Những đặc điểm chính của Phật giáo Theravada Thái Lan

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ảnh hưởng của phật giáo theravada đến đời sống chính trị, xã hội và văn hóa thái lan (Trang 58 - 164)

1 .Lý do chọn đề tài

6. Bố cục của luận án

2.2. Phật giáo Theravada ở Thái Lan

2.2.2. Những đặc điểm chính của Phật giáo Theravada Thái Lan

Như ta đã biết, từ khi xây dựng quốc gia thống nhất cho tới nay, Thái Lan luôn lấy Phật giáo làm tôn giáo chính của nhà nước. Phật giáo Thái Lan là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên tư tưởng quốc gia thống nhất. Trong hiến pháp của Thái Lan vẫn luôn quy định một điều khoản truyền thống: Vua là người kính tín Tam Bảo và hộ trì Phật giáo. Nhà vua được coi như đức Phật sống có trách nhiệm chăm sóc, dẫn dắt con dân tới ấm no, hạnh phúc. Khi Thái Lan trở thành nước quân chủ lập hiến thì Vua – Phật giáo – Chính phủ là ba bộ phận cấu thành nên ban lãnh đạo cao nhất của đất nước. Phần lớn các chính sách của nhà nước là do chính phủ, nhà vua và tăng già quyết định. Khi giải quyết các vấn đề của quốc gia, bến đỗ cuối cùng vẫn là ý kiến của vua – sư trên cơ sở giáo lý của Phật đà. Đó chính là đặc điểm nổi bật, là vai trò to lớn của Phật giáo trong lịch sử dựng nước và giữ nước Thái Lan.

Phật giáo Thái Lan ở buổi đầu lập quốc đã là sự giao thoa có chọn lọc của các phái Phật giáo khác nhau, nhưng tựu chung lại Phật giáo Thái Lan chọn Phật giáo Theravada dòng Srilanka làm dòng chính thống cả về khuôn mẫu giáo đoàn và giáo lý. Phật giáo Theravada Srilanka được nhà nước Xụ-khổ-thay chấp nhận làm dòng chính bởi lúc này Srilanka là trung tâm của Phật giáo nguyên thủy, được các nước Phật giáo trong vùng ngưỡng mộ và cử sư tăng tới tu học rất đông. Trong giáo lý và thực hành, dòng Phật giáo này tuân thủ rất nghiêm ngặt nguyên tắc, lời dạy của Đức Phật. Tăng đoàn Srilanka lúc này trong con mắt của vua Ram-khăm-hẻng và thần dân của ông là một khuôn mẫu phù hợp với truyền thống, nguyện vọng và nhu cầu của một quốc gia thống nhất mới thành lập. Đó là tư tưởng muốn thống nhất về mặt tinh thần của một quốc gia muốn phát triển và hưng thịnh. Chính bởi

vậy mà tăng đoàn kiểu Srilanka đã được Xụ-khổ-thay đưa lên vị trí là tôn giáo chính thống của vương quốc. Đồng thời bản thân sự chấp nhận này của Xụ-khổ- thay trên cơ sở Phật giáo truyền thống trước khi lập quốc chính là thể hiện sự hòa hợp, cởi mở của Phật giáo Theravada Thái Lan.

Mặc dù chọn Phật giáo Theravada Srilanka làm dòng chính, nhưng Phật giáo Theravada Thái Lan hoàn toàn không cứng nhắc theo Srilanka, mà nó là sự dung hợp của tất cả những dòng Phật giáo có từ trước đó kể cả những tín ngưỡng thờ thần linh của người Thái cổ và lấy học thuyết của Phật giáo để giải thích và củng cố thêm những quan niệm của mình trong tín ngưỡng truyền thống. Ví dụ: đạo Phật thuần túy vốn không chú ý đến những nghi lễ trần tục trong cuộc sống. Tuy nhiên ở Thái Lan chính những nhà sư đứng ra tổ chức các nghi lễ hoàn toàn không phù hợp với nội dung học thuyết của nhà Phật như việc cưới xin, sinh đẻ và những nghi lễ có tính chất mê tín dị đoan. Những tín đồ Phật giáo vẫn tuyệt đối tin vào linh hồn sống lại của người chết, vào lá số tử vi; vua Thái Lan không bao giờ dám quyết định một điều gì mà không có ý kiến của thầy đoán số tử vi của triều đình; các gia đình Thái Lan đều có một miếu thờ thần nho nhỏ đặt trên chiếc cọc chôn ở gần nhà; hay bất cứ công trình xây dựng công cộng nào ở Thái Lan cũng được chú ý dành một địa điểm nhất định, đúng hướng để đặt miếu thờ. Tất cả những điều này đã cho ta thấy một đặc điểm phức tạp của Phật giáo Thái Lan đó là mang nặng yếu tố ma thuật – vật linh giáo “Yếu tố này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự chấp nhận thứ tôn giáo thờ thần vua mà người Khơme đã đem đến cho người Thái Lan. Và như vậy, đối với người dân Thái Lan thì Phật, Thần, Thánh, Vua đều là một. Ngoài ra, một nhà sư Phật giáo trước con mắt của dân chúng là một người mang trong mình mọi uy lực, mọi sức mạnh của ma thuật” [16, tr. 62].

Mặt khác, tuy chấp nhận dòng Phật giáo Theravada của Srilanka làm khuôn mẫu chính cho tăng già cả về giáo lý lẫn giáo đoàn nhưng Phật giáo Theravada Thái Lan vẫn giữ những đặc trưng riêng như “không hề công nhận tỳ-khiêu-ni và sa-di-ni. Mặc dù cả nước Thái Lan hiện nay có tới 2 vạn người nữ tu sĩ tự nguyện sống cuộc đời như một tỳ-khiêu-ni thực sự: Trì Bát quan trai giới, thậm chí cũng đi

khất thực và nhận cúng dàng của thí chủ thập phương. Nhưng trong giới luật nhà chùa vẫn không công nhận họ [23,tr. 101]. Trong khi đó “Phật giáo thượng tọa bộ của Srilanka đã truyền giới tỳ-khiêu-ni cho nữ ngay từ tăng đoàn đầu tiên (thế kỷ III trước Công nguyên)” [23, tr.102]. Điều đó nói lên rằng dù chấp nhận những yếu tố khác làm tinh thần chủ yếu hay thứ yếu của mình thì Phật giáo Theravada Thái Lan vẫn mang một nét riêng độc đáo mà ở đó người ta thấy rõ nó là Phật giáo của Thái Lan chứ không phải của một nước nào khác.

Tiếp thu Phật giáo trong thời kỳ giới Phật giáo đang đề cao các quy phạm đạo đức nên các quan niệm về luân hồi, nhân quả chiếm vị trí hàng đầu trong nhân sinh quan Phật giáo Theravada Thái Lan. Các tư tưởng chính của Phật giáo là đạt đến cõi Niết bàn dần mất đi và trở thành những khái niệm trừu tượng, siêu hình, xa lạ với quần chúng nhân dân Thái, mà chỉ còn lại những nhà sư và một số rất ít người là còn hiểu biết tường tận các giáo lý nhà Phật, các khái niệm về Niết bàn, giải thoát. Người Thái quan tâm nhiều hơn tới cuộc sống hiện thực và kiếp sau. Bởi vậy họ luôn cố gắng kiếp này sống sao cho thiện, cho tốt, tích được nhiều phúc đức để khi chuyển sang kiếp sau họ được giàu có, sung sướng và hạnh phúc hơn kiếp này. Vì mang nặng yếu tố đạo đức, luân lý nên Phật giáo Thái Lan rất quan tâm đến cái gọi là “Bun” và “Bạp”. “Bun” là phúc, là thiện nghiệp còn “Bạp” tức là tội, là ác nghiệp. Người Thái cho rằng Bun là vô cùng quý báu nhưng không phải là cái gì xa lạ mà chính là những việc làm từ thiện nhỏ bé hàng ngày. Dù người giàu hay nghèo thì đều có thể tích Bun và có rất nhiều cách để tích Bun như góp phần xây dựng hoặc tu sửa đền chùa, trường học, bệnh viện, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn và nhiều công việc từ thiện khác. Có thể nói vấn đề đạo đức là hết sức cơ bản và quan trọng của Phật giáo Theravada Thái Lan. Mọi hành động, cách suy nghĩ và hành xử của người Thái đều nhằm mục đích là tích Bun bỏ Bạp, tích lũy điều thiện, từ bỏ điều ác. Đây là những yếu tố rất quan trọng của nhân sinh quan Phật giáo. Bởi vậy có thể nói Phật giáo Theravada Thái Lan đã nhấn mạnh vào thuyết luân hồi, luật nhân quả và lấy Đạo Đế vốn là các quy phạm đạo đức của Phật giáo và

cũng là một Đế trong Tứ Diệu Đế để làm kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động của mình.

Như vậy ta có thể thấy Phật giáo Theravada của Thái Lan đã có phần khác với Phật giáo Theravada nguyên thủy, mà điểm đặc biệt ở đây là luôn bám sát các vấn đề về nhân sinh quan của Phật giáo để hành động theo các quy phạm đạo đức vốn đã được đề cao trong Phật giáo Theravada Srilanka nhằm hướng tới một kiếp sống tốt đẹp hơn trong tương lai mà không quan tâm nhiều tới sự giải thoát, nhập Niết bàn mà Phật giáo nguyên thủy luôn hướng đến.

Một đặc điểm nữa của Phật giáo Theravada Thái Lan đó là nó mang trong mình tính cởi mở. Tinh thần cởi mở này thể hiện rõ nét khi Phật giáo Thái Lan công nhận vai trò và tổ chức của hai tông phái Đại thừa Phật giáo A-năm Ni-kai (một tông phái phật giáo của người Việt ở Thái Lan) và Chin Ni-kai (một tông phái Phật giáo của người Hoa ở Thái Lan). Đây là hai tông phái Phật giáo của hai cộng đồng người đông đảo và có quan hệ lâu đời trên đất Thái Lan. Đồng thời cũng nhờ tinh thần cởi mở của mình, Phật giáo Theravada Thái Lan đã rất sớm có sự giao lưu với Phật giáo Nam truyền của Ấn Độ, Myanma, Campuchia và Srilanka. Cũng chính vì vậy, khi nói đến Phật giáo Theravada Thái Lan, tới những đặc điểm của nó, chúng ta không thể không nói tới mối quan hệ của Phật giáo Theravada Thái Lan với Phật giáo của các nước láng giềng, đặc biệt là với Phật giáo Srilanka, và cũng có thể xem mối quan hệ ấy như một đặc điểm nổi bật của Phật giáo Theravada Thái Lan.

Phật giáo Thái Lan lại có một bước phát triển mới về đặc điểm dưới triều vua Mông-kụt (Rama IV) của Vương triều Rắt-ta-na-kô-xỉn. Như trên đã nói, Phật giáo Theravada Thái Lan đã không hoàn toàn như Phật giáo Theravada nguyên thủy và Theravada Srilanka. Điều này đã làm cho đức vua Mông-kụt, người hiểu rất rõ về Phật giáo Theravada nguyên thủy không muốn cho Phật giáo Thái Lan bị “biến dạng” như vậy. Ông chủ trương Phật giáo Thái Lan phải đi theo con đường của Phật giáo Theravada thật nghiêm túc. Ông coi Phật giáo Theravada Thái Lan vốn đã có từ bao lâu nay là Ma-hả Ni-kai (Tông phái Đại chúng hay Tông phái truyền

thống) cần phải được cải cách theo hướng bám sát vào Phật giáo Theravada Nguyên thủy vốn đề cao sự nghiêm ngặt trì giới. Đức vua Mông-kụt đã sáng lập ra tông phái Thăm-ma-giút Ni-kai nhằm chấn chỉnh lại Phật giáo truyền thống (Ma-ha Ni-kai), làm sao cho Phật giáo Thái Lan bám sát với Phật giáo chính thống hơn như tu trì giới luật thật sự nghiêm túc đúng với giới luật của đức Phật thủa ban đầu. Những giới luật nào không phải của đức Phật răn dạy thì người tu hành không được làm và nghe theo. Để tu hành theo tông phái Thăm-ma-giút Ni-kai phải bỏ đi những gì không phải là của Phật giáo, phải vận dụng mọi tri thức để tu hành, không ngừng học hỏi, rèn luyện làm theo giới luật nhà Phật. Đặc biệt Thăm-ma-giút Ni-kai là một tông phái Phật giáo rất năng động, lấy sự trì giới để phát sáng trí tuệ và từ đó con người mới có những suy nghĩ và hành động đúng đắn. Chính bởi do năng động mà tông phái phật giáo này luôn hòa mình với thế tục để hoàng dương Phật pháp. Có thể nói cả hai tông phái Phật giáo Thăm-ma-giút Ni-kai và Ma-hả Ni-kai đều thể hiện một cốt lõi rất điển hình của dòng Phật giáo nguyên thủy Theravada.

Tiểu kết

Từ khi ra đời cho đến nay Phật giáo đã phát triển qua một giai đoạn dài lịch sử. Dựa vào những giáo lý, những lời dạy của Đức Phật được ghi chép trong Tam Tạng Kinh, mà Phật giáo đã hình thành nên nhiều học phái, tông phái khác nhau do những cách hiểu, cách lý giải của người đời sau về những giáo lý và cách thức tu tập khác nhau. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân khiến Phật giáo trở thành nguồn nghiên cứu vô tận cho những vị sư tăng, những học giả quan tâm đến Phật pháp. Bởi bên cạnh những đặc điểm chung là tinh thần bình đẳng, bác ái, hướng thiện thì Phật giáo lại có những đặc điểm riêng khi du nhập vào mỗi quốc gia.

Đối với Thái Lan, ngay từ đầu đã tiếp nhận nhiều tông phái Phật giáo khác nhau. Tuy vậy, Phật giáo Thái Lan đã chọn Phật giáo Theravada dòng Srilanka làm dòng chính thống cả về khuôn mẫu giáo đoàn và giáo lý, nhưng không phải tất cả mọi nội dung đều được chấp nhận một cách giáo điều, cứng nhắc. Đó là tinh thần tiếp thu một cách có chọn lọc vì một mục đích xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh. Quá trình xây dựng, phát triển để có một Phật giáo Theravada Thái Lan

cũng như quá trình canh tân phát triển đất nước được như ngày nay là nhờ phần lớn vào tinh thần tiếp thu có chọn lọc đó. Chính điều ấy đã giúp Thái Lan khẳng định được một chính thể Phật giáo của mình với bản sắc văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của phật giáo Theravada mà sẽ được làm rõ ở các chương sau.

CHƢƠNG 3. ẢNH HƢỞNG CỦA PHẬT GIÁO THERAVADA ĐẾN ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ CỦA THÁI LAN

3.1. Ảnh hƣởng của Phật giáo Theravada đến chính sách cai trị qua hai thể chế chính trị của Thái Lan.

Vốn ra đời từ Ấn Độ nhằm chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp và sự bất bình đẳng của đạo Bà-la-môn, đạo Phật đã chứa đựng trong nó tư tưởng về sự công bằng, bình đẳng, bác ái giữa con người với con người. Tư tưởng này của đạo Phật đã ảnh hưởng không nhỏ đến một dân tộc theo Phật giáo như Thái Lan. Người dân Thái luôn muốn hướng đến một cuộc sống bình đẳng, bác ái, một xã hội đầy lòng yêu thương, thiện nguyện theo tinh thần đạo đức Phật giáo. Ngay từ khi lập quốc cho đến năm 1932 nền chính trị Thái Lan được xác lập trên chính thể quân chủ chuyên chế. Tuy vậy Thái Lan là một nước chịu ảnh hưởng Phật giáo rất sâu sắc nên từ khi lập quốc cho đến nay Phật giáo luôn giữ vai trò là tôn giáo chính của Nhà nước Thái Lan. Những tư tưởng về nhân sinh quan Phật giáo, về quy phạm đạo đức của Phật giáo Theravada ngay từ đầu đã ảnh hướng trực tiếp đến nền chính trị của Thái Lan. Nhà nước đầu tiên của Thái Lan là nhà nước Xụ-khổ-thay có thể được coi là nhà nước có nền chính trị theo khuôn mẫu của đạo Phật. Trước hết các vị vua của Xụ-khổ-thay là những vị vua rất tôn sùng đạo Phật và thậm chí có những vị vừa là vua lại vừa là sư sống một cuộc sống của người đệ tử Phật. Đức vua Ram- khăm-hẻng là vị vua nổi tiếng nhất của vương triều Xụ-khổ-thay đã điều hành mọi việc trong vương quốc của mình theo tinh thần của Phật giáo. Phải nói rằng những cứ liệu lịch sử để chúng ta hiểu rõ được về vương quốc đầu tiên của người Thái Lan này chủ yếu dựa trên các bản văn bia đã được các nhà khảo cổ học phát hiện được. Các bia ký thời kỳ Xụ-khổ-thay đã giúp chúng ta hiểu được về cơ bản cơ cấu chính trị, xã hội và kinh tế của vương quốc Xụ-khổ-thay. Một trong số các văn bia được tìm thấy có một văn bia quan trọng nhất đó là văn bia được đặt tên là văn bia Ram-khăm-hẻng. Đây là một tấm bia có 4 mặt được khắc bằng tiếng Thái miêu tả

một cách sinh động về đức vua Ram-khăm-hẻng và xã hội Thái thời kỳ vua Ram- khăm-hẻng trị vì. Khi đọc bia ký Ram-khăm-hẻng chúng ta thấy rất rõ điều này:

“... Năm 121, năm Thìn, Vua Ram-khăm-hẻng, chúa tể xứ Xụ-khổ-thay đã cho trồng thốt nốt ở đây suốt 14 năm nay. Người ra lệnh cho thợ đẽo tấm đá lát này và đặt giữa vườn thốt nốt. Vào ngày đầu tuần trăng, hội đồng nhà Phật và các giáo chức Phật giáo đã trèo lên ngồi trên tấm đá lát để xướng đọc kinh luật cho những người thế tục cùng toàn thể tín đồ đến nghe giảng. Ngoài những ngày đọc kinh luật ấy, đức vua Ram-khăm-hẻng, vị chúa tể Xụ-khổ-thay trèo lên ngồi trên tấm đá lát chủ tọa hội đồng các nhà quý tộc và chức sắc cùng với họ bàn việc nước”.

“... Nếu người dân nào, hoặc là quý tộc hoặc là thủ lĩnh nào mà bị ốm chết thì nhà cửa của tổ tiên họ, voi của họ, gia súc của họ, những vựa thóc của họ, nô lệ của

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ảnh hưởng của phật giáo theravada đến đời sống chính trị, xã hội và văn hóa thái lan (Trang 58 - 164)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)