CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.4. Mục tiêu nghiên cứu của luận án
Từ tổng quan ở mục trên có thể thấy rằng các nghiên cứu về ổn định tĩnh và động lực phi tuyến của kết cấu vỏ thoải hai độ cong làm bằng vật liệu FGM chịu tác dụng của tải cơ, nhiệt và tải cơ – nhiệt đồng thời còn chưa được nghiên cứu nhiều. Đặc biệt là khi kết cấu này có tính chất vật liệu phụ thuộc vào nhiệt độ và được gia cường thêm các gân. Do vậy luận án này đặt ra mục tiêu giải quyết bài toán ổn định tĩnh và động lực phi tuyến, bao gồm xác định giá trị các tải tới hạn, giá trị tần số dao động tự do, mối liên hệ biên độ – tần số của dao động tự do và dao động cưỡng bức tuyến tính và phi tuyến, các đường cong tải trọng – biên độ độ võng cũng như biên độ độ võng – thời gian của kết cấu vỏ thoải hai độ cong FGM khi kết cấu này chịu một số điều kiện tác dụng của các tải cơ và nhiệt.
1. Phân tích ổn định tĩnh và đáp ứng động lực phi tuyến của vỏ thoải hai độ cong FGM không gân gia cường trên nền đàn hồi với các cạnh tựa bản lề chịu sự tác động của tải cơ học và tải cơ – nhiệt kết hợp bằng lý thuyết vỏ cổ điển trong đó có kể đến ảnh hưởng của tính không hoàn hảo trong hình dáng ban đầu và sự phụ thuộc nhiệt độ của các tính chất vật liệu lên ứng xử của vỏ.
2. Phân tích ổn định tĩnh và đáp ứng động lực phi tuyến của vỏ thoải hai độ cong FGM không hoàn hảo có gân gia cường với các cạnh tựa bản lề chịu các tải cơ, nhiệt và cơ – nhiệt kết hợp bằng lý thuyết vỏ cổ điển trong đó có kể đến ảnh hưởng của tính không hoàn hảo trong hình dáng ban đầu và sự phụ thuộc nhiệt độ của các tính chất vật liệu.
3. Phân tích ổn định tĩnh và động lực phi tuyến của vỏ thoải hai độ cong FGM không hoàn hảo có gân gia cường khi chúng chịu sự tác động của tải cơ học, tải nhiệt, và tải cơ – nhiệt kết hợp bằng lý thuyết vỏ biến dạng trượt bậc ba.
4. Phân tích đáp ứng động lực phi tuyến của vỏ thoải hai độ cong FGM không hoàn hảo không gân gia cường được tích hợp thêm hai lớp áp điện ở mặt trên và dưới của vỏ sử dụng lý thuyết vỏ biến dạng trượt bậc ba trong trường hợp vỏ chịu sự tác dụng của tổng hợp các tải cơ, nhiệt và điện.
CHƯƠNG 2
PHÂN TÍCH ỔN ĐỊNH TĨNH VÀ ĐÁP ỨNG ĐỘNG LỰC PHI TUYẾN CỦA VỎ THOẢI HAI ĐỘ CONG FGM KHÔNG HOÀN
HẢO KHÔNG GÂN GIA CƯỜNG SỬ DỤNG LÝ THUYẾT VỎ CỔ ĐIỂN
Chương này trình bày các nghiên cứu về ổn định tĩnh và động lực phi tuyến của vỏ thoải hai độ cong FGM tựa bản lề trên bốn cạnh chịu các điều kiện tải trọng khác nhau bao gồm tải nén cơ học, áp lực ngoài phân bố đều trên bề mặt vỏ, tải nhiệt và tải cơ – nhiệt tác dụng đồng thời. Các bài toán này được đặt theo ứng suất và các phương trình cơ bản bao gồm phương trình chuyển động (cân bằng) và phương trình tương thích biến dạng được dẫn bằng lý thuyết vỏ cổ điển có kể đến ảnh hưởng của tính phi tuyến hình học von Karman và sự không hoàn hảo trong hình dáng vỏ. Luận án sử dụng tiêu chuẩn cân bằng dạng tĩnh học [3], phương pháp Bubnov – Galerkin [2] và phương pháp Runge – Kutta [7] để dẫn ra các biểu thức giải tích biểu diễn mối quan hệ phi tuyến giữa tải trọng – biên độ độ võng, biên độ độ võng – thời gian và biên độ – tần số. Sau đó các biểu thức tải này sẽ được sử dụng để xác định các tải tới hạn (nếu tồn tại) và dự đoán xu hướng ứng xử của vỏ. Ảnh hưởng của tính chất vật liệu, các tham số hình học, nền đàn hồi, gia số nhiệt độ, tính không hoàn hảo hình dáng ban đầu lên đáp ứng phi tuyến của vỏ thoải hai độ cong FGM cũng được nghiên cứu cụ thể trong chương này.
Các kết quả chính được công bố trong ba bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI [1-3]* với tổng cộng 39 trích dẫn theo Google Scholar, ở đây dấu * để chỉ bài báo trong danh mục công trình tác giả liên quan đến luận án.