.Những biểu hiện sinh thái hành vi trong văn xuôi viết về đồng tính

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) diện mạo mảng văn xuôi viết về đề tài đồng tính ở việt nam từ đầu thế kỷ XX đến nay (Trang 52 - 59)

Mang tư cách dị biệt, ở những thập niên đầu thế kỷ XX, hiện tượng luyến ái đồng tính xuất hiện rất hãn hữu trong văn học. Các nhà văn khi có dịp mô tả hiện tượng này cũng đại diện cho tiếng nói chung của xã hội lúc đó, tức là xem nó như một sự bất thường, đáng chê cười. Bằng cách thức tiếp cận của những người làm trong lĩnh vực xã hội học, các nhà văn cho người đương thời và hậu thế sau này thấy được thái độ bất bình rất rõ ràng của cả một cộng đồng đối với hành vi sai lệch

(thường hiểu ngầm là tha hóa) và những con người mang thân phận “kẻ khác” ở thời điểm lịch sử nhiều biến động.

Trong vai một tay chơi có máu điều tra, tác giả Trọng Lang (bút danh của Trần Tán Cửu) đã không ngần ngại dấn thân vào những ngõ ngách tối tăm và bí hiểm nhất của đời sống Hà Nội những năm cuối của thập niên ba mươi thế kỷ trước, để trình làng một thiên phóng sự có một không hai về nạn hoa liễu đang lây lan chóng mặt đến mức mất kiểm soát, để người ta nhìn rõ có một Hà Nội lầm than

đằng sau Hà Nội văn hiến hào hoa, thanh lịch. Trong hơn hai trăm trang của thiên phóng sự, bên cạnh việc đi sâu vào tái dựng nguyên trạng tình cảnh nhếch nhác, ê chề của những phụ nữ làm “nô lệ xác thịt” tại các quán bar, nhà thổ, tiệm nhảy...nhà văn còn dẫn người đọc vào một góc khuất ít người biết mang cái tên chắc chắn là xa lạ với đa số dân chúng Việt Nam thời ấy: nhà thổ ...đực. Tức là “một tụi đàn ông chuyên đi làm nghề của đàn bà nhà thổ”[51, 214].Nhưng khác với bọn gái điếm thông thường, tụi thổ đực này chỉ chuyên ngủ với lính Tây, cả đen và trắng. Cái bĩu môi khinh bỉ của nhân vật T trong câu chuyện khi liệt kê con số “chín mươi thằng đi so” “chín mươi thằng “đê tiện, hèn mạt” và “vô nhân đạo” đã làm xấu mặt, làm nhục người An Nam, trước mặt người Tây” [51, 215] có thể nói thay một cách sinh động cho thái độ của dân chúng Hà thành về nạn “thổ đực” lúc bấy giờ. Cuộc điều tra còn cho người đọc biết những mánh khóe trong cái nghề “so” khốn nạn mà nhìn qua, người ta thấy ngoài vẻ phù phiếm vá đắp bên ngoài, là một thảm cảnh bệnh tật, cơ cực “như đời một con giun, đến cái chết co quắp, tối om” [51, 217]. Những thanh niên làm “so” theo ghi chép của Trọng Lang ở đây không chỉ là những kẻ có “chứng” đó từ trong bản chất, mà còn tồn tại một cơ số công tử đẹp giai, con nhà tử tế, được học hành nhưng lười lao động, chỉ muốn hưởng thụ, cũng tình nguyện để được Tây “phá tân” và chính thức bước vào đời “so”. Với tính chất của một thiên phóng sự điều tra, các thông tin mà nhà văn đưa ra có thể nói phản ánh khá sát thực tế, và nhà văn, trong trường hợp này đã đảm đương vai trò của một nhân viên xã hội đi thị sát tình hình thực tế để làm báo cáo – một báo cáo không chỉ có những con số

lãnh đạm, mà nó đã phác họa cả những phần khuất lấp của khuôn mặt nhân sinh với những tiếng kêu thương về kiếp người.

Hơn hai trang ngắn ngủi cũng đủ phác thảo sơ lược về cộng đồng thiểu số bị cả xã hội khinh khi vì tội làm nhục quốc thể bằng cái nghề đốn mạt của mình. Thái độ của các nhân vật kể chuyện và người kể (cũng chính là tác giả thiên phóng sự) cho thấy rõ quan điểm bất bình của số đông. Không chỉ Trọng Lang, ngay cả ông vua phóng sự đất Bắc nổi tiếng khi đó là Vũ Trọng Phụng cũng đã từng sáng tạo một nhân vật đồng tính trong sự nghiệp văn chương của mình để tỏ rõ niềm khinh bạc với sự đời ô trọc. Lần đầu tiên ra mắt độc giả năm 1931 trên tờ Ngọ báo, đoản thiên tiểu thuyết với cái tên rất lộ Thủ đoạn đã khiến tác giả của nó sau đó có nguy cơ bị đi tù vì làm “bại phong hóa”. Câu chuyện không có gì giật gân, ngoài việc tả một anh chàng thư ký, vì muốn lấy lòng ông chủ, đã nghĩ ra nhiều chiêu. Thất bại trong âm mưu ép vợ mình (vốn là một cô đầu) chiều lòng ông chủ, anh ta đành phải tự nguyện hiến thân cho lão nhiều lần, đến mức “phát ốm” nhưng vẫn không được buông tha. Không giống như nhiều tác phẩm của Thiên Hư bị đời khi đó gắn mác “dâm ô”, Thủ đoạn còn đi xa hơn thế. Yếu tố dục tính trong câu chuyện không chỉ gắn với mối quan hệ chủ tớ dưới hình thức cộng hưởng khoái lạc mà còn động tới cả một vấn đề bị xã hội lên án: sự dâm loạn xác thịt, mà lại là thứ dâm loạn đồng giới!Cũng là tả cái dâm, nhưng lần này, sự dâm đã có thêm hình hài mới, chỉ tiếc là nhà văn đã không dành cho nó sự quan tâm nhiều hơn. Biết đâu, nếu ông làm như vậy, hậu thế chả được chiêm ngưỡng những tuyệt phẩm hơn cả Số đỏ hay Lục xì?

Trong một số nghiên cứu có sự tương liên giữa văn học và văn hóa, đặc biệt là văn hóa tín ngưỡng giai đoạn trước 1945, các nhà văn đồng thời trong vai trò nhà báo đã đặc biệt hào hứng thâm nhập thực tế tất cả ngóc ngách đời sống ngõ hầu tận hiến cho đời những trang viết tả chân, thời sự. Mang một nhãn quan trào lộng, Lộng Chương (bút danh của Phạm Văn Hiến) đã đứng trên lập trường của một thanh niên tân tiến được tiếp thu nền giáo dục Tây học để bàn luận về trào lưu lối sống lố lăng, tha hóa của một bộ phận thị dân trung lưu khá giả qua tiểu thuyết phóng sự dài có tiêu đề châm chọc Hầu thánh (xuất bản năm 1942) mà tiêu điểm là “cái xã hội đồng

bóng với những nhúm người dở dại dở điên” [11, 55]. Xung quanh câu chuyện về thú làm con dân của thánh thần trong các bà, các cô dư thừa của cải ở Hà Nội những năm 30-45, nhà văn không giấu giếm thái độ phê phán đối với tín ngưỡng hầu đồng - một nét văn hóa bị coi là hủ tục, chẳng những không mang lại lợi ích thiết thực gì cho dân chúng mà còn là đầu mối dẫn đến những bi kịch tan cửa nát nhà. Với lời đề từ châm biếm ngay trên đầu tác phẩm “Tặng các bà đồng non và các cô tấp tểnh ra hầu đồng”, nhà văn hướng trọng tâm việc kể vào hai gia đình chính: gia đình bà Hàn Sính và gia đình bà Tư “Yên Phụ”. Qua góc nhìn của hai bà, người đọc mường tượng ra một xã hội thu nhỏ đặc biệt, ở đó, những người đàn bà - vì nhiều lý do - đã tìm đến cửa Thánh để khuây khỏa, và tự nguyện tìm đến nhau trong một thủ tục mê tín là “kết căn” (hiểu nôm na là “kết nghĩa vợ chồng”!). Bạn bè trong giới đồng của của hai bà, đều điềm nhiên trình diễn thứ tình cảm quái gở, chướng mắt về sự “kết căn” một cách công khai, không chút e ngại. Đây là một cảnh thường gặp trong những buổi gặp gỡ, hội họp thường kỳ trong hội chị em “ăn mày cửa Thánh”:

“Bà đồng Hàng Bồ gầy khẳng khiu, nói bông phèng luôn miệng, bà bá cổ bà Chánh “lỳ” vì bà này cứ lầm lầm lỳ lỳ như một nhà tu hành và hôn đánh chụt một cái vào má:

- Mình hôm nay sao làm gái thế? Làm nũng chồng phải không? Chồng mới có khác!

Và bà gọi bà Hàn Sính:

- Này “ông”, sao cứ hững hờ, để khách má hồng thương nhớ thế, có sang đây tiếp chuyện mợ nó không này!” [11, 32].

Trong khi âu yếm gọi nhau là “ông”, là “cậu”, là “bố”, các bà đồng thời tranh thủ nói xấu những “cô đồng” nam (người đàn ông ẻo lả như phụ nữ) và không tiếc lời cay nghiệt “Cái bọn đàn ông õng à õng ẹo, cũng múa may quay cuồng, cũng kết căn làm “vợ” làm “chồng”, cũng ghen tuông và có khi lại ăn mặc làm đàn bà” [11, 135].

Rất thường xuyên, những quan hệ kiểu “đổi tình bè bạn ra nghĩa phu thê” giữa các bà đồng luôn được tường thuật như một vở bi hài kịch với hồi kết không có

hậu. Điển hình là mối kết căn của bà giáo Đào (một góa phụ) với bà Đồng Châu, bà Hai với bà Năm Khách, và sau rốt là bà Hàn Sính với bà Phó kiểm lâm. Trong khi bà giáo Đào “a dua theo đòi đồng bóng một cách quáng lòa điên dởm” đã quyết liệt khước từ việc bằng lòng làm một tấm gương từ mẫu mà phó thác việc nhà cho người vú già để đến ở hẳn đền bà đồng Châu, “chịu đựng cả những sự dằn vặt ghen tuông, có khi cả sự hành hạ” để mà “giữ đạo xướng tùy triệt để” [11, 54] thì bà Năm Khách lại bị chính người bạn chung chăn gối cho vào tròng lừa mị êm ái bởi nhẹ dạ cả tin. Sự tình cờ giúp bà tỉnh ngộ nhưng đồng thời cũng một lần nữa trói bà chặt hơn vào nỗi cô đơn “Từ đó bà Năm Khách lại ở vậy một mình: có lẽ số bà cao quá! Góa bụa cả với một cuộc chung đôi với một người cùng giống” [11, 88].

Con đường mê đắm chạy theo những giá hầu tốn kém bạc vạn của những con công đệ tử phong lưu luôn bị ám ảnh bởi tâm lý thua chị kém em như bà Hàn Sính, bà Năm Khách sở dĩ dẫn đến một chung cục vô phương cứu chữa suy đến cùng cũng bởi chính những kẻ buôn thần bán thánh mà dưới mắt nhà văn không khác gì cảnh tượng “một con chuột chết thối tha đã tiết ra một mùi – chắc nồng nặc lắm – để hấp dẫn lại những bầy nhặng xanh ghê tởm” [11, 135]. Nỗi thương hại trộn với sự ghê ghét khi quan sát những biểu hiện hành vi có phần biến dị/nghịch dị của giới đồng bóng song hành với ác cảm đối với những hủ tục mê tín dị đoan đã cấp cho

Hầu thánh một ý vị châm biếm chua xót – vốn dĩ rất quen thuộc của văn chương hiện thực nửa đầu thế kỷ.

Nhấn mạnh vào mặt sinh thái hành vi để phát hiện ra “mùi đồng tính” là cách tiếp cận trực diện với hiện tượng, song đa phần nếu được lựa chọn, các nhà văn Việt Nam giai đoạn trước 1975 hầu như sẽ lảng tránh. Vì thực tế ấy mà mãi đến năm 1969, ở vùng văn học đô thị miền Nam mới xuất hiện một Khung rêu của Nguyễn Thị Thụy Vũ trong đó có những chương đoạn nữ văn sĩ bày tỏ sự cảm thông rất phụ nữ về những biến thể tình dục ngoài quy phạm. Tái đề xuất vấn đề tự do cá nhân trong tình yêu đôi lứa giữa những biến cố kinh hoàng làm xáo trộn tận gốc rễ xã hội, bằng một giọng văn chừng mực, Nguyễn Thị Thụy Vũ phục dựng lại một góc xã hội Việt thu nhỏ trong không gian Nam bộ bị vây bủa bởi nỗi loạn ly chiến tranh,

ở đó không chỉ có tình yêu/tình dục dị tính đòi bung tỏa vượt rào chế định gia phong mà còn có cả những ẩn ức, bế tắc của thứ dục tính thiểu số.

Là con út trong gia đình ông bà Phủ, Chiêu - một thanh niên sinh ra trong hình hài bất toàn - luôn mang nặng trong lòng nỗi mặc cảm thân phận. Tuy thế, tính tình lẫn thân xác kỳ dị không ngăn cản Chiêu lặng thầm chiều theo sở thích và khát khao của bản thân: “Đời sống của chàng còn gì sinh thú nữa, nếu không ngang nhiên tạo cho mình một thế giới huyền hoặc để chui vào ẩn núp cho yên thân (…) Giữ gìn với người khác đã quá mệt rồi. Chiêu luôn tâm niệm: mình hãy cho mình chút quyền sống” [140, 124-125]. Và chàng đã tự do phô diễn những nét tinh tế, mềm mại, khéo léo thường thấy ở đàn bà để làm cuộc sống cá nhân bớt phần vô vị, cho dù điều đó gây nhiều khổ tâm cho người mẹ đáng thương của chàng. Đời sống thường nhật của Chiêu, với “phòng riêng được trang điểm những riềm màn màu thiên thanh, hoặc màu hường. Trên bàn viết bày bức ảnh bán thân của chàng cải trang làm con gái với chiếc khăn san quàng trên mái tóc buông lơi xuống vai. Ngoài ra, chàng còn sắm một cái bàn phấn chất đầy nước hoa, thuốc sơn móng tay, kem nuôi da mặt” [140, 127] hoàn toàn xác quyết về ý muốn được là chính mình của một chàng gay bất hạnh. Cố thay đổi diện mạo để tự cảm thấy hài lòng với cuộc sống không tương lai trong hiện tại, những tháng ngày ruổi qua đời chàng còn thấm đẫm hương vị đau khổ thao thức: “Chàng thèm khát chiêm ngưỡng tấm thân mảnh dẻ và đầy đặn của một người con trai mới lớn hơn là tấm thân mềm mại và mát rượi của một cô gái dậy thì” [140,128]. Sự hiện diện của Hoàng - bạn anh trai chàng đã làm trái tim Chiêu xao động, và chàng ước mình có được vị thế đáng thèm khát của Tịnh - người chị họ cũng đang đem lòng thầm yêu Hoàng. Khổ sở trong nỗi giằng xé giữa việc phải ôm mối tương tư trong lòng với những khát khao muốn được gần gũi người trong mộng, Chiêu “ngấm ngầm hành xử theo dục cảm bản năng của mình như là gái trong khi vẫn tiếp tục lợi dụng cung cách xã giao với người cùng phái để kết thân với đối tượng dục cảm của mình”[151, 5]. Chàng nghĩ mình luôn có nhiều cơ hội hơn Tịnh. Tình yêu bị kìm nén với Hoàng khiến Chiêu nhìn sự ngây thơ, vô tâm, tươi tắn của Tịnh bằng thái độ ác cảm khó chịu, thậm chí có lúc chàng

còn không giấu giếm vẻ tàn nhẫn để kiếm cớ gây sự với Tịnh như một cách trả thù. Buổi tối giao thừa ở bên Hoàng của những năm tháng yên bình vui vẻ cuối cùng trước khi chứng kiến những xói lở vụn rã trong các mối quan hệ thân thuộc của gia đình đối với Chiêu như một kỷ niệm buồn đẹp đẽ, nó khiến chàng “thấy mình bé nhỏ, yếu đuối lạ kỳ”, và hơn cả, Hoàng cho Chiêu cảm giác của sự rạo rực quen thuộc “tạo điều kiện để Chiêu quy định được rõ rệt cái cảm giác mù mờ trong thân xác của mình” [140, 173].

Màn cao trào của tình yêu đồng giới đơn phương được đánh dấu bằng một sự kiện khó quên với cả hai mà nhà văn đã mất gần ba trang giấy chỉ để tường thuật những diễn biến ngổn ngang trong tâm trí nhân vật: “Chiêu ngả lưng trên ghế phô tơi cạnh giường ngủ của Hoàng (..) gió sông mát vuốt từng đợt lên người Hoàng và sau đó chàng chìm sâu vào giấc ngủ (…) Chiêu hồi hộp kỳ lạ (…) Mồ hôi chàng vã ra (…) Trí óc Chiêu uốn lượn trong những ý nghĩ lươn lẹo, sôi bỏng (…) Chiêu cảm thấy như có một luồng nước ấm len lỏi từ não cân đến khắp các ngõ ngách của thân thể làm chàng lâng lâng như rơi vào cơn say đằm thắm…”[140, 189-191]. Liều lĩnh lợi dụng hoàn cảnh để đụng chạm thân thể Hoàng khiến Chiêu một mặt chan chứa hạnh phúc vì được dịp gần gụi thân xác với người mình thầm yêu, mặt khác làm chàng lo âu xấu hổ muốn tự tử khi nhận ra sự hoảng hốt và đề phòng của đối tượng. Sự kiện ấy cũng chính thức cắt đứt những chuỗi ngày bình yên giả hiệu trong quan hệ bạn bè giữa hai người.

Hành vi của Chiêu, của người con gái “vợ lẽ nàng hầu”, của những bà đồng bóng và đội quân “so” trong văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỷ trước có thể chỉ là phần bị “lộ sáng” ít ỏi của cả một thế giới thiểu số trong bóng tối bí mật mà người đời chưa có điều kiện tiếp cận. Dưới con mắt của các nhà văn (đại diện cho quần chúng ở phần tinh anh nhất), những con người này đích thực là sản phẩm lỗi, những thực hành đời sống của họ tiêu biểu cho sự phán xét của cả cộng đồng về hành vi sai lệch xã hội, xứng đáng bị tẩy chay và trừng phạt. Dành cho họ một chung cục tối tăm chính là sự minh họa đầy hàm nghĩa cho thấy một phần trong thế giới quan và

nhân sinh quan giới sáng tác văn chương Việt trong đêm trước cuộc trở dạ vĩ đại, chuẩn bị ly khai những định kiến xưa cũ, ngăn cản con người tìm hiểu và thông cảm với chính đồng loại của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) diện mạo mảng văn xuôi viết về đề tài đồng tính ở việt nam từ đầu thế kỷ XX đến nay (Trang 52 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)