Thành tựu và một số hạn chế của tiến trình xây dựng nhà nước của

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin về nhà nước xã hội chủ nghĩa và việc vận dụng để xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam hiện nay (Trang 100 - 184)

2.2. Tiến trình nhận thức và triển khai xây dựng nhà nước của dân, do dân,

2.2.2.Thành tựu và một số hạn chế của tiến trình xây dựng nhà nước của

Quán triệt tư tưởng các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi vấn đề nhà nước và việc xây dựng nhà nước là một nhiệm vụ quan trọng nhằm làm cho Nhà nước ta thực sự là cột trụ của hệ thống chính trị, là công cụ chủ yếu của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc xây dựng xã hội theo định hướng XHCN. Trong quá trình lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam càng đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng Nhà nước. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới được tiến hành trên cơ sở củng cố, đổi mới các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để đảm bảo tính chất giai cấp công nhân và tính dân chủ của nhà nước. Đối với cơ quan lập pháp là Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 chỉ rõ, Quốc hội có một số quyền hạn cơ bản sau đây:

- Là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, cơ quan quyết định những vấn đề đối nội, đối ngoại cơ bản.

- Là cơ quan quyết định các vấn đề tổ chức lớn nhất, cơ quan thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả quản lý xã hội của nhà nước, trong thời kỳ đổi mới, Đảng cộng sản Việt Nam hết sức chú ý đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước. Việc đổi mới này tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, nâng cao vai trò lập pháp của Quốc hội. Hoạt động của Quốc

hội, Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng phát huy dân chủ, khắc phục dần bệnh hình thức. Chất lượng các kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cũng ngày càng được nâng cao, thiết thực nhằm vào những mục tiêu hết sức cụ thể, những vấn đề bức xúc của đời sống và các lĩnh vực khác. Về vai trò, hoạt động và vị trí của Quốc hội, Hiến pháp 1992 (Điều 83) nêu rõ:

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản vế đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước. [25, tr. 44].

Nhiều nghiên cứu về lý luận cũng như trong cách hiểu của đông đảo các bộ phận dân cư trước đây vẫn chưa xác định được rõ và đúng những đặc điểm lớn đó của Quốc hội. Có xu hướng chỉ đề cập đến Quốc hội như là cơ quan lập pháp, thực hiện quyền lập pháp, thậm chí đặt vấn đề xếp ngang hàng

ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Kể cả một số văn bản pháp luật như Luật tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội… ban hành trước đây cũng chưa có những quy định cụ thể, tỉ mỉ và đầy đủ về từng đặc điểm và chức năng của Quốc hội. Để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong việc ra các đạo luật cần thiết để điều hành đất nước. Quốc hội đã ban hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001; Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 và khá nhiều văn bản pháp quy khác. Nhiều đạo luật quan trọng đã được nhà nước ta ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Trong số này có những đạo luật lần đầu tiên xuất hiện như Bộ luật lao động năm 1994 (sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006); Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2000). Rất nhiều các đạo luật khác được xây dựng, ban hành trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, đã thường xuyên được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. Chẳng hạn, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 (sửa đổi bổ sung năm 2002); Luật đất đai được ban hành mới tháng 11/2003; Bộ luật hình sự ban hành năm 1999; Bộ luật tố tụng hình sự được ban hành mới tháng 11/2003; Bộ luật dân sự được ban hành mới tháng 6/2005… Trong hệ thống pháp luật nước ta, các pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ và cơ quan nhà nước ngang Bộ cũng có vị trí rất quan trọng. Chúng cũng được xây dựng, ban hành, bổ sung, sửa đổi trên cơ sở nghiên cứu công phu hơn, hệ thống và chi tiết, cụ thể hơn, đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh và quản lý các mặt khác nhau của đời sống xã hội trong điều kiện và tình hình mới. Mối tương quan tất yếu giữa Luật, Pháp lệnh và một số loại văn bản khác được điều chỉnh diễn ra theo hướng: tăng số lượng luật, giảm đến mức có thể các pháp lệnh; có sự kiểm tra, phối hợp trong việc xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật. Trong nội dung điều chỉnh pháp luật,

việc kết hợp các yếu tố quốc gia và quốc tế ngày càng được chú ý. Điều này biểu hiện qua các công việc cụ thể như: ban hành, bổ sung, sửa đổi khá nhiều các luật, văn bản pháp quy liên quan đến các vấn đề về hoạt động cũng như quan hệ quốc tế, ví dụ như Luật ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Pháp lệnh về việc công nhận và thi hành các bản án và quyết định của toà án nước ngoài tại Việt Nam. Những điều chỉnh này đã phần nào đáp ứng yêu cầu đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế; mở cửa, hội nhập theo đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước ta.

Đây có thể coi là bước phát triển lớn trong tiến trình hoàn thiện pháp luật của nước ta, khắc phục dần những bất cập trong điều hành đất nước của các cơ quan nhà nước. Những quy định của pháp luật hiện hành đã cơ bản xác định những nét chính trong quan hệ thứ bậc giữa các cơ quan quyền lực nhà nước, từ đó làm nẩy sinh và định hình rõ nội hàm các khái niệm như: quyền lập hiến và lập pháp; nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước; quan hệ giữa Nhà nước với công dân; quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội đã có chuyển biến lớn từ chỗ hình thức - “giơ tay” là chủ yếu sang hoạt động thực chất - tranh luận, thảo luận và quyết định. Chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội đã đổi mới nhiều theo yêu cầu dân chủ và pháp quyền, có thêm nhiều chế định mới, cách làm mới như có ứng cử viên tự do, hay từ chỗ không có đại biểu chuyên trách đã đi đến có đại biểu chuyên trách và ngày càng tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Quy trình lập pháp, lập quy được dân chủ hoá, khoa học hoá. Quốc hội thực hiện chức năng của mình theo luật và đặt mình dưới pháp luật…

Hai là, đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan hành pháp. Tổ chức,

hoạt động và điều hành của Chính phủ từng bước được đổi mới, tập trung vào công việc quản lý vĩ mô nhưng vẫn chỉ đạo thực hiện rất sâu sát, kịp thời. Chức năng quản lý nhà nước ngày càng được phân biệt rõ với chức năng quản lý sản

xuất - kinh doanh. Những cải tiến bước đầu về thể chế, đồng thời với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước đã tạo được những thay đổi theo hướng tích cực trong hoạt động hành pháp. Đã có những đổi mới cơ bản và rõ rệt trong cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Chính phủ. Về cơ cấu tổ chức, đã điều chỉnh theo hướng thu gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, chẳng hạn như sát nhập nhiều bộ với nhau, làm chức năng quản lý hành chính đa ngành, đa lĩnh vực… Cơ chế hoạt động của Chính phủ cũng có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, chỉ chủ yếu quản lý ở tầm vĩ mô thông qua chính sách, kế hoạch, hệ thống pháp luật; tập trung xây dựng những ngành kinh tế mũi nhọn có sức cạnh tranh cao; tạo được môi trường ổn định cho sản xuất trong nước và đầu tư nước ngoài.

Ba là, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tư pháp. Hệ thống

các cơ quan tư pháp có bước cải tiến mạnh theo yêu cầu dân chủ và pháp quyền. Đã có chiến lược lập pháp đến năm 2020. Toà án nhân dân thực hiện đúng hai cấp xét xử, tuân thủ nguyên tắc “độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật”. Tăng chất lượng tranh tụng ngay tại phiên toà. Toà án nhân dân tối cao tập trung vào công tác tổng kết, hướng dẫn toà án các cấp áp dụng pháp luật thống nhất, làm tốt chức năng giám đốc xét xử, quản lý toà án địa phương ở một số lĩnh vực nhất định. Chất lượng hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân được nâng cao, hướng vào làm tốt chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn tốt. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp và bảo đảm quyền lực của nhân dân, chúng ta đã lập Toà án Hành chính, đang nghiên cứu tiến tới lập Toà án Tư pháp.

Như vậy, có thể nói, từ khi tiến hành đổi mới cho đến nay, tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, chức năng của nhà nước được điều chỉnh một bước cơ bản theo yêu cầu của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Chính phủ

và các cơ quan hành chính các cấp đã có những đổi mới về tổ chức và phương thức điều hành, quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội bằng pháp luật, tập trung vào việc đổi mới và sử dụng có hiệu quả các công cụ quản lý vĩ mô, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương; quyết định đúng đắn và kịp thời một số chính sách tình thế để đẩy lùi lạm phát, khắc phục suy thoái, vượt qua khủng hoảng kinh tế. Vấn đề hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển được chú ý nhiều hơn. Thể chế của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước đang từng bước được hoàn thiện. Khu vực kinh tế nhà nước, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được sắp xếp lại. Hoạt động ngoại giao và kinh tế đối ngoại được mở rộng. Các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, văn hoá, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, và các chính sách xã hội ngày càng được thực hiện tốt.

Một bước chuyển biến quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan nhà nước. Do xác định rõ nhà nước ta là nhà nước XHCN, nhà nước của dân, do dân, vì dân và bản chất giai cấp công nhân được thể hiện trước hết ở sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với nhà nước nên trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không thể không củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước. Đây là nguyên tắc trọng yếu, bất di, bất dịch. Chính nhà nước Xô viết trước đây, khi từ bỏ nguyên tắc này đã phạm sai lầm chiến lược và dẫn tới sự tan rã của của nhà nước. Vì vậy, việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, đảm bảo vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với toàn bộ

hệ thống chính trị. Đảng đặc biệt coi trọng việc đề ra đường lối xây dựng và hoàn thiện nhà nước trong điều kiện mới, đặc biệt là việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.

Thứ hai, Đảng luôn coi trọng việc phát huy tính chủ động sáng tạo, chế

độ trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan nhà nước; từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước theo phương châm: Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước.

Thứ ba, việc đổi mới cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và các

cơ quan nhà nước biểu hiện một cách rõ ràng, cụ thể trên ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng thể hiện trước hết ở việc Đảng đề ra đường lối chiến lược để xây dựng và hoàn thiện nhà nước trong điều kiện mới. Đường lối đó được xem là kim chỉ nam cho việc xây dựng, tổ chức bộ máy và cho các hoạt động của toàn bộ hệ thống nhà nước. Hơn nữa, sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước là lãnh đạo cụ thể trên từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội:

- Lãnh đạo việc đề ra chủ trương, đường lối và chỉ đạo định hướng hoạt động lập pháp.

- Lãnh đạo việc xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ cho công tác lập pháp.

- Lãnh đạo việc ban hành từng đạo luật, pháp lệnh cụ thể.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Chính phủ: Đảng lãnh đạo bằng chủ

trương, đường lối chính sách và bố trí cán bộ chứ không bao biện, làm thay Chính phủ trong tất cả các lĩnh vực của hoạt động hành pháp như kinh tế - xã hội; quốc phòng an ninh; công tác cán bộ… Sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản sau đây:

- Tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của các cấp uỷ Đảng, thực hiện trên cơ sở các cấp uỷ nắm giữ, chỉ đạo các chức vụ chủ chốt của cơ quan hành pháp, nhưng các chức vụ đó khi thực hiện quyền hành pháp phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật và quyết định hành chính của cấp trên,

chịu trách nhiệm về những quyết định điều hành của mình. Bộ máy tham mưu của cấp uỷ không thực hiện cùng điều hành hành chính hoặc thay thế cơ quan hành chính trong điều hành hành chính. Bộ máy Đảng tham mưu cho cấp uỷ đề ra đường lối, chủ trương. Các cơ quan hành chính có thẩm quyền thể chế hoá đường lối chủ trương đó thành chính sách, các quy định cụ thể và hành động bằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính để thực hiện công vụ theo quy định nhà nước.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp cũng có những đổi mới quan trọng:

Trước hết, Đảng quyết định những chủ trương lớn của ngành tư pháp, lãnh đạo phương hướng đổi mới các cơ quan tư pháp. Cơ chế Đảng lãnh đạo, phải gắn liền với việc phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo đúng pháp luật, giữ vững kỷ cương và pháp chế XHCN, ngày càng thực hiện tốt hơn nguyên tắc: toà án các cấp thực hiện công việc xét xử một cách độc lập chỉ tuân theo pháp luật.

Những đổi mới trên đây đã làm cho nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từng bước được hình thành.

- Nhà nước này về bản chất vẫn là nhà nước XHCN. Tính chất giai cấp công nhân của nhà nước vẫn được giữ vững, vì vậy, vẫn kiên định con đường phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin về nhà nước xã hội chủ nghĩa và việc vận dụng để xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam hiện nay (Trang 100 - 184)