1.4 Tình hình nghiên cứu về rong sụn, enzyme tyrosinase gây biến đe nở tôm
1.4.2 Nghiên cứu trong nước
Nguyễn Nguyên Chiến (2006) Khảo sát tình hình nuôi rong sụn Kappaphycus alvarezii tại Khánh Hòa và tiến hành nuôi thực nghiệm ở các điều kiện khác nhau. Kết quả đạt được là xác định khu vực nuôi rong Sụn chính chủ yếu trong địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, tỉnh Khánh hòa có hai khu vực nuôi chính đó là Đầm Thủy Triều, Cam Ranh và Sũng Ké, Vịnh Vân Phong huyện Vạn Ninh. Tổng diện tích nuôi trồng rong sụn ở hai khu vực trên trong mùa vụ 2005-2006 là 182 ha trong đó khu vực Vịnh Vân Phong có 120 ha và Đầm Thủy Triều có 62 ha [10].
Bùi Huy Chích (2010) Nghiên cứu sản xuất oligocarrageenan từ rong Sụn
Kappaphycus alvarezii Doty (Doty) bằng phương pháp enzyme và ứng dụng trong chế biến và bảo quản surimi. Kết quả đã xác định được các thông số thích hợp cho quy trình sử dụng enzyme Viscozyme L trong sản xuất carrageenan từ rong sụn K. alvarezii (Doty) Doty nuôi trồng tại đầm Thủy Triều, xã Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Xác định được các thông số thích hợp cho quy trình tinh sạch oligocar 5% ở nhiệt độ 60⁰C bằng ethanol 96⁰. Nghiên cứu thử nghiệm sử dụng carrageenan và oligocar trong sản xuất surimi từ cá đổng cho thấy bổ sung car 1%
hoặc oligocar 0,2% vào surimi cá đổng có thể làm tăng chất lượng, tăng tính ổn định, hạn chế biến đổi chất lượng của surimi trong quá trình bảo quản đông [7].
Năm 2013, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang và Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp Ninh Thuận tổ chức Hội nghị tổng kết dự án: “Mở rộng chủ đề chuyển giao mô hình trồng rong sụn Kappaphycus alvarezii Doty trong lồng lưới trên biển và phơi rong trên giàn cải tiến tại Ninh Thuận”.Sau 12 tháng thực hiện, dự án đã đem lại những lợi ích thiết thực cho bà con ngư dân như: Trồng rong sụn trong lồng lưới treo giàn phao nổi năng suất tăng lên 13,1% so với các phương pháp trồng hiện nay; Giảm tỷ lệ tổn thất khi thu hoạch rong; Lưu giữ được nguồn rong giống trong điều kiện bất lợi như cá ăn rong, sóng to và gió lớn; Rong sụn khô phơi trên giàn đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu và bán được giá cao hơn 10% so với phương pháp phơi truyền thống [2].
Nghiên cứu di thực rong sụn - kappaphycus alvarezii (Doty) Doty từ Ninh Thuận về trồng tại vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Trị và bước đầu trồng thử nghiệm trong hồ nuôi tôm. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định được khả năng di thực loài rong này từ Ninh Thuận về Quảng Trị. Tuy nhiên, các kết quả thử nghiệm cho thấy khả năng tăng sinh khối chưa cao. Mô hình trồng dây trần trên vùng ven biển xã Vĩnh Thạch có tốc độ tăng trưởng 4,62%/ngày trong 15 ngày đầu và 3,52%/ngày trong 30 ngày [19].
Bùi Huy Chích (2014), Khảo sát tính chất của enzyme Termamyl 120L trên cơ chất carrageenan từ rong sụn Kappaphycus alvarezii (Doty) Doty dựa vào việc xác định hoạt độ của enzyme Termamyl 120L theo phương pháp DNS (acid dinitrosalicylic) cho thấy enzyme Termamyl 120L hoạt động tối ưu ở điều kiện: t0 = 850 C; pH = 6,5; Nồng độ enzyme Termamyl 120L 0,5%; Nồng độ carrageenan 1%. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cho thấy enzyme Termamyl 120L có điểm đẳng điện pI = 3,2. Sau 180 phút hoạt độ tại 65⁰C; 75⁰C; 85⁰C; 95⁰C giảm lần lượt còn 91; 88; 79,8; 46%. Các ion Ca2+, Mg2+ làm tăng hoạt tính trong khi các ion Cu2+, Ag+, Hg2+, Cd2+, Na+ làm giảm hoạt tính của enzyme [8].
Năm 2014 Trần Phạm Tuệ Hưng và cộng sự, Nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn, kháng oxi hóa, ức chế tyrosianse của cao ethanol chiết xuất từ cây Huỳnh Anh (Allamanda neriifolia). Cao ethanol các bộ phận rễ, thân trục, thân leo, lá của cây
Huỳnh Anh (Allamanda neriifolia) được khảo sát khả năng kháng khuẩn, kháng oxi hóa, ức chế tyrosinase. Trong những bộ phận này, cao ethanol từ thân leo thể hiện các hoạt tính cao nhất so với các đối tượng còn lại. Định tính sự có mặt các hợp chất thứ cấp trong cao ethanol từ thân leo cho thấy sự hiện diện của alkaloid, steroid, triterpenoid, phenol, tannin và flavonoid. Phân tích dạng flavonoid cho thấy mẫu có thể có flavan hoặc chalcone [23].
Bùi Thanh Tùng và cộng sự (2016) đã nghiên cứu tác dụng ức chế enzym tyrosinase của các phân đoạn tách chiết từ ý dĩ. Kết quả đã đánh giá được các phân đoạn chiết xuất từ cây ý dĩ có khả năng ức chế enzym tyrosinase, trong đó phân đoạn n-hexan có khả năng ức chế cao nhất so với các phân đoạn khác. Điều này có thể giải thích do phân đoạn n-hexan chứa nhiều hoạt chất chính như là coixenolid, triglycerid, acid béo và triterpene [30].
Năm 2016 Phạm Thế Hải và cộng sự, Nghiên cứu sàng lọc hợp chất có tác dụng ức chế enzym tyrosinase bằng phương pháp in silico - in vitro. Nghiên cứu này tích hợp phương pháp tính toán lý thuyết (in silico) và thực nghiệm in vitro nhằm tìm kiếm hợp chất có tác dụng ức chế tyrosinase từ cơ sở dữ liệu hóa học Spectrum Collection. Cụ thể, sau khi sàng lọc in silico tìm được 19 hợp chất có tác dụng ức chế tyrosinase. Dựa trên kết quả này, 4 hợp chất hóa học bao gồm dibenzoylmethan, 2,2’, 4’- trihydroxychalcon, acid 3,4-dimethoxycinnamic và acetosyringon được lựa chọn nhằm sàng lọc và đánh giá tác dụng ức chế tyrosinase in vitro. Kết quả thu được acid 3,4 - dimethoxycinnamic có hoạt tính mạnh nhất và ức chế tyrosinase theo cơ chế không cạnh tranh [17].
Hoạt tính ức chế enzyme tyrosinase của một số cây thuốc Việt Nam và các hợp chất được phân lập từ cây mít dai (Nguyên Khoa Hạ Mai và Nguyên Thị Thanh Mai, 2018). Khảo sát thấy hoạt tính ức chế enzyme tyrosinase của 17 mẫu cây thuốc Việt Nam thuộc họ Dâu tằm cho thấy, cao Methanol của cây Dâu tằm (Morus alba), Mít tố nữ (Artocarpus elasticus) và Mít dai (Artocarpus heterophyllus) có hoạt tính ức chế enzym tyrosinase mạnh với giá trị IC50 dưới 3 μg/mL. Từ các phân đoạn có hoạt tính của cao EtOAc của gỗ cây mít dai (A. heterophyllus) đã phân lập được 26 hợp chất, bao gồm 14 hợp chất flavonoid, 9 hợp chất chalcone và 3 hợp chất 2-arybenzofuran. Cấu trúc hóa học của chúng được xác định bằng các phương pháp phổ nghiệm kết hợp với so sánh tài liệu tham khảo. Trong đó, hợp chất morachalcone A có hoạt tính ức chế
enzyme tyrosinase mạnh nhất, với giá trị IC50 là 0,013 μM, mạnh hơn chất đối chứng dương kojic acid (IC50, 44,6 μM) [24].
Hồng Mộng Huyền và cộng sự (2018) đã nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của một số cao chiết thảo dược kháng vi khuẩn gây bệnh ở tôm nuôi. Kết quả ghi nhận: Bảy loại cao chiết có hoạt tính kháng khuẩn khác nhau, trong đó cao chiết thầu dầu (Ricinus communis L.) cho hiệu quả cao nhất với đường kính vòng vô khuẩn 17-18 mm, kế đến là cao chiết mật gấu (Vernonia amygdalina del.), chùm ngây (Moringa oleifera), ô rô (Acanthus ilicifolius L.) và sài đất (Wedelia calendulacea (L) Less.) với đường kính vòng cô khuẩn ở mức trung bình từ 10-11mm. Ngược lại, đường kính vòng vô khuẩn thấp nhất trên cả hai chủng vi khuẩn thu được từ dịch chiết cây lưỡi rắn (Hedyotis corymbosa L.) và lược vàng (Callisia fragrans) với vòng kháng khuẩn tương ứng là 7 mm và 8 mm. Kết quả cũng được xác định hiệu quả ở cao chiết thầu dầu đối với V. harveyi, V. parahaemolyticus, tương ứng với giá trị MIC (Nồng độ ức chế tối thiểu) và MBC (Nồng độ diệt khuẩn tối thiểu) là 1,25 mg/ml và 2,5 mg/ml; 2,5 mg/ml và 5,0 mg/ml [22].