Những đặc điểm chính của Phật giáo Theravada

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ảnh hưởng của phật giáo theravada đến đời sống chính trị, xã hội và văn hóa thái lan (Trang 43 - 49)

1 .Lý do chọn đề tài

6. Bố cục của luận án

2.1. Phật giáo Theravada

2.1.3. Những đặc điểm chính của Phật giáo Theravada

Theo Hoàng Phong trong công trình nghiên cứu về Phật giáo Theravada thì từ “Theravada” là từ của tiếng Pali được ghép từ hai từ là “Thera” và “vada”. “Thera” có nghĩa là “người xưa, người đi trước, người cao tuổi,…” còn từ “vada” có nghĩa là “quan điểm, giáo lý”. Vậy Theravada có nghĩa là “Giáo lý của những người xưa”. [22, tr.4] Tuy chưa thể khẳng định được Phật giáo Theravada có phải là tông phái theo sát hoàn toàn giáo lý của người xưa và trung thực với giáo huấn

“nguyên thủy” của đức Phật hay không nhưng một điều đã được khẳng định đó là một trong những tông phái thuộc khuynh hướng bảo thủ Sthaviravadin. Thực ra nếu nói là “theo sát” và “trung thực” thì khó có thể nói được tông phái Phật giáo nào đạt được điều đó. Ngay cả chính những lời nhắc lại lời Phật ngôn của các vị đại đệ tử của đức Phật trong kỳ kết tập lần thứ nhất cũng chưa chắc đã là hoàn toàn chính xác cả về lời và ý của đức Phật. Điều này giải thích vì sao đức Phật khi còn tại thế không cho các đệ tử của mình ghi chép lại những lời thuyết giảng của mình bằng văn bản. Đó là vì giáo pháp của đức Phật rất thâm sâu, vi diệu trong khi đó căn cơ của chúng sinh mỗi người một khác, nếu ghi chép lại những lời giáo huấn của ngài thì không tránh khỏi những cách hiểu chủ quan, những ý chủ quan của người ghi chép gán vào đó. Điều mà đức Phật tiên nghiệm cũng đã đúng trong thực tế ngay từ sau khi đức Phật nhập Niết Bàn cho tới nay Phật giáo đã phân ra rất nhiều tông phái khác nhau với những cách hiểu khác nhau về giáo lý và giáo luật, với những phương pháp tu trì khác nhau. Chỉ có điều những khác biệt này không quá lớn và đặc biệt là không đối chọi nhau, tất cả cùng có chung một mục tiêu là Giải thoát đạt đến cảnh giới Niết Bàn giống như đức Phật. Vậy với một tính tương đối chúng ta vẫn có thể gọi Phật giáo Thravada là Phật giáo nguyên thủy với nghĩa tông phái làm theo sát với những giáo huấn của đức Phật khi ngài còn tại thế. Mặc dù Phật giáo Theravada chỉ là một trong số 18 học phái xưa theo sát những giáo huấn của đức Phật nhưng Phật giáo Theravada đã phát triển rất mạnh và tỏa lan ảnh hưởng không phải ở Srilanca mà còn ra khắp vùng Đông Nam Á mà các nhà sử học xưa gọi là vùng “Kim Địa” (Suwanaphumi) rồi lên tới tận phương Bắc là Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên đồng thời sức sống của nó vẫn còn đến ngày hôm nay. Hiện nay người ta còn gọi Phật giáo Theravada là “Phật giáo Nam Tông” hay “Phật giáo Nam truyền”. Tên gọi này thực ra mới có về sau này khi mà Phật giáo Theravada đã bị Phật giáo Đại thừa lấn át ở các nước phương Bắc là Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản chỉ còn phát triển mạnh ở các nước phương Nam là vùng Đông Nam Á. Cũng vậy, Phật giáo Theravada còn được gọi là “Phật giáo Tiểu thừa”. Tên gọi “Tiểu thừa” chỉ có sau khi Phật giáo Đại thừa xuất hiện vào thế kỷ thứ 1 với quan

niệm của các nhà Đại thừa cho rằng Phật giáo Theravada thuộc tông phái không hành hạnh Bồ-tát để sau đó đạt đến bậc cao nhất của Niết Bàn là bậc Phật giống như đức Phật Thích-ca mà mục tiêu cuối cùng của những hành giả Theravada tuy cũng đạt Niết Bàn nhưng chỉ bước tới bậc thấp nhất của Niết Bàn là A-la-hán hoặc nếu cao hơn nữa là tự mình tu chứng để đạt tiếp đến bậc Độc Giác Phật mà thôi. A- la-hán và Độc Giác Phật tuy đã giải thoát nhưng đó chỉ là tự mình giải thoát cho mình gọi là “Tự Giác” chứ không có khả năng giải thoát cho người khác gọi là “Giác Tha” như các vị Bồ-tát và Phật của Đại thừa. Từ “Thừa” ở đây có nghĩa là “cỗ xe”. Các vị theo tông phái Đại thừa đã ví tông phái của mình là “cỗ xe lớn”, còn những tông phái khác không hành hạnh Bồ-tát, không có khả năng “Giác Tha”, không thể trở thành Phật là “cỗ xe nhỏ” - “Tiểu thừa”.

Những đặc điểm cơ bản của giáo lý Phật giáo Theravada đã được Hoàng Phong nêu ra trong công trình nghiên cứu của mình. Đó là:

1- Đối với Phật giáo Theravada, trong mười phương của vũ trụ chỉ có một vị Phật duy nhất.

2- Những lời giáo huấn của Đức Phật không mang tính siêu thế gian bởi nếu không thì người phàm tục sẽ không sao hiểu được. Đức Phật là một con người ngập tràn lòng từ bi và vượt lên trên mọi con người khác. Đức Phật hiện hữu bằng thân xác con người và sinh tồn bằng thực phẩm vật chất của con người.

3- Một vị Phật hoàn hảo hiển hiện dưới ba thân khác nhau: thân hư hoại, sẽ tan biến khi vị này nhập niết bàn; thân tâm linh, là thân dùng để giao tiếp với các thánh nhân; thân Đạo Pháp (Dhamma) tức là giáo huấn của vị ấy.

4- Vị Phật trong vũ trụ của chúng ta mang tên là Cồ-đàm (tiếng Pali Gotama, tiếng Phạn Gautama) và giáo huấn của Ngài do chính ngài thuyết giảng, là các bài kinh được ghi chép bằng tiếng Pali trong Tam Tạng Kinh

5- Chúng sinh đều có thể đạt được sự giải thoát và giác ngộ nhờ vào ba con đường khác nhau:

- Con đường thứ nhất giúp người tu tập trở thành một vị Thanh Văn bằng cách nghe những lời giáo huấn của một vị Phật hoàn hảo.

- Con đường thứ hai giúp người tu tập đạt được Phật quả bằng sự chuyên cần của chính mình. Trong trường hợp này người tu tập sẽ trở thành một vị Độc Giác Phật, có nghĩa là đạt được thể dạng Phật quả bằng cách tự mình chứng ngộ.

- Con đường thứ ba là đạt được Phật quả bằng cách bước theo con đường của người Bồ tát, và trong trường hợp này thì người tu tập sẽ đạt được cùng một lúc thể dạng của một vị A-la-hán và thể dạng của một vị Phật hoàn hảo. Trong Phật giáo Theravada có nêu lên khái niệm về người Bồ tát tương tự như Phật giáo Đại Thừa, thế nhưng theo Phật giáo Theravada thì khái niệm ấy mang tính quá sức lý tưởng và không thực tế, khó có người tu tập có thể đạt được.

6- Một khi đã đạt tới thể dạng A-la-hán thì sẽ giữ mãi được thể dạng giải thoát đó của mình, không bị mê hoặc bởi người khác, không còn bị chi phối bởi vô minh, không còn hoang mang, không cần đến sự chỉ dạy của người khác, không còn thốt lên những lời khổ đau nữa hay nói cách khác khổ đau hay phúc hạnh đều tan biến và không còn mang một ý nghĩa nào cả.

7- Sự quyết tâm giữ giới và nếp sống xuất gia của người tỳ khiêu cũng như sự chuyên cần luyện tập, phối hợp giữa hai phép thiền định tĩnh lặng (samatha) và quán thấy sâu xa (vipassana) là những điều kiện cần thiết nhằm mang lại trí tuệ cho người tu tập, giúp họ đạt được giác ngộ.

8- Theo quan điểm của Phật giáo Theravada thì một vị Bồ tát (tức là một người còn đang „bước đi” trên đường đưa tới giác ngộ) không hề mang 32 tướng tốt chính yếu và 80 tướng tốt thứ yếu, các tướng tốt này chỉ hiện ra trong kiếp nhân sinh cuối cùng của vị ấy, đúng vào lúc sắp đạt được sự giác ngộ hoàn hảo mà thôi. Những điều đó cho thấy trước khi thành Phật, người Bồ tát vẫn tiếp tục bị chi phối bởi nghiệp. Vị ấy chỉ là một chúng sinh thượng thặng trước khi trở thành một vị Phật hoàn hảo trong tương lai, do đó người Bồ tát không thể biểu trưng cho một khuôn mẫu hay một lý tưởng nào để người khác có thể nhìn vào và noi theo.

9- Người thế tục phải tích lũy những điều xứng đáng bằng các hành động bố thí, cúng dường tăng đoàn và thờ phụng Đức Phật, từ các biểu tượng thiêng liêng cho đến xá lợi của Ngài nhằm giúp mình tái sinh trong những cảnh giới cao hơn.

10- Một người thế tục không thể nào trở thành một vị A-la-hán được nếu như người này chưa từ bỏ cuộc sống gia đình và mọi thứ tiện nghi phù phiếm để bước vào con đường xuất gia của người tỳ-khiêu.

11- Niết bàn là nơi không thể nào có thể mô tả ra được, hoặc hình dung nói ra được.

12- Phật giáo Theravada cho rằng không có một thể dạng trung gian nào giữa một sự hiện hữu và một sự tái sinh. Sự chuyển tiếp giữa kiếp sống này và kiếp sống sau sẽ xảy ra tức khắc sau cái chết. Theo Phật giáo Theravada thì cái chết và sự tái sinh cũng chỉ là một sự chuyển tiếp giữa hai đơn vị khoảnh khắc của tri thức, do đó đã không chấp nhận có một thể dạng trung gian giữa cái chết và sự tái sinh. Trái lại Kim Cương Thừa lại rất quan tâm đến thể dạng này, nhìn cái chết và sự tái sinh trên một bình diện bao quát hơn, là quá trình tan rã tuần tự của thân xác và tâm thức trước khi xảy ra sự chuyển tiếp cuối cùng của cái chết và sự tái sinh. Thể trung gian đó kéo dài tối đa 49 ngày.

13- Cá thể con người không có “cái tôi” (vô ngã), bởi vì “cái tôi” hay “bản ngã” chỉ là một hình thức hay một thể dạng vận hành của tâm thần, tức là một hiện tượng cấu hợp mang tính quy ước như tất cả các hiện tượng khác. Ngoài ra Phật giáo Theravada cũng chủ trương cho rằng mọi hiện tượng dù xảy ra hay hiện ra bên ngoài tâm thức đi nữa cũng đều là “trống không” (chứa tính không).

14- Không có bất cứ người nào có thể hội đủ khả năng để kiểm soát tư duy người khác, có thể trực tiếp ngăn chặn được người khác biến thành con mồi dục vọng của chính họ, và cũng không ngăn chặn được sự phát sinh của quả do nghiệp của họ tạo ra. Không ai có thể ép buộc được người khác phải thấu hiểu sâu xa Tứ Diệu Đế, cũng không thể thay họ cảm nhận sự thích thú hay khổ đau do chính họ tạo ra cho họ.

15- Nghiệp mang tính cá nhân và hoàn toàn thuộc vào lĩnh vực tâm thần (tức là chủ đích của hành động phát sinh từ trong tâm thức). Nghiệp phát sinh trong tâm thức nhưng quả phát sinh từ nghiệp - dưới hình thức ngôn từ hay hành động, có thể tạo ra các tác động ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài.

16- Quan điểm triết học quan trọng nhất của Phật giáo Theravada là chống lại chủ trương “duy thực” của nhóm Sarvastivadin cho rằng tất cả các hiện tượng đều là “thật”. Trái lại, theo quan điểm của Phật giáo Theravada thì các hiện tượng chỉ hàm chứa một sự “hiện thực tương đối và giới hạn” nào đó mà thôi. Quan điểm này được trình bày trong tạng Luận A-tì-đạt-ma. Phật giáo Theravada không “cụ thể hóa” hay “vật thể hóa” quá khứ cũng như tương lai bởi các hiện tượng quá khứ và tương lai không hiện hữu một cách thật sự và chúng chỉ được tạo ra bởi tư tưởng của con người. Phật giáo Theravada chỉ công nhận những gì trong quá khứ khi nào chúng chưa trở thành chín muồi để hóa thành quả trong hiện tại (tức là còn ở dạng nguyên nhân), và những gì còn tiếp tục kéo dài trong tương lai khi chúng chưa tạo ra quả để tự biến mất.[22, tr. 18-22]

Với 16 đặc điểm trên đây, theo chúng tôi chúng ta cần lưu ý một số vấn đề như sau:

- Phật giáo Theravada chỉ chấp nhận có một vị Phật duy nhất đó là đức Phật Thích-ca. Chính vì vậy khi chúng ta bước vào các chùa của Phật giáo Theravada chúng ta thấy trên Phật điện chỉ có duy nhất tượng của đức Phật Thích-ca.

- Vì chỉ chấp nhận có một vị Phật là đức Phật Thích-ca nên Phật giáo Theravada chỉ chấp nhận có Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pali mới đích thực là những lời giáo huấn của đức Phật Thích-ca.

- Phật giáo Theravada nhấn mạnh vào việc tuân thủ giới luật một cách nghiên túc. Những gì thuộc về giới luật mà không phải do đức Phật nói ra đều không được áp dụng trong Phật giáo Theravada. Người Tỳ-khiêu Theravada phải là người biết giữ giới, tức là phải chối bỏ của cải, chối bỏ mọi hình thức tiện nghi về vật chất cũng như về tinh thần tồn tại trong thế tục, phải sống nếp sống gương mẫu, biết chế ngự mọi thèm khát, biết bình tĩnh giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

- Phật giáo Theravada khuyến khích các tỳ-khiêu của mình phải nỗ lực luyện tập thiền định, phải chuyên tâm học thuộc kinh điển. Do đó phương pháp tu trì của Phật giáo Theravada là chuyên cần luyện tập các phép thiền định và quán tưởng, hàng ngày tụng kinh niệm Phật.

- Mục tiêu mà Phật giáo Theravada hướng đến là quả vị A-la-hán hay Độc Giác Phật trong Niết Bàn. Đối với Phật giáo Theravada thì việc hành hạnh Bồ-tát để đạt tới quả vị Phật là không thực tế, là lý tưởng khó có thể đạt được. Chính vì vậy Phật giáo Theravada không thấy nói đến các vị Phật khác ngoài đức Phật Thích-ca và các vị Bồ-tát như trong Phật giáo Đại thừa.

- Phật giáo Theravada có sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức tăng đoàn (Xẳng- kha) với những người thế tục. Về phía người thế tục họ phải biết cúng dường các vị sư tăng vì đó là cơ hội tốt nhất để họ được nghe các vị thuyết giảng giáo lý đồng thời đó chính là cơ hội tạo ra các nghiệp lành để họ có được các quả lành được tái sinh vào một kiếp sống có đủ điều kiện đạt tới Niết Bàn hơn. Về phía các vị sư tăng họ phải không ngừng trau dồi đạo đức, sống gương mẫu, không lơi là việc tụng niệm và thuyết giảng giáo pháp cho người thế tục, hướng dẫn, giúp đỡ và che chở cho người thế tục trong cuộc sống.

- Như vậy nội dung chính của Phật giáo Theravada đã bám sát nội dung của những bài pháp do chính đức Phật thuyết giảng như đã nêu trên đây bao gồm những triết lý về nhân sinh quan và quy phạm đạo đức của Phật giáo thể hiện qua các bài pháp về “Tứ Diệu Đế”, “Bát Chính Đạo”, “Luật Nhân Quả”, “Thuyết Luân Hồi”, “Thập Thiện Nghiệp”, “Thiểu Dục và Tri Túc”, v.v... Những bài thuyết giảng này đã được đức Phật thuyết giảng hóa độ cho chúng sinh trong suốt 49 năm và sau này đã được ghi chép lại bằng tiếng Pali rồi được khẳng định qua ba lần kết tập kinh Phật.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ảnh hưởng của phật giáo theravada đến đời sống chính trị, xã hội và văn hóa thái lan (Trang 43 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)