Về bản chất của nhà nước XHCN

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin về nhà nước xã hội chủ nghĩa và việc vận dụng để xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam hiện nay (Trang 33 - 46)

1.2. Quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin về nhà nước XHCN

1.2.1.Về bản chất của nhà nước XHCN

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác luôn khẳng định bản chất giai cấp của nhà nước vô sản thể hiện ở chỗ, nhà nước đó do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân, thực hiện dân chủ thực sự với nhân dân, bảo vệ quyền lợi, lợi ích của nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Bản chất này do cơ sở kinh tế và chế độ chính trị xã hội của CNXH quy định.

Từ bài học công xã Pari, Mác cho rằng để thiết lập xã hội mới, giai cấp công nhân phải đập tan bộ máy nhà nước cũ và thay thế nó bằng bộ máy nhà nước của bản thân họ. Trong tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”, Mác đã chỉ ra rằng Công xã Pari về thực chất là “Chính phủ của giai cấp công nhân”. Việc thành lập Công xã có nghĩa là quần chúng nhân dân, tức là xã hội đoạt lại quyền lực nhà nước, biến nó từ chỗ là lực lượng thống trị xã hội, áp bức xã hội thành sức sống của bản thân xã hội. Đó chính là hình thức chính trị mà quần chúng nhân dân đã giành được để giải phóng cho xã hội. Mác viết: “Bí quyết thật sự của công xã là ở chỗ: về thực chất nó là một Chính phủ của giai cấp công nhân, là kết quả của cuộc đấu tranh của giai cấp những người sản xuất chống lại giai cấp chiếm đoạt, là hình thức chính trị rốt cuộc đã tìm ra được khiến cho có thể thực hiện được việc giải phóng lao động về mặt kinh tế” [66, tr. 454].

Nhà nước là công cụ chuyên chính của một giai cấp, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nhà nước vô sản, nhưng như thế không có nghĩa nhà nước vô sản là tổ chức riêng của giai cấp công nhân mà thực chất nó là tổ chức để toàn thể nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ của mình. Nhân dân là người bầu ra và giám sát những người trong bộ máy nhà nước để thay thế quan lại của chế độ cũ, và những người đó có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào, căn cứ vào quyết nghị của những cử tri đã bầu ra họ. Và "Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, thì một thể liên hợp xuất hiện, trong đó sự phát triển tự do của

mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người" [63, tr.628]. Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, nói về sự khác biệt bản chất của nhà nước vô sản với nhà nước tư sản, Mác, Ăngghen viết: "Giai cấp vô sản sẽ dùng ưu thế chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng số lượng những lực lượng sản xuất lên hết sức nhanh" [63, tr. 626].

Đây là những tư tưởng rất sớm của Mác, đã thể hiện khá rõ quan điểm về một nhà nước khác hẳn về bản chất với các kiểu nhà nước trước đây. Đó là kiểu nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, nhưng đại diện cho lợi ích của đại đa số những người lao động. Đặc điểm này của nhà nước vô sản là một tất yếu, sự tất yếu đó bắt nguồn từ bản chất của phong trào vô sản. Mác viết: “Tất cả những phong trào lịch sử, từ trước đến nay, đều là do thiểu số thực hiện, hoặc đều mưu lợi ích cho thiểu số. Phong trào vô sản là phong trào độc lập của khối đại đa số, mưu lợi ích cho khối đại đa số” [63, tr.611].

Trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa đế quốc, cuộc cách mạng vô sản đã trở thành trực tiếp, và đặc biệt là từ thực tiễn xây dựng nhà nước vô sản sau cách mạng Tháng Mười, Lênin là người đã phát triển lý luận của Mác, Ăng ghen về vấn đề nhà nước và nhà nước vô sản, vận dụng sáng tạo lý luận đó vào hoàn cảnh cụ thể của nước Nga, tìm kiếm mô hình nhà nước phù hợp với nước Nga. Tư tưởng về nhà nước của Lênin được thể hiện tập trung nhất trong các tác phẩm: “Nhà nước và cách mạng”, “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết”, “Kinh tế chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản”...Theo Lênin, trong thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH có thể có nhiều hình thức nhà nước, nhưng tất cả các hình thức đó đều mang một bản chất duy nhất - bản chất giai cấp công nhân, là

chuyên chính vô sản: "Bước chuyển từ CNTB lên CNCS, cố nhiên không thể không đem lại rất nhiều hình thức chính trị khác nhau, nhưng thực chất của những hình thức ấy tất nhiên sẽ chỉ là một, tức là: chuyên chính vô sản" [48, tr. 44].

Lênin đánh giá rất cao tư tưởng của Mác về hình thức của CCVS khi tổng kết kinh nghiệm Công xã Pari. Từ đó, trong lãnh đạo cách mạng vô sản Nga, Lênin lại phát hiện thêm rằng hình thức tổ chức cụ thể của CCVS đó là Xô viết. Đây là một đóng góp quan trọng vào học thuyết về CCVS. Xô viết là một loại cơ quan lãnh đạo khởi nghĩa do quần chúng công nhân sáng lập ra trong quá trình cách mạng Nga 1905. Ngay lúc đó, Lênin đã gọi Xô viết là nền móng của chính quyền cách mạng. Tháng 4/1917, trong “Luận cương tháng tư” nổi tiếng, Lênin đã xác định: không cần nước cộng hoà theo chế độ

đại nghị, mà phải thiết lập nước cộng hoà do các Xô viết đại biểu công nhân, binh sĩ và nông dân toàn quốc được tổ chức từ dưới lên. Ông viết:

Nhân dân cần có chế độ cộng hoà để cho quần chúng được giáo dục về dân chủ. Điều cần thiết không phải chỉ là cơ quan đại biểu theo kiểu chế độ dân chủ, mà là toàn bộ việc quản lý nhà nước từ dưới lên phải do bản thân quần chúng tổ chức, quần chúng thực sự tham gia vào từng bước của cuộc sống và đóng vai trò tích cực trong việc quản lý. Thay thế các cơ quan áp bức cũ: cảnh sát, bọn quan lại, quân đội thường trực bằng vũ trang toàn dân, bằng một đội dân cảnh thực sự toàn dân, - đó là biện pháp duy nhất để đảm bảo một cách tốt nhất cho nhà nước tránh khỏi sự phục hồi chế độ quân chủ và làm cho nước nhà có khả năng đi lên CNXH một cách có kế hoạch, vững chắc và kiên quyết chứ không “đưa” CNXH từ trên xuống, mà bồi dưỡng cho đông đảo quần chúng vô sản và nửa vô sản biết nghệ thuật quản

lý nhà nước và điều khiển toàn bộ chính quyền nhà nước [47, tr. 356].

Đây là sự bổ sung, phát triển quan trọng thứ nhất của Lênin đối với quan điểm của Mác về hình thức và bản chất của CCVS. Ở nước Nga lúc đó, giai cấp vô sản chỉ là thiểu số, nông dân chiếm đại đa số dân cư. Do tình hình như vậy, việc xây dựng, duy trì liên minh công nông là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của CCVS, liên minh vững chắc là yếu tố quyết định sự sống còn của nhà nước cộng hoà xô viết. Lênin khẳng định: “Chừng nào cách mạng chưa nổ ra ở các nước khác, thì chỉ có thoả thuận với nông dân mới có thể cứu vãn được cuộc cách mạng XHCN ở Nga” [53, tr. 70]. Liên minh này là lực lượng chính, là trụ cột của chính quyền Xô viết, là cái sẽ bảo đảm cho chính quyền Xô viết hoàn thành được nhiệm vụ cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Chính vì vậy, theo kết luận của Lênin, ở nước Nga lúc này: “CCVS là một hình thức đặc biệt của liên minh giai cấp giữa giai cấp vô sản, đội tiên phong của những người lao động, với đông đảo những tầng lớp lao động không phải vô sản (tiểu tư sản, tiểu chủ, nông dân, trí thức,v.v…), hoặc với phần lớn những tầng lớp đó, liên minh nhằm chống lại tư bản…” [50, tr. 452]. Như vậy, CCVS không phải chỉ là chuyên chính thuần tuý của một giai cấp mà là chuyên chính của cả một lực lượng xã hội rộng lớn, của quần chúng lao động nhằm chống lại sự chống đối của một giai cấp duy nhất - giai cấp tư sản. Đó là một sự phát triển đặc biệt quan trọng của Lênin về vấn đề nhà nước vô sản, nhà nước XHCN.

Thắng lợi của cách mạng Tháng Mười và việc thiết lập chính quyền Xô viết đã chứng minh trên thực tế quan điểm của Lênin: Xô viết là hình thức tốt nhất của CCVS. Từ đó, Lênin khẳng định rằng: mỗi dân tộc, khi

quá độ lên CNXH, phải sáng tạo ra những hình thức tổ chức nhà nước vô sản thích hợp với đặc điểm của dân tộc mình. Bởi vì, theo ông, mọi dân tộc

đều sẽ đi lên CNXH, đó là điều mang tính quy luật, nhưng cách đi cụ thể của mỗi dân tộc thì không hoàn toàn giống nhau do chỗ mỗi dân tộc, quốc gia đều có những đặc điểm, hoàn cảnh lịch sử cụ thể hết sức phong phú và đa dạng. Cho nên, Lênin luôn khẳng định Xô viết là hình thức tốt nhất của CCVS ở nước Nga. Người luôn nhắc nhở những người cộng sản ở các nước phương Đông không nên sao chép một cách máy móc kinh nghiệm của nước Nga mà phải nắm vững đặc điểm của dân tộc mình để xác định đúng hình thức cụ thể của cách mạng và chính quyền của nước mình. Đây là

điểm bổ sung, phát triển lớn thứ hai của Lênin đối với chủ nghĩa Mác về hình thức của CCVS và việc vận dụng nó như thế nào ở các dân tộc khác nhau, nhất là các dân tộc phương Đông - một sự bổ sung và là một chỉ dẫn có tính chất phương pháp luận quan trọng trong lý luận và thực tiễn cách mạng của giai cấp vô sản.

Lênin cho rằng nhà nước Xô viết là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, nhưng là nhà nước có tính nhân dân cao nhất bởi vì:

Thứ nhất, Nhà nước Xô viết là nhà nước duy nhất trong lịch sử có thể đảm bảo dân chủ thực sự cho toàn thể nhân dân lao động. Lênin chỉ rõ rằng, chỉ có trong nhà nước Xô viết, đại đa số quần chúng nhân dân lao động - những người không được tham gia công việc quản lý nhà nước trong các xã hội có đối kháng giai cấp trước đây mới có quyền và có thể thực sự tham gia công việc nhà nước. Chỉ khi nào nhà nước của giai cấp công nhân được thiết lập, thay thế hoàn toàn nhà nước của các giai cấp bóc lột thì quần chúng lao động mới thực sự có thể tham gia quản lý nhà nước đồng thời chỉ trong qúa trình tham gia hoạt động của nhà nước XHCN, quần chúng lao động mới học tập được phương thức xây dựng xã hội mới, xã hội XHCN. Nhấn mạnh mặt dân chủ khi nói về thực chất của CCVS, Lênin cho rằng dân chủ tư sản tuy là một bước tiến bộ lớn trong lịch sử so với chế độ phong kiến, nhưng dưới chế

độ TBCN, nó vẫn chỉ là dân chủ cho thiểu số, là “thiên đường” đối với người giầu nhưng không đem lại dân chủ thực chất cho nhân dân, bởi vì nhân dân chưa được làm chủ về kinh tế. Chính quyền Xô viết là một hình thức của dân chủ vô sản, thông qua việc đem lại và tạo dựng cho đại bộ phận nhân dân quyền làm chủ trong sản xuất đã xây dựng cơ sở cho một chế độ dân chủ thực sự. Ông viết: “Chế độ dân chủ vô sản so với bất cứ chế độ dân chủ tư sản nào cũng dân chủ hơn gấp triệu lần; chính quyền Xô viết so với nước cộng hoà tư sản dân chủ nhất thì cũng dân chủ hơn gấp triệu lần” [49, tr. 312, 313].

Theo quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, Nhà nước XHCN thực chất là chính quyền của nhân dân, vì thế trong nhà nước ấy, nền dân chủ phải là nền dân chủ đầy đủ nhất, rộng rãi nhất và thực chất nhất - đó là nền dân chủ bao quát toàn diện mọi lĩnh vực đời sống xã hội và lấy dân chủ trong lĩnh vực kinh tế làm nền tảng. CNXH sẽ không thể tồn tại và phát triển được, nếu thiếu dân chủ, thiếu sự thực hiện một cách đầy đủ và mở rộng không ngừng dân chủ: “Phát triển dân chủ đến cùng, tìm ra những hình thức của sự phát triển ấy, đem thí nghiệm những hình thức ấy trong thực tiễn...” [34, tr. 97], được V.I. Lênin coi là một trong những nhiệm vụ cấu thành của cách mạng XHCN, là một vấn đề có tính quy luật của sự phát triển và hoàn thiện nhà nước vô sản.

Thứ hai, Nhà nước Xô viết có cơ chế hợp lý bảo đảm cho nhân dân thực sự tham gia quản lý nhà nước, thực sự có quyền lựa chọn những đại biểu xứng đáng của mình bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước; có quyền, có khả năng và có điều kiện thực tế để kiểm tra, giám sát các cán bộ và cơ quan nhà nước, bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra khi họ không còn xứng đáng nữa.

Các luận điểm trên đây của Mác, Ăngghen, Lênin về bản chất nhà nước vô sản là lý luận bước đầu được khái quát từ thực tiễn Công xã Pari trước đây

và thực tiễn nước Nga những năm 20 của thế kỷ XX. Cho đến nay thực tiễn thế giới nói chung, thực tiễn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói riêng đã có rất nhiều biến đổi. Thực tế đã chỉ ra rằng không phải khi nhà nước vô sản được thiết lập là nền dân chủ tự nhiên sẽ được xây dựng, duy trì và phát triển ngày càng cao, điều này cũng đã được Mác, Ăngghen, Lênin tính tới. Ngay trong khi đánh giá cao tính ưu việt của mô hình nhà nước Công xã Pari và nhà nước Xô viết, các nhà kinh điển cũng chỉ ra những hạn chế của chúng. Đơn giản là vì, các nhà nước này không thể ngay lập tức hoàn toàn đoạn tuyệt với tất cả những “thói hư, tật xấu” trong nhà nước cũ. Mặt khác, khi tổng kết về “Công xã Pari”, Mác và Ăngghen đã nhận thấy nhà nước vô sản mặc dù khác về bản chất với nhà nước của các giai cấp bóc lột, song với tư cách là một nhà nước, trong bản thân nó vẫn có thể nảy sinh các tư tưởng quan liêu hoá, đặc quyền, đặc lợi. Do đó, cần phải có những cơ chế cần thiết để hạn chế hoặc loại bỏ những hiện tượng này, ngăn ngừa tình trạng nhà nước từ chỗ là công bộc của nhân dân lại trở thành các ông chủ “đứng trên” đầu nhân dân, tình trạng biến các chức vụ trong bộ máy nhà nước thành phương tiện để thăng quan phát tài, kiếm chác bổng lộc…

Từ đó, các ông đã nêu lên phương pháp ngăn ngừa sự tha hoá quyền lực của bộ máy nhà nước: có thể bầu cử và bãi miễn các viên chức, công chức nhà nước bất cứ lúc nào; không cho phép biến các chức vụ của bộ máy hành chính nhà nước thành đặc quyền, đặc lợi của một số cá nhân. Mác thấy cần phải trả lương cho các viên chức, công chức nhà nước từ cấp cao nhất của Công xã đến các nhân viên cấp thấp nhất ngang bằng lương công nhân bậc cao nhằm đề phòng tình trạng chạy chọt chức tước, địa vị, ngăn chặn chủ nghĩa thăng quan phát tài - quyền lực. Đồng thời dẹp bỏ đặc quyền, đặc lợi, phụ cấp do chức vụ đem lại [63, tr. 449]. Các biện pháp này được nêu ra xuất phát từ thực tiễn của công xã Pari - thực tiễn diễn ra trong một phạm vi hẹp và

trong một thời gian ngắn. Đó mới chỉ là những giải pháp mang tính định hướng ban đầu. Hoàn cảnh đó chưa cho phép các ông có thể bàn một cách cụ thể và chi tiết đến phương thức tổ chức, vận hành của bộ máy nhà nước vô sản cũng như cơ chế thực hiện quyền lực để đảm bảo trong nhà nước ấy, mọi

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin về nhà nước xã hội chủ nghĩa và việc vận dụng để xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam hiện nay (Trang 33 - 46)