 0.0537 có 3 chữ số có nghĩa là 5, 3 và 7.
(2)Mọi chữ số “0” sau chữ số có nghĩa đầu tiên, bất kể đứng ở vị trí nào, đều là chữ số có nghĩa.
Ví dụ: Số đo 0.90130 có 5 chữ số có nghĩa thứ tự là 9, 0, 1, 3, 0.
(3) Đối với kết quả của tổng/hiệu, số chữ số có nghĩa bằng với số chữ số có nghĩa của số hạng có cấp độ chính xác thấp nhất (số chữ số có nghĩa sau dấu phẩy ít nhất).
Ví dụ: 152.36 + 14.7099 + 7.684 = 174.7539 ≈ 174.75
(4)Đối với kết quả của tích/thương, số chữ số có nghĩa bằng với số chữ số có nghĩa của số hạng có số chữ số có nghĩa ít nhất.
Ví dụ: 0.10195×9.35 : 10.00 = 0,095323 ≈ 0,0953
(5)Đối với kết quả của phép tính logarit, số chữ số có nghĩa sau dấu phẩy bằng số chữ số có nghĩa của số cần tính logarit
Ví dụ: Với nồng độ [H+] = 0.0095 M thì pH của dung dịch là pH = – lg[H+] = – lg0.0095 = 2.022276395 ≈ 2.022
(6)Đối với kết quả của phép tính lũy thừa (đối logarit), số chữ số có nghĩa bằng số chữ số có nghĩa sau dấu phẩy của lũy thừa
Ví dụ: Nồng độ H+ của dung dịch là bao nhiêu nếu biết pH = 2.022? [H+] = 10–2.022 = 0.009506048 ≈ 0.0095 = 9.5 10–3 M