Về bản chất và chức năng của nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin về nhà nước xã hội chủ nghĩa và việc vận dụng để xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam hiện nay (Trang 28 - 33)

1.1. Quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin về nhà nước

1.1.2.Về bản chất và chức năng của nhà nước

Ngay từ thời cổ đại đã xuất hiện quan niệm của các nhà tư tưởng với những cách thức tiếp cận khác nhau về vấn đề bản chất của nhà nước. Những cách tiếp cận này tuỳ thuộc vào thế giới quan của họ. Chẳng hạn, cả ở phương Đông và phương Tây, khi quy nguồn gốc nhà nước về nguồn gốc siêu nhiên, thì bản chất nhà nước tất nhiên cũng được hiểu là bản chất siêu nhiên nằm bên ngoài xã hội loài người. Tất cả là do “ý Chúa”, "ý Trời" chứ không phải xuất phát từ con người và lợi ích của họ. Còn theo quan điểm của những người

theo thuyết “khế ước xã hội”, thì nhà nước là đại diện cho lợi ích chung, nhà nước mang bản chất xã hội và tính nhân dân; chức năng của nó là bảo vệ và phục vụ lợi ích của tất cả các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội.

Trong điều kiện CNTB, bản chất xã hội, chức năng phục vụ và bảo vệ xã hội của nhà nước ngày càng được nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn. Tuy vậy, theo quan điểm này, bản chất xã hội của nhà nước chỉ được hiểu là bản chất nhân dân, còn nhà nước thì được hiểu là hiện tượng phi giai cấp.

Xã hội tư bản càng phát triển, quan niệm về nhà nước càng đa dạng. Trong xã hội tư sản hiện đại, hình thành những quan điểm mới về nhà nước như “nhà nước phúc lợi chung”, “nhà nước dân chủ đa nguyên”…

Theo quan điểm của lý thuyết “Nhà nước phúc lợi chung”, nhà nước có khả năng điều chỉnh, can thiệp vào các quan hệ kinh tế - xã hội, nhờ đó có thể giải quyết được các vấn đề xã hội, chịu trách nhiệm và quan tâm chung đến sự phát triển xã hội, phục vụ cho sự hưng thịnh chung của xã hội và từng cá nhân - thành viên của xã hội. Nhà nước ấy không phân biệt đối xử với mọi giai cấp, tầng lớp, chỉ chăm lo đến lợi ích chung của tất cả. Như vậy, nhà nước dường như không có tính giai cấp, nhà nước không phải là công cụ thống trị giai cấp mà là tổ chức “phúc lợi chung” phục vụ cho các giá trị nhân đạo của xã hội và cá nhân.

Quan điểm của lý thuyết “dân chủ đa nguyên” lại xuất phát từ chỗ cho rằng, trong xã hội tư sản hiện đại đang diễn ra sự “khuếch tán” quyền lực - tức là quyền lực không chỉ được thực hiện bởi nhà nước, mà còn bằng các tổ chức của xã hội. Nhà nước không còn là trung tâm của quyền lực chính trị mà chỉ có vai trò như một trong những tổ chức bình đẳng với các hình thức tổ chức khác nhằm thể hiện chủ quyền nhân dân. Đây là cơ sở lý luận cho việc cải cách nhà nước nhằm thay đổi quan hệ đối kháng giữa tư sản với người lao động.

Tất cả các quan điểm trên đều bị hạn chế về mặt lịch sử và thế giới quan nên không giải thích được đúng đắn và khoa học nhiều vấn đề liên quan đến hiện tượng nhà nước. Các quan điểm đó hoặc lảng tránh việc đề cập bản chất giai cấp hoặc giải thích sai lầm về bản chất của nhà nước.

Trong rất nhiều tác phẩm của mình, Mác và Ăngghen đã chỉ rõ bản chất của nhà nước là một bộ máy để duy trì sự thống trị của một giai cấp này đối với một giai cấp khác, là công cụ mà giai cấp thống trị dùng để bảo vệ lợi ích của mình và áp bức bóc lột các giai cấp bị áp bức. Ăngghen viết:

Vì nhà nước nảy sinh ra từ nhu cầu phải kiềm chế những sự đối lập giai cấp; vì nhà nước đồng thời cũng nảy sinh ra giữa cuộc xung đột của các giai cấp ấy, cho nên theo lệ thường, nhà nước là nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, của giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước mà cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị và do đó có thêm được những phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp bị áp bức[70, tr. 255].

Nghiên cứu về các kiểu nhà nước trong lịch sử, về mối quan hệ giữa quyền mà công dân được hưởng với tài sản mà họ có cũng góp phần khẳng định bản chất giai cấp của nhà nước. Về vấn đề này, Ăngghen cho rằng: “Trong đa số những nhà nước đã từng tồn tại trong lịch sử, những quyền ban cho công dân còn tỉ lệ với tài sản của họ, và điều đó trực tiếp nói lên rằng nhà nước là tổ chức của giai cấp hữu sản, dùng để bảo vệ giai cấp này chống lại giai cấp không có của” [70, tr. 256]. Kết luận về bản chất giai cấp của nhà nước, Ăngghen viết: “Cái lực lượng cố kết xã hội văn minh là nhà nước, nhà nước này, trong tất cả những thời kỳ điển hình, vẫn chỉ là nhà nước của giai cấp thống trị, và trong mọi trường hợp về thực chất, vẫn là bộ máy dùng để đàn áp giai cấp bị áp bức, bị bóc lột” [70, tr. 261].

V.I. Lênin đã nghiên cứu, phát triển tư tưởng của Mác, Ăngghen về bản chất nhà nước và khẳng định, về bản chất, “Nhà nước không phải là cái gì khác hơn là một bộ máy đàn áp của một giai cấp này đối với một giai cấp khác” [49, tr. 328]. Người cũng nhấn mạnh, nhà nước luôn mang tính giai cấp, đồng thời phê phán quan điểm của các nhà tư tưởng tư sản cho rằng nhà nước là một cơ quan điều hoà đối kháng giai cấp. Lênin chỉ ra rằng, nhà nước ra đời từ nhu cầu kiềm chế xung đột giai cấp và cũng đồng thời từ chính xung đột giai cấp ấy, nên tất nhiên đó là nhà nước của giai cấp chiếm địa vị thống trị về kinh tế, giai cấp này nhờ có nhà nước mà trở thành giai cấp chiếm địa vị thống trị về chính trị, cũng do đó mà có phương tiện mới để áp bức và bóc lột giai cấp bị áp bức.

Như vậy, công lao của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin chính là đã phát hiện ra bản chất giai cấp của nhà nước. Bản chất này đã bị các nhà tư tưởng trước Mác vô tình hoặc cố ý xuyên tạc nhằm biện hộ cho sự tồn tại của nhà nước của giai cấp bóc lột, làm cho vấn đề nhà nước trở nên phức tạp và không thể tìm ra con đường khắc phục một cách căn bản những khuyết tật vốn có của nhà nước. Tuy nhiên, một điều cũng cần làm rõ là tại sao vấn đề bản chất nhà nước lại khó nhận thức đến như vậy, khiến người ta có thể giải thích về nó một cách sai lầm do vô tình hoặc cố ý. Ngoài những thủ đoạn của các giai cấp bóc lột thống trị, có thể tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó khi xác định được chức năng của nhà nước. Mặc dù nhà nước là của một giai cấp,

nhưng với tư cách là nhà nước nó đồng thời phải là người đại diện cho xã hội. Thành thử nhà nước nào cũng đều phải có hai chức năng cơ bản: Chức năng thống trị chính trị của giai cấp (chức năng giai cấp) và chức năng xã hội.

Chức năng thống trị chính trị là chức năng chuyên chính của một giai

cấp nhất định - nhà nước sử dụng mọi công cụ, mọi biện pháp có thể có để bảo vệ lợi ích và vai trò thống trị của giai cấp đó. Để thực hiện chức năng này,

nhà nước phải xác lập và củng cố cơ sở kinh tế của giai cấp cầm quyền, làm cho hệ thống quan hệ sản xuất mà giai cấp đó là người đại diện nắm vai trò chi phối; phải xác lập và củng cố hệ tư tưởng của giai cấp thống trị, làm cho hệ tư tưởng này chi phối đời sống tinh thần của xã hội; sẵn sàng trấn áp mọi sự phản kháng ở trong nước lẫn ngoài nước để bảo vệ sự tồn tại của nhà nứơc đó. Thực hiện chức năng này, các nhà nước Chủ nô, Phong kiến, Tư sản đều ra sức củng cố bộ máy cưỡng bức, sẵn sàng trấn áp dã man các cuộc đấu tranh của quần chúng lao động.

Chức năng xã hội của nhà nước là thực hiện việc quản lý và đảm

nhiệm một số công việc chung của toàn xã hội, những hoạt động chung vì sự tồn tại và phát triển của cả cộng đồng; nó phải đóng vai trò là cơ quan công quyền giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội để làm dịu sự xung đột giai cấp, nhằm làm cho xã hội tồn tại trong vòng trật tự xác định. Trong các xã hội có giai cấp đối kháng, để giữ được vai trò thống trị, giai cấp thống trị nào cũng buộc phải nhân danh xã hội mà quản lý những công việc chung. Việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề chung của xã hội sẽ giúp giai cấp thống trị giữ vững được địa vị cầm quyền. Như vậy, việc thực hiện chức năng xã hội của giai cấp cầm quyền là điều kiện để nhà nước đó thực hiện được vai trò thống trị giai cấp của nó. Nói về mối quan hệ biện chứng giữa hai chức năng này, Ph. Ăngghen viết: “ở khắp nơi, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện chức năng xã hội của nó” [69, tr. 253]. Chính chức năng xã hội của nhà nước làm cho nó trở thành tổ chức công quyền, là bệ đỡ cho sự thống trị của nhà nước đối với xã hội, điều này đã làm cho người ta lầm tưởng rằng nhà nước, xét về bản chất, là lực lượng phi giai cấp; các giai cấp cầm quyền cũng dựa vào chức năng này để biện hộ cho các hoạt động có tính nhà nước vì lợi ích của giai cấp mình, và vấn đề bản chất của nhà nước luôn trở thành một nội

dung quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng giữa những người mácxít và không mácxít. Xã hội càng phát triển thì chức năng xã hội của nhà nước càng được mở rộng. Chức năng xã hội nổi bật của nhà nước Chủ nô, nhà nước Phong kiến là bảo vệ biên giới quốc gia; đưa ra một số chính sách xã hội khi các mâu thuẫn xã hội trở nên quá gay gắt như: "hạn điền", "hạn nô"…Trong những thời kỳ thịnh trị, nhà nước cũng có ban bố một số chính sách để khuyến khích phát triển kinh tế, thương mại. Song từ khi nhà nước Tư sản ra đời, chức năng xã hội của nhà nước ngày càng được mở rộng trên các lĩnh vực của đời sống - xã hội, đặc biệt là kinh tế - xã hội.

Về mặt kinh tế, nhà nước Tư sản đã có sự điều chỉnh quan trọng về quan hệ sản xuất. Từ việc bỏ mặc nền kinh tế cho sự điều tiết hoàn toàn của thị trường theo cơ chế "bàn tay vô hình", nhà nước này đã trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý hoặc chi phối sự phát triển của kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục…Việc xã hội hoá sản xuất trong các nước TBCN dưới các hình thức quốc doanh, hợp tác xã, công ty cổ phần…có sự can thiệp đáng kể của nhà nước.

Do những tất yếu kinh tế quy định mà tính dân chủ của nhà nước TBCN cũng được mở rộng hơn. Mác, Ăngghen, Lênin đều thấy rõ tính chất tiến bộ của xã hội tư bản so với các xã hội trước. Xã hội tư bản chẳng những đã tạo ra những tiền đề vật chất cho CNXH mà còn tạo cả những tiền đề dân chủ cho nhà nước vô sản sau này. Chính vì vậy, Lênin đã yêu cầu trong điều kiện giai cấp vô sản chưa nắm được chính quyền thì cần tham gia đấu tranh để thúc đẩy sự phát triển của dân chủ tư sản. Dân chủ tư sản phát triển càng cao thì điều kiện ra đời của dân chủ vô sản càng thuận lợi. Đây là những tư tưởng hết sức sáng suốt của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước vô sản - nhà nước XHCN, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của các ông.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin về nhà nước xã hội chủ nghĩa và việc vận dụng để xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam hiện nay (Trang 28 - 33)