Đồng tính trong văn xuôitừ góc nhìn sinh thái hành vi

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) diện mạo mảng văn xuôi viết về đề tài đồng tính ở việt nam từ đầu thế kỷ XX đến nay (Trang 50 - 52)

1.2.1 .Đề tài đồng tính – “người quen muôn năm cũ” của văn học nhân loại

2.1. Đồng tính trong văn xuôitừ góc nhìn sinh thái hành vi

2.1.1. Sinh thái hành vi - cách tiếp cận trực quan với vấn đề đồng tính

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới từ trước tới nay vẫn thường coi tình yêu giữa người nam và người nữ, tình dục dị tính là một chuẩn mực bất thành văn được hưởng sự thừa nhận tất nhiên của cả một hệ thống bao gồm tập tục văn hóa, quan điểm đạo đức và pháp luật (khi nó không đi ngược lại các quy tắc ứng xử về hôn nhân, gia đình). Dưới góc độ xã hội học, tình dục đồng giới (giữa hai người nam hoặc hai người nữ) trong quá khứ chưa xa từng bị xếp vào nhóm hành vi sai lệch xã hội ở cấp độ một (hành vi dị thường) bên cạnh tệ nạn xã hội (cấp độ hai) và các hành vi tội phạm (cấp độ ba), vốn được định nghĩa là “những hành vi bất bình thường, khác thường, khác biệt với hành vi của đông đảo những người xung quanh (…) chưa đạt đến mức độ nguy hiểm cho xã hội song thường gây bức bối khó chịu, mất thiện cảm đối với mọi người” [99, 80]. Cộng đồng thiểu số đồng tính do đó đại diện cho một nhóm người lầm lạc, phi chuẩn mực, trong nhiều thế kỷ luôn là nạn nhân của sự tẩy chay hoặc trừng phạt.

Những tài liệu về sử học, luật học giai đoạn từ thời phong kiến đến Pháp thuộc cho thấy rằng vấn đề đồng tính chưa bao giờ là đối tượng quan tâm thực sự của chính quyền. Người đồng tính – trong mặc định chung – luôn là loại người bệnh, bất bình thường, mang mặc cảm thiểu số lép vế và không được chính quyền xem xét với tư cách pháp nhân. (Tình hình này cho đến cuối thế kỷ XX mới có những dấu hiệu thay đổi (xin xem phần phụ lục 2)). Do đó, từ góc độ đại chúng, hiện tượng đồng tính luyến ái và cộng đồng đồng tính luôn là một thế giới bí mật, ẩn tàng nhiều nguy cơ với số đông dị tính. Đa phần dân chúng những năm đầu thế

kỷ trước không có chút khái niệm nào về quan hệ đồng tính cũng như bản chất của đồng tính. Họ thường dùng từ “lại cái” để chỉ những người đàn ông có hành vi và dáng vẻ giống phụ nữ. Bản thân cụm từ này đã ngầm chứa trong đó thái độ tiêu cực về đối tượng.

Việc nhìn nhận người đồng tính để đánh giá và kết luận, luôn luôn bắt đầu từcác động thái hành vi họ bộc lộ. Xem xét hiện tượng đồng tính từ góc độ xã hội học hành vi (sinh thái hành vi) tức là nhấn mạnh vào hành vi xã hội của nhóm người bị mang danh thiểu số. Theo đó, hành vi đồng tính được hiểu phần lớn như một phản ứng của bản năng tính dục không thể kìm chế, vì vậy, nó khiến chủ thể hành vi hoặc trở nên thấp kém, đáng khinh (trường hợp người con gái tên Thộn trong tác phẩm Vợ lẽ nàng hầu) hoặc là nạn nhân của lòng thương hại (nhân vật Chiêu trong

Khung rêu chẳng hạn). Một cách trực quan, cộng đồng dị tính nhìn nhận hành vi xã hội của nhóm người đồng tính ở hai biểu hiện: một là hoạt động cá nhân (cái đập vào mắt quan sát), hai là các mối quan hệ (giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với nhóm). Hoạt động cá nhân như cử chỉ, nói năng, phục sức, đi lại…; trong khi đó “quan hệ” thường ám chỉ đến mối liên hệ thiên về nhục thể.

Quan niệm này có vẻ rất phù hợp với kinh nghiệm và tri thức đời thường trong một xã hội mà phần lớn dân chúng chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với khoa học. Những biểu hiện sinh thái hành vi đồng tính dưới con mắt của số đông như là một sản phẩm của bản năng, (nó khác về cơ bản với khái niệm “hành động xã hội” mang bản chất xã hội, có ý thức, được hậu thuẫn bởi những quy tắc ứng xử đã được thiết chế hóa). Chính vì thế, ở góc độ này, hành vi đồng tính xa lạ với “ý nghĩa”, “chuẩn mực” và “giá trị” (ba khái niệm nền tảng của hành động xã hội). Suy rộng ra, khi đánh giá hiện tượng đồng tính từ cái nhìn sinh thái hành vi, tức là người ta đang ngầm loại nó ra khỏi những gì được xem là “đúng đắn, phù hợp với đạo đức”.

Xem xét hiện tượng đồng tính từ khía cạnh sinh thái hành vi được coi là cách tiếp cận khả dĩ mà các nhà văn Việt Nam (trong một số trường hợp còn kiêm cả vai trò nhà báo, nhà xã hội) sử dụng để chuyển tải thông tin tới bạn đọc đảm bảo tính

thực tế, tin cậy và sinh động. Nó cũng tỏ ra phù hợp với nhận thức chung của công chúng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Tác phẩm văn chương về hiện tượng đồng tính, do đó có giá trị như một phóng sự báo chí, một văn bản điều tra, hoặc một ghi chép nhân học, vừa đáp ứng sự hiểu biết tri thức đời sống vừa thoả mãn niềm vui thích hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật bằng ngôn từ của đám đông quần chúng. Tính trực quan (quan sát tất cả các hành vi, hiện tượng bằng mắt thấy, tai nghe) đồng thời là yêu cầu không thể khác khi mọi ngả đường thâm nhập để hiểu biết về đối tượng đều bị đóng kín. Nhà văn sẽ là người khơi mở, từng bước vén những bức rèm bí ẩn xung quanh thế giới thiểu số (minority) từ chính trải nghiệm thực tiễn của mình.Bằng cách đứng về phía người đọc, phán xét trên quan điểm của độc giả, nhà văn tạo ra được một hiệu ứng tiếp nhận và ủng hộ với những điều anh ta viết. Nhà văn khi hướng ngòi bút vào vấn đề đồng tính không còn nói tiếng nói của riêng mình mà đã phát ngôn cho cả tập thể, nói bằng thứ ngôn ngữ mang dấu vết văn hóa cộng đồng.

Mặc dù số lượng tác phẩm đề cập đến vấn đề này không nhiều, chúng tôi cho rằng, ngay sự ít ỏi đó cũng góp phần làm rõ đặc điểm của một nền văn học hiện đại với ý thức khám phá đời sống trong tất cả chiều kích của nó. Sự khám phá, gắn với tính lịch sử như một thứ diễn ngôn có tính nhất thời; cho nên sẽ là hồ đồ nếu đem nó ra phán xét trên quan điểm hiện tại. Hơn thế, bản thân thái độ phản ánh như một hạn chế mang dấu vết thời đại thực ra lại có ý nghĩa quan trọng trong một vấn đề rộng lớn hơn (chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở chương 4).

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) diện mạo mảng văn xuôi viết về đề tài đồng tính ở việt nam từ đầu thế kỷ XX đến nay (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)