Những nguồn chính gây ra độ KĐBĐ cần kể tới như sau:
Lấy mẫu (Sampling): Trong trường hợp lấy mẫu tại chỗ hoặc tại hiện trường là một phần của quy trình phân tích, các tác động như sự thay đổi ngẫu nhiên giữa các mẫu khác nhau và bất kỳ khả năng sai lệch nào trong
quy trình lấy mẫu tạo thành thành phần của độ không đảm bảo ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
Bảo quản mẫu (Sample storage): Khi các mẫu thử được lưu trữ trước khi phân tích, các điều kiện bảo quản có thể ảnh hưởng đến kết quả. Do đó, thời gian bảo quản cũng như các điều kiện trong quá trình bảo quản nên được coi là nguồn gây ra độ KĐBĐ.
Thiết bị, dụng cụ (Instrument effect): Ảnh hưởng của các thiết bị được sử dụng trong quy trình phân tích như độ chính xác cần phải xem xét như: giá trị hiệu chuẩn cân phân tích; giá trị hiệu chuẩn của dụng cụ thể tích được sử dụng trong quy trình.
Hóa chất, chất chuẩn (Reagent purity): Độ tinh khiết của hóa chất và chất chuẩn là nguồn gây nên độ KĐBĐ cần được tính đến. Nồng độ của dung dịch chuẩn không thể biết một cách chính xác ngay cả khi nồng độ chuẩn gốc đã được xác định. Độ tinh khiết của các chất chuẩn gốc thường được các nhà sản xuất công bố không nhỏ hơn mức quy định.
Điều kiện đo lường (Measurement condition):Một số dụng cụ, thiết bị đo lường bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường như nhiệt độ, áp suất, độ ẩm,…ví dụ như dụng cụ thủy tinh đo thể tích khi sử dụng ở nhiệt độ môi trường khác với nhiệt độ mà nó được hiệu chuẩn. Tương tự, độ ẩm có thể quan trọng khi vật liệu nhạy cảm với những thay đổi có thể có của độ ẩm.
Nền mẫu (Sample effect): Thành phần của nền mẫu ảnh hưởng trực
tiếp đến độ thu hồi của chất phân tích, đặc biệt là đối với nền mẫu phức tạp. Ngoài ra, độ ổn định của nền mẫu và chất phân tích còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường như nhiệt độ và ánh sáng. Ngay cả khi sử dụng phương pháp thêm chuẩn để xác định hiệu suất thu hồi trên nền mẫu thì tín hiệu đo được từ chất chuẩn vẫn có thể khác biệt với chất phân tích thực thụ có trong mẫu. Do đó độ KĐBĐ gây bởi nền mẫu cần phải xem xét.
Nhân viên thử nghiệm (Operator effects): Kiểm nghiệm viên có khả năng đọc kết quả trực tiếp trên thước hoặc thang đo khác nhau. Đồng thời độ lặp của mỗi kiểm nghiệm viên khi triển khai phương pháp đo lường là khác nhau (độ lặp trung gian).
Yếu tố ngẫu nhiên: Các tác động ngẫu nhiên góp phần vào độ không đảm bảo trong tất cả các phép xác định.