Những tự sự đồng tính trong văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ XX đến nay: “từ

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) diện mạo mảng văn xuôi viết về đề tài đồng tính ở việt nam từ đầu thế kỷ XX đến nay (Trang 32 - 36)

1.2.1 .Đề tài đồng tính – “người quen muôn năm cũ” của văn học nhân loại

1.2.2. Những tự sự đồng tính trong văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ XX đến nay: “từ

“từ hình thức ngụy trang đến các tự thuật thú nhận”

Văn học Việt Nam, bất chấp sự phong phú của nó, thực tế lại không lưu giữ những bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của một bộ phận văn học mang tư cách thiểu số. Những khái niệm “văn học đồng tính”, “văn học queer” như đã nói luôn phải được hiểu ở một nội hàm rộng nhất và mềm dẻo nhất, ở đó các tình tiết văn học, các yếu tố có tính chất “queer” như mối quan hệ tình cảm, tình dục cùng giới, các thể hiện giới không theo quy định chuẩn giới đương thời đều có thể là đối tượng được xem xét. Đồng thời, cũng phải hiểu rằng, nếu “khớp các yếu tố queer này vào định nghĩa LGBT hiện đại sẽ là hạn hẹp, vì nó mang cả những bối cảnh văn hóa, lịch sử, quyền lực chứ không chỉ là tính dục” [136]. Trong thời kỳ cổ trung đại, xu hướng lệch chuẩn về giới tính chỉ được đề cập một cách bóng gió qua số ít truyền thuyết và giai thoại lịch sử kể về những nhân vật có hiện tượng nam hóa hoặc nữ hóa. Tuy thế, việc “một người phụ nữ có tiếng nói vang như sấm, vú dài ba thước, không thích lấy chồng, ham mê chinh chiến” [136] trong tâm thức của dân gian từ xưa tới nay chỉ gợi lên những đặc điểm tướng tinh ở một con người phi thường. Ý nghĩ nào đó dù mơ hồ ám chỉ về sự lệch pha giới tính hẳn sẽ bị xem như một hành động giải thiêng lịch sử đáng lên án.

Muộn hơn một chút, nghi thức hầu đồng trong đạo Mẫu bản địa cũng được xem như một hình thức ngụy trang của hiện tượng hoán vị giới mà ở đó sự vượt rào được diễn ra công khai. Nếu thật sự không được làm mờ hóa, ảo hóa bằng sương khói tâm linh, thật khó có lời giải thích ổn thỏa cho việc nghịch đảo giới tính này.

Trong suốt gần mười thế kỷ tồn tại của văn học trung đại, người ta những tưởng các vấn đề liên quan đến sự bất thường giới tính hoàn toàn là một cấm địa thì không ngờ, nó vẫn được nhắc đến. Tuy nhiên, với sự hiểu biết hạn hẹp, người đương thời nhìn nhận những trường hợp nam hóa nữ hay nữ hóa nam chỉ thuần túy như một điềm báo tai dị sắp xảy đến với triều đại và quốc gia, xuất phát từ nguyên do hoặc “vì hình phạt thiến người quá lạm” hoặc giả “vì phụ nữ tham chính”[128,92].Cùng mượn chuyện quái dị như một cách bao biếm kín đáo, học sĩ Đan Sơn (sống vào cuối thế kỷ XVIII tại Việt Nam) trong cuốn Sơn cư tạp thuật có truyện “Nữ hóa nam” và Vũ Trinh (trong Lan Trì kiến văn lục) viết “Nữ biến thành nam” đều thuật lại chuyện những người đàn bà sau cơn bạo bệnh bị thay đổi về sinh dục. Bởi những chế định thời đại, các câu chuyện này chủ yếu mới nhìn nhận hiện tượng biến đổi giới dưới góc độ chính trị - đạo đức mà lảng tránh khám phá ở cạnh khía tâm - sinh lý con người. Và đề tài đó vẫn còn bỏ lửng cho đến lúc chế độ phong kiến Việt Nam đi tới hồi thoái trào.

Sang đầu thế kỷ XX, hầu hết các nguồn tài liệu tiếng Việt được tìm thấy bàn về các dị thể tính dục đa số đều được dịch hoặc phóng tác từ nước ngoài (ví dụ như tiểu thuyết Nữ tu sĩ của D.Diderot, chuyên khảo Sài Gòn sau bóng tối của Philip Marnais...). Rất hiếm tác phẩm văn xuôi do người Việt sáng tác đề cập đến vấn đề luyến ái đồng giới. Theo sự tìm kiếm còn nhiều hạn chế của người viết, con số tác phẩm chỉ có thể kể đếm trên đầu ngón tay. Trong số ít ỏi đó, có cả các sáng tác phải đặt trong một dải phổ lỏng về giới như đã nói ở trên để xem xét, bởi chúng nhấn mạnh tới những dị thể về mặt tâm lý, mỹ quan thay vì hướng tới hành vi tình dục. Đây có lẽ là điều đặc biệt chỉ xuất hiện trong văn học Việt Nam bối cảnh đầu thế kỷ. Tiểu thuyết theo lối chương hồi Người bán ngọc (1931) của Lê Hoằng Mưu,

thông vàng (1939) và Trường ca (1944) của Xuân Diệu, hồi ký Đôi nét về Hàn Mặc Tử (1962) của Quách Tấn...là những dẫn chứng điển hình cho các “động thái chuyển vị của dục cảm đồng tính trong văn chương Việt” [151] giai đoạn từ và về thời Pháp thuộc. Các tác phẩm khác như truyện ngắn Thủ đoạn (1931) của Vũ Trọng Phụng, phóng sự Hà Nội lầm than (1938) và Vợ lẽ nàng hầu (1949) của Trọng Lang, tiểu thuyết Hầu thánh (1942) của Lộng Chương, Khung rêu (1969) của Nguyễn Thị Thụy Vũ, hồi ký Cát bụi chân ai (1991)của Tô Hoài...mặc dù có những khúc đoạn miêu tả trực tiếp thì xem ra vẫn chưa làm thỏa mãn dư luận về các trường hợp dị thể tính dục còn nhiều lạ lẫm khi đó. Những ý kiến trái chiều xung quanh tác phẩm cũng chứng tỏ một thực tế có phần u ám của mảng đề tài bị xem là lạc loài này.

Văn học đương đại với khuynh hướng dân chủ hóa đã tạo nhiều cơ hội cho ý thức cá nhân được công khai tự biểu hiện. Từ chỗ còn ngập ngừng che đậy (như trường hợp “tình trai” Xuân Diệu ở nửa đầu thế kỷ XX) đến chỗ “come out” của rất nhiều tác giả trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X trong thế kỷ XXI, văn học đồng tính Việt Nam đã đi qua một hành trình khá gập ghềnh. Xen giữa hai chặng đường đó là một giai đoạn đặc biệt mà đề tài đồng tính dường như chưa bao giờ trở nên xa lạ hơn thế khi cả miền Bắc hừng hực trong những “đêm không ngủ” hướng về tiền tuyến lớn miền Nam. Nhưng không viết không có nghĩa là không có, không tồn tại. Vì nhiều lý do, văn học thời chiến tranh đã chưa dành sự quan tâm đúng mức đến những “ca đồng tính” sinh ra từ những hoàn cảnh đặc biệt mà các nhà kiến tạo luận phương Tây đã chỉ ra cách đấy gần một thế kỷ (trường hợp truyện ngắn Bố con là đàn bà của Vũ Bão với những suy tư về cuộc sống hậu chiến của những nữ thanh niên xung phong, những cô lính bộ đội cụ Hồ trong phức cảm tính dục khác thường là một sự “đột biến đơn độc” mang tính chất queerkhông được quan tâm xứng đáng).

Ngọn gió lành mang tên Đổi mới thổi vào Việt Nam từgiữa thập niên 80 của thế kỷ trước không chỉ đặt ra những câu hỏi lớn về sự nhận thức chân thực mà còn làm đổi thay những nếp nghĩ xưa cũ, tạo cơ hội cho nhiều mảng đề tài trong đời sống văn học được lộ diện, tái sinh. Văn xuôi (đặc biệt là tiểu thuyết, tự truyện) viết

về cộng đồng thiểu số LGBT kể từ khi chuyển sang lộ trình thứ hai là “các tự thuật thú nhận” đã đi được một chặng đường gần hai mươi năm (và trong tương lai chắc chắn vẫn còn bước tiếp). Sự ám thị của bản tính tò mò tập thể được cổ vũ bởi không khí cởi mở, dân chủ đã đưa đồng tính từ một đề tài nằm trong “vùng cấm kỵ” vụt trở thành một điểm “hot”, thời sự. Bùi Anh Tấn là một trong những nhà văn tiên phong, nhanh nhạy nhất đã “gãi” đúng chỗ ngứa của dư luận. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh liên tiếp tung ra các tác phẩm ít nhiều làm thỏa mãn cơn đói thông tin của một thị trường đa số đang ngập ngừng muốn tìm hiểu về những kẻ đi bên lề

mang căn cước giới tính thiểu số ngay cạnh mình. Quan sát quá trình viết của Bùi Anh Tấn, có thể thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ để cải thiện giá trị tác phẩm ở việc trau chuốt lời văn, kết cấu nghệ thuật, logic nội dung…của tác giả.Tuy vậy, ở một vài chỗ, khi mải đuổi theo việc dẫn giải, Bùi Anh Tấn dễ để lộ những “cố tật”, đó là “thích trích dẫn nhiều sách vở vào tiểu thuyết, khiến người đọc dễ bị lạc vào mê hồn trận lý thuyết mà quên đi nhân vật và cốt truyện”[91, 73 ]. Mặc dù thế, Bùi Anh Tấn vẫn là một tên tuổi được mong đợi và kỳ vọng trong sứ mệnh liên thông cộng đồng LGBT với thế giới.

Sau phát súng mở màn năm 1999 của Bùi Anh Tấn, thị trường văn xuôi đề tài đồng tính sôi nổi hẳn lên với một loạt tên tuổi: từ Nguyễn Thơ Sinh, Nguyễn Đình Tú, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thạch đến Nguyễn Quỳnh Trang, Thủy Anna, Vũ Thiên Kiều, Angry Chuột...Đáp ứng sự đa dạng của nhu cầu đọc, các tác giả trẻ cũng có những cách xử lý khác nhau đối với đề tài mà mình lựa chọn. Từxu hướng “tả chân” về thế giới thứ ba với những khúc đoạn bạo liệt, ám ảnh, một số tác phẩm văn xuôi đồng tính Việt Nam chọn cách lồng ghép hoặc coi LGBT chỉ như một nhánh phụ trong một chủ đề rộng lớn hơn (như nỗi cô đơn, ám ảnh về cái chết...).Trong số đó, Sông - tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư khiến cho người đọc vừa ngạc nhiên vừa thích thú bởi sự chuyển hướng đề tài đột ngột ở cây bút tưởng chừng sẽ mãi đóng đinh với những câu chuyện xưa cũ về số phận con người. Cách Nguyễn Ngọc Tư miêu tả một lát cắt đời tư của Ân, Bối (người đồng tính) trong hành trình khám phá sông Di không giống như cách viết thường thấy ở

các tác phẩm đã có. Có lẽ với Tư, các đề tài đều được đối xử như nhau. Người đồng tính hay dị tính đều cần phải sống, cần phải yêu. Họ bình thường và bình đẳng giữa cuộc đời. Quan niệm đó khiến cho chị không cần lên gân hay cảm thấy bị áp lực lúc phải xử lý một chất liệu đời sống được cho là phức tạp. Không quá lạc quan khi cho rằng, có thể nhìn thấy một con đường mới mở cho các nhà văn vẫn muốn tiếp tục khai thác đề tài về đồng tính từ tiểu thuyết đầu tay của cây bút tài năng này.

Cùng với các tác phẩm đã xuất hiện trước đó được giới thiệu bởi các nhà xuất bản có tiếng, cần phải kể đến những đóng góp gần đây của các tổ chức như CSAGA, ICS, ISEE...đã phát động những cuộc thi sáng tác hoặc giới thiệu sách về chủ đề LGBTđược thẩm định và đánh giá công tâm bởi các chuyên gia trong lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu văn chương trong nước như nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà văn Trang Hạ, các nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn, Ngô Văn Giá, Nguyễn Thị Bình... Tuyển tập truyện ngắn

Thuận tay trái, Hạnh phúc là sống thật, Xoạc cẳng đợi mùa xuân... là những sản phẩm văn chương đã được ra mắt trong các trường hợp như thế.

Kể từ dấu mốc 1999, văn xuôi về đề tài đồng tính đã ghi nhận một giai đoạn hưng thịnh. Hiện tại nó đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí còn đứng trước nguy cơ bị “xâm lăng” bởi những ấn phẩm dạng fake được biết đến dưới các tên gọi đam mỹ, yaoi…Để mảng văn học này phát triển đúng hướng, trở thành một dòng văn học đích thực mang những tiêu chí thiểu số như cách nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu đã chỉ ra là một tương lai cần nhiều thời gianvà nỗ lực.Đã đến lúc, đề tài đồng tính cần vượt qua tình thế tự thú hiện tại để hòa nhập vào đời sống văn chương trong một tâm thế bình thường hóa- như những nhân vật của nó đã mong muốn.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) diện mạo mảng văn xuôi viết về đề tài đồng tính ở việt nam từ đầu thế kỷ XX đến nay (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)