Tam Tạng Kinh

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ảnh hưởng của phật giáo theravada đến đời sống chính trị, xã hội và văn hóa thái lan (Trang 40 - 43)

1 .Lý do chọn đề tài

6. Bố cục của luận án

2.1. Phật giáo Theravada

2.1.2. Tam Tạng Kinh

Trước hết phải biết rằng trong suốt 49 năm thuyết pháp đức Phật chỉ thuyết giảng bằng lời chứ không cho ghi chép vì Ngài cho rằng mọi sự ghi chép đều không nhiều thì ít sẽ gắn phần chủ quan của người ghi chép vào đó. Sau khi đức Phật nhập diệt thì việc nhớ lại và ghi chép lại Phật ngôn là điều rất cần thiết nhằm

giữ lại cho muôn đời mai sau những lời thuyết giảng của đức Phật một cách trọn vẹn, đầy đủ và tinh tuý. Thời kỳ đức Phật còn tại thế, mặc dù không được ghi chép nhưng các đệ tử của đức Phật luôn luôn nhuần nhã thuộc lòng và truyền khẩu cho nhau những bài thuyết giảng quý báu của đức Phật. Đó là điều vô cùng may mắn cho các thế hệ nhân loại mai sau bởi nếu không có như vậy thì giáo lý của đức Phật sẽ không còn lưu lại cho đến ngảy nay để cho nhân loại tiếp tục có được bó đuốc soi sáng con đường đi đến giải thoát. Đồng thời những ghi chép này cũng chính là kho tàng kinh sách quan trọng nhất mà Phật giáo Theravada nương theo đó mà phát triển, những chúng sinh tu theo và làm theo Phật giáo Theravada lấy đó làm kim chỉ nam để phấn đấu đạt được quả giác hoặc có được những hành động sống hướng thiện để cuộc sống của mình trong hiện tại và tương lai luôn an vui và hạnh phúc. Vì vậy khi nói đến Phật giáo Theravada người ta không thể bỏ qua kho tàng kinh sách do chính các đệ tử của đức phật đã họp nhau lại xây dựng nên qua các kỳ kết tập kinh Phật.

Chỉ 3 tháng sau khi đức Phật nhập diệt, tức là vào năm thứ 8 triều đại vua A- xà-thế (Ajatasattu), 500 vị đại đệ tử của Phật; tức 500 vị A-la-hán đã họp nhau lại tại thành Vương-xá (Rajagrha) để cùng nhau nhắc lại những Phật ngôn quý báu.[21,tr.60] Ngài A-nan, vị đệ tử có diễm phúc luôn được ở bên cạnh đức Phật và được nghe tất cả những buổi thuyết giảng của đức Phật được đề cử đứng ra tường thuật lại những lời khuyên dạy của đức Phật (được gọi là Sutta – Kinh). Ngài Upali, vị đệ tử kiệt xuất thấu hiểu rành mạch những Phật ngôn thâm sâu được đề cử đứng ra nhắc lại những vấn đề có liên quan đến giới luật (được gọi là Vinaya – Luật). Cả hai vị đã luân phiên nhau trả lời các câu hỏi về những giáo lý cao siêu của đức Phật được gọi là phần Vi diệu pháp (Abhidhamma – Luận). Đây chính là lần Kết tập đầu tiên nhằm tập trung toàn thể giáo lý của đức Phật và sắp xếp thành ba tạng là: Kinh, Luật, Luận; gọi là Tam Tạng Kinh.

Trải qua một thời gian dài, những người tu hành đạo Phật về sau này đã có những cách hiểu và khuynh hướng làm sai lạc Giáo Pháp của đức Phật nên giới Phật giáo đã tổ chức 2 cuộc kết tập tiếp theo để đưa giáo lý Phật giáo trở lại đúng

với bản chất trong sáng và đúng đắn. Một lần là 100 năm sau Phật diệt (thế kỷ 4 trước Công nguyên) được gọi là kỳ Kết tập lần thứ 2, và một lần nữa là vào 230 năm sau Phật diệt (thế kỷ 3 trước Công nguyên) được gọi là kỳ Kết tập lần thứ 3.

Trong kỳ kết tập lần thứ hai tại thành Tì-xá-li các vị A-la-hán đã gặp nhau để tranh luận về giới luật. Nguyên nhân của sự tranh luận này xuất phát từ việc trước khi đức Phật nhập diệt vì sợ các đệ tử sau này câu nệ vào những chi tiết vụn vặt trong giới luật làm trở ngại cho việc phát triển đạo Phật nên Ngài đã nói với ông A- nan là có thể phải tập hợp chúng tăng lại để bàn bỏ bớt những cấm giới nhỏ nhặt. Trong cuộc kết tập lần thứ nhất A-nan đã nhắc đến lời di huấn này nhưng lại không chỉ ra được phạm vi những cấm giới nhỏ nhặt là gì, ở đâu vì chưa thỉnh thị đức Phật. Điều này đã gây ra sự tranh cãi và cuối cùng mọi người nhất trí chỉ làm theo những lời đức Phật đã nói. Nhưng tư tưởng muốn loại bỏ những chi tiết vụn vặt của giới luật vẫn ngấm ngầm và rồi dần trở thành hành động công khai trong giới tăng lữ. Chính vì vậy mới có cuộc kết tập kinh Phật lần thứ 2 với 700 người nhằm tranh luận về những hành động của một bộ phận tăng lữ là đúng hay sai. Cuối cùng phái muốn thay đổi giới luật đã bị thất bại nhưng vẫn giữ vững quan điểm của mình.[21, tr.64-65] Như vậy, sau kỳ kết tập kinh Phật lần thứ 2 đã xuất hiện 2 khuynh hướng chia tăng đoàn thành hai nhóm; một nhóm có số ít theo khuynh hướng bảo thủ và một nhóm đông hơn theo khuynh hướng cấp tiến có thể được coi là “học phái mới”. [21, tr.8]

Kỳ kết tập thứ 3 được tổ chức tại thành Hoa Thị (Pataliputra) vào năm 250 trước Công Nguyên nhân việc có sự tranh cãi về kinh Phật. Vua A-dục (Asoka) đã thỉnh mời vị cao tăng là Mục-kiền-liên-tử-đế-tu (Moggaliputtatissa) đến chủ trì cuộc kết tập kinh Phật. Lần kết tập thứ ba này có tới một nghìn vị cao tăng tham gia và kéo dài trong suốt 9 tháng liền mới giải quyết được sự bất đồng. Tuy vậy sự phân biệt giữa hai nhóm bảo thủ (Sthaviravadin) và cấp tiến (Mahasanghika) vẫn tiếp tục tồn tại. [22, tr. 8; 21, tr.68] Nhưng thành tựu nổi bật của cuộc kết tập lần này là sau cuộc kết tập, vua Asoka đã cử hàng loạt các vị đại sư đi hoằng dương

Phật Pháp ở khắp các vùng miền. Có tất cả 9 hướng truyền giáo với các vị đại sư đứng đầu mỗi hướng như sau:

1) Đại sư Majjhantika được phái đến vùng Kasmira thuộc Bắc Ấn Độ. 2) Đại sư Maha Deva được phái đến Mahisakamandala thuộc Nam Ấn Độ 3) Đại sư Rakkhita được phái đến Vanavasi cũng ở Nam Ấn Độ

4) Đại sư Yonaka Dhammarakkhita được phái đến Aparantaka thuộc miền Tây Ấn Độ

5) Đại sư Maha Dhammarkkhita được phái đến Mahanattha thuộc Nam Ấn Độ

6) Đại sư Maha Nakkhita được phái đến Yonakaloka thuộc Tây Ap-ga-ni- stan

7) Đại sư Majjhima và Đại sư Kasyapa được phái đến núi Hymalaya thuộc Nê-pan

8) Đại sư Sonaka và Đại sư Uttana được phái đến vùng được gọi là Kim Địa (Suvannabhumi) thuộc Đông Nam Á lục địa

9) Đại sư Mahinda được phái đến Srilanka

Với 3 kỳ kết tập kinh Phật này mà các vị Đại A-la-hán đã để lại cho chúng ta cả một di sản giáo lý Phật giáo đồ sộ được ghi trên lá Buông. Người ta đã gọi đại di sản này bằng tiếng Pali-Sanskrit là Tripitaka “Tam Tạng Kinh”, ở đây Tri có nghĩa là “tam, ba”, còn Pitaka có nghĩa là “giỏ”, Tripitaka là “ba giỏ” mà một giỏ đựng Kinh (Sutta Pitaka), một giỏ đựng Luật (Vinaya Pitaka) và một giỏ đựng Luận (Abhidhamma Pitaka).

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ảnh hưởng của phật giáo theravada đến đời sống chính trị, xã hội và văn hóa thái lan (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)